Thứ Hai, 30 tháng 1, 2017

Thành công để hạnh phúc hay hạnh phúc để thành công?

Filled under:

Thành công để hạnh phúc. Hạnh phúc trở thành mục đích, điểm tới cuối cùng. Thành công trở thành phương tiện. Người ta cố gắng đạt được thành công để nhờ đó có hạnh phúc
Hạnh phúc để thành công. Thành công được trở nên đích điểm, mục đích, hay điểm tới. Hạnh phúc trở nên một thứ phương tiện để có được thành công.
Có người định nghĩa, thành công đối với họ là: sống vượt lên chính mình, sống vì ước mơ, cống hiến cho xã hội.
Vậy, phải chăng họ nghĩ rằng, tự bản thân họ có thể sống vượt lên được chính mình, nếu không nhờ sự giúp đỡ của ai khác?
Nếu có một ước mơ tốt, liệu họ sẽ dùng mọi cách để đạt được ước mơ? Và khi không đạt được ước mơ của mình thì lúc đó phải chăng, họ đã thất bại?
Khi không thể nào cống hiến cho xã hội, chẳng hạn như bị bại liệt do tai nạn, họ trở thành gánh nặng cho xã hội, và thế là họ thất vọng vì như thế là không thành công?
Hạnh phúc đối với họ là gì? Nếu cứ cười vui là hạnh phúc, thì giải thích như thế nào về những nụ cười giả tạo? Nếu hạnh phúc là ngọt ngào, thì giải thích làm sao niềm vui của những con người sẵn sàng hy sinh cho sứ mạng, đặc biệt là: những vị thánh công giáo?
Nhiều người lầm tưởng, hạnh phúc là cái họ có thể tự tạo ra, mà quên đi những yếu đuối của chính bản thân mình: bệnh tật, đau khổ, những phân rẽ trong cuộc đời: có những cái mình muốn nhưng mình lại không thể làm được vì nhiều lý do, có những cái mình không muốn nhưng mình lại làm…
Trong niềm tin của một người Công giáo, hơn bao giờ hết, ta cần đến ơn của Chúa ban. Từ ơn ban, ta được mời gọi cộng tác qua những công việc cụ thể của mình. Thế nên, thành quả của ta đạt được không phải là do ta, nhưng chính là nỗ lực cộng tác của chính ta và ơn của Thiên Chúa. Xét trong phương diện đức tin, thành công đối với người Kitô hữu như thể là sự cộng tác với ơn Chúa bằng những việc làm cụ thể.

“Ơn ta đủ cho con”. Trong đức tin, điều ấy như một lời hứa với người xin ơn để làm một điều gì đó. Thiên Chúa luôn sẵn sàng ban ơn cho những ai cầu xin Người. Nhưng điều quan trọng, ơn mà ta xin có thực sự là để vinh danh Chúa hay là tìm kiếm lợi ích cho bản thân mình.
Vì vậy, ý hướng ban đầu nơi người Kitô hữu, cùng đích của mỗi công việc là “vinh danh Chúa” thực sự quan trọng. Nếu mọi việc ta làm, không quy hướng về cùng đích ấy thì vẫn chưa phải là một ý ngay lành thật sự. Vì khi chưa đặt ý hướng “vinh danh Chúa” trong công việc, ta còn để ý hướng của ta bị chi phối bởi một “ý hướng khác”. Dù “ý hướng khác” có tốt đẹp như: giúp đỡ người khác, thỏa mãn những đam mê… thì vẫn là quy về “chính tôi”. Vì quy về “chính tôi”, cuối cùng dẫn đến tôi là tất cả. Khi tôi là tất cả, sẽ có lúc, tôi trở thành nguyên nhân cho mọi thất bại. Cuộc đời kết thúc trong những buồn rầu, chán nản.
Như vậy, trong đức tin, nếu hiểu rằng, hạnh phúc là thấy được ý Chúa trong công việc, và thành công là khi ta cộng tác với ơn Chúa ban để hoàn thành công việc, thì có lẽ “hạnh phúc là để thành công” hay “thành công để hạnh phúc” đều được. Bởi lẽ, thấy được ý Chúa thì sẽ cộng tác với ơn Chúa ban, và cộng tác với ơn Chúa ban cũng là để thấy được ý Chúa. Như vậy, dù đích điểm có là thành công hay hạnh phúc, thì người Kitô hữu đang thực sự sống trong đức tin Kitô giáo.
Nhờ hiểu như trên, ta mới có thể hiểu được niềm vui của các vị thánh khi làm chứng cho Chúa. Dù họ gặp nhiều đau khổ, thất bại, chán trường, thậm chí là bắt bớ, tử đạo, nhưng họ luôn có được niềm vui vì thấy được ý Chúa muốn nơi cuộc đời và cộng tác với ơn của Chúa ban.
Nhưng làm thế nào để có thể thấy được ý Chúa? Tiêu chuẩn nào để biết rằng ta cộng tác với ơn Chúa một cách đầy đủ rồi?
“Lạy Chúa! Xin cho con thấy được ý Chúa
Xin cho con biết quảng đại cộng tác với ơn Chúa ban nơi công việc mà con đang thực hiện. Amen!”


