Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 20/06/2019

Filled under:

I. LỜI CHÚAMt 6, 7-15
7 “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời.8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin. 9 Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:
Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10 triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;
12 xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con;
13 xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.
14 Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em.15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”
II. SUY NIỆM
1. Lời Chúa
Lời Chúa được ví như hạt giống trong dụ ngôn Người Gieo Giống (Mt 13, 3-9). Nhưng trong bài trích sách ngôn sứ Isaia (Is 55, 10-11), Lời Chúa được ví như mưa, như tuyết, vốn là những điều kiện thiết yếu cho hạt giống lớn lên. Ngoài ra, để nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết trái, hạt giống còn cần ánh sáng nữa. Và Lời Chúa cũng là ánh sáng. Như vậy, Lời Chúa là tất cả: vừa là hạt giống và vừa là điều kiện thiết yếu làm cho hạt giống nảy mầm; bởi lẽ Lời Chúa là chính Sự Sống (x. Ga 1, 4).
Ước ao của Thiên Chúa, điều mà Lời được sai đi thực hiện, là gì? Hình ảnh mưa và tuyết nói rõ: tưới gội mặt đất, làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói của bánh ăn. Tất cả tạo nên một hình ảnh thật đẹp, thật sống động và rất gần gũi, để giúp chúng ta hiểu Lời Chúa phục vụ sự sống như thế nào, và cũng hiểu được tại sao, người ta sống không chỉ bởi cơm bánh, nhưng còn bởi Lời Chúa nữa.
Như thế, Lời của Đức Chúa trong sách ngôn sứ Isaia giúp chúng ta hiểu đúng hướng dụ ngôn Người Gieo Giống, đó là niềm hi vọng hoa trái, và hoa trái bội thu tất yếu của hạt giống Lời Chúa, bất chấp những trở ngại, thậm chí bất chấp điều tưởng là thất bại. Thay vì chỉ hiểu dụ ngôn theo hướng luân lí.
Dụ ngôn cũng loan báo Mầu Nhiệm Thập Giá. Nơi Thập Giá, trở ngại lớn nhất là tội và sự dữ, và sự dữ được để cho đi đến cùng, nghĩa hủy diệt Hạt Giống, vốn cũng là Người Gieo Giống. Nhưng điều kì diệu đã xảy ra: đó lại là con đường thần linh, nhưng cũng rất nhân linh và thiên nhiên, để cho Hạt Giống nảy mầm, lớn lên sinh hoa kết quả “gấp trăm” cho sự sống của con người, hôm nay và mãi mãi:
Đó chính là công trình của Thiên Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta. 
(Tv 118, 22)
 2. Lời cầu nguyện
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm qua (cũng là bài Tin Mừng của thứ tư Lễ Tro), Đức Giêsu mời gọi chúng ta một cách thật mạnh mẽ: anh em đừng bố thí, cầu nguyện và ăn chay như những người giả hình (c. 2.5.16); giả hình là chỉ có bề ngoài thôi, không có bên trong, không có sự thật. Thật vậy, người “đạo đức giả”, trong mọi tôn giáo và thuộc mọi thời, thường thực hành những việc này một cách phô trương; phô trương là làm vì người khác và tìm sự chú ý của người khác. Hoàn toàn không có chiều kích “thiêng liêng”, nghĩa là vì Thiên Chúa, bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa.
Trong ba việc đạo đức, Đức Giêsu nói về cầu nguyện cách đặc biệt nhất: trước hết, việc cầu nguyện có vị trí trung tâm, không chỉ ở trung tâm của bộ ba bố thí, cầu nguyện và ăn chay, nhưng còn ở trung tâm của toàn bộ “Bài Giảng Trên Núi”; và ngoài ra, Đức Giêsu nói về cầu nguyện dài nhất, trong đó có lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”, vang lên trên môi miệng của chúng ta nhiều lần trong ngày. Và đó nội dung bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay (c. 7-15).
Lời dạy của Đức Giêsu về cầu nguyện còn có một điểm đặc biệt nữa, đó là Ngài không chỉ nói: “Khi anh em cầu nguyện, đừng trở nên như những người giả hình” (c. 5), nhưng còn nói: “Anh em đừng lải nhải như dân ngoại!” (c. 7) Thực vậy, lời nguyện của chúng ta không được trở thành những lời lải nhải chỉ qui về mình, nghĩa là nhằm thỏa mãn nhu cầu, hoặc như những âm thanh vô hồn, nhưng phải là một lời ca tụng dựa trên tương quan thiết thân Cha-Con[1]. Vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:
  • Chúng ta được mời gọi ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
  • Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh của Cha, đến Nước của Cha, đến Ý của Cha.
  • Và sau đó mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ giải thoát khỏi sự dữ và ơn huệ thứ tha.
Sự sống của chúng không thể không có lương thực, không thể không được tha thứ, và không thể không được giải thoát khỏi sự dữ. Và Chúa Cha đã ban cho chúng ta sự sống này rồi, cách nhưng không và viên mãn nơi Đức Giê-su Ki-tô, Con Chúa.
Và nếu chúng ta để ý lắng nghe bài Tin Mừng, chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Giê-su đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ, vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu hay thương xót và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau.
3. Lời tha thứ
Sau khi dạy những lời chúng ta cần ngỏ với Chúa Cha (c. 9-13), Đức Giêsu nhắc lại một điểm đã được nêu trong những lời này, đó là sự tha thứ: “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta…” Như thế, sự tha thứ có tầm quan trọng đặc biệt. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ. Bởi vì, lời tha thứ là lời tái sinh: “Con ta đã chết, nhưng nay sống lại” (dụ ngôn Người Cha nhân hậu trong Lc 15, 11-32).
Lời Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau, đến độ, tha thứ cho nhau là “điều kiện” cho ơn tha thứ của Thiên Chúa. Ngài nói về điều này hai lần, một lần xác định và một lần phủ định:
Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em. (c. 14-15)
Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con, như chính chúng con đã tha thứ (động từ ở thì quá khứ) cho những người có lỗi với chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7, 40-43). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ , sẵn sàng hay ít nhất ước ao tha thứ cho người khác.
Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, dành cho mình một cách thiết thân, chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
[1] Giờ cầu nguyện theo sư phạm Linh Thao khởi đầu và kết thúc đều hướng về Thiên Chúa Cha với tâm tình ca tụng.
  • Kinh dọn lòng: “Xin ơn Thiên Chúa cho tất cả ý chí, hành vi và hoạt động của tôi hoàn toàn hướng về việc phụng sự và ca tụng Chúa chí tôn” (LT 46).
  • Kết thúc với Kinh Lạy Cha.
Như thế, Đức Ki-tô ngang qua Lời Kinh Thánh dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa trong tương quan Cha-Con, theo khuôn mẫu của Chúa Cha và Chúa Con và trong Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho chúng ta “trở nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8, 15).

