Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2016

Suy niệm CN 25 C TN - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

Filled under:

Người quản lý tinh khôn (Lc 16,1-13)

Dụ ngôn chúng ta vừa nghe  thường gây nhiều vấp phạm vì người ta đang cố đề phòng gương mù gương xấu đang khi đó dụ ngôn lại trình bày thái độ của người quản lý tinh khôn như là một điều đáng khuyến khích. Nhưng chủ đích dụ ngôn Chúa muốn nói là “con cái sự sáng, trong vấn đề này, phải xử sự khéo léo như con cái trần gian”.  
Đây chính là sự tinh khôn của người quản lý.
Vậy người quản lý tinh khôn ở chỗ nào?
Người quản lý biết rằng mình sắp mất chức, không muốn làm việc tay chân vất vả, cũng không muốn đi hành khất, cho nên anh đành phải dùng mưu kế để gây thiện cảm với các con nợ. Những người này phải giúp lại anh, ít là tạm thời, cho đến khi anh kiếm được một địa vị tương đương. Sự tinh khôn là ở chỗ đó nên Chúa Giêsu đã nói “và ông chủ đã khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo”. Hơn nữa Chúa còn bảo chúng ta “hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi vĩnh cửu”.
Vậy chúng ta thử đặt mình vào địa vị tên quản gia bất lương kia để xem mình nên làm gì hầu “sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ”. Cũng như viên quản gia, nếu không biết tiên liệu thì coi chừng chết đói, vì ngoài chức quản gia ra, anh ta chẳng biết làm gì khác để sinh sống, “cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi”. Tốt nhất là nên lợi dụng ngay quyền hạn của chức quản gia mà mình còn giữ được trong thời gian ngắn ngủi  để đầu tư tình cảm nơi mọi người. Cách tốt nhất và hữu hiệu nhất để gây tình cảm là lợi dụng chức quản gia để làm ơn cho họ. Anh ta nghĩ: ông chủ có rất nhiều con nợ, mình giảm nợ cho họ tất nhiên họ phải mang ơn mình, có tình cảm với mình, nhờ đó, khi mình thất nghiệp, họ sẽ tôn trọng và giúp đỡ mình. Như thế, anh ta đã dùng những tiền của không phải của mình để làm lợi cho mình: dùng tiền của của người khác do mình tạm thời quản lý để mua lấy tương lai cho mình về sau. Hành động khôn khéo nầy cũng đã được một người thực hiện và được ghi lại trong sách xưa như sau:
Thời Chiến Quốc, tại Nước Tề có một vị tướng quốc tài hoa lỗi lạc là Mạnh Thường Quân. Một hôm, Mạnh Thường Quân sai một người bạn tên là Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ.
Trước khi lên đường, Phùng Nguyên hỏi Mạnh Thường Quân rằng:
"Ngài có muốn tôi mua thứ gì bên đó về cho ngài không?"
Mạnh Thường Quân trả lời : "Ngươi xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua."
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên triệu tập các con nợ của Mạnh Thường Quân lại và yêu cầu họ xuất trình giấy nợ. Sau khi nắm được số liệu giấy tờ, thay vì đòi họ thanh toán hết tiền gốc tiền lãi, Phùng Nguyên nhân danh Mạnh Thường Quân tuyên bố tha hết nợ cho dân và truyền cho các đầy tớ đem tất cả giấy nợ ra đốt sạch.
Thế là trong phút chốc, bao nhiêu nợ nần xưa nay biến tan theo làn khói; tất cả các con nợ thở phào nhẹ nhõm và ghi tâm khắc cốt ân đức của Mạnh Thường Quân.
Mấy hôm sau, thấy Phùng Nguyên trở về tay không, Mạnh Thường Quân hỏi: “Nhà ngươi đã thu được bao nhiêu tiền nợ? Đã mua được thứ gì?”
Phùng Nguyên trả lời: "Theo thiển ý của tôi thì trong nhà của ngài chẳng thiếu gì cả, có chăng là thiếu ơn nghĩa dành cho người túng cực mà thôi. Chính vì thế, tôi đã trộm phép ngài để mua ơn nghĩa cho ngài. Tôi hy vọng là ngài sẽ rất hài lòng".
Về sau, Mạnh Thường Quân bị hàm oan và bị bãi quan, phải về nương náu tại đất Tiết. Dân chúng nơi đây nhớ ơn vị đại ân nhân đã tha nợ cho họ năm xưa, rủ nhau ra đón rước thật tưng bừng và thân mật.
Mạnh Thường Quân vui sướng quay lại nói với Phùng Nguyên: "Nhà ngươi xem, chắc hẳn đây là cái ơn nghĩa mà trước đây nhà ngươi đã mua giùm cho ta!"
Phùng Nguyên đã giúp Mạnh Thường Quân có được những tình cảm tốt đẹp khi thất thế nhờ cho xóa đi những món nợ năm xưa. Chúa cũng gợi ý cho chúng ta biết dùng những của tạm đời này để mua sắm lấy Nước Trời, tức là hạnh phúc đích thực và vĩnh cửu của mình cũng như  người quản lý trong dụ ngôn đã dùng tiền mà mình đang quản lý để làm ơn làm phúc cho người này người nọ, nhờ đó khi không còn quản lý nữa, ông vẫn được người khác quí trọng, tiếp đón, hậu đãi.
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu khuyên chúng ta cũng nên “dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu”. Nghĩa là hãy dùng những của cải tạm bợ – tinh thần cũng như vật chất – mà Chúa trao cho ta quản lý, để mang hạnh phúc cho tha nhân, nhờ vậy, chúng ta sẽ có một kho tàng vĩnh cửu không thể hư nát ở trên trời.
Quả thật, Chúa đã dùng sự tinh khôn của viên quản gia để nhắc nhở chúng ta biết đầu tư cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc, hạnh phúc đích thực của chúng ta.



