Đọc Kinh Truyền Tin với Đức Thánh Cha
VATICAN. Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa chúa nhật 18.09.2016, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xa tránh lối sống trần tục. Đức Thánh Cha nói: “Hôm nay Chúa Giêsu giúp chúng ta thấy hai lối sống đối nghịch nhau: lối sống trần tục và lối sống của Tin Mừng. Qua dụ ngôn người quản lý bất trung và tham ô, Chúa Giêsu khen ngợi ông mặc dù ông bất lương (Lc 16,1-13). Cần minh định rằng người quản lý ấy không được trình bày như mẫu gương để noi theo, nhưng như một thí dụ về sự gian xảo. Cuộc đời bao hàm một sự chọn lựa giữa hai con đường: giữa lương thiện và bất chính. Ta không thể đong đưa giữa hai con đường đó, vì chúng đi theo những tiêu chuẩn đối nghịch nhau. Điều quan trọng là quyết định đi theo hướng nào, rồi sau khi đã chọn lựa đúng đắn, phải quyết liệt tiến bước mau lẹ, tín thác nơi Chúa và sự nâng đỡ của Ngài.”
Tuyên ngôn hòa bình của các vị lãnh đạo tôn giáo tại Assisi
ASSISI. Ngày 20.09.2016 Đức Thánh Cha và hơn 500 vị đại diện các tôn giáo đã đến Assisi để cầu nguyện cho hòa bình thế giới. Ngày cầu nguyện lần này có chủ đề: ”Khao khát hòa bình. Các Tôn giáo và Văn hóa đối thoại”.
Cuối ngày cầu nguyện, với sự hiện diện của hàng chục ngàn tín hữu tại quảng trường trước Vương cung thánh đường thánh Phanxicô ở Assisi, trong tuyên ngôn chung, các vị lãnh đạo tôn giáo bày tỏ quyết tâm dấn thân xây dựng hòa bình, đồng thời lên án mọi hình thức lạm dụng tôn giáo để biện minh cho khủng bố, bạo lực và chiến tranh.
“Là những người nam nữ thuộc các tôn giáo khác nhau, chúng tôi họp nhau như những người lữ hành tại thành của thánh Phanxicô. Tại đây cách đây 30 năm, vào năm 1986, theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, các vị đại diện tôn giáo toàn thế giới, lần đâu tiên tham dự một cách trọng thể, để khẳng định mối liên hệ không thể tách rời giữa đại thiện ích hòa bình và thái độ tôn giáo chân chính. Từ biến cố lịch sử ấy, đã khởi sự một cuộc lữ hành dài, qua nhiều thành phố trên thế giới, đưa nhiều tín hữu tham dự vào cuộc đối thoại và cầu nguyện cho hòa bình; đã liên kết nhưng không tạo nên sự lẫn lộn, mang lại những tình bạn liên tôn vững chắc và góp phần dập tắt không ít các cuộc xung đột. Đây là tinh thần đang linh hoạt chúng tôi: thực hiện cuộc gặp gỡ trong đối thoại, chống lại mọi hình thức bạo lực và lạm dụng tôn giáo để biện minh cho chiến tranh và khủng bố…”
Buổi tiếp kiến chung với Đức Thánh Cha
VATICAN. Sáng thứ tư 21.09.2016, Đức Thánh Cha nói với hơn 40 ngàn tín hữu hành hương như sau: Sự toàn thiện của Thiên Chúa là ở nơi tình yêu thương xót. Tình yêu thương xót đó được diễn tả ra bằng việc tha thứ và cho đi, là hai cột trụ của Kitô giáo. Không phán xét lên án, nhưng tìm phục hồi phẩm giá là con Thiên Chúa cho người anh em làm lỗi và quảng đại giúp đỡ họ trong mức độ có thể.
Đức Thánh Cha nói: Chúng ta vừa nghe đoạn Phúc Âm thánh Luca (6,36-38) từ đó đuợc rút ra khẩu hiệu của Năm Thánh ngoại thường này: “Hãy thương xót như Thiên Chúa Cha”. Câu đầy đủ là: “Các con hãy thương xót như Cha các con là Đấng xót thương” (c.36). Đây không phải là một khẩu hiệu quảng cáo nhằm gây hiệu quả, nhưng là một dấn thân của cuộc sống. Để hiểu rõ kiểu nói này chúng ta đối chiếu với kiểu nói song song trong Phúc Âm thánh Mátthêu, trong đó Chúa Giêsu nói: “Vì vậy các con hãy toàn thiện như Cha các con ở trên Trời là Đấng toàn thiện” (Mt 5,48). Trong viễn tượng này thánh sử Luca nói rõ rằng sự toàn thiện là tình yêu thương xót: là hoàn thiện có nghĩa là thương xót. Một người không thương xót có toàn thiện không? Không! Một người không thương xót có tốt không? Không! Lòng tốt và sự toàn thiện đâm rễ nơi lòng thương xót.
