CHIÊM NGẮM LÒNG THƯƠNG XÓT
Đức Giê-su nói: “Trên trời ai nấy sẽ vui mừng, vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15,10)
Suy niệm: Trong bối cảnh của Năm Thánh Lòng Thương Xót, ba dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay như một chùm ánh sáng làm nổi bật hình ảnh ba chiều của Lòng Thương Xót. 1/ Niềm mong ước của Lòng Thương Xót là không để mất một ai trong những tạo vật mà Thiên Chúa đã dựng nên giống hình ảnh Ngài, cho dù nó có nhỏ bé mấy đi nữa. 2/ Lòng Thương Xót chứa đựng một quyền năng vô biên thúc đẩy Chúa ra đi tìm kiếm cho bằng được những người tội lỗi, lạc xa tình Chúa để đưa họ trở về với Ngài. 3/ Lòng Thương Xót hoá thành Niềm Vui viên mãn khi những người con cái Chúa “đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
Mời Bạn: Lòng Thương Xót của Chúa tuôn tràn lai láng trên chúng ta để rồi chúng ta lại trao ban lòng thương xót ấy cho anh chị em của mình. Mời bạn chiêm ngắm Đức Ki-tô chịu đóng đinh là “dung nhan Lòng Thương Xót” để mô phỏng, đồng hoá những “nét” thương xót ấy trong tâm hồn của bạn.
Chia sẻ: Tính vô cảm đã tiêm nhiễm vào lối sống Kitô hữu ngày nay như thế nào? Bạn cho một ví dụ chứng minh.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày khắc hoạ vào tâm hồn mình một “nét” thương xót của Đức Ki-tô bằng cách thực hiện ba điều tâm niệm này: - luôn muốn điều tốt đẹp nhất cho tha nhân; - sống bao dung nhẫn nại; - và tha thứ không giới hạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, Đấng biểu lộ quyền năng của Ngài bằng sự tha thứ và lòng thương xót. Xin làm cho chúng con trở thành gương mặt hữu hình của Lòng Thương Xót Chúa trên trái đất này. (theo Kinh Năm Thánh)
Thánh Cyprian
Thánh Cyprian góp phần quan trọng trong sự phát triển tư duy và tập tục Kitô Giáo trong thế kỷ thứ ba, nhất là ở bắc Phi Châu.
Là một người được giáo dục rất kỹ lưỡng và có tài hùng biện, ngài trở lại Kitô Giáo khi đã trưởng thành. Ngài phân phát tài sản cho người nghèo, và trước khi chịu Rửa Tội ngài đã làm mọi người kinh ngạc khi thề giữ đức khiết tịnh. Trong vòng hai năm ngài được thụ phong linh mục và được chọn làm Giám Mục Carthage (gần Tunis bây giờ), trái với ý của ngài.
Thánh Cyprian than phiền rằng sự ổn định mà Giáo Hội đang được hưởng đã làm suy nhược tinh thần của nhiều Kitô Hữu, và đã mở cửa cho những người trở lại đạo mà không thực sự có đức tin. Khi cuộc bắt đạo dưới thời hoàng đế Decian bắt đầu, nhiều Kitô Hữu đã bỏ Giáo Hội cách dễ dàng. Chính sự kiện tái nhập đạo (sau khi từ chối đức tin) đã khuấy động nhiều tranh luận trong thế kỷ thứ ba, và đã giúp Giáo Hội hiểu biết hơn về Bí Tích Hòa Giải. Novatus, một linh mục từng chống đối việc tuyển chọn Cyprian làm giám mục, đã tự tấn phong y làm giám mục khi Cyprian vắng mặt và tiếp nhận tất cả những người bội giáo mà không bắt đền tội theo giáo luật. Hiển nhiên Novatus bị lên án. Cyprian có lập trường trung dung, ngài chủ trương rằng những người đã thực sự thờ tà thần thì chỉ được rước Mình Thánh khi sắp chết, trong khi những ai chỉ mua giấy xác nhận rằng họ đã thờ tà thần thì có thể được tiếp nhận lại sau một thời gian đền tội. Tuy nhiên lập trường này đã được nới lỏng trong thời kỳ bắt đạo sau này.
Khi thành phố Carthage bị bệnh dịch, Đức Cyprian khuyến khích người Kitô giúp đỡ mọi người khác, kể cả những kẻ thù nghịch và bắt đạo.