BẢO VỆ SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI

CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN NĂM C
“Ông chủ khen anh quản gia bất lương đã hành động khôn khéo”. Đó là lời Chúa Giêsu khẳng định trong dụ ngôn mà Tin Mừng theo thánh Luca (16, 1-13) ghi lại. Ông chủ là ai? Chúa dùng hình ảnh ông chủ để ám chỉ chính Chúa. Hóa ra, Chúa Giêsu lại khen ngợi kẻ bất lương? Hay chúng ta phải hiểu thế nào?
Thật ra, Chúa không khen người quản gia bất lương vì chính sự bất lương. Chúa chỉ khen vì tính toán của anh ta nhanh nhạy, hành động của anh ta khéo léo. Dù gian lận, nhưng trong việc làm gian lận, anh ta xử lý hoàn cảnh của mình hết sức hợp lý, đúng thời điểm, đúng đối tượng cần thiết.
Khi anh quản gia đối diện với tình huống đe dọa sự sống của mình: sắp bị đuổi việc, bản thân tự biết rõ: cuốc đất không nổi vì không quen lao động chân tay. Nhưng đi ăn mày thì xấu hổ, vì từng làm việc quan trọng, ai cũng biết tiếng. Anh ta nhanh nhạy tạo tương quan, nhỡ sau khi mất việc, anh ta có thể có điều kiện để sống. Biết đâu anh còn được người ta đón tiếp, coi như ân nhân của họ. Chúa khen là khen điều ấy.
Ngay sau khi khen người quản gia bất lương khéo léo, Chúa Giêsu trao cho dụ ngôn một cái kết: “Con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng”. Dựa vào câu nói của Chúa, chúng ta bàn về sự khôn ngoan của con cái Thiên Chúa, bởi họ phản chiếu ánh sáng của Thiên Chúa. Họ trở thành con của sự sáng.
Khi cho biết con cái thế gian khôn khéo hơn con cái ánh sáng, là Chúa muốn nói rằng: Chúng ta không biết tính toán, thậm chí không thèm phản ứng để hành động chống trả những chước cám dỗ, những hoàn cảnh có thể làm cho bản thân sai đường.
Thực tế đời sống chứng minh: Đã quá nhiều lần, ta không nhanh nhạy để gìn giữ sự sống đời đời của mình. Những khi đồi diện với cám dỗ, nhất là những cơn cám dỗ về tội trọng đe dọa sự sống đời đời, dù biết mình là con cái sự sáng, ta đâu có tìm cách gấp rút thoát ra. Có khi ta lại còn muốn ở lỳ trong tội. Chính vì thế, ta đâu chỉ một lần phạm tội. Có thể nói, dấu ấn về tội lỗi là điều rất thật trên cuộc đời của từng con người.
Sở dĩ những con cái sự sáng không phản ứng đủ, kịp lúc để bảo vệ sự sống đời đời, là do ta ít để ý đến sự sống ấy, ít để nó lưu trú trong tâm trí ta. Trong cuộc đời, có quá nhiều thứ để con người quan tâm. Nhưng lý tưởng đời sống thiêng liêng để vươn tới sự sống đời đời, lẽ ra phải là mối quan tâm trên hết mọi quan tâm, dù là con cái sự sáng, nhưng lại không quan tâm, không thèm đếm xỉa, không tha thiết với nó.
Một trong những mối bận tâm, thậm chí trở thành đam mê, gây nên tội lỗi mà những con cái sự sáng vướng vào, đó là tham lam của cải. Chính trong bài Tin Mừng, Chúa trách thói tham lam này: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được”.
Hơn bao giờ hết, thời đại mà mỗi chúng ta cùng đồng hành, đang bị nền kinh tế thị trường cuốn hút và vạch lối. Con người dễ có khuynh hướng tập trung vào sự sống thân xác, quên đi sự sống tinh thần. Lắm khi người ta còn sẵn sàng hủy diệt cả sự sống tinh thần, để phục vụ sự sống thân xác, nhằm tạo cảm giác sung sướng hơn, thỏa mãn nhiều hơn.
