Thứ Sáu, 1 tháng 2, 2019

Phút suy niệm ngày 1/2/2019

Filled under:

Phút suy niệm ngày 1/2/2019
"Nước Thiên Chúa thì cũng giống chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên người ấy không biết.” (Mc 4,26-27).
Hạt lúa trước khi gieo, người nông dân thường ngâm và ủ cho nứt nanh (nứt mộng) rồi mới gieo. làm như thế sẽ rút ngắn được thời gian; thay vì 7 ngày, giờ chỉ còn 3 ngày, thân cây lúa đã đứng vững trên mặt ruộng.
Nói như thế để hiểu người nông dân mong chờ cây lúa được mọc lên tươi tốt như thế nào, sau đó là chờ đợi cây lúa lớn lên nhanh và thu hoạch.
Lạy Chúa. Chúng con là loài thụ tạo nhỏ bé làm sao biết được những việc lạ lùng Chúa làm. Chúng con chỉ biết chắc chắn một điều là: Vì yêu thương chúng con, Chúa đã cho các loài thụ tạo khác lớn nhanh, lớn khỏe để phục vụ sự sống loài người chúng con.
Xin cho chúng con biết hướng về Quê Hương Nước Trời, nơi đó chúng con được trưởng thành trong Chúa. Amen.


