Thứ Hai, 26 tháng 9, 2016

Bài giảng của Đức Phanxicô trong thánh lễ Năm Thánh của các giáo lý viên

Filled under:


Trong bài đọc hai, thư Thánh Phaolô gởi ông Timôtê nhưng cũng là gởi cho chúng ta, Thánh Phaolô đã nhắn nhủ vài điều thiết thân đối với ngài. Trong các lời nhắn nhủ này, ngài xin “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách” (1Tm 6: 14). Ngài nhắn một cách đơn giản. Ngài như muốn cái nhìn chúng ta chỉ gắn vào một điều thiết yếu cho đức tin. Đúng vậy, Thánh Phaolô không nhắn nhiều điểm cũng như nhiều khía cạnh, ngài chỉ nhấn mạnh vào trọng tâm đức tin. Trọng tâm mà mọi sự được quay chung quanh, quả tim mang đời sống đến cho tất cả, đó là lời loan báo sống lại, lời loan báo đầu tiên: Chúa Giêsu đã sống lại; Chúa Giêsu yêu bạn, Chúa Giêsu hiến mạng sống mình; sống lại và sống động, Ngài ở bên cạnh bạn và chờ bạn mỗi ngày. Chúng ta không bao giờ được quên điều này. Trong ngày Năm Thánh của các giáo lý viên, ngài xin chúng ta kiên nhẫn đặt hàng đầu cho sự loan báo chính thức của đức tin: Chúa Giêsu đã sống lại. Không có nội dung nào quan trọng hơn, không có gì vững chắc và thời sự hơn. Mọi nội dung của đức tin trở nên đẹp khi nó gắn kết với trọng tâm này, nếu nó được xuyên qua bằng sự loan báo sự sống lại này. Ngược lại, nếu nó bị cô lập, nó sẽ mất ý nghĩa và sức mạnh. Chúng ta tất cả được gọi để sống và để loan báo tin mới về tình yêu của Chúa: “Chúa Giêsu yêu chúng ta thật sự, yêu con người thật của chúng ta. Chúng ta hãy cho Ngài một chỗ dù chúng ta bị thất vọng, dù chúng ta có các vết thương của cuộc đời, chúng ta hãy để cho Ngài có cơ hội yêu mình. Ngài sẽ không làm chúng ta thất vọng .”
Điều Thánh Phaolô nhắn làm chúng ta nghĩ đến điều răn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15: 12). Chính khi yêu thương mà chúng ta loan báo Thiên Chúa-Tình yêu. Không tìm cách thuyết phục, không áp đặt sự thật, không làm cứng còng các nghĩa vụ tôn giáo hay đạo đức. Thiên Chúa được rao giảng bằng cách gặp mọi người, bằng cách chú ý đến câu chuyện của họ và con đường của họ. Vì Chúa Giêsu không phải là một tư tưởng nhưng là một con người sống động: sứ điệp của Chúa qua chứng tá đơn sơ và thật, qua lắng nghe và đón nhận, qua niềm vui tỏa lan. Chúng ta không nói về Chúa khi buồn, cũng không trao truyền nét đẹp của Chúa chỉ bằng những lời rao giảng đẹp. Thiên Chúa của hy vọng được loan báo bằng cách sống Tin Mừng của đức bác ái, không sợ khi làm chứng dưới các hình thức loan báo mới.
Bài Tin Mừng chúa nhật hôm nay giúp chúng ta hiểu thế nào là yêu và nhất là tránh một vài nguy cơ. Trong dụ ngôn, người nhà giàu không để ý đến ông Ladarô, một người nghèo “ở trước ổng nhà ông” (Lc 16: 20). Thật ra người nhà giàu này không làm hại ai, phúc âm không nói ông xấu. Nhưng ông bị khuyết tật còn lớn hơn cả Ladarô, người “đầy mụn nhọt”: ông bị mờ mắt vì ông không thấy gì ngoài thế giới yến tiệc và áo quần đẹp của ông. Ông không thấy ngoài cánh cửa nhà ông là Ladarô đang nằm, vì ông không quan tâm đến những gì ở bên ngoài. Ông không thấy bằng mắt mình vì ông không cảm nhận bằng quả tim. Thói thời thượng, thói làm mê muội tâm hồn, đã len lỏi vào tâm hồn ông. Thói thời thượng là “lỗ hổng đen” nhận chìm điều tốt, làm tắt ngúm tình yêu vì nó thâu gom tất cả về cái tôi. Khi đó người ta chỉ còn thấy bề ngoài và người ta không còn quan tâm đến người khác, vì họ trở nên dửng dưng với tất cả mọi sự. Thường thường, những