Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 11/9/2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 15: 1-32)

1 Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng.2 Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: "Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng."3 Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:4 "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?5 Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.6 Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.7 Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.8"Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?9 Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất.10 Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối."11 Rồi Đức Giê-su nói tiếp: "Một người kia có hai con trai.12 Người con thứ nói với cha rằng: "Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con.13 Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.14 "Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu,15 nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo.16 Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho.17 Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: "Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói!18 Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha,19 chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.20 Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.21 Bấy giờ người con nói rằng: "Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. ..22 Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: "Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu,23 rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng!24 Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.25 "Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa,26 liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì.27 Người ấy trả lời: "Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.28 Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ.29 Cậu trả lời cha: "Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè.30 Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!đều là của con.32 Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy."

SUY NIỆM 1

Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.

Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.

Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.

Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đợi, tha thứ hết khi nó trở về.

Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ấy minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

Lạy Cha đầy lòng bao dung, xin kéo chúng con trở về với Cha mỗi ngày, giúp chúng con điều chỉnh những đam mê lệch lạc. Xin nâng chúng con đứng lên trong niềm vui vì tin rằng tình Cha lớn hơn tội chúng con vạn bội. Ước gì những vấp ngã khiến chúng con lớn lên, thấy mình mong manh, thấy Cha rộng lượng. Ước gì sau mỗi lần được Cha tha thứ, chúng con lại thấy mình hiền hoà hơn với tha nhân. Amen.

 (Trích bài suy niệm về dụ ngôn Nguòi Cha Nhân Hậu của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt)

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Suy niệm 2

Trong chương 15 của Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su kể một lúc 3 dụ ngôn, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay (Lc 15, 1-32), để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là Người còn kết bạn với họ.
Nhưng trên Thập Giá, Người còn đi xa hơn, khi để mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết chung với các tội nhân.
 1. Đức Giê-su và những người tội lỗi
Vào thời của Đức Giê-su, có những người bị coi là tội nhân một cách công khai : vì họ có một thứ nghề nghiệp bị mọi người coi là xấu, chẳng hạn nghề thu thuế như ông Gia-kêu, hoặc vì họ có đời sống luân lí không tốt, chẳng hạn người phụ nữ bị mọi người coi là « người tội lỗi trong thành » (Lc 7, 37) hay vì họ không giữ những nghi thức hay qui định đạo đức, chẳng hạn các nghi thức thanh tẩy, ăn chay, ngày sa-bát…. Họ bị mọi người khinh chê, nhất là các người Pha-ri-sêu và luật sĩ.
Ngày nay, người ta không còn tùy tiện dán nhãn tội nhân vào người này người kia nữa, nhưng sự khinh chê vẫn còn nguyên, trong cung cách ứng xử giữa người với người. Thật vậy, chúng ta vẫn còn kinh chê nhau, vì sự yếu kém, nhỏ bé, giới hạn, thiếu khả năng, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình xã hội, ngoại hình… Thân phận làm người tự nó đã nặng nề, nhưng thay vì gánh vác cho nhau hay làm cho nhẹ đi, chúng ta lại luôn tìm cách chồng chất thêm cho nhau hay tự làm cho thân phận của mình nặng thêm. Thánh Phao-lô trong thư Roma chấn vấn chúng ta : « Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em ? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em ? » (Rm 14, 8.10).