THÁNH NỮ CATARINA RICÊ
ĐỒNG TRINH 

(1522-1588)
Catarina ra đời năm 1522 tại thành phố Florencia thơ mộng. Hôm ấy, một ngày vui mừng cho gia đình ông Phêrô Rece, một gia đình quyền quý vào bậc nhất trong miền Tuscia. Sau khi sinh được một tuần, Catarina được bế đến nhà thờ chính toà chịu phép thánh tẩy. Chưa đầy ba tuổi, Catarina đã lâm cảnh mồ côi mẹ. Mất mẹ là cô mất hẳn một nguồn yêu thương, một gương nhân đức và một trường giáo dục.
Bận rộn công việc làm ăn, ông Phêrô phải trao con cho người em là bà Lui coi sóc. Bà nổi tiếng nhân đức, đã khấn dòng Monticelli tại Florencia lâu năm. Nhờ sự huấn luyện của cô nhân đức, Catarina lớn lên mỗi ngày một thêm ngoan ngoãn. Với khuôn mặt trái xoan, nổi bật hai con mắt trong sáng hiền lành, và đôi môi hồng dịu, cô là nguồn vui, là vẻ đẹp của nhà dòng, không kể cô, hết mọi người trong nhà đều bằng lòng với tính tình đơn sơ và cách sống chân thật của cô Đời thơ mộng của Catarina êm đềm trôi giữa bao gương sáng trong dòng. Dần dần cô yêu dấu đời hy sinh cầu nguyện và chăm chú xem sách đạo. Nhiều lần cô tỏ ý xin bà cô cho phép nhập dòng. Thấy cháu ước ao đời sống tu trì, lại có nhiều chứng tỏ một ơn kêu gọi đích thực, bà Lui ưng thuận đem việc bàn với ông Phêrô cho Catarina được tự do dâng mình cho Chúa. Nhưng một thử thách, một buồn phiền cho Catarina: ông Phêrô đã một mực chối từ ý định của con gái, lại bắt cô về nhà để sửa soạn lập gia đình. Ông muốn vậy cốt để khi về già ông có chốn nương tựa. Trước thái độ cứng rắn của ông Phêrô, bà Lui và Catarina chỉ còn biết từ biệt nhau trong những hạt lệ. Bà nhắn nhủ cháu: "Cháu hãy trông cậy, Chúa sẽ lo liệu ".
Chúa đã chấp nhận lòng trông cậy của họ. Qua những ngày cầu nguyện tha thiết, Catarina đã tìm được dịp thuận lợi để thân thưa với cha ý định của mình. Cô trình bầy với tất cả tấm lòng của đứa con ngoan. Nghe lời con gái, ông Phêrô phần cảm động, phần vui mừng, phải bỡ ngỡ và nhận đó là ý Chúa gọi con mình. Ông cảm thấy không có lý do từ chối, nhưng có bổn phận giúp đỡ để con tự do đáp lại tiếng Chúa. Đó là một trong những ngày vui nhất trong đời Catarina, ngày cô cảm thấy mình sống thực. Như cảm thông với Catarina, nền trời xanh xanh giữ lại mãi bóng hoàng hôn mát dịu, trải dài ánh sáng mầu vàng trên cảnh vật. Thêm vào đó, tiếng kêu "ro ro" của con diều giấy từ đâu đưa lại. Mấy chùm hoa thiên lý mầu vàng dịu, không ngớt nhả hương chiều làm thơm phức cả góc vườn. Ở đó, hai cha con đang lắng chìm trong câu truyện lòng…
Bái từ cha đã lâu, nhưng câu nói cuối cùng "thôi, cha hoàn toàn để con theo tiếng Chúa" vẫn văng vẳng bên tai thánh nữ như gợi lại tất cả niềm ưu ái của người cha già. Nhìn cha, cô nhớ tới ơn Chúa và Đức Mẹ. Cô cảm động. Cô mau tới nhà thờ để trình bầy tâm sự với các Đấng. Quỳ trước nhà chầu cũng như trước toà Thánh Mẫu, Catarina bồi hồi vì vui mừng, vì biết ơn, cô không biết nói gì hơn là đăm chiêu nhìn Chúa và Mẹ với tất cả tâm tình phú thác của đứa con ngoan.
Hôm sau, cô từ giã cha, thoăn thoắt tiến thẳng về nữ tu viện thánh Đaminh tại Pratô thuộc miền Tuscia. Tại đây, cậu ruột Catarina là linh mục Timôtê Rece hiện làm giám đốc. Gặp Catarina, cha Timôtê vô cùng hân hoan, không những vì cô là cháu, nhưng còn là một thiếu nữ dầu thiện chí nên thánh. Cùng với cha, cả nhà dòng đón nhận Catarina như một bông hoa quý Chúa gửi tới. Lần đầu tiên gặp biết cô, ai nấy đã cảm thấy mùi hương thánh thiện. Sau một tháng nhà thử và một năm nhà tập, Catarina đã được mặc áo dòng. Lúc ấy cô mới 14 xuân xanh. Cũng từ đây cô chính thức mang tên là Catarina.
Sau những năm bị thử thách, từ nay Catarina không còn ước gì hơn là cố gắng sống thánh thiện. Sự cố gắng ấy đã được phát lộ bằng đời sống trong sạch như thiên thần sáng chói nhiều nhân đức, nhất là lòng khiêm tốn. Đức khiêm tốn làm nền móng xây dựng tinh thần vâng lời của Catarina. Chị tuyệt đối trong đức vâng lời, cả những năm chịu bệnh đau đớn. Đời sống của chị còn là tấm gương phản chiếu trung thành tinh thần kỷ luật trọn hảo. Và đó là kết quả đời sống cầu nguyện, kết hợp thân mật với Thiên Chúa. "Chúa là thầy dậy duy nhất của chúng ta về mọi khoa học", như lời người thường nói với chị em.