Sao không gọi em dậy?

 Khi họ mới kết hôn, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, thậm chí trong nhà đến cái tivi cũng không có, nhưng cô không bao giờ hối tiếc vì đã lấy anh. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, giây phút cô cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi buổi tối khi đi ngủ được nằm gọn trong vòng tay anh, gối đầu lên bờ vai vững chãi của anh.
Có lẽ vì vòng tay anh vỗ về, cũng có lẽ vì mệt nên cô thường ngủ rất ngon lành. Mỗi buổi tối, khi anh bắt đầu thì thầm kể chuyện cho cô nghe thì cũng là lúc cô chìm sâu vào giấc ngủ. Cho nên chưa bao giờ cô nghe trọn vẹn một câu chuyện anh kể.
Còn anh thì ngược lại. Mỗi sáng khi thức dậy cô đều thấy hai mắt anh đỏ ngầu, sắc mặt nhợt nhạt, dường như cả đêm anh không hề ngủ được. Cô hỏi anh có phải bị mất ngủ thì anh chỉ cười lắc đầu nói: “Không! Anh vẫn ngủ rất tốt”. Khi ấy cô lại nũng nịu véo nhẹ tai anh giả bộ giận dỗi: “Có phải nhân lúc em ngủ say lại lẻn ra ngoài với cô nào khác phải không?” Rồi cả hai bọn họ đều bật cười, khuôn mặt tràn ngập hạnh phúc!
Cô là nhân viên soát vé trên xe buýt, còn anh chính là tài xế trên chiếc xe đó. Có lẽ vì ngày ngày cùng làm việc với nhau nên anh và cô dần yêu thương tự lúc nào. Nhưng đối với một người lái xe mà nói, việc mất ngủ là một điều vô cùng nguy hiểm.
Có những lúc đang đợi khách, cô thấy anh tranh thủ ngục đầu xuống tay lái ngủ ngon lành. Cô không nỡ gọi anh dậy, nhưng lại không thể không gọi anh. Bởi vì cô không thể để hành khách cùng cô đợi đến lúc anh tỉnh dậy.
Cô nghĩ anh bị bệnh mất ngủ nên ngược xuôi khắp nơi tìm mọi cách chữa bệnh cho anh. Nào là mua gối mát xa, dùng nước nóng ngâm chân cho anh trước khi đi ngủ, rồi mua sữa cho anh uống hàng tối. Anh đều ngoan ngoãn nghe theo chỉ dẫn của cô, dường như muốn an ủi cô vậy. Nhưng tất cả mọi cách đều vô tác dụng.
Mỗi buổi sáng khi cô tỉnh dậy, anh đã dậy từ lúc nào chuẩn bị xong đồ ăn sáng cho hai người. Và hai quầng mắt anh vẫn ngày một thâm hơn, sâu hơn. Trông anh ngày càng mệt mỏi tiều tụy.
Cứ thế cô dần quen với việc mất ngủ của anh, quen với những cái ngáp dài trên đường, quen với việc ngủ gục trên tay lái của anh. Cô cũng chuyển chỗ thu vé của mình ngay sát bên ghế anh ngồi, để có thể kịp thời nhắc nhở mỗi khi anh xao nhãng, dù cô biết vốn dĩ anh là người lái xe vô cùng cẩn thận.
Một đêm, cô mơ một cơn mơ ác mộng, cô cứ thế gào khóc trong mơ, cho đến lúc anh gọi cô tỉnh dậy. Tỉnh dậy rồi cô vẫn khóc. Anh nhè nhẹ vỗ lên lưng cô như một đứa trẻ không ngừng an ủi: “Ngoan nào, ngoan nào… Có anh ở đây rồi!” Cứ như vậy cho đến khi cô dần chìm vào giấc ngủ…