Đức Thánh Cha mời gọi các ký giả tôn trọng sự thật
VATICAN. Trong buổi tiếp kiến sáng thứ năm 22.09.2016 dành cho 200 người thuộc Hội đồng toàn quốc ký giả đoàn của Italia, Đức Thánh Cha mời gọi các ký giả tôn trọng sự thật, phẩm giá con người và góp phần làm tăng trưởng chiều kích xã hội của con người. Sau khi đề cao tầm quan trọng của các ký giả trong xã hội, với những khó khăn và đòi hỏi của nghề nghiệp, Đức Thánh Cha mời gọi họ hãy dừng lại để suy nghĩ về điều mình đang làm và cách thức mình làm. Cụ thể, ngài kêu gọi các ký giả suy tư về 3 yếu tố. Đó là: yêu mến sự thật, sống với tinh thần nghề nghiệp, và tôn trọng phẩm giá con người.
Công bố qui chế mới về Bộ Truyền Thông của Tòa Thánh
VATICAN. Ngày 22.09.2016, Đức Thánh Cha đã cho công bố Quy chế Bộ Truyền Thông (Segreteria per le comunicazioni) của Tòa Thánh. Bộ này được Đức Thánh Cha thành lập ngày 27.06.2015 qua tự sắc “Bối cảnh truyền thông hiện nay”. Bộ bao gồm 9 cơ quan của Tòa Thánh liên quan đến lãnh vực truyền thông, đó là: Hội đồng Tòa Thánh truyền thông xã hội, Phòng báo chí Tòa Thánh, Ban Internet Vatican, Đài phát thanh Vatican, Trung tâm truyền hình Vatican, Báo Quan sát viên Roma, Nhà in Vatican, Ban nhiếp ảnh và Nhà sách Nhà xuất bản Vatican.
Bộ Truyền thông gồm có 5 phân bộ là: Phân Bộ Tổng Vụ, Phân Bộ Biên Tập, Phân Bộ Phòng Báo Chí Tòa Thánh, Phân Bộ Kỹ Thuật, và Phân Bộ Thần Học Mục Vụ. Theo qui chế mới, Bộ Truyền Thông ở dưới sự điều hành của Vị Bộ trưởng và vị Tổng thư ký, cùng với 5 vị Giám đốc 5 phân Bộ. Vị Bộ trưởng hiện nay là Đức Ông Dario Edoardo Viganò người Italia, và vị Tổng thư ký là Đức Ông Lucio Adrian Ruiz người Argentina.
Đức Thánh Cha chia buồn về vụ hai linh mục Mêhicô bị bắt cóc và sát hại
POZA RICA. Hai linh mục thuộc giáo phận Papantla tại bang Veracruz thuộc Mêhicô vừa bị bắt cóc và sát hại tại ngoại ô thị trấn Poza Rica. Đó là cha Alejo Juárez và cha José De La Cruz. Chiều tối Chúa nhật 18.09 hai ngài bị bắt cóc tại giáo xứ, và sáng 19.09 thi hài của hai ngài được tìm thấy trên con đường từ Papantla dẫn đến Poza Rica. Vùng này vốn là lãnh thổ tranh chấp bạo động giữa các phe buôn bán ma túy từ nhiều năm nay. Vẫn còn phải chờ đợi để xác minh lý do vụ sát hại hai cha. Đức cha Ortiz, Giám mục giáo phận sở tại, bàng hoàng trước tin buồn này. Ngày 20.09 Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Mêhicô phổ biến điện văn chia buồn của Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha rất đau buồn và Ngài chia buồn với hàng giáo sĩ cũng như mọi tín hữu trong giáo phận. Ngài khẳng định rằng hai linh mục bị sát hại bởi một thứ bạo lực không thể bào chữa. Ngài cũng khuyến khích các tín hữu tiếp tục sứ mạng trong Giáo hội, theo gương Vị Mục Tử Nhân Lành, cho dù gặp phải nhiều thách đố.
Vị linh mục, cựu tù nhân tại trại tập trung Dachau, được phong chân phước
WUERZBURG. Ngày 24.09.2016 Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, chủ sự thánh lễ phong chân phước tại thành phố Wuerzburg bên Đức, cho vị linh mục là cựu tù nhân tại trại tập trung Dachau thời Đức Quốc Xã. Đó là cha Engelmar Unzeitig sinh năm 1911, dòng Thừa sai Mariannhill. Trên tòa giảng, trong thánh lễ, cha phê bình chế độ Đức quốc xã và mời gọi các tín hữu tiếp tục trung thành với Thiên Chúa. Cha bị bắt và bị đưa tới trại tập trung Dachau, miền nam Đức. Tại đây, cha tự học tiếng Nga để có thể giúp đỡ các tù nhân Đông Âu. Trong trại, cha được coi là “vị thánh” là “thiên thần của Dachau” vì cha tận tụy săn sóc các tù nhân bị sốt thương hàn. Cha viết: “Kể cả khi có những hy sinh lớn lao và những đau khổ nặng nề nhất, vẫn luôn có Thiên Chúa với tình thương hiền phụ của Ngài, Ngài hài lòng với thiện chí của con cái Ngài và Ngài ban cho họ hạnh phúc.” Sau cùng, chính cha cũng bị lây thương hàn và qua đời ngày 02.03.1945.
Biên tập: Tứ Quyết SJ