Thứ Năm, 5 tháng 12, 2019

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 5-12-2019

Filled under:

Phút cảm nhận Tin Mừng ngày 5-12-2019
"Không phải tất cả những ai nói với Ta, "Lạy Chúa, lạy Chúa!", là được vào nước trời, nhưng chỉ có người thực hiện ý Cha Ta ở trên trời, kẻ ấy mới được vào nước trời". (Mt 7,21).
Ngày tết đến chúc tuổi ông bà, con cháu thường chúc những lời hoa mỹ để ông bà vui lòng. Nhưng chắc chắn ông bà sẽ vui hơn khi con cháu quét cho bà cái nhà, rửa cho ông bình nước, nói chung là giúp ông bà dọn dẹp nhà cửa cho ngăn nắp, sạch sẽ. Điều ấy còn nói lên lòng hiếu kính ông bà nữa.
Hàng ngày, hàng tuần đến nhà thờ, ai cũng muốn dâng lên Chúa những lời thiết tha tôn thờ, kính yêu. Ai cũng mong được Thiên Chúa chúc phúc, được yêu thương tha thứ. Nhưng thử hỏi có mấy người được lãnh nhận các ơn ấy? Phải chăng ta còn nặng với những tính toán hơn thua, nặng những thú vui trần thế mà quên đi bổn phận làm con Chúa.
Cùng một công việc, nhưng ta làm vì lòng yêu mến Chúa yêu mến mọi người, công việc đó sẽ phát triển tốt đẹp, bền vững. Đó là xây dựng nhà mình trên đá. Nhưng ta xây nhà chỉ vì quyền lợi, vì hình thức, quảng cáo. thì nó hời hợt, mong manh như xây trên cát vậy.
Lạy Chúa. Chúa đã sống và thực thi ý Chúa Cha. Cả cuộc sống của Chúa là một tiếng xin vâng. Xin cho chúng con một nghị lực để can đảm thi hành ý Chúa, nhờ đó chúng con mới tìm được sự bình an, niềm hạnh phúc đích thực. Amen.

Thánh Sabas

Thánh Sabas Tu Viện Trưởng (s. 439)
Sinh ở Cappadocia (ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Thánh Sabas là một trong những thượng phụ đáng kính của các đan sĩ Palestine và được coi là một trong các vị sáng lập lối sống ẩn tu của Ðông Phương. Sau thời thơ ấu thiếu hạnh phúc mà ngài thường bị đánh đập và bỏ nhà một vài lần, sau cùng Sabas đã đến trú ẩn trong một tu viện. Mặc dù gia đình đã nhiều lần dụ dỗ trở về nhà, người thiếu niên ấy cảm thấy bị thu hút bởi đời sống đan viện. Và mặc dù là một đan sĩ trẻ nhất trong cộng đoàn, ngài trổi vượt về nhân đức. Vào năm 18 tuổi, ngài đến Giêrusalem, tìm hiểu biết thêm về lối sống cô độc. Không bao lâu, ngài xin được làm đệ tử của một vị ẩn tu nổi tiếng ở địa phương, dù rằng lúc đầu ngài được coi là quá trẻ để có thể theo được lối sống khắc khổ. Trong thời gian ở tu viện, vào ban ngày ngài làm việc quần quật và ban đêm ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Vào lúc 30 tuổi, ngài được phép dành năm ngày mỗi tuần để sống trong một hang động thật xa vắng, để cầu nguyện và lao động chân tay dưới hình thức đan rổ rá.
Sau khi vị linh hướng là Thánh Euthymius từ trần, Sabas đi sâu vào sa mạc hơn nữa, gần Jericho. Ở đây ngài sống trong một hang động gần con suối Cedron mà lối ra vào chỉ là sợi dây thừng, còn thức ăn là rau cỏ dại mọc trên đá sỏi. Thỉnh thoảng có người đem cho ngài các thực phẩm và đồ gia dụng cần thiết, trong khi ngài phải tự đi tìm nước uống.
Một số người đến với ngài để xin gia nhập đời sống ẩn dật. Lúc đầu ngài từ chối. Nhưng không lâu sau khi ngài cho phép, những người theo ngài lên đến trên 150 người, tất cả đều sống trong các túp lều tranh riêng rẽ quây quần thành một cộng đoàn, gọi là laura.
Trong thời gian ngài khoảng 50 tuổi, đức giám mục thuyết phục Sabas chuẩn bị chịu chức linh mục để ngài có thể phục vụ cộng đoàn đan viện của ngài tốt đẹp hơn trong vai trò lãnh đạo. Mặc dù điều khiển một cộng đoàn đan sĩ với tư cách tu viện trưởng, ngài vẫn cảm thấy ơn gọi sống đời ẩn dật. Hàng năm – thường vào mùa Chay – ngài bỏ cộng đoàn trong một thời gian khá lâu khiến các đan sĩ thật lo lắng. Một nhóm khoảng 60 người rời bỏ tu viện, thành lập một cộng đoàn ở gần đó mà không có phương tiện cần thiết. Khi Sabas nghe biết về các khó khăn họ phải gánh chịu, ngài đã rộng lượng cấp dưỡng cho họ và giúp đỡ xây dựng cộng đoàn.
Trong nhiều năm trời, Sabas đi khắp Palestine, rao giảng đức tin chân chính và đem được nhiều người về với Giáo Hội. Vào lúc 91 tuổi, theo lời thỉnh cầu của Ðức Thượng Phụ Giêrusalem, Sabas thực hiện cuộc hành trình đến Constantinople cùng lúc với cuộc nổi loạn của người Samaritan và sự đàn áp đầy võ lực. Ngài cảm thấy đau yếu và, sau khi trở về nhà không lâu, ngài từ trần tại tu viện Mar Saba. Ngày nay tu viện này vẫn còn các đan sĩ của Giáo Hội Chính Thống Giáo, và Thánh Sabas được coi là một trong những nhân vật sáng giá của đời sống ẩn tu thời tiên khởi.