Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2019

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG A

Filled under:

Lời Chúa: Mt 3, 1-12

Suy niệm 1

Dọn đường Tình Yêu
(Suy niệm của ĐGM. Antôn Vũ Huy Chương)

Giáo hội bước vào Mùa Vọng, 4 tuần lễ chuẩn bị cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh của Ngôi Lời Nhập Thể. Ngôi Lời đã làm người bởi quyền năng Chúa Thánh Thần và đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ cách đây hơn 20 thế kỷ. Cử hành Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh là cử hành việc Chúa ĐÃ ĐẾN để khởi đầu công trình cứu độ trần gian, mà cao điểm là sự kiện CHẾT và SỐNG LẠI của Người, một lần là đủ cho tất cả mọi thời và mọi nơi, nhưng mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo này được cử hành trong Thánh Lễ mà chúng ta cử hành mỗi ngày nhằm “loan truyền việc Chúa chịu chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại cho tới khi Chúa lại đến”. Chính vì thế, Mùa Vọng còn hướng về việc Chúa SẼ ĐẾN.
Khi cá nhân và tập thể định hướng cho THỜI GIAN thì con người và thời gian đó làm nên LỊCH SỬ. Khi cá nhân người Kitô hữu và tập thể Giáo hội định hướng cho lịch sử theo ý định của Thiên Chúa là cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho lịch sử đó trở thành LỊCH SỬ CỨU ĐỘ. Như thế, lịch sử mỗi người và lịch sử nhân loại nằm giữa RỒI và CHƯA: Chúa đã đến rồi (Giáng Sinh) để định hướng cho Lịch Sử Cứu Độ, nhưng chưa hoàn tất, nghĩa là chưa đạt tới cứu cánh chung cuộc (Cánh Chung). Mùa Vọng vừa cử hành việc Chúa đã đến RỒI, vừa hướng về việc Chúa CHƯA đến. Do đó, nhiệm vụ của mỗi người Kitô hữu cũng như của tập thể Giáo hội, trong thời gian này của Lịch Sử Cứu Độ, là cộng tác với Chúa Thánh Thần để làm cho Lịch Sử Cứu Độ của Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô sớm tới ngày hoàn tất, ngày đó Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai để khánh thành công trình cứu độ mà Người đã khởi sự.
Theo bài Tin Mừng, sống tinh thần Mùa Vọng là sống tinh thần SÁM HỐI theo lời mời gọi của ông Gioan Tẩy Giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần… Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối”. Dọn đường là tuyên xưng Đức Tin và Đức Cậy vào Tình yêu Nhập Thể của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, là sống Đức Ái một cách cụ thể và thiết thực theo gương Người, để đem lại niềm tin và hy vọng cho những người chung quanh. Đặc biệt khi làm việc bác ái từ thiện, mọi người nhớ lời nhắn nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Cagliari: “Chúng ta phải thực thi các công việc từ bi bác ái với lòng từ bi, dịu dàng, và luôn luôn với lòng khiêm tốn! Anh chị em biết không: Đôi khi người ta cũng thấy sự kiêu hãnh trong việc phục vụ người nghèo! Một số người làm đẹp, sống bằng người nghèo; một số người lợi dụng người nghèo để phục vụ cho tư lợi hoặc cho phe nhóm của họ. Tôi biết đó là chuyện phàm nhân, nhưng điều ấy không tốt! Và tôi muốn nói hơn nữa, đó là tội lỗi! Tốt hơn những người ấy nên ở nhà”.
Thánh Gioan Tông Đồ viết: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4, 9-11). Chúa Giêsu đã không nói “chúng ta cũng phải yêu thương Thiên Chúa”, mà nói “chúng ta cũng phải yêu thương nhau”. Rõ ràng yêu người và mến Chúa là một giới răn duy nhất!
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho Môsê biết Ngài là “Thiên Chúa thương xót và nhân hậu, nhẫn nại và đầy lòng trắc ẩn” với những ai cậy trông vào Ngài (Xh 34,6). Trong Tân Ước, lòng thương xót của Chúa Cha trở nên hữu hình và sống động nơi Đức Giêsu, vì ai thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha (x. Ga 14,9). Qua những dụ ngôn nói về lòng thương xót, dụ ngôn về con chiên lạc, dụ ngôn về đồng bạc được tìm thấy và dụ ngôn về người cha với hai người con (x. Lc 15,1-32), Chúa Giêsu đã mạc khải bản tính Thiên Chúa như một người Cha luôn đi bước trước cảm thương và tha thứ.
Chúng ta cùng nhau DỌN ĐƯỜNG TÌNH YÊU để đón Chúa đến trong Mùa Giáng Sinh, đến trong cuộc đời mỗi người và đến trong ngày Chúa quang lâm.