*  *  *
Chúng ta hãy trở lại với Lời Chúa trong bài Tin Mừng để nhìn ngắm cách Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi, những người yếu kém, những người nhỏ bé : họ đến để lắng nghe Ngài ; và Ngài không chỉ đón tiếp họ, nhưng còn dùng bữa với họ. Đón tiếp và dùng bữa với ai, đó chính là làm bạn, thậm chí trở nên một với người đó. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh Đức Giê-su ở giữa những người tội lỗi, bởi vì hình ảnh này rất đánh động và an ủi đối với chúng ta.
Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục ban lời của Ngài cho chúng ta, vốn là những người tội lỗi, yếu kém và nhỏ bé, và còn hơn cả việc dùng bữa với chúng ta, Ngài tự biến thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống hôm nay và sự sống muôn đời.
Kinh nghiệm được đón tiếp bởi Đức Giê-su, khi mà chúng ta vẫn còn là tội nhân, yếu kém và nhỏ bé, chính là động lực để chúng ta cũng có thể đón tiếp người khác, như họ là. Kinh nghiệm này cũng làm cho có thể ra khỏi chính mình để đi vào niềm vui lớn lao của Thiên Chúa và các Thiên Thần của Ngài trên trời.
2. Các Dụ Ngôn
Để thay đổi hình ảnh lệch lạc của chúng ta về thái độ của Thiên Chúa đối với các tội nhân, và để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là còn ngài kết bạn với họ, Đức Giê-su kể « một hơi » ba dụ ngôn : dụ ngôn con chiên, dụ ngôn đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con (Lc 15, 4-32).
Trước hết, chúng ta nên hiểu cả ba dụ ngôn cùng nhau, vì các dụ ngôn soi sáng cho nhau và nêu bật khía cạnh đặc biệt của mỗi dụ ngôn. Thật vậy, ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét về con số, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.
Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát càng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.
Tuy nhiên, cả ba dụ ngôn có một sứ điệp khác đánh động chúng ta không kém : đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta, như thể, chúng ta là duy nhất, là quí nhất là yêu nhất, trong con mắt của Chúa. Và dụ ngôn đầu tiên làm bật lên sự điệp này một cách rạng ngời nhất :
Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất.
(c. 4)
Dụ ngôn đến từ đời thường, nhưng một khi thốt ra từ miệng Đức Giê-su, lại chứa đựng nhiều điều bất thường (tương tự như các dụ ngôn khác) : (1) Bỏ chín mươi chín con lại nơi đồng hoang ; (2) Vác con chiên lạc trên vai, khi tìm thấy ; (3) và niềm vui quá lớn và lan tỏa, so với con chiên nhỏ bé được tìm lại, như thể đó là con chiên duy nhất, và như thể chín mươi chín con kia không hiện hữu !
Ba điểm bất thường diễn tả cho chúng ta một cách tuyệt vời về tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Tâm Chúa Giê-su (đây là bài Tin Mừng của ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, năm C) muốn diễn tả :
  • Thiên Chúa quan tâm đến từng người chúng ta, như thể mỗi người chúng ta là duy nhất. Đó chính là đặc điểm của tình yêu, nghĩa là tương quan giữa một ngôi vị với một ngôi vị. Và chỉ khi, có một con chiên đi lạc, đặc điểm này mới được tỏ lộ ra. Vì thế, kinh nghiệm « đi lạc » sẽ là cơ hội giúp chúng ta nhận ra đặc điểm này của tình yêu Thiên Chúa !
  • Người mục tử không trách móc, la mắng xử phạt, giống như người cha chạy ra ôm người con trở về « hôn lấy hôn để » (x. Lc 15, 20). Bởi vì sự hiện diện của người con « đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (c. 24), là tất cả và là dư đủ để lất át tất cả, bù đắp tất cả và làm cho hi vọng[1]. Đó là bởi vì, tình yêu luôn đi đôi với bao dung tha thứ. Đặt vào trong bối cảnh của dụ ngôn, người tội lỗi được tượng trưng bởi hình ảnh con chiên đi lạc. Điều này thật an ủi cho chúng ta, vì dưới mắt Chúa, chúng ta là những con chiên đi lạc, phải đi tìm về cho kì được, và Thiên chúa đi tìm mỗi người chúng ta nơi Đức Giê-su. Chúng ta hãy nhìn mình như là Chúa nhìn ; và chúng ta hãy là con chiên đi lạc mong được tìm thấy và được mang về. Thay vì tự biến mình thành con dê nổi loạn, con sói phá hoại.
  • Tình yêu bao dung tha thứ mang lại niềm vui, và niềm vui lan tỏa sang nhiều người, sang tất cả mọi người, trên trời cũng như dưới đất.
*  *  *
Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành đích thân cho từng người chúng ta như là « Đối Tượng Duy Nhất » trong Đức Ki-tô, để chúng ta có thể yêu mến Người như là « Đối Tượng Duy Nhất » của lòng trí chúng ta. Và thực vậy, dù chúng ta là ai, ở trong tình trạng nào, mỗi người chúng ta đều là : « Người môn đệ Đức Giê-su thương mến », vì chúng ta xác tín cùng với thánh Phao-lô rằng :
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.
(Rm 8, 38-39)
3. Người Cha Nhân Hậu
a. Một người có hai người con (c. 11-12)
Chúng ta hãy nhìn ngắm ba cha con, đặc biệt là con thứ. Hẳn cha yêu anh đặc biệt. Về người con lớn trình thuật lúc này chưa nói gì về anh.
Chúng ta hãy nghe anh nói với Cha và quan sát việc anh làm, để cảm được sự nghiêm trọng của lời anh nói với cha và hành động của anh : cha chưa chết mà đã đòi chia gia tài ! Và hành động của anh là có kế hoạch : bước một, xin chia gia tài ; bước hai, để đó ít ngày ; và bước ba, ôm gia tài đi xa. Vậy là, bao nhiêu ơn huệ cha ban anh quên hết ; tình yêu của cha và chính con người cha, anh cũng quên luôn ; anh chỉ tìm cách thỏa mãn lòng ham muốn của mình mà thôi. Chúng ta có thể nhận ra nơi anh, bản chất của Tội, được mặc khải bởi sách Sáng Thế : quên ơn huệ, quên Đấng ban ơn huệ và chiều theo lòng ham muốn của mình ; ở đây là ham muốn có, ham muốn sở hữu, chiếm hữu bất chấp tương quan con thảo với cha. Chiều theo lòng ham muốn, anh sẽ đánh mất chính điều anh tìm cách chiếm hữu và đánh mất luôn tất cả, tất cả ; tất cả trong đó có chính anh !
Hãy chiêm ngắm người cha, một người cha lạ lùng, vì có tình yêu của mẹ hiền[2] : cha chẳng nói gì, cũng chẳng tìm cách giữ chân anh, cha chiều theo ý muốn của anh. Tại sao vậy ? Cha chẳng nói gì, nhưng trong lòng cha có nhiều « chuyển động nội tâm », nhiều cảm xúc, hẳn là quặn đau, nhưng cũng thương cảm. Chúng ta có bao giờ đặt mình vào tâm tình của cha mẹ chưa, của những người có trách nhiệm chưa, và của chính Chúa chưa ?
b. Người con thứ và người cha (c. 13-24)
1/ Đi xa (c. 13-16)
Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát người con thứ : anh hí hửng thu góp bỏ nhà bỏ cha ra đi để sống điều mà anh nghĩ là « một cuộc sống tự do, hưởng thụ, vui vẻ ». Thật ra anh đang là nô lệ, nô lệ cho lòng ham muốn, cho thú tính, cho đam mê chiếm hữu của anh. Vì thế, chỉ ít lâu sau, anh trở thành nạn nhân, thay vì làm chủ được đời mình : điều anh muốn sở hữu, làm chủ, rốt cuộc rồi sẽ tiêu tán tất cả, không chỉ tiêu tán những gì anh có, nhưng tiêu tán cả chính bản thân anh, chính nhân phẩm của anh, thậm chí chính nhân tính của anh.
Thật vậy, gặp cơn khốn khó, là điều không thể tránh được trong cuộc đời ; và khi đó, anh bị hạ thấp xuống hàng tôi tớ, và tệ hơn nữa, hàng súc vật ; trong khi đó, trong nhà cha, anh được sinh ra là con và mãi mãi là con. Đoạn tuyệt tương quan với cha, thì tất yếu rơi vào tình cảnh như thế. Bởi vì chỉ ở nơi Cha, ở nhà cha, mới có sự sống, ánh sáng, nhân tính được thăng hoa, mới có tình yêu nhưng không ; ở ngoài cha và « nhà của người », chỉ là sự chết, bóng tối, mất nhân tính và ghen ghét, thiếu tôn trọng, bạc đãi…
Chúng ta cũng trở nên người con hoang đàng khi tự biến mình thành chủ nhân những gì mình có và mình là, coi những gì mình là và mình có là « quyền phải có », là « gia tài » Thiên Chúa buộc phải cho phải chia, và sử dụng và phung phí theo ý mình. Xin cho chúng ta nhận ra hậu quả tồi tệ của thái độ này : đánh mất, trở thành nô lệ, mất nhân tính…


2/ Hồi tâm (c. 17-24)
Chính tình cảnh đánh mất nhân tính, đánh mất phẩm giá làm con, mà việc thiếu ăn thiếu uống chỉ là biểu hiện, làm cho người con thứ hồi tâm : « Thôi ta đứng lên đi trở về cùng Cha ». Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh : người con đứng thẳng lên, bước đi hướng về nhà Cha, về ngôi vị của Cha ; hình ảnh thật đẹp và đầy ý nghĩa, vì đã diễn tả sự tái sinh mà con tim của người Cha hằng mong chờ.
Hơn nữa, anh được thúc đẩy thân thưa với cha, và chúng ta có thể coi đó như « bản xưng tội » : “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy”. Chúng ta nên bắt chước xưng tội như người con thứ : thay vì cố gắng làm bản thống kê : làm gì, chi bao nhiêu, cho ai, bao nhiêu lần, ở đâu. Một bản thống kê như thế, dù có đúng và đủ, nhưng làm sao đúng và đủ được, xem ra không có ích lợi thiêng liêng gì, và chắc chắn, đó cũng không phải là điều người cha muốn nghe, là điều Chúa muốn nghe. Vấn để là nhận ra gốc rễ, nhận ra thái độ vô ơn, nhận ra những hình ảnh những ý nghĩ sai lầm… đã dẫn đến những hành vi như thế. Thay vì, làm bản thông kê, chúng ta hãy để cho Lòng Thương Xót lôi cuốn chúng ta, làm cho trái tim chúng ta bừng cháy lửa yêu mến Chúa, tái sinh chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và thay đổi tương quan của chúng ta đối với mọi sự, trong đó có chính bản thân chúng ta, như trường hợp người phụ nữ tội lỗi, trong Tin Mừng theo thánh Luca : tội nhiều, được tha nhiều, nên yêu mến nhiều (x. Lc 7, 36-50).
Anh hồi tâm ; anh nhớ nhà ; anh tự xét mình và ra án cho mình : mình chỉ có thể là tôi tớ thôi. Đó là bản án tất yếu, nếu mình là quan tòa của mình. « Thế rồi anh đứng lên đi về cùng cha ». Điều gì đã làm cho anh có can đảm trở về, nếu không phải là « khuôn mặt nhân hậu », mà người cha đã từng ngày và bất chấp tất cả, kiên trì ghi khắc trong tim anh ?

