Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 25/9/2016

Filled under:

LỘ TRÌNH LÒNG THƯƠNG XÓT
“Có một ông nhà giàu kia… Lại có một người nghèo khó…” (Lc 16,19.20)
Suy niệm: Dụ ngôn Chúa kể hôm nay đầy những chi tiết tương phản đến độ gây sốc: ông nhà giàu – người nghèo ăn xin; ông nhà giàu mặc lụa là gấm vóc – người ăn xin mụn nhọt đầy mình; ông ta yến tiệc linh đình – người nghèo La-da-rô thèm ăn những thứ rớt xuống từ bàn ăn… Thế rồi giàu hay nghèo cùng có một kết cục chung: cái chết. Đến đây, tình thế lại đảo ngược: từ dưới âm phủ, ông nhà giàu “ngước mắt lên” để van xin được một giọt nước từ đầu ngón tay của anh La-da-rô. Không biết lúc đó, ông có nhớ lại nhiều lần anh La-da-rô cũng có cử chỉ đó với ông? Khi còn sống, chắc hẳn không chỉ một lần ông đã bắt gặp ánh mắt nài xin, bàn tay chìa ra để xin sự giúp đỡ của ông. Rất tiếc, ánh mắt và bàn tay ấy đã không chạm được vào trái tim khép kín của lòng ông. 
Mời bạn: “Lòng thương xót là một lộ trình khởi hành từ con tim tới đôi tay, nghĩa là tới các công việc của lòng thương xót” (ĐGH Phanxicô). Những hình ảnh tương phản trong dụ ngôn vẫn còn mang tính thời sự trong xã hội hôm nay. Trái với người phú hộ, bạn có trái tim và đôi bàn tay để yêu thương và trao ban. Xin được một chút nhạy cảm và hào phóng trước nỗi khổ đau của đồng loại, để như một lời đáp trả, chuẩn bị cho cuộc sống mai sau.
Sống Lời Chúa: Hãy làm một việc cụ thể cho người đang cần sự giúp đỡ của bạn: lời cầu nguyện, sự sẻ chia vật chất hay tinh thần.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tạ ơn Chúa vì chúng con luôn giàu có và nghèo nàn về một mặt nào đó. Xin cho chúng con biết quảng đại chia sẻ cho nhau, cũng như biết khiêm tốn đón nhận sự sẻ chia của những người chung quanh con. Amen.

Thánh Elzear và Chân Phước Delphina
(1286-1323) (1283-1358)
Đây là cặp vợ chồng duy nhất của dòng Phanxicô được chính thức phong chân phước và phong thánh.
Ông Elzear xuất thân từ một gia đình quý tộc ở phía nam nước Pháp. Sau khi lấy bà Delphina thì ông mới biết vợ mình thề giữ đồng trinh trọn đời; chính đêm tân hôn ông cũng đã thề như vậy. Vào lúc đó ông Elzear, là Bá Tước của Ariano, và là cố vấn cho Công Tước Charles của Calabria ở phía nam nước Ý. Elzear cai quản lãnh thổ của mình trong vương quốc Naples và ở phía nam nước Pháp với sự công bằng.
Hai ông bà Elzear và Delphina gia nhập dòng Ba Phanxicô và tận hiến trong công việc bác ái cho người nghèo. Hàng ngày, có đến mười hai người cùng ăn với họ. Có một bức tượng Thánh Elzear diễn tả ngài đang chữa người cùi.

Lòng đạo đức của họ đã ảnh hưởng tất cả mọi gia nhân trong nhà. Hàng ngày họ đều tham dự Thánh Lễ, đi xưng tội hàng tuần và sẵn sàng tha thứ cho người khác.

Sau khi ông Elzear chết, bà Delphina tiếp tục công việc bác ái trong hơn 35 năm nữa. Đặc biệt bà có công trong việc nâng cao trình độ luân lý của triều đình vua Sicily.

Hai ông bà Elzear và Delphina được mai táng ở Apt, nước Pháp. Ông được phong thánh năm 1369, và bà được phong chân phước năm 1694.

Lời Bàn
Giống như Thánh Phanxicô, hai ông bà Elzear và Delphina nhận biết nguồn gốc của các tạo vật. Do đó, họ không nhẫn tâm thống trị bất cứ tạo vật nào nhưng dùng tạo vật như một phương tiện để cảm tạ Thiên Chúa.

Dù hiếm muộn, hôn nhân của họ là một hy sinh cho người nghèo và người đau yếu ở chung quanh họ.

Lời Trích
Thánh Bonaventura viết: "Thánh Phanxicô tìm mọi cơ hội để yêu mến Thiên Chúa trong mọi sự. Ngài vui thích với mọi công trình của bàn tay Thiên Chúa, và từ cái nhìn hân hoan ở trần thế tâm trí ngài vươn cao đến nguồn ban sự sống và là cùng đích của mọi tạo vật. Trong bất cứ gì đẹp đẽ, ngài đều nhìn thấy Đấng Toàn Mỹ, và ngài đi theo Tình Yêu của ngài ở bất cứ đâu mà chân dung ấy được lưu vết nơi các tạo vật; qua tạo vật ngài làm thành một cái thang để có thể trèo lên cao và âu yếm Đấng là nguồn khao khát của mọi loài" (Legenda Major, IX, 1).

"Con Người Bất Hạnh Nhất Trần Gian"

Cuộc đời của nhạc sĩ Beethoven, ngay cả khi đạt đến đỉnh cao của danh vọng, cũng không phải là một cuộc đời hạnh phúc. Tất cả những người viết tiểu sử của nhạc sĩ đều ghi nhận rằng ông đã qua một thời tuổi thơ khốn khổ. Cha ông đã xem kỳ tài âm nhạc của ông như một cơ hội để làm tiền. Thần đồng âm nhạc đã phải ngồi vào đàn Piano từ sáng tới chiều, đến độ ông đâm chán cả âm nhạc. Chỉ có mẹ ông mới là nguồn an ủi duy nhất của ông trong lúc tuổi thơ, nhưng bà đã mất năm ông mới 17 tuổi.
Năm 28 tuổi, Beethoven bắt đầu bị điếc. Ông cảm thấy thất vọng hoàn toàn. Và tai họa đã tiếp diễn cho đến cuối đời ông.
Tuy nhiên, con người "bất hạnh nhất trần gian ấy" như ông thường nói về mình đã sáng tác những dòng nhạc bất hủ nhất ở cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19.
Kho tàng ẩn dấu trong ta chỉ có thể được khám phá và đem ra thi thố với thế giới nếu ta biết chiến đấu.