Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân ngày Thế giới Truyền thông thứ 51

Filled under:

 
VATICAN. Trong sứ điệp nhân Ngày Thế Giới truyền thông công bố hôm 24-1-2017, ĐTC kêu gọi nhìn thực tại trong nhãn giới Tin Mừng và truyền thông trong niềm hy vọng.
PopeFrancis-24Jan2017-02.jpg

Ngày Thế giới truyền thông lần thứ 51 sẽ được cử hành vào chúa nhật 28-5-2017 với chủ đề ”Đừng sợ, vì Ta ở với con” (Is 43,5). Thông truyền hy vọng và tín thác trong thời đại ngày nay”.

 Trong sứ điệp, ĐTC nhận xét rằng nhờ tiến bộ kỹ thuật, rất nhiều người ngày nay có thể đồng thời nhận được và phổ biến sâu rộng các tin tức, những tin lành hoặc những tin dữ, tin thật hoặc tin giả. Tâm trí con người giống như cối xay nước, có thể xay các tin tức như các hạt thành bột làm bánh ngon, hoặc xay những cỏ lùng, cỏ dại.

 Ngài viết: ”Tôi muốn sứ điệp này có thể đi tới và khích lệ tất cả những người trong lãnh vực nghề nghiệp cũng như trong các tương quan giữa con người với nhau, mỗi ngày có thể ”xay” bao nhiêu thông tin để tạo nên bánh thơm ngon cho những người nuôi dưỡng mình bằng thông tin. Tôi muốn nhắn nhủ tất cả hãy thực hiện một hoạt động truyền thông xây dựng, từ khước những thành kiến đối với nhau, cổ võ một nền văn hóa gặp gỡ, nhờ đó họ có thể học cách nhìn thực tại với niềm tin tưởng đầy ý thức”.

 ĐTC kêu gọi hãy phá vỡ cái vòng lẩn quẩn lo âu và chặn đứng cái vòng sợ hãi, kết quả của thói quen chỉ tập trung sự chú ý với những ”tin dữ” như chiến tranh, khủng bố, gương xấu và mọi thứ thất bại trong cuộc sống con người”.

 Với ý hướng đó, ĐTC cổ võ nhìn thực tại và những biến cố dưới ánh sáng Tin Mừng, như đeo một ”đôi kiếng” thích hợp để nhìn thực tại từ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, với niềm xác tín: Thiên Chúa liên đới với con người trong mọi hoàn cảnh, tỏ cho chúng ta thấy chúng ta không đơn độc, vì chúng ta có một Người Cha không bao giờ quên con cái mình. ”Đừng sợ, vì Ta ở với con” (Is 43,5).. Nơi Chúa, cả tăm tối và chết chóc cũng trở thành nơi hiệp thông với Ánh sáng và Sự sống. Từ đó nảy sinh một niềm hy vọng ai cũng có thể đạt tới, chính tại nơi mà cuộc sống gặp phải sự cay đắng vì thất bại”. ĐTC viết:

 ”Nước Thiên Chúa đã ở giữa chúng ta, như một hạt giống ẩn giấu đối với cái nhìn hời hợt và sự tăng trưởng của hạt giống đó diễn ra trong thầm lặng. Ai có đôi mắt được Thánh Linh làm cho trong sáng, thì thấy được hạt giống ấy nầm, và không để cho mình bị cướp mất niềm vui của Nước Trời vì những cỏ lùng cỏ dại luôn hiện diện”.

 ĐTC xác quyết rằng ”niềm tín thác ấy làm cho chúng ta có khả năng hành động - trong nhiều hình thức truyền thông - với xác tín rằng có thể nhận thấy và soi sáng tin vui hiện diện trong thực tại của mỗi lịch sử và nơi khuôn mặt của mỗi người”.

 ”Ai tin tưởng, để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn, thì có khả năng phân định trong mỗi biến cố điều xảy ra giữa Thiên Chúa và nhân lại, nhìn nhận chính Chúa đang dệt nên lịch sử cứu độ trong bối cảnh bi thảm của thế giới này” (SD 24-1-2017)


Đức Thánh Cha bế mạc Tuần Hiệp Nhất Kitô 2017

ROMA. Lúc 5 giờ rưỡi chiều ngày 25-1-2017, ĐTC Phanxicô đã chủ sự buổi hát kinh chiều trọng thể tại Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành ở Roma, để bế mạc tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô.
PopeFrancis-25Jan2017-01.jpg

Tuần này đã tiến hành từ 18 đến 25-1 vừa qua với chủ đề là câu trích từ thư thứ II của Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Corinto: ”Tình yêu Chúa Kitô thúc đẩy chúng ta tiến đến hòa giải” (Xc 2 Cr 14-20).