3/ Trở về (c. 20-24)
Nhưng rồi khi về, anh đã được cha nhận ra từ xa, khi anh chưa nói gì, vì cha chỉ cần anh « đứng lên trở về » thôi ; và lòng cha rộn lên thay vì quặn đau như lúc anh ra đi; lòng cha rộn lên và bùng phát thành những cử chỉ thật âu ếm : người cha đã không ngại mùi hôi của người con trở về, khi « ôm cổ anh và hôn lấy hôn để », và thành những lời nói vui mừng, mời gọi cả nhà, và chắc chắc cả hàng xóm nữa. Lời cha lấn ắt cả lời tự thú của anh. Anh chửng hửng trước cử chỉ, thái độ và con tim của cha ; chúng ta hãy lưu lại để cảm nếm sự chửng hửng của anh.
Cha đã chờ đợi từng ngày, ngày này qua ngày kia ; cha không trói anh lại, cha không sai người đi bắt anh về ; vì cha là tình yêu ; tình yêu chỉ biết chờ đợi lời đáp tự do mà thôi, và chờ đợi đến tận cùng.
Hơn nữa, đó là « sức mạnh và khôn ngoan » của người cha : cha không chỉ tha thứ, nhưng con muốn chữa lành, giải thoát anh khỏi Sự Dữ, nhưng không phải bằng kết án, hình phạt và bạo lực, nhưng bằng « tình yêu đến cùng ». Sức mạnh và khôn ngoan của người cha nhân hậu trong dụ ngôn, trở thành hiện thực nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh. Chúng ta được mời gọi xác tín điều này : Thiên Chúa, Người Cha nhân hậu của chúng ta, không muốn kết án chúng ta, vì hành vi này không phù với bản chất của Người, là tình yêu và chỉ là tình yêu. Thật vậy, « kết án », kết án mình và kết án nhau, là hành vi thuộc về ma quỉ và của ma quỉ : « Vì Satan, kẻ tố cáo anh em của Ta… » (Kh 12, 10). Nhưng Thiên Chúa muốn « tái sinh » chúng ta trong niềm vui khôn tả : « chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy ».
Chúng ta hãy chiêm ngắm thật lâu cách cha đón nhận anh, vượt xa vô hạn những gì anh chờ đợi : anh đã chết đối với cha, cha cho anh tái sinh trong mắt cha, trong lòng cha, trong nhà cha, và tái sinh trong lòng tất cả mọi người khác trong nhà nữa. Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát mọi người trong nhà để cảm nếm bầu khí vui mừng lễ hội.
Nhưng có một người không vui ! Và người đó lại là ông anh, là người thân trong nhà. Đáng lẽ ra, anh phải là người vui nhất sau cha. Hiện tượng này thật là kì dị ! Nhưng lại không hiếm thấy, ở mọi nơi và mọi thời.
c. Người con lớn và người cha (c. 25-32)
Chúng ta hãy nhìn, nghe và quan sát thái độ và cử chỉ của người con lớn. Anh làm việc chăm chỉ tận tụy vất vả, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài, lòng anh đầy bất ổn, ấm ức và bực tức : anh là con, nhưng lại sống như người tôi tớ, sống tương quan chủ tớ với cha ; anh ghen tức với em, không nhìn nhận em, muốn loại trừ em, thay vì nhìn nhận con của cha là em mình, thay vì chúc mừng em « đã chết, nay sống lại », « đã mất, này tìm thấy », « đã không xứng là con, nay được cha phục hồi ». Bản chất của tội mà St 2-3 diễn tả cũng hoành hành ở trong anh nặng nề không kém, và còn hơn nơi người em. Như thế, lòng anh cũng « xa » cha không kém : anh là con nhưng anh tự coi mình là tôi tớ có nhiệm vụ « hầu hạ »  và vâng lệnh cha tuyệt đối ; anh nhìn cha như ông chủ ; vì thế đòi trả công và ghen tị với em : anh so sánh rất « cụ thể và chính xác » : dê con (c. 29), bê béo (c. 30) ; anh nổi giận, không chịu vào nhà, nhà của cha, nhà của anh.
Người con này đã trở về nhà, nhưng người con kia lại lựa chọn đứng ở bên ngoài. Tương quan giữa hai anh em tượng trưng cho tương quan giữa chúng ta. Tương quan này có vấn đề vì tương quan gốc có vấn đề, nghĩa là tương quan của từng người con với người cha. Vì vậy, người cha đã kiên nhẫn nhắc lại ân huệ cha dành cho anh, vượt xa vô hạn nhưng gì anh « thèm muốn » : « Con ơi, con của cha, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con » ; sau đó cha mới mời gọi anh nhìn nhận em mình, vui với em, với cha và với cả nhà : « Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.” (c. 31-32)