Suy niệm 2

Tôn giáo nào cũng dạy người ta phải cầu nguyện. Mỗi tôn giáo lại có cách thức thực hành và cầu nguyện riêng. Mỗi người tự do chọn cho mình một con đường, một hình thức để diễn tả sao cho phù hợp với tôn giáo của mình. Hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người cầu nguyện. Vậy phải cầu nguyện như thế nào? Hãy để Chúa Giêsu dạy chúng ta như Người đã dạy các môn đệ khi xưa.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu cầu nguyện là hướng lòng lên cùng Thiên Chúa. Ngay từ thuở bé, ai cũng được ông bà, cha mẹ, anh chị dạy cho cách cầu nguyện thật đơn sơ như làm dấu thánh giá, đọc kinh Lạy Cha trước bữa ăn, v.v. Tưởng chừng như đơn giản, nhưng đây lại chính là lời cầu nguyện mà Chúa Giêsu đã dạy. Thật là hạnh phúc khi gia đình quây quần bên mâm cơm có cha có mẹ và con cái cùng nhau đọc vang lời kinh “Lạy Cha…” để tạ ơn Thiên Chúa trước bữa ăn trong gia đình.

Hôm nay, các gia đình có quá nhiều thứ để bận tâm nên cũng sẽ không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải: cha mẹ bận rộn với chuyện cơm áo gạo tiền, con cái bận rộn vui chơi học hành, v.v. Bên cạnh đó, có rất nhiều thứ phương tiện giải trí khiến người ta không còn để ý tới việc cầu nguyện. Cho đến khi gia đình, người thân gặp chuyện không hay xảy ra, người ta mới chạy vạy cầu chỗ này, xin chỗ kia mà quên đi bài học chính Chúa đã dạy: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin” (Mt 6,7-8).
Chúng ta hãy nhớ rằng, kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu đã dạy là một mặc khải về Chúa Cha. Thiên Chúa của chúng ta không là Thiên Chúa xa vời hay nghiêm nghị, nhưng là Thiên Chúa gần gũi, thân mật đến độ chúng ta có thể gọi Ngài là Cha với tất cả trìu mến như một em bé gọi cha mình. 

Lạy Chúa, là người Công giáo, ai trong chúng con cũng thuộc kinh Lạy Cha, nhưng để hiểu và sống lời kinh này thì còn nhiều thiếu sót. Xin cho mỗi lần chúng con đọc lên lời kinh này chúng con biết cảm nghiệm được lòng thương xót của Thiên Chúa, đồng thời cũng giúp chúng con ý thức về điều kiện để hưởng sự xót thương, nghĩa là càng tha thứ cho người khác, chúng con càng được Chúa thứ tha. Xin Chúa thương ở cùng gia đình chúng con và dạy chúng con biết cầu nguyện với Chúa luôn luôn. Amen.

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường