Thứ Tư, 21 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 21/9/2016

Filled under:

TRẢ LỜI CHO NHỮNG THẮC MẮC
“Tại sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Mt 9,11)
Suy niệm: Khi gọi người thu thuế và tội lỗi là “bọn” là “quân,” nhóm Pha-ri-sêu cho thấy họ khinh rẻ hai hạng người này như thế nào. Đối lại thái độ kiêu căng khinh người này, Chúa Giê-su đáp trả bằng một câu trả lời đậm tình yêu thương: “Ta muốn lòng nhân từ.” Lòng nhân từ là chiếc chìa khóa mở toang lồng ngực cho thấy Trái Tim Chúa yêu dấu loài người quá bội, một Trái Tim yêu thương thực sự có sức thu hút và hoán cải những tâm hồn cứng cỏi, nguội lạnh. Việc ngồi đồng bàn với những người bị xã hội coi là tội lỗi càng cho thấy Chúa muốn chia sẻ niềm vui với những con người sám hối. Niềm vui Tin Mừng là niềm vui của hoán cải đổi đời. Đó chính là mục tiêu ưu tiên của Chúa Giê-su khi đến thế gian này. 
Mời Bạn: Nhiều khi bạn và tôi cũng có những thắc mắc tương tự khi nhìn thấy ông kia bà nọ ngồi ăn với những kẻ bị mang tiếng là tội lỗi. Có thể những ông bà, anh chị đó chưa đủ mức độ thánh thiện như Chúa Giê-su, ta lo họ bị kẻ xấu cám dỗ, lợi dụng. Điều này không sai, nhưng cũng cần có những cơ hội như thế để bắt nhịp cầu thống hối đổi đời. Hãy bao dung hơn trong cách nhìn nhận và phê phán của mình.
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ suy niệm và nỗ lực thực hiện câu Lời Chúa sau đây: “Hãy học cho biết ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế…”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa cho thấy Trái Tim đầy xót thương của Chúa khi kêu gọi thánh Mát-thêu và đồng bàn với những kẻ tội lỗi. Xin dạy con biết sống quảng đại như Chúa từng quảng đại với con là kẻ tội lỗi, biết bao dung như Chúa đã bao dung với con. Amen.


Thánh Mátthêu
Mátthêu là người Do Thái làm việc cho đạo quân xâm lăng La Mã, thu thuế của những người đồng hương Do Thái. Mặc dù người La Mã có lẽ không cho phép moi tiền của người chịu thuế một cách quá đáng, nhưng điều họ quan tâm vẫn là hầu bao của mình nên họ thường làm ngơ về những hành động của "người thầu thuế". Do đó sau này, những người thu thuế thường bị khinh miệt như người phản bội dân Do Thái. Người Pharisiêu coi họ là hạng "tội lỗi." Bởi thế, thật bàng hoàng khi Đức Kitô gọi một người như vậy để trở nên môn đệ của Người.

Mátthêu lại làm Đức Kitô thêm khó khăn khi tổ chức một bữa tiệc tiễn biệt tại nhà của ông. Phúc Âm kể cho chúng ta biết "nhiều người thu thuế" và "những người nổi tiếng tội lỗi" đã đến dự tiệc. Người Pharisiêu lại càng thêm khó chịu. Một người được cho là vị thầy vĩ đại lại có liên hệ gì với hạng người vô luân đó? Câu trả lời của Đức Kitô là, "Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu. Hãy tìm hiểu ý nghĩa của câu, 'Ta muốn lòng thương xót, chứ không phải của lễ.' Tôi không đến để kêu gọi người công chính, nhưng là người tội lỗi" (Mt. 9:12b-13). Đức Kitô không gạt vấn đề thờ phượng và nghi lễ sang một bên; Người chỉ nói rằng việc yêu thương tha nhân thì quan trọng hơn.

Trong Tân Ước không còn đoạn nào nói về Mátthêu.

Lời Bàn
Trong hoàn cảnh bất thường, Đức Kitô đã chọn một trong những người làm nền tảng cho Giáo Hội, mà qua công việc làm của ông, những người khác nghĩ rằng ông không đủ thánh thiện với chức vụ đó. Nhưng ông đã thành thật thú nhận mình là một người tội lỗi mà Đức Kitô đã đến để kêu mời. Ông đã thật tình nhận biết chân lý khi ông nhìn thấy Người. "Và ông đã đứng dậy đi theo Người" (Mt. 9:9b).

Lời Trích
Chúng ta mường tượng ra Thánh Mátthêu, sau biến cố kinh khủng bao quanh cái chết của Đức Kitô, cùng với các tông đồ đi đến nơi mà Đức Kitô Phục Sinh đã triệu tập họ. "Khi họ trông thấy Người, họ đã thờ lậy, nhưng vẫn hồ nghi. Và Đức Kitô đến gần và nói với họ [chúng ta nghĩ Đức Kitô sẽ nhìn đến từng người, và Mátthêu lắng nghe một cách phấn khởi như các tông đồ khác], 'Mọi quyền năng trên trời và dưới đất đã được ban cho Thầy. Bởi thế, hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần, hãy dạy bảo họ tuân giữ những gì mà Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy sẽ luôn ở với anh em, cho đến tận thế" (Mt. 28:17-20).

Thánh Mátthêu không bao giờ quên được ngày ấy. Ngài đã loan truyền Tin Mừng trong suốt cuộc đời. Đức tin của chúng ta dựa vào chứng tá của ngài và các tông đồ.

Vị Thánh Là Ai?

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: "Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào".
Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.
Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua.
Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: "Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là aỉ" Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời.
Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồiở bàn thâu thuế, tên là Matthêu.
Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu.
- Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.
- Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.
- Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.
Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.