SUY NIỆM 2
 
Gioan Tẩy Giả xuất hiện, là dấu chỉ cho niềm hy vọng về ngày cứu độ. Thực ra, trải dài theo dòng lịch sử, Gioan hay các ngôn sứ khác đã từng xuất hiện, thông điệp chung mà họ mang đến cũng đều mời gọi dân Chúa quay về với lối đường của Chúa và tiên báo về ngày mà nước Chúa đến gần.

Thông điệp của Gioan lúc này cấp bách hơn, cách sống của ông cũng lôi cuốn và đánh động nhiều người Do Thái. Niềm hy vọng nước Thiên Chúa không chỉ là một hướng vọng lên và tiếp tục chờ đợi, mà thực ra nó nằm ngay bên, vì Gioan là người đã ứng nghiệm lời Isaia loan báo trước, ông là người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cuộc sám hối của những người Do Thái sau khi nghe Gioan kêu gọi “hãy sửa đường Chúa” gợi nhớ cho chúng ta nhiều cuộc sám hối trong lịch sử dân riêng, với lời kêu gọi của Môsê, của Êlia, của Giêrêmia hay Isaia trong quá khứ, để tránh sự trừng phạt và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Cái khác của cuộc sám hối lần này đó là không nhấn mạnh đến sự trừng phạt, mặc dù Gioan cũng có nói đến, khi ông nóiHỡi nòi rắn độc, ai bảo các ngươi trốn lánh cơn thịnh nộ hòng đổ xuống trên đầu các ngươi. Hãy làm việc lành cho xứng với sự thống hối. Chớ tự phụ nghĩ rằng: tổ tiên chúng ta là Abraham… Ðây cái rìu đã để sẵn dưới gốc cây. Cây nào không sinh trái tốt, sẽ phải chặt đi và bỏ vào lửa… Ngài cầm nia trong tay mà sảy lúa của Ngài, rồi thu lúa vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt”. Không nhấn mạnh đến sự trừng phạt, mà ngược lại loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Đây là dấu chỉ của tình yêu và lòng thương xót, chứ không đơn thuần là sự trừng phạt. Ngày Đấng Cứu Thế xuất hiện, và sắp xảy ra đây là ngày mà Thiên Chúa ban bố lòng thương xót của Ngài.

Nhiều người đã tìm đến để mục kích bằng được cách sống của Gioan và lời rao giảng của ông. Cách sống của ông thật giản dị, và lời rao giảng của ông cũng đầy mạnh mẽ nhưng chất chứa nhiều hơn về tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân. Lối sống giản dị của Gioan như dẫn ta về tình trạnh nguyên thuỷ của nguyên tổ khi chưa phạm tội: ăn châu chấu, uống mật ông rừng, mặc áo lông, thắt dây lưng bằng da, v.v. Lối sống ấy thuyết phục dân chúng hơn những lời rao giảng của giới kinh sư. Điều ngạc nhiên là cả giới kinh sư cũng tìm đến với Gioan để nghe lời ông giảng. Phải chăng cách sống của Gioan đã thuyết phục họ hơn!

Đã đến thời mà chúng ta phải chỉnh đốn lại cuộc sống chúng ta. Đó là sửa lại đường sống chúng ta cho ngay thẳng. Đã đến thời chúng ta coi lại cách sống của chúng ta, cách sống thuyết phục hơn muôn lời nói. Hãy nghe thật kỹ và nhìn thật sâu vào đời sống của chúng ta để sửa đổi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa là tình yêu. Chúa muốn chúng con nên trọn lành. Chúa muốn chúng con được hưởng ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết sửa lại đường lối sống của chúng con cho ngay ngắn, đường hoàng, phù hợp với giáo huấn của Chúa. Amen. 

 
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường