Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 25 TN C

Filled under:

SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM - C




Tin mừng Lc 16: 1 - 13


 
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa “ Người quản gia liền nghĩ bụng : “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ !”.“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất : “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?” Người ấy đáp “Một trăm thùng dầu ô-liu”. Anh ta bảo : “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi”. Rồi anh ta hỏi người khác : “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?” Người ấy đáp : “Một ngàn giạ lúa’. Anh ta bảo : “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi”.“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.“Phần Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em ? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”.
 

SUY NIỆM

Tặng phẩm cao quý mà Thiên Chúa tặng ban cho con người chính là sự tự do. Tự do không phải để hành động theo của mình, nhưng theo ý muốn của Đấng Tjao Thành. Bởi Thiên Chúa tạo dựng con người là để mong cho con người đạt tới hạnh phúc. Thế nhưng, Thiên Chúa không muốn cưỡng bức con người hưởng hạnh phúc, nhưng hạnh phúc con người có được do chính mình tự do chọn lấy. Bởi có tự do chọn lựa như thế con người mới thể hiện lòng mến yêu và sự khao khát hạnh phúc do Thiên Chúa tặng ban.
 
Tuy nhiên, tội xuất hiện đã làm vẫn đục tâm trí con người, đã làm cho con người biến ân ban tự do trở thành phương tiện phục vụ cho ý riêng của mình. Và oái oăm thay, ý riêng con người nào có chi tốt lành, nó chỉ chứa đây tà ý, tham lam, ích kỷ, kiêu ngạo, ghanh ghét...., Tự do không còn mang đúng ý nghĩa ban đầu của ân ban, đó là cách thế thể hiện lòng mến yêu sự thiện để sống theo sự thiện. Bị chi phối bởi tội, con người lạm dụng tự do để hành động ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa, để rồi tự do trở thành phương thế xô đẩy con người tới chỗ hủy diệt.
 
Thật vậy, trong thế giới hôm nay, người ta không còn coi Thiên Chúa là cùng đích, là cứu cánh duy nhất của cuộc sống, bên cạnh Thiên Chúa người ta còn tôn thờ một vị Chúa khác, đó là tiền bạc.Quả thật, để hướng dẫn cuộc sống, người ta không còn nói đến một chân lý tối hậu là Thiên Chúa, nhưng người ta còn nói đến nhiều chân lý khác để  hình thành một khái niệm tương đối hóa chân lý. Vì thế, Thiên Chúa không còn là Đấng cậy dựa duy nhất của con người, người ta còn tìm thấy một nơi cậy dựa khác chẳng hạn tiền bạc. Đức Phanxico đã nói: “chúng ta đã tạo ra những thần tượng mới. Việc thờ phượng của con bò vàng ngày xưa đã tìm thấy một hình tượng mới và tàn nhẫn vô tâm trong sự sùng bái tiền bạc và các chế độ độc tài của một nền kinh tế không có khuôn mặt và thiếu mục tiêu thực sự nhân đạo.” Vâng, trong một thê giới tục hóa, người ta đặt tiền bạc ngang hàng với với thần thánh,  có khi còn đứng cao hơn cả thần thánh:


Ông tiền ông Phật, ông Tiên

Ba ông chụm lại, ông tiền cao hơn
 
Và khi so sánh với thế giới tiên phật, thì một mặt nào đó, con người cũng đang nâng tầm tiền bạc lên bậc thần thánh, và coi đó là ông chủ của mình. Thật vậy, một trong nhức nhối của xã hội hôm nay tại Việt Nam nói riêng, và thế giới nói chung chính là nạn tham nhũng. Điều đó nói lên, con người đã lấy tiền bạc làm mục đích của cuộc sống, và người ta tìm mọi cách thế để đạt mục đích nầy. Với một chọn lựa như thế, con người đã kiến tạo nên một nền văn hóa mới, nền văn hóa của sự vô cảm, để rồi mối tương giao giữa người với người không còn được biểu lộ bằng con tim, nhưng bằng những đồng tiền.
 
Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở chúng ta hãy đưa ra một quyết định chọn lựa dứt khoát: ai là ông chủ cuộc đời của chúng ta, Thiên Chúa hay tiền bạc? Và cũng là lời nhắc nhở chúng ta, những Kito hữu, chắc chắn chúng ta tôn thờ một mình Thiên Chúa, ông chủ duy nhất của chúng ta. Nhưng trong thực tế của cuộc sống, hình như chúng ta cũng đang để Thiên Chúa đứng ra bên lề cuộc sống, và hình như mọi ưu tiên của chúng ta là làm sao kiếm được nhiều tiền hơn là tìm mọi phương thế để đạt nhiều ân sủng của Chúa.
 
Lạy Chúa, tiền bạc luôn làm cho chúng con chao đảo, và nhiều khi chúng con bán rẻ lương tâm kito hữu để lấy những đồng tiền vo nghĩa. Có lẽ, đôi khi Chúa cũng đau lòng gạt lệ vì sự chọn lựa sai lầm của chúng con khi chúng con bỏ Chúa chạy theo những đồng tiền phù du. Ước mong sao Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở để chúng con ý thức lại về mối tương giao giữa chúng con với Chúa để chúng con can đảm chỉ biết chọn Chúa làm ông chủ của mình. Amen


Lm. Antôn Hà Văn Minh


Bạn có nghe nói về một người sắp chết trúng số không? Lo lắng anh ta bị kích động quá mức, gia đình người anh đã xin cha xứ của họ nói cho anh ta biết tin vui. Khi cha nói với anh ta rằng anh ta đã trúng 10.000.000 $, người đàn ông trả lời: “Con muốn dâng một nửa cho Nhà thờ”. Cha xứ quá ngạc nhiên đến nỗi cha đã bị nhồi máu cơ tim. Đây là một chuyện đùa nho nhỏ nhưng cho chúng ta thấy rằng tiền bạc có thể có ảnh hưởng rất lớn đến chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay hỏi chúng ta: “Thái độ của bạn đối với tiền bạc là gì?” Đây là một số ý tưởng có thể giúp bạn trả lời câu hỏi đó.
Thứ nhất, có tiền không phải là một cái tội. Nhưng tội chính là ở chỗ lòng yêu mến tiền bạc chia cắt chúng ta với Thiên Chúa. Chúa Giêsu muốn ở chỗ nhất trong cuộc đời của chúng ta – Ngài muốn ở trên tiền bạc và trên những sự sở hữu của chúng ta.
Thứ hai, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy là người quản lý tiền bạc thật tốt. Ngài muốn chúng ta phải khôn ngoan, lương thiện và có trách nhiệm. Chúng ta đừng bao giờ cho phép tính tham lam hay tính bất lương thống trị chúng ta. Thay vào đó, chúng ta hãy sử dụng tiền bạc của chúng ta cách khôn ngoan, hãy đầu tư nó cách khôn ngoan, và hãy quảng đại khi chúng ta có thể.
Thứ ba, hãy dâng hiến cho Giáo Hội và làm những việc bác ái khác, ngay cả nếu chúng ta chỉ cho một số tiền nhỏ, đó là một khía cạnh quan trọng trong cương vị người quản lý. Thánh Kinh mời gọi chúng ta hãy “lắng nghe người nghèo” (Proverbs 12,13). Chúng ta có thể tin chắc rằng bất cứ khi nào chúng ta biết cho đi những của cải ở trần gian của chúng ta, Thiên Chúa sẽ thưởng cho chúng ta những kho tàng trên trời – “chỗ ở vĩnh viễn” (Lc 16,9).
Cuối cùng, hãy nhớ rằng tiền bạc của bạn không phải của bạn; nó thuộc về Thiên Chúa. Giây phút bạn lìa đời, bạn sẽ không còn làm chủ tiền bạc của bạn nữa. Đúng vậy, bạn có thể cho con cái của bạn tiền hay làm việc bác ái. Tuy nhiên, tiền bạc sẽ tuyệt đối vô ích đối với bạn. Cách duy nhất làm cho tiền bạc có giá trị chính là mức độ mà bạn đã sử dụng tiền bạc để giúp đỡ những người khác: gia đình, bạn bè của bạn, Giáo Hội và người nghèo.
Tiền bạc là một đề tài rất phức tạp và mẫn cảm, vì thế hay xin Chúa Thánh Thần giúp bạn học biết cách giữ tiền cho đúng đắn.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy dạy con làm người quản lý tốt”.

Theo the Word Among us
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương