Chủ Nhật, 11 tháng 9, 2016

Tin Công Giáo Thế Giới ngày 09.09.2016 0:04 / 7:56

Filled under:


Năm Toàn xá Lòng Thương xót – 15 triệu người đến Roma



Mở Cửa Thánh
Hơn 15 triệu người đã đi qua Cửa Thánh ở Vương cung Thánh đường thánh Phêrô trong  9 tháng đầu của Năm Toàn xá Lòng Thương xót.
Con số này được Hội đồng Giáo hoàng về Thăng tiến Tân Phúc âm hóa công bố hôm thứ tư.
Cha Eugene Sylva của Hội đồng Giáo hoàng cho biết con số người hành hương trong tháng bảy và tháng tám ‘nở rộ tuyệt vời.’
“Đây là bằng chứng cho thấy lòng thương xót chạm đến quá nhiều người trên thế giới và hứng khởi chọ đến và đi qua Cửa Thánh để nhận ơn trong thời gian tuyệt vời này, cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô.’
Nhắc nhở rằng sứ mạng của Giáo hội là thương xót
Cha Sylva cũng chỉ ra Đức Giáo hoàng Phanxicô đã nhắc nhở rằng sứ mạng của Giáo hội là thương xót.
‘Đức Thánh Cha đang hứng khởi cho Giáo hội nhớ lại rằng lòng thương xót chính là sứ mạng của mình. Đấy là nền tảng của chúng ta, là trong những cách thức nhỏ bé của chúng ta, tỏ lộ lòng thương xót, và có thể chia sẻ lòng thương xót đó.’
Đức Giáo hoàng Phanxicô đã làm gương qua việc thực hành Ngày thứ sáu của Lòng thương xót.
‘Đức Thánh Cha muốn giữ những ngày thứ sáu này tránh xa báo giới, bởi như thế ngài có thể có cảm nghiệm thực sự riêng tư với một nhóm nhỏ, nhưng sau đó chúng tôi cũng cho mọi người thấy vài nét trong việc ngài đã làm để người khác có thể noi theo, bởi công việc của lòng thương xót về phần xác cũng như phần hồn, là điều quan trọng trong Năm Toàn xá này.’
Còn ba tháng nữa
Chưa đầy ba tháng nữa là bế mạc, Năm Toàn xá Lòng Thương xót đã bắt đầu đem lại hoa trái.
Cha Sylva nói rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô thực sự nhắc nhở mọi người trên thế giới tiếng gọi trở nên con người của lòng thương xót với nhau, và gặp gỡ mọi người trong tinh thần đó để họ biết cuộc sống mình có giá trị và ý nghĩa.
Cha Sylva cũng nói rằng rằng Năm Toàn xá là một lệnh truyền phúc âm hóa.
‘Năm Toàn xá này đang thúc đẩy chúng ta trên công cuộc tân phúc âm hóa. Giúp chúng ta thấy ra kế hoạch mục vụ, và gắn kết đức tin với tình yêu thương, một điều rất quan thiết với Đức Giáo hoàng Phanxicô để chúng ta thực thi cụ thể việc tân phúc âm hóa.’
J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Các phần tử giáo phái đang gieo rắc thù hận chống cộng đồng Kitô hữu

cross-desecrated.jpg
Tượng Chúa chịu nạn bên đường bị đập phá ở Mumbai
hôm 4-9. Ảnh: Laveena Francis

Người ta nhìn thấy tượng Chúa chịu nạn bị đập phá ở Mumbai hôm 4-9, khiến các lãnh đạo Công giáo địa phương ở thành phố miền tây Ấn Độ nghi ngờ đây là một hành động thù oán liên quan đến việc tôn phong thánh cho Mẹ Têrêsa.

Họ viết thư trình bày việc này với Thống đốc Devendra Fadnavis của bang Maharashtra có thủ phủ là Mumbai.

“Các phần tử giáo phái đang gieo rắc thù hận chống cộng đồng Kitô hữu”, bức thư viết. Nguyên nhân chính có thể là việc Mẹ Têrêsa được tôn phong thánh “không được một số phần tử nhiệt liệt hoan nghênh”.

Cảnh sát đến hiện trường và “mang các mảnh vỡ đi” trước khi thu thập bằng chứng, theo Nicholas Almeida thuộc tổ chức nhân quyền địa phương Watchdog Foundation. Hiện nay họ đang lấy lời khai.

Thánh giá được phát hiện bị đập phá vào ngày Mẹ Têrêsa được tôn phong thánh. Mẹ Têrêsa được Đức Thánh cha Phanxicô tôn phong thánh hôm 4-9 tại Vatican. Nghi lễ được đưa tin rộng rãi trên cả nước và chính quyền liên bang theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo đã gửi một phái đoàn sang Vatican tham dự.

Nhưng một số nhóm bảo thủ công khai lên án Mẹ Têrêsa làm việc chỉ nhằm cải đạo người Ấn giáo theo đạo Công giáo. Đối với họ, ngài là người môi giới cho châu Âu và Vatican nhằm truyền giáo tại Ấn Độ, làm mất văn hóa Ấn giáo. Gần đây, nghị sĩ Yogi Adityanath, thành viên đảng cầm quyền Bharatiya Janata nói Mẹ Têrêsa nằm trong âm mưu “Kitô giáo hóa Ấn Độ”.

“Việc chọn thời điểm gây ra vụ này rất đáng lo ngại”, theo Dolphy D’Souza, người phát ngôn cho tổ chức Save Our Land, chiến dịch bảo vệ đất của Giáo hội khỏi bị xâm chiếm. Cảnh sát phải “điều tra kỹ động cơ mạo phạm như thế. Chúng tôi nghĩ đây là một chiêu trò cố ý khiêu khích cộng đồng”.

Nigel Barrett, người phát ngôn cho tổng giáo phận Bombay, nói họ đã trình vụ việc này với cảnh sát địa phương. “Họ cam đoan với chúng tôi rằng họ sẽ điều tra kỹ vấn đề nhạy cảm này”, ông nói.

Người Công giáo địa phương không hiểu được tại sao xảy ra vụ mạo phạm này vì họ chung sống hòa hợp với những người láng giềng Ấn giáo. “Ở đây không có xảy ra các vụ căng thẳng. Chúng tôi chung sống hòa bình”, John D’Souza, người Công giáo địa phương, cho biết.

“Chỉ có Chúa biết ai làm điều này và họ muốn gì”, Anthony D’Souza nói và thêm rằng người dân địa phương cho rằng vụ việc xảy ra sau nửa đêm hôm 3-9. “Không ai chứng kiến cảnh đó nếu không họ đã bắt những kẻ mạo phạm”.

Laveena Francis từ Mumbai, Ấn Độ, ucan