Thứ Ba, 12 tháng 2, 2019

Linh mục đầu tiên của bộ lạc Asmat, Indonesia

Filled under:

Trong dịp này Đức cha Aactsius Murwito, giám mục địa phương, cũng đã truyền chức phó tế cho ba thầy. Ơn gọi thánh hiến trong giáo phận rất hiếm: không có tiểu chủng viện và các bộ lạc là dân du mục. Năm ngoái, khu vực này có 70 trẻ em chết do mắc bệnh sởi và các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng.
Papua  (AFP or licensors)
Papua (AFP or licensors)
Jakarta: Việc truyền chức linh mục cho phó tế Moses Amiset, linh mục đầu tiên của bộ lạc Asmat, là niềm vui cho cả Giáo hội Indonesia, nhưng trên hết là cho giáo phận Agats thuộc Papua, tỉnh cực đông của vùng có dân số chủ yếu là Kitô giáo. Thánh lễ được cử hành vào ngày 02 tháng 02 tại nhà thờ Thánh Giá ở Agats. Đức cha Aactsius Murwito, giám mục địa phương, cũng đã truyền chức phó tế cho: thầy Laurensius A. Kupea, thầy Innocentius Nurmalay và thầy Yohanis Laritembun.
Asmat là vùng lãnh thổ nghèo và xa nhất của Papua, ơn gọi ít do các nguyên nhân khác nhau; một trong những nguyên nhân đó là do Agats không có tiểu chủng viện. Hầu hết các chủng sinh của giáo phận đến từ các đảo Maluku phía đông nam và Flores, hai “lãnh thổ Công giáo” của Indonesia.
Cha Bobby Harimapen, cha sở của giáo xứ Agats cho biết Đức cha Murwito đã giao cho cha Moses chăm sóc mục vụ giáo xứ Kamur. Tân linh mục sinh năm 1982 tại Pau, Asmat. Tại đây, cha đã sống những năm đầu đời, trước khi chuyển đến Tual để theo học trường trung học. Từ năm 2005 đến 2006, cha đã hoàn thành năm chuẩn bị cho đời sống tôn giáo ở Sorong, một thành phố lớn của Papua. Cha Moses đã hoàn thành triết học và thần học tại Jayapura, trước khi được sai đi thi hành việc mục vụ tại giáo xứ Bayun giữa năm 2013 và 2014. Cha đã được truyền chức phó tế trong năm 2017 tại giáo xứ Atsj.
Giáo phận Agats là một lãnh thổ rất biệt lập, với những đặc điểm độc đáo không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác trên quần đảo Indonesia rộng lớn. Năm ngoái, khu vực này đã gặp phải tình trạng khẩn cấp nhân đạo nghiêm trọng; hơn 70 trẻ em chết do mắc bệnh sởi và các bệnh liên quan đến suy dinh dưỡng. Giáo hội Công giáo địa phương là một trong những tổ chức đầu tiên đã hỗ trợ người dân bản địa. Đức cha Murwito đã phối hợp hai nhóm tình nguyện phân phát viện trợ ở một số ngôi làng có địa hình khó khăn. Việc di chuyển trong khu vực là rất nguy hiểm và tốn kém.
Ngọc Yến – Vatican



Tuyên ngôn liên tôn bảo vệ phẩm giá con người.
Ngọc Yến
Vatican (Vat. 11-02-2019) - Bản tuyên ngôn gồm chín điểm, xác định và bảo đảm các quyền con người; chăm sóc, tôn trọng phẩm giá và hỗ trợ tôn giáo và tinh thần cho những người đang trong giai đoạn cuối của cuộc đời tại các cơ sở y tế.
Ðây là tuyên ngôn liên tôn về quyền trong các giai đoạn cuối đời được giới thiệu và ký kết vào ngày 05 tháng 02 năm 2019 tại Roma, trong khu vực Tôn kính Chúa Thánh Thần ở Saxia. Ðây là kết quả của vấn đề đặc biệt nhạy cảm đối với đối thoại liên tôn trong lãnh vực sức khỏe và nhằm tạo ra một con đường mang lại sự dấn thân cụ thể. Sáng kiến được bà Giulia Grillo, Bộ trưởng Y tế Italia ca ngợi: "Thật đáng quý khi việc đối thoại giữa các thực tại khác nhau, đối với dư luận là xa vời, lại được bắt đầu từ một chủ đề tế nhị như kết thúc sự sống".
Trong số những điều được nêu, bản tuyên ngôn liên tôn khẳng định: cần đảm bảo quyền của bệnh nhân được tự do định đoạt về thời gian của mình ngay cả trong các cơ sở y tế; tôn trọng tôn giáo; tiếp nhận các dịch vụ định hướng các lãnh vực tôn giáo, tâm linh và văn hóa. Quyền hỗ trợ tinh thần; tôn trọng các thực hành trước và sau khi chết; tôn trọng phẩm giá của con người trong từng giai đoạn cuộc sống của con người.
Tại buổi giới thiệu tài liệu liên tôn có sự hiện diện của ông Angelo Tanese, Tổng giám đốc các cơ sở y tế địa phương Rôma; ông Pier Francesco Meneghini, Chủ tịch Trung tâm Y tế Gemelli; Ðại học Công giáo Thánh Tâm ...
Các bên ký kết bao gồm Ðức cha Paolo Ricciardi, đại diện cho chăm sóc mục vụ của giáo phận Roma, Abdellah Redouane (Trung tâm văn hóa Hồi giáo Italia), Mục sư Luca Maria Negro (Liên đoàn các nhà thờ Tin lành ở Italia, Fcei), Cha Ilie Ursachi (Giáo phận Chính thống Rumani của Italia), Alberto Aprea (Học viện Phật giáo Italia Soka Gakkai), Giorgio Raspa (Liên minh Phật giáo Italia), Noemi Di Segni (Liên minh Cộng đồng Do Thái Italia) và Franco Di Maria Jayendranatha (Liên hiệp Ấn Ðộ giáo Italia). Theo Ðức cha Ricciardi "ngoài niềm tin tôn giáo, điều cơ bản là chăm sóc linh hồn của người bệnh và quan tâm an ủi cho các thành viên gia đình".
Nhóm làm việc cũng muốn trở thành một điểm tham chiếu để thực hiện và hỗ trợ các sáng kiến mới nhằm thúc đẩy một mô hình tiếp nhận mới, hỗ trợ và tôn trọng đức tin trong tất cả các thực tế sức khỏe.