Đồng tiền dễ xâm lăng, chiếm ngôi “ông chủ” trong tâm trí nhiều người. Bởi thế, người ta dễ đánh giá nhau dựa trên giá trị vật chất. Người ta yêu nhau cũng nhìn vào túi tiền của nhau. Cha mẹ lập gia đình cho con cũng nhắm sự giàu có của kẻ sẽ phối ngẫu với con mình. Lập bè lập bạn, người ta cũng tìm sự tương đồng vật chất. Kẻ giàu tìm cách trưng bày sự giàu có. Kẻ nghèo cảm thấy mặc cảm, xa lánh nhiều người, nhiều hoàn cảnh…
Ước gì chúa ban cho ta giàu có, nói theo ngôn ngữ của Chúa: mua lấy bạn hữu đời này, để đời sau, có cả một đoàn thánh nhân đón nhận ta vào Nước Chúa.
Và nếu ta chưa giàu như người, ta cũng không lấy đó làm bức bối, tủi thân, mặc cảm, nhưng luôn biết hiến dâng sự thiếu thốn, sống tinh thần của mối Phúc đầu tiên: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Trong chính sự nghèo khó của mình, càng là điều kiện tốt để ta đồng cảm, yêu thương, chia sớt, trải lòng với anh chị em bên cạnh hơn.
Đừng để mình sống rồi cuối cùng phải xa Nước Chúa, bị đuổi khỏi tôn nhan Chúa đời đời. Có mấy điểm chúng ta cần rút ra cho chọn lựa để bảo vệ sự sống đời đời, để trở thành con cái sự sáng:
- Luôn hướng về Chúa, luôn để Chúa làm chủ đời mình. Tiền bạc của cải không là điểm tựa, không là cứu cánh mà chỉ là phương tiện. Con cái sự sáng vừa say mê cuộc đời này vừa say mê vĩnh cửu. Giữa cái mau qua họ tìm gặp vĩnh cửu, họ làm việc vui chơi như mọi người, nhưng họ luôn để Thiên Chúa đi vào toàn bộ cuộc đời họ.
Sống chân thật và tín trung. Chân thật trong lời nói, trong tư tưởng, trong hành động; thật tình trong cư xử; thật hiếu hạnh trong gia đình; thật tín nghĩa ngoài xã hội; thật trung thành trong niềm tin. Trung tín sống đức tin, trung tín trong lời hứa, có tinh thần trách nhiệm cao, trung tín trong việc trau dồi những nhân đức, tập sống vươn lên trong sự thánh thiện, trong lòng yêu mến Chúa.
Khôn ngoan Thập Giá. Họ chấp nhận thập giá và hiến mình cho Thiên Chúa để mang lại lợi ích cứu độ cho chính họ và cho muôn người.
Vậy, trong từng ngày sống, chúng ta hãy thường xuyên tập luyện cho mình ngày càng biết khôn ngoan để thờ phượng Chúa, khôn ngoan luôn luôn để Chúa hướng dẫn và điều khiển đời mình.
Chúng ta cần sống siêu thoát với mọi của cải thế gian, để luôn đẹp lòng Chúa, luôn trung thành với lề luật Chúa suốt cả đời mình. Có như thế, chúng ta sẽ thật sự trở thành con cái của Sự Sáng, con cái của chính Thiên Chúa, Đấng luôn muốn ta thuộc về Người, Đấng sẽ ban sự sống đời đời cho ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm lẽ sống của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết học đòi bắt chước nơi Chúa về sự khôn ngoan chọn lựa sống theo chân lý Chúa ban, để luôn luôn đứng trên mọi thứ cám dỗ trần thế gây bất lợi cho ơn phần rỗi của chúng con. Amen.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG