Thứ Tư, 19 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY SUY NIỆM NGÀY 19/06/2019

Filled under:

LỜI CHÚA: Mt 6, 1-6. 16-18
1 “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.2 Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.3 Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm,4 để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
5 “Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.6 Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (…)
16 “Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.17 Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm,18 để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)
II. SUY NIỆM: 
1. Chữ và lời
Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là một phần của Bài Giảng Trên Núi theo Tin Mừng của thánh Mát-thêu (Mt 5-7). Đó là bài giảng đầu tiên của Đức Giê-su; và vì thế, có tầm quan trọng đặc biệt. Thật vậy, trong bài giảng này, Đức Giê-su công bố thân phận con người như thế đó, là mối phúc (x. Mt 5, 1-12), và Người mời gọi những người đi theo Ngài thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, “kiện toàn” Lề Luật (x. Mt 5, 17-48), bằng cách đặt nền tảng cho đời sống của chúng ta, cá nhân cũng như cộng đoàn, không phải chỉ trên chữ của Luật, nhưng còn trên lời của Ngài.
Chữ của Luật, như chúng ta biết, là một nguyên tắc vô tư áp dụng cho mọi người và trong mọi hoàn cảnh; vì thế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự “nặng nề” của Lề Luật và sự “yếu đuối” của chính mình. Trong khi đó, lời của Đức Giê-su là tiếng nói sống động của một Ngôi Vị ngỏ với từng người chúng ta, vốn cũng là một ngôi vị tự do. Cùng với lời mời gọi lắng nghe và sống theo lời của Ngài, để cho chúng ta được sống và sống dồi dào, Ngài xây dựng tương quan tình yêu với chúng ta: Ngài yêu mến chúng ta đến cùng và Ngài mời gọi chúng ta ở lại trong tình thương của Ngài (x. Ga 13 và 15). Và tình yêu này được lập lại và làm mới lại mỗi ngày trong Thánh Lễ và trong mỗi ngày sống của chúng ta.
Trong đời sống cầu nguyện, cầu nguyện với Lời Chúa trong thời gian phụng vụ vừa qua, bắt đầu từ Tuần Thánh và cầu nguyện với đời mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu biết và cảm nếm sâu xa hơn tình yêu của Chúa dành cho chúng ta, để chúng ta yêu mến Ngài hơn. Bởi vì, chỉ có tình yêu mới làm cho lời của Ngài trở nên rực sáng và êm ái, mới làm cho việc chúng ta lắng nghe và sống lời của Ngài trở nên nhẹ nhàng và mang lại cho chúng ta bình an, niềm vui và hạnh phúc (x. Mt 11, 28-30).
2. “Đừng như những người giả hình”
Bố thí, cầu nguyện và ăn chay là ba việc đạo đức căn bản không chỉ của Do Thái giáo, nhưng trong mọi tôn giáo, trong đó có Kitô giáo của chúng ta. Trong Năm Phụng Vụ, lời giảng dạy của Đức Giêsu về ba việc đạo đức căn bản này được công bố cho chúng ta vào thứ tư Lễ Tro, để định hướng cho toàn bộ hành trình Mùa Chay.
Trong đời sống đức tin, nhất là trong mùa chay, hiển nhiên là chúng ta sẽ, ở cấp độ cá nhân và cộng đoàn, bố thí, cầu nguyện và ăn chay nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, lời của Đức Giêsu không nhấn mạnh đến số lượng, nghĩa là phải bố thí bao nhiêu, phải cầu nguyện bao lâu và phải ăn chay như thế nào và bao nhiêu lần (vốn là chức năng của Lề Luật), nhưng đến cách thức chúng ta thực hành ba việc đạo đức căn bản này.
  • Bố thí diễn tả tương quan của chúng ta với tha nhân.
  • Cầu nguyện diễn tả tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
  • Ăn chay diễn tả tương quan của chúng ta với chính mình.
Trong cả ba việc đạo đức này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ: “Anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay như những người giả hình” (c. 2.5.16); giả hình là chỉ có bề ngoài thôi, không có bên trong, không có sự thật. Thật vậy, những người muốn tỏ ra mình là người đạo đức, trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, thường thực hành những việc này một cách phô trương; phô trương là làm vì người khác và tìm sự chú ý của người khác. Hoàn toàn không có chiều kích “thiêng liêng”, nghĩa là vì Thiên Chúa, hướng về Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.
3. Thiên Chúa là “Đấng kín đáo”
Thay vì phô trương, Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hành các việc đạo đức một cách kín đáo. Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su dùng tới sáu lần từ “kín đáo”, trong đó 5 lần được dùng để nói về Thiên Chúa Cha:
Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.
Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. (c. 4.6 và 18)
Chúng ta cứ nghiệm lại mà xem: Thiên Chúa hiện diện và hành động kín đáo biết bao trong sáng tạo, trong lịch sử loài người, nơi cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống của chúng ta và nhất là nơi bí tích Thánh Thể, diễn tả và được hoàn tất nơi mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giê-su. Chúng ta phải có ngũ quan biết chiêm niệm, như các tác giả Thánh Vịnh (x. Tv 8; 19; 139..), mới nhận ra Thiên Chúa hiện diện, lên tiếng và hành động được.
*  *  *
Như thế, Thiên Chúa, Cha của Đức Giêsu và cũng là Cha của chúng ta, là “Đấng kín đáo” và Ngài mời gọi chúng ta cũng trở nên “những người con kín đáo” như Cha của mình. Không phải để thi thố hay chứng tỏ thứ bậc khiêm nhường, nhưng để trở nên giống Cha của mình là Thiên Chúa, Đấng hiện diện nơi kín đáo và hành động một cách kín đáo.
Như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, phụ nữ vốn “kín đáo”. Vì thế, các Ma Sơ, các Dì các bà và các cô gần với Thiên Chúa hơn và dễ trở nên giống Thiên Chúa hơn! Và điều này hoàn toàn phù hợp với mặc khải về ơn sáng tạo người phụ nữ, vốn được tạo thành từ “tinh hoa của tạo vật”, nghĩa là từ xương từ thịt con người thay vì từ bùn đất! (x. St 2, 21-22)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM
 
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến ba trụ cột lớn làm cơ sở cho đời sống tốt lành của người Do Thái đó là: ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái. Thế nhưng Chúa Giêsu lại cảnh giác chúng ta về những khía cạnh có thể làm cho những việc đạo đức tốt đẹp này trở nên vô nghĩa và không có giá trị.

Một sự thật hiển nhiên của đời sống là rất khó để tìm ra một người làm bất cứ hành động đạo đức nào mà lại không mong mang lại một giá trị nào cho chính mình. Nói cách khác, không ai làm việc thiện mà lại không mong được phần thưởng nào đó. Thật vậy, nếu loại bỏ tất cả thưởng phạt ra khỏi cuộc sống thì chẳng khác nào cho rằng người tốt và kẻ xấu đều như nhau và điều này thì thật vô lý! Như thế, xem ra Chúa không quan tâm gì đến sự tốt hoặc xấu của con người! Như vậy chẳng có lợi gì mà ăn ngay ở lành và cũng có lý do chẳng có nền tảng gì để thực thi những việc đạo đức tốt lành! Thưởng và phạt là cần thiết để khiến cuộc đời có ý nghĩa.

Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giêsu không loại bỏ các phần thưởng mà các việc đạo đức tốt lành mang lại. Người hướng con người đến những giá trị thật của các việc đạo đức tốt lành. Chúa Giêsu cho thấy giá trị thật không bao giờ đến với người đi tìm phần thưởng. Một người luôn tính toán phần thưởng của mình là người luôn nghĩ về Chúa như là một quan án, một ông chủ hà khắc, và xem cuộc đời như là một bản kế toán mua bán đổi chác. Người đi tìm phần thưởng cho những việc làm của mình là người xây dựng tương quan với Chúa qua hình thức mua bán đổi chác. Tôi đi lễ, tôi làm những việc đạo đức thì Chúa phải thưởng cho tôi, bằng không tôi không đi lễ, không làm những việc đạo đức.

Giá trị thật của những việc đạo đức tốt lành hệ tại ở việc đi vào trong tương quan yêu thương với Thiên Chúa. Tương quan của một người con với người Cha đầy lòng yêu thương. Vì thế, một người làm việc đạo đức tốt lành rất có thể sẽ gặp những khó khăn, bất lợi về đời sống vật chất, nhưng lại đi vào trong tương quan yêu thương với Thiên Chúa.

Chính vì thế việc ăn chay không chỉ là nghi thức nhịn một miếng ăn, nhưng sâu hơn, ăn chay giúp chúng ta tập luyện giảm bớt tính xác thịt, giảm bớt tính ích kỷ cứ luôn tìm cách thoả mãn cho bản thân mình mà không quan tâm đến người khác. Cầu nguyện không phải là đọc thật nhiều kinh, nhưng là hướng lòng lên với Chúa, để sống gần gũi với Chúa hơn, từ đó ta có thể chiêm ngắm Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, và để lòng thương xót của Chúa thấm vào suy nghĩ, vào tâm trí, vào cách nhìn và cách sống của chúng ta. Và làm việc bác ái không chỉ là giúp đỡ người khác cái này, cái kia nhưng hơn thế nữa là để tập cho lòng mình, cho con tim mình, cho đôi mắt mình, cho đôi tay mình mở ra không còn co cụm với những đòi hỏi của bản thân mà biết quan tâm đến nhu cầu của tha nhân.

Cho nên ăn chay, cầu nguyện và làm việc bác ái, tất cả những việc đạo đức đó có mục đích tập luyện cho chúng ta dần dần bước vào quỹ đạo lòng thương xót của Thiên Chúa, để chính mỗi người chúng ta cũng trở nên những con người biết xót thương như Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương. 

Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta luôn ý thức rằng mỗi lần chúng ta làm một viêc tốt lành đạo đức là mỗi lần chúng ta tiến sâu hơn vào trong tương quan với Thiên Chúa là Cha đầy lòng xót thương. Đây chính là ý nghĩa và cùng đích thật của cuộc sống con người.