Đời sống nhân đức của thánh nữ đã làm cho mọi người chú ý, nhất là bà bề trên. Với chị em, Catarina là bạn tâm sự trung tín. Chị sẵn sàng thông cảm, đón nhận và cởi mở với mọi người. Với bề trên chị là người con ngoan ngoãn, một cộng sự viên đắc lực. Vì thế chúng ta không lạ gì, khi thấy chị mới khấn dòng năm năm, nghĩa là chưa đầy 20 tuổi mà đã được chọn làm bề trên nhà tập, hướng dẫn các tập sinh về đời sống tu đức và tinh thần dòng. Dù hết sức từ chối vì tinh thần khiêm nhường, sau cùng Catarina phải vâng lời bề trên. Với nhiệm vụ mới, chị càng cố gắng sống thánh thiện, và cố gắng đầu tiên và căn bản là hết lòng tín nhiệm vào sự quan phòng của Chúa. Nhờ đó, chị đã làm ích nhiều cho các chị tân tu. Mấy năm sau, chị lại được cử làm phó bề trên, phụ tá với bà mẹ về mọi việc trong nhà, để rồi vừa mới 25 tuổi đã đắc tuyển làm bề trên.
Dù phải qua nhiều gian lao trong nhà dòng, ngoài xã hội, thánh Catarina vẫn không chán nản, vẫn một mực tận tâm với chức vụ suốt 42 năm trường, cho đến cuối đời. Với sự khôn ngoan và sự sáng suốt thần linh, thánh nữ hướng dẫn các linh hồn trên đường trọn lành. Với lòng tận tụy và đức bác ái sâu xa, thánh nữ cần mẫn hoàn tất mọi công việc, cho dù to tát khó khăn hay hèn mọn. Tuy nhiên không vì thế mà thánh nữ chểnh mảng đời sống nội tâm, nhất là tinh thần cầu nguyện và kết hợp với Chúa. Thánh nữ yêu suy niệm về sự thương khó Chúa. Có thể nói đó là đề tài độc nhất thánh nữ say mê suy gẫm đến xuất thần nhiều lần. Suốt 12 năm kể từ năm 1542, không tuần lễ nào thánh nữ lại mất ơn xuất thần trong khi chiêm niệm. Thường từ trưa thứ năm cho đến chiều thứ sáu mỗi tuần, thánh nữ sống hoàn toàn trong ánh sáng của Chúa, và trước mắt ngài lần lượt quay lại trung thành cuốn phim thương khó Chúa Kitô. Lúc đó mình người chói lọi hào quang, mặt ngài tươi sáng và đôi mắt đăm chiêu ngước về trời. Cho tới khi thánh nữ lấy lòng khiêm tốn cùng với chị em xin Chúa cất đặc ân cao quý ấy đi, sự kiện lạ lùng ấy mới ngừng xuất hiện.
Đời sống đạo đức và bác ái của thánh nữ không chỉ đóng khung trong phạm vi nhà dòng… Ngài tự cảm thấy phải hiến làm lễ vật toàn thiêu vì phần rỗi nhân loại, đồng thời phải khuếch trương lòng bác ái theo gương Chúa Giêsu đối với những người nghèo và các bệnh nhân. Vì thế người cho các chị em dòng đi viếng các bệnh viện, mang của ăn phân phát cho dân nghèo. Ngoài ra, ngài còn thể hiện những việc đền tội kỳ lạ.
Đáp lại đức ái sâu xa ấy, Thiên Chúa đã ban cho ngài không những ơn xuất thần, mà còn được làm phép lạ, ơn nói tiên tri và biết bí mật các tâm hồn.
Thánh nữ Catarina thường liên lạc thư từ với thánh Philíppê Nêri. Có lần cả hai ước ao được gặp nhau để đàm đạo về đường trọn lành, Chúa đã ưng nhận và cho các ngài cùng được tâm sự trong một thị kiến. Thánh nữ Maria Mađalêna Pazi, một ngày kia, cũng được hưởng đặc ân ấy với ngài.
Đời sống êm trôi theo ngày tháng, cho tới 66 tuổi, người biết giờ mệnh chung đã gần điểm. Vì thế người can đảm chịu những năm bệnh cuối đời; cho đến giờ cuối cùng, người xin chịu các phép và phó linh hồn cho Chúa, làm chứng một lễ tận hiến hoàn hảo. Giữa lúc linh hồn trinh khiết bay về trời, người ta nghe thấy muôn điệu nhạc thiên quốc, điệu nhạc mà, cho tới ngày 2-2 năm 1589, người ta vẫn còn nghe vọng lên du dương.
Thánh Catarina được Đức Giáo Hoàng Clêmentê XII phong chân phúc năm 1732 và được Đức Giáo Hoàng Biển đức XIV tuyên phong Hiển thánh năm 1746. Hai ngày lễ đáng ghi nhớ ấy khoác thêm cho thành phố Pratô một bộ áo sặc sỡ chưa từng có với những mầu hoa giây ướp hương trầm thơm nức. Thêm vào đó, những tiếng pháo dậy trời như còn âm vang trong lòng người bản xứ hiện tại. Dân thành Pratô vui mừng kính nhớ một vị nữ tu đã tận hiến đời cho Chúa để nhóm lên ngọn lửa yêu soi dẫn và sưởi ấm các tâm hồn.