*  *  *
Cha muốn trao ban hết, nhưng những người con của cha lại tính toán : chia chắc, tính công, so đo…. Cha vẫn còn đau khổ chờ đợi, vì người con lớn vẫn chưa trả lời. Và có lẽ, lời nói mà Cha chờ đợi nơi anh là : « tất cả những gì của con là của Cha ». Còn về người con thứ, Cha vẫn sẽ kiên nhẫn đồng hành với hành trình « tái sinh », chắc chắn là lâu dài và không dễ dàng của người con út. Và với chúng ta cũng vậy, Cha vẫn đợi, vẫn kiên nhẫn và bao dung đợi từng người chúng ta.
Dụ ngôn nói về tương quan của từng người chúng ta với Chúa, và tương quan của chúng ta với nhau, tương quan nào cũng bị tổn thương, sứt mẻ, cần được hàn gán, phục hồi, hòa giải. Đó chính là sứ mạng của Đức Giê-su, Ngài lấy lời, hành động và chính thân mình để hòa giải từng người chúng ta với Chúa Cha, và từng người chúng ta với nhau.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Theo Luật thì người con phải “đền tội”, đó là lựa chọn của người con lớn. Nhưng Người Cha Nhân Hậu lớn hơn Lề Luật! Thánh Phao-lô, trong thư gởi tín hữu Ga-lát, mời gọi chúng ta hãy lựa chọn: ứng xử với mình và với nhau theo Luật hay trong mọi sự dựa vào Lòng Thương Xót của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, để hiểu và sống Lề Luật với tâm tình biết ơn.

[2] “Chúa là hơi ấm mẹ hiền, trọn đời con nương thân, trọn đời con nương thân” (bài hát Bao La Tình Chúa).