ai bị chứng mờ mắt nặng này hành hạ, họ thường “dòm ngó một cách thèm thuồng”: họ cung kính cúi chào những người danh tiếng, những người ở cấp cao, những người được mọi người ngưỡng phục, họ quay ánh mắt, không nhìn đến rất nhiều Ladarô ngày nay, những người nghèo, những người đau khổ, những người được Chúa yêu thương. Nhưng Chúa nhìn người bị khinh thường, bị tách khỏi thế giới. Trong tất cả các dụ ngôn của Chúa Giêsu, Ladarô là nhân vật duy nhất có một tên riêng. Tên của ông có nghĩa là “Chúa giúp đỡ”. Chúa không quên ông, Ngài đón nhận ông trên bàn tiệc Nước Trời, cùng với tổ phụ Abraham trong sự hiệp thông đầy yêu thương. Ngược lại, người giàu trong dụ ngôn không có tên riêng; đời của ông bị bỏ quên, vì ai chỉ sống cho chính mình thì đời họ không làm nên lịch sử. Và một kitô hữu phải làm nên lịch sử! Họ phải đi ra khỏi chính mình, để làm lịch sử! Người nào sống cho chính mình không làm nên lịch sử! Sự dửng dưng ngày nay đào những cái hố chẳng bao giờ vượt qua được. Và ngày nay chúng ta rơi vào trong căn bệnh dửng dưng, ích kỷ và thời thượng.
Có một chi tiết tương phản khác trong dụ ngôn. Đời sống giàu có của người đàn ông không tên được mô tả như một sự phô trương: mọi sự nơi ông đều đòi hỏi những quyền và những nhu cầu. Dù chết, ông cũng nằn nì xin được giúp đỡ và đòi lợi lộc cho mình. Ngược lại, sự nghèo khó của Ladarô cho thấy cả một nhân cách lớn: không than vãn, không phản kháng, không một lời khinh bỉ thốt ra từ miệng ông. Đó là một bài học quý giá: là tôi tớ phục vụ Lời Chúa, chúng ta được gọi để không khoe khoang bề ngoài, để không tìm vinh quang; chúng ta cũng không thể nào buồn hay than van. Chúng ta đừng là các ngôn sứ của bất hạnh, thích tìm những hiểm nguy hay những sai lệch; chúng ta cũng đừng là những người đắp thành lũy trong chính môi trường của mình để đưa ra những phán xét chua cay về xã hội, về Giáo hội, về mọi sự, về mọi người, làm ô nhiễm thế giới bằng những chuyện tiêu cực. Ai đã thân thuộc với Lời Chúa thì không theo chủ nghĩa hoài nghi, người hay than van.
Ai loan báo niềm hy vọng của Chúa Giêsu, người đó mang niềm vui và thấy xa, người đó có những chân trời, người đó không có bức tường khép họ lại; họ thấy xa vì họ biết nhìn vượt lên sự dữ và các vấn đề. Cùng một lúc họ thấy rất gần, vị họ quan tâm đến người anh em và các nhu cầu của người anh em mình. Hôm nay Thiên Chúa xin chúng ta điều này: đứng trước bao nhiêu Ladarô mà chúng ta thấy, chúng ta được gọi để quan tâm, để tìm những con đường để gặp gỡ, để giúp đỡ, không giao việc cho người khác và nói “ngày mai tôi sẽ giúp bạn, hôm nay tôi không có giờ, tôi sẽ giúp ngày mai”. Và đó là một tội. Thì giờ chúng ta cứu giúp người khác là thì giờ chúng ta cho Chúa Giêsu, đó là tình yêu ở đó: là gia sản trên trời của chúng ta mà chúng ta sẽ có ở đây trên quả đất này.
Để kết thúc, anh chị em giáo lý viên thân mến và tất cả anh chị em, xin Chúa cho chúng ta ơn được làm mới lại mỗi ngày bằng niềm vui của sự loan báo đầu tiên: Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại, Chúa Giêsu yêu cách riêng mỗi người chúng ta! Xin Chúa cho chúng ta sức mạnh để sống và để loan báo điều răn của tình yêu, vượt lên sự mù quáng của bề ngoài, và các buồn bã của thời thượng. Xin Chúa cho chúng ta quan tâm đến người nghèo, họ không phải là phần phụ của Tin Mừng nhưng là một trang chủ yếu, luôn luôn mở ra trước mặt tất cả.
Marta An Nguyễn chuyển dịch