 Hiện diện tại buổi cầu nguyện, có gần 20 HY, các GM, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân Roma, nhiều đại diện của các cộng đoàn Kitô khác, đặc biệt là TGM Gennadios Zervos, Đại diện tòa Thượng Phụ chung của Chính Thống giáo, đặc trách các tín hữu Chính Thống tại Italia, Malta và miền nam Âu Châu, ĐGM David Moxon, đại diện Đức Giáo Chủ Anh giáo, v.v. Ngoài ra có hàng chuc sinh viên của Học viện Đại kết Bossey, gần Genève bên Thụy Sĩ, và thuộc nhiều hệ phái Kitô.

 Trong bài giảng, ĐTC khẳng định rằng để đáp lại lời mời gọi hòa giải của Chúa, các tín hữu Kitô thuộc các hệ phái phải sẵn sàng chấp nhận hy sinh. Ngài nói: ”Đối với Giáo hội, đối với mỗi hệ phái Kitô, lời mời gọi hòa giải là một lời mời đừng dựa trên các chương trình, các tính toán và lợi lộc của mình, không tín thác nơi cơ may, và những thời trang nhất thời, nhưng tìm kiếm con đường, bằng cách luôn nhìn lên thập giá của Chúa: nơi đó chính là chương trình sống của chúng ta. Đó là một lời mời gọi hãy ra khỏi sự cô lập của mình, vượt thắng cám dỗ tự tham chiếu cản trở chúng ta đón nhận điều mà Chúa Thánh Linh đang hoạt động bên ngoài không gian của mình. Một sự hòa giải đích thực giữa các tín hữu Kitô chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta biết nhìn nhận những hồng ân của nhau và có khả năng khiêm tốn và ngoan ngoãn học hỏi nhau, mà không đợi người khác học nơi chúng ta trước”.

 ĐTC cũng nhắc đến kỷ niệm 500 năm cuộc cải cách của tin lành. Ngài nói: ”Sự kiện ngày nay các tín hữu Công Giáo và Luther có thể cùng nhau tưởng niệm một biến cố đã gây chia rẽ giữa các Kitô hữu và làm điều đó trong niềm hy vọng, nhấn mạnh đến Chúa Giêsu và công trình hòa giải của Chúa, đó là một thành tựu đáng kể, đạt đến được nhờ Chúa và lời cầu nguyện qua 50 năm nhận biết nhau và đối thoại đại kết”.

 Đức Hồng Y Kurt Koch

 Cuối kinh chiều, ĐHY Kurt Koch, người Thụy Sĩ, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô, đã đại diện mọi người hiện diện cám ơn ĐTC đã đến chủ sự Kinh Chiều này và nhắc đến buổi tưởng niệm cuộc cải cách của Luther mà ĐTC đã cùng với Đức GM Tin Lành Younan cử hành và đã ký tuyên ngôn chung ở Lund, bên Thụy Điển ngày 31-10-2016, trong đó có những lời này:

”Trong khi chúng tôi biết ơn sâu xa vì những hồn ân thiêng liêng và thần học đã nhận lãnh qua cuộc Cải Cách, chúng tôi tuyên xưng và đau buồn trước Chúa Kitô về sự kiện các tín hữu Luther và Công Giáo đã làm tổn tương sự hiệp nhất hữu hình của Giáo Hội”. (SD 25-1-2017)



Thiên Chúa cứu thoát chúng ta trong cách thế của Ngài

Cũng giống như bà Giuđítha chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta.
PopeFrancis-25Jan2017-16.jpg

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với 8.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi gặp gỡ chung hàng tuần sáng thứ tư trong đại thính đường Phaolô VI.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã nhắc tới bà Giuđitha, một nữ anh hùng vĩ đại giữa các gương mặt phụ nữ nổi bật của lịch sử dân Do thái. Sách Giuđitha kể lại cuộc chinh phục quân sự của vua Nabucodonosor cai trị Ninive, trải rộng biên giới của đế quốc bằng cách chiến thắng và bắt các dân tộc chung quanh thần phục mình. Người đọc hiểu ngay rằng mình đang đứng trước một kẻ thù lớn không thể chiến thắng được, đang gieo vãi chết chóc tàn phá, đang đi cho tới Đất Hứa, và khiến cho cuộc sống của con cái Israel gặp hiểm nguy.