Dịp Quốc khánh, em gái cô đến chơi. Buổi tối cô em nháy mắt tinh nghịch nói với anh: “Anh rể! Hôm nay nhường chị ngủ với em một đêm nhé!”. Anh đỏ bừng mặt bẽn lẽn cười hiền lành. Giữa đêm đang say giấc bất giác cô bị cô em lay mạnh gọi dậy: “Chị! Sao mới ngủ lại nói mê rồi?” Cô lơ mơ không hiểu lại xoay mình chìm vào giấc ngủ. Được một lúc cô em gái lại hốt hoảng lay cô tỉnh dậy.
Cô bực bội gắt lên: “Em làm sao thế? Có để chị ngủ yên không?” Cô em gái cũng phụng nhịu giận dỗi: “Em đang ngủ, chị cứ vừa gào, vừa khóc ầm ĩ như thế sao mà em ngủ được”.
Câu nói của em gái khiến cô choàng tỉnh giấc. Cô ngơ ngác nhìn em hỏi: “Sao vậy? Chị lại nói mê à? Sao chị không biết nhỉ?” Em gái cô lắc đầu khó hiểu “Lạ thật! Sao chị kết hôn bao lâu rồi mà anh ấy không biết chị nói mê sao? Thế anh ấy vẫn ngủ ngon được à?”
Cô ngẩn người sực tỉnh rồi đột ngột nhảy phắt xuống giường chạy vào phòng khách nơi anh đang ngủ. Cô rón rén lại gần anh, hơi thở anh đều đều nhịp nhàng, trông anh ngủ ngon lành như một đứa trẻ.
Hóa ra là vậy! Hóa ra không phải anh bị mất ngủ, mà là hằng đêm tiếng nói mê của cô đã khiến anh không thể nào ngủ được. Nước mắt cô cứ thế rơi lã chã. Đúng vậy. Từ nhỏ cô đã có tật nói mê sảng trong lúc ngủ. Vì vậy ở nhà cứ giữa đêm cô lại bị mẹ và em gái gọi dậy vì không ngủ được. Hồi học đại học ngủ trong ký túc xá cô cũng làm các bạn ngủ cùng phòng nhiều phen hoảng sợ.
Cho đến khi lấy anh, cô luôn được ngủ rất ngon lành. Cô nghĩ rằng có lẽ mình đã bỏ được tật xấu ấy. Hóa ra không phải vậy. Mọi thứ vẫn không hề thay đổi, có thay đổi đi chăng nữa chỉ là người nằm cạnh cô. Từ trước đến nay để cô được ngủ yên anh không bao giờ nỡ gọi cô tỉnh dậy. Chỉ duy nhất đêm hôm trước do thấy cô gào khóc quá anh mới lay cô thức giấc…
Nhìn thấy cô anh lo lắng hỏi: “Em sao vậy? Sao lại chạy sang đây?” Cô cứ thế ôm chặt lấy anh khóc. “Tại sao… tại sao buổi tối em hay nói mê mà anh không gọi em dậy?”
Anh dịu dàng xoa đầu cô mỉm cười hiền hậu: “Ngốc ạ! Gọi em dậy làm gì chứ?Được thấy em ngủ là niềm vui lớn nhất của anh. Thấy em cười nói trong giấc mơ anh có thể biết em đang vui, thấy em kêu khóc, anh biết em đang hoảng sợ, anh càng nghĩ anh phải luôn bên ở bên em… Bởi vì anh yêu em nên anh muốn mơ những giấc mơ của em, vui với giấc mơ của em, buồn với giấc mơ của em… Điều đó không phải là rất lãng mạn sao?”
Cô hạnh phúc vùi đầu vào lòng anh bật khóc…
BĐT SJ.