Greeley, một nô lệ ở Denver, trở nên gương mẫu của lòng thương xót.
Denver (CNA 07-09-2016; Vat. 24-09-2016) -Trên các đường phố của thành phố Denver tiểu bang Colorado, Hoa kỳ, vào cuối những năm 1800 và đầu những năm 1900, người ta rất quen thuộc với hình ảnh của một phụ nữ da màu đội một chiếc mũ mềm màu đen, mang đôi giày quá khổ, dùng chiếc khăn tay thấm nhẹ đôi mắt kém của mình, kéo chiếc xe kéo nhỏ màu đỏ. Ðó là Julia Greeley, Thiên thần bác ái của Denver, đang mang thực phẩm, áo quần và sự khích lệ, đi phân phát cho các người nghèo và vô gia cư của thành phố.
Greeley sinh ra trong một gia đình nô lệ ở Hannibal, Missouri giữa các năm 1833 và 1848; năm sinh của Greeley không được biết rõ bởi vì cô là con của một người nô lệ. Cô đã bị đối xử tàn tệ khủng khiếp. Một lần kia, khi người chủ đánh mẹ cô, ngọn roi đã vụt vào mắt phải của cô và làm nó bị hư. Sau tuyên ngôn giải phóng nô lệ của tổng thống Abraham Lincoln vào năm 1863, cô là một trong những người được tự do. Năm 1878, Greeley theo gia đình của William Gilpin, vị thống đốc đầu tiên của bang Colorado, nơi Greeley đang giúp việc, đến Denver. Làm việc trong môi trường quý phái thượng lưu, Greeley cũng quen biết với một số gia đình giàu sang có thế giá của Denver, nhưng trái tim của Greeley vẫn dành cho người nghèo; Greeley yêu thương họ. Sau khi nghỉ làm việc tại gia đình thống đốc, Greeley đã làm những việc lặt vặt khắp nơi trong thành phố. Greeley đã đến giáo xứ Thánh Tâm ở Denver và trở lại Công giáo vào năm 1878. Greeley là một giáo dân nhiệt thành, lãnh nhận Mình Thánh Chúa hàng ngày và trở thành một thành viên năng động của dòng Phanxicô tại thế vào năm 1901. Greeley có một lòng sùng kính Thánh Tâm cách đặc biệt.
Dù cho nghèo khổ, Greeley không cần thứ gì cho chính mình; Greeley dành nhiều thời gian của mình để giúp đỡ các gia đình nghèo khổ xung quanh. Khi không còn thứ gì của mình để giúp đỡ, Greeley đi ăn xin, quyên góp quần áo, thực phẩm và các vật dụng khác để cho ngừoi nghèo. Greeley thường làm việc vào ban đêm, lết trên đôi chân cà nhắc, sau khi đã làm việc suốt ngày dài, để không làm phiền gây bối rối cho những người bà giúp đỡ, nhất là những gia đình da trắng nghèo. Greeley giúp các bé gái nghèo có bộ áo xứng đáng để rước Mình Thánh Chúa lần đầu; bà hiện diện bên những gia đình có người qua đời, hay tìm cha mẹ nuôi cho các trẻ mồ côi. Julia Greeley còn có lòng tha thứ, không thù oán người chủ nô lệ đã làm cho bà bị hư mắt. Bà nói rằng vết sẹo làm xấu mặt của bà nhưng không làm tâm hồn bà xấu. Khi phục vụ cho người nghèo khổ Greeley không bao giờ tra hỏi về niềm tin hay tôn giáo của họ. Tất cả những điều bà muốn làm là nâng dậy những ai đang chiến đấu và đau khổ như bà đã từng trải qua.
Julia Greeley qua đời ngày 7 tháng 6 năm 1918, ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hưởng thọ khoảng 80 tuổi. Bà Greeley đã được lãnh nhận các bí tích cuối cùng trước khi về bên Chúa. Vì bà sống trong một nhà trọ nên khi qua đời, thi hài của bà được đặt tại một giáo xứ Công giáo trong 5 tiếng đồng hồ và một dòng người không ngừng tuôn đến để bày tỏ sự kính trọng đối với một phụ nữ nổi tiếng và rất được yêu mến. Bà Greeley được chôn cất tại nghĩa trang núi Oliu.
Vì công việc bác ái của Greeley, một nhà văn đã gọi bà là "Hội Thánh Vinh sơn Phaolô một thành viên"; thánh Vinh sơn đã lập dòng các Nữ tử bác ái, và Greeley được ví như một người con của bác ái. Trong Năm Thánh Lòng thương xót, Julia Greeley được chọn làm mẫu gương của lòng thương xót cho địa phương. Ông David Uebbing, chưởng ấn của tổng Giáo phận Denver nhận xét: "Julia Greeley nổi bật bởi vì cô quá phi thường. Dù chỉ nhận được 10 đến 12 đô la mỗi tháng bằng việc nấu nướng và dọn dẹp nhà cửa, cô thường dùng nó để giúp những người nghèo khác. Ðiều đó thể hiện rất nhiều về lòng từ thiện của Greeley. Thêm vào đó, Greeley còn có lòng sùng kính sâu đậm với Thánh Tâm Chúa Giêsu, thể hiện qua việc mỗi tháng bà đi bộ đến 20 trạm cứu hỏa khác nhau của thành phố để phân phát phù hiệu, hình ảnh, các tài liệu về Thánh Tâm cho các lính cứu hỏa, cả Công giáo và không Công giáo. Ðiếu đó làm cho các công việc của lòng thương xót mà bà đã làm, cụ thể và thiêng liêng, là điều được mời gọi đặc biệt trong Năm thánh này, thật sống động ." Tờ Denver Post đã viết về di sản của Julia Greeley bao gồm "80 năm của một cuộc sống đáng giá ... dấn thấn vô vị lơi ... và thói quen cho đi và chia sẻ chính mình và những tài sản của mình". (CNA 07/09/2016)

Hồng Thủy