Thật thế, dưới sự lãnh đạo của tướng Hôlôphécnê, đạo binh của vua Nabucodonosor đang bao vây một thành phó vùng Giudea là Betula, bằng cách cắt đứt việc tiếp tế nước, và làm suy yếu sự kháng cự của dân. ĐTC cho thấy thảm cảnh của dân thành Betulia như sau:

Tình hình thê thảm đến độ dân thành xin với các kỳ mục đầu hàng quân địch. Các lời của họ tuyệt vọng: “Vì thế, giờ đây chẳng có ai đến cứu giúp chúng tôi. Trái lại, Thiên Chúa đã bán đứng chúng tôi vào tay chúng, khiến chúng tôi phải phơi xác trước mặt chúng, phải chết khát và bị tận diệt.” Họ đi đến chỗ nói điều này: “Thiên Chúa đã bán đứt chúng ta rồi”; Nỗi tuyệt vọng nơi dân chúng rất lớn. Họ nói với các thủ lãnh: “Vậy các ông hãy gọi ngay chúng lại và trao nộp thành cho dân của Hô-lô-phéc-nê và cho toàn thể đạo quân của ông tha hồ cướp phá” (Gđ 7,25-26). Kết cục xem ra không thế tránh được, khả năng tín thác nơi Thiên Chúa đã cạn kiệt. Khả năng tín thác nơi Thiên  Chúa đã cạn kiệt. Và biết bao lần chúng ta đi tới các tình trạng tận cùng trong đó chúng ta cũng không còn cảm thấy khả năng tin tưởng nơi Chúa nữa. Đây là một cám dỗ xấu! Và một cách mâu thuẫn, xem ra là để thoát chết, chỉ còn cách tự nộp mình vào tay kẻ giết mình. Họ biết rằng các binh sĩ này sẽ vào cướp bóc thành phố, để bắt các phụ nữ làm nô lệ, và giết chết tất cả mọi người khác. Đây chính là “sự tận cùng”.

** ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Và trước biết bao tuyệt vọng như thế, thủ lãnh dân thử đề nghị một yểm trợ hy vọng: kháng cự trong vòng 5 ngày nữa, và chờ đợi sự can thiệp cứu rỗi của Thiên Chúa. Nhưng đó là một hy vọng yêu ớt, khiến cho ông kết luận rằng: “Nếu những ngày ấy trôi qua mà chẳng ai đến cứu giúp, tôi sẽ làm theo lời anh em” ( Gđt 7,31). Tội nghiệp cho con người: không có lối thoát. Năm ngày được cho Chúa để can thiệp; và tội lỗi chính là đây; năm ngày được dành cho Thiên Chúa để can thiệp, năm ngày chờ đợi, nhưng với viễn tượng của cái chết. Họ cho Chúa năm ngày để cứu họ, nhưng họ biết họ không tin tưởng, họ chờ đợi điều tồi tệ nhất. Trên thực tế, không còn ai nữa trong dân còn có khả năng hy vọng. Họ đã tuyệt vọng.