Là bạn thân của Đức Giáo Hoàng Cornelius, Đức Cyprian chống đối vị giáo hoàng kế tiếp là Stephen. Đức Cyprian và các giám mục Phi Châu khác không công nhận giá trị của bí tích Rửa Tội do những người lạc giáo và ly giáo cử hành. Đây không phải là quan điểm chung của Giáo Hội, nhưng Đức Cyprian không nao núng ngay cả khi Đức Giáo Hoàng Stephen dọa tuyệt thông.
Ngài bị lưu đầy bởi lệnh của hoàng đế và sau đó được gọi về để xét xử. Ngài từ chối không chịu rời thành phố, nhất quyết để người dân chứng kiến việc tử đạo của ngài.
Đức Cyprian là một tổng hợp của sự nhân từ và can đảm, của hăng hái và điềm tĩnh. Ngài vui vẻ nhưng nghiêm nghị nên dân chúng không biết là nên quý mến hay tôn trọng ngài hơn. Ngài nóng nẩy trong cuộc tranh luận về bí tích rửa tội; nhưng ngài đã suy nghĩ lại, vì đó chính là lúc ngài viết luận thuyết về sự kiên nhẫn. Thánh Augustine nhận xét rằng Đức Cyprian đã đền tội nóng nẩy của ngài bằng sự tử đạo.
Lời Bàn
Những tương tranh về bí tích Rửa Tội và Hòa Giải trong thế kỷ thứ ba cho chúng ta thấy Giáo Hội tiên khởi không có những giải pháp có sẵn xuất phát từ Chúa Thánh Thần. Các vị lãnh đạo và giáo dân thời ấy đã phải đau khổ tiến dần qua các giai đoạn phán đoán tốt nhất mà họ có thể thi hành, để theo sát lời giảng dạy của Đức Kitô mà không bị thiên lệch bên này hay bên kia.
Lời Trích
"Bạn không thể coi Thiên Chúa như người Cha của bạn nếu bạn không coi Giáo Hội như người mẹ của bạn& Thiên Chúa là một và Đức Kitô là một, và Giáo Hội của Người là một; chỉ có một đức tin, và mọi người gắn bó với nhau là một qua sự hài hòa trong một thân thể được kết hợp chắc chắn& Nếu chúng ta là người thừa kế của Đức Kitô, hãy kết hợp trong sự bình an của Đức Kitô; nếu chúng ta là con cái Thiên Chúa, hãy trở nên người yêu chuộng hòa bình" (Thánh Cyprian, Sự Hợp Nhất của Giáo Hội Công Giáo).
Thuốc Dã Rượu
Cách đây vài năm, công ty dược phẩm Hoffman La Roche ở Thụy Sĩ đã tình cờ khám phá ra một loại thuốc có tính chất làm dã rượu.
Nhiều người nghiện rượu có lẽ đã mừng thầm với phát minh mới này. Nhưng mọi người đều sửng sốt khi một nhà nghiên cứu của công ty nói trên đã đề nghị hủy bỏ loại thuốc mới này. Ông giải thích như sau: "Xã hội sẽ tốt hơn nếu không có loại thuốc này, Bởi vì loại thuốc này sẽ khuyến khích người say uống nhiều hơn. Những người uống thuốc này sẽ có cảm giác là không bao giờ họ bị đốn ngã vì chất men... Thật ra, loại thuốc này có đặc tính làm cho dã rượu, chứ không làm bớt lượng rượu trong máu cũng như các tác hại khác trong hệ thống thần kinh và trong các bộ phận khác".
Loại thuốc dã rượu trên đây có thể làm cho chúng ta nghĩ đến thứ bình an giả tạo mà nhiều người đang đi tìm.
Thiên Chúa đã dựng nên con người để sống trong bình an với Ngài.
Nhưng bất an không những chỉ là một trừng phạt, bất an là nỗi khao khát mà Thiên Chúa đã đặt vào lòng người để giúp con người tìm đường quay lại với Ngàõ.
Dù sống trong hoàn cảnh nào, dù sống trong xã hội nào, dường như không ai thoát khỏi cái lo, cái sợ... Nếu những người Việt Nam đói khổ lo sợ cho ngày mai không cơm, không áo, thì những người Âu, Mỹ dư dật lại lo sợ trước trăm nghìn cái đe dọa khác của cuộc sống... Dĩ nhiên, không ai có thể so sánh được đau khổ của một người nghèo đói, mất tự do với sự bất an của những người giàu có. Nhưng trong cơ bản, nỗi khổ tâm và bất an nào cũng có một sức nặng riêng của nó. Dường như mỗi người đều có một thập giá, một nỗi khổ và một ưu tư tỷ lệ với sức lực của mình...
Chúa Giêsu kêu mời mọi người chúng ta hãy đặt tất cả tin tưởng vào Tình Yêu quan phòng của Thiên Chúa.