Chính trong tình trạng như thế bà Giuđitha xuất hiện trên sân khấu. Là một phụ nữ goá bụa rất xinh đẹp và khôn ngoan bà ngỏ lời  với dân chúng trong ngôn ngữ của lòng tin. Bà can đảm quở trách dân chúng thẳng mặt và nói: “Các vị muốn thử thách Thiên Chúa toàn năng… Quả thật, đối với các vị, tâm khảm con người đã khôn dò, suy tưởng con người đã khôn thấu, thì làm sao các vị có thể hiểu được Thiên Chúa, Đấng làm nên mọi sự, làm sao hiểu được tư tưởng và thấu suốt được dự tính của Người? Không, nhất định không, thưa anh em, đừng chọc giận Chúa, Thiên Chúa chúng ta. Giả như trong năm ngày ấy, Người không muốn cứu giúp chúng ta, thì vào những ngày Người muốn, Người vẫn thừa sức bảo vệ chúng ta hoặc tiêu diệt chúng ta trước mặt kẻ thù… Vì thế, một khi chúng ta kiên nhẫn đợi chờ Người cứu độ và kêu cầu Người đến cứu giúp, Người sẽ đoái nghe lời chúng ta, nếu điều ấy đẹp lòng Người” (Gđt 8,13.14-15.17). Đó là ngôn ngữ của niềm hy vọng. Chúng ta hãy gõ cửa con tim Thiên Chúa. Ngài là Cha, Ngài có thể cứu thoát chúng ta. Người phụ nữ goá bụa này cũng có nguy cơ bị xấu mặt trước những người khác! Nhưng bà can đảm! Bà tiến tới! Đây là một ý kiến của tôi: các phụ nữ can đảm hơn nam giới - Tín hữu vỗ tay tán đồng.

Và với sức mạnh của một ngôn sứ bà Giuđitha kêu gọi mọi người trong dân để đưa họ trở lại với lòng tin tưởng nơi Thiên  Chúa; với cái nhìn của một ngôn sứ bà trông thấy xa hơn chân trời chật hẹp của các thủ lãnh và sự sợ hãi còn khiến cho nó hẹp hơn nữa. Bà khẳng định: chắc chắn Thiên Chúa sẽ hành động, trong khi đề nghị chờ đợi năm ngày là một kiểu để thử thách Ngài và để tránh ý muốn của Ngài. Chúa là Thiên Chúa của việc cứu độ - và bà tin vào điều đó - bất kỳ nó xảy ra trong hình thức nào. Là ơn cứu độ giải thoát khỏi thù địch và làm cho sống, nhưng trong các chương trình khôn dò của Ngài, có thể là cứu độ cả việc nộp mình cho cái chết. Là phụ nữ của đức tin, bà biết điều đó. Thế rồi chúng ta biết kết cục, như câu chuyện kết thúc: Thiên Chúa cứu. ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ:

** Anh chị em thân mến,  chúng ta đừng bao giờ đặt các điều kiện cho Thiên Chúa, nhưng hãy để cho niềm hy vọng chiến thắng các sợ hãi của chúng ta. Tín thác nơi Thiên Chúa có nghĩa là bước vào trong các chương trình của Ngài mà không yêu sách, và cả chấp nhận rằng ơn cứu độ và sự trợ giúp của Chúa đến với chúng ta trong cách thức khác với các chờ mong của chúng ta. Chúng ta xin Chúa sự sống, sức khoẻ, tình thương mến, hạnh phúc. Và thật đúng đắn làm điều ấy, nhưng trong ý thức rằng Thiên Chúa biết rút ra sự sống từ cả cái chết, rằng chúng ta có thể sống kinh nghiệm sự bình an cả trong bệnh tật, và rằng có thể thanh thản cả trong cô đơn, và hạnh phúc cả trong khóc lóc. Không phải chúng ta có thể dậy cho Thiên Chúa điều Ngài phải làm, điều chúng ta cần. Ngài biết hơn chúng ta và chúng ta phải tín thác, bởi vì các con đường và các tư tưởng của Ngài khác với các con đường và các tư tưởng của chúng ta.

Con đường của bà Giuđitha chỉ cho chúng ta là con đường của sự tin tưởng, của việc chờ đợi trong an bình, của lời cầu nguyện và của sự vâng phục. Đó là con đường của niềm hy vọng. Không có các chịu trận dễ dàng, bằng cách làm tất cả những gì trong các khả năng của chúng ta, nhưng luôn luôn ở lại trong luống cầy ý muốn của Chúa. Và tại sao chúng ta biết?:  bà đã cầu nguyện biết bao, bà đã nói với dân biết bao và rồi, can đảm và ra đi, bà đã tìm cách tới gần tướng chỉ huy đạo binh, và thành công trong việc chặt đầu ông ta. Bà can đảm trong đức tin và trong các hoạt động. Và bà luôn luôn kiếm tìm Chúa! Thật vậy bà Giuđitha có một chương trình của bà, bà hoàn thành nó một cách thành công, và đưa dân tới chiến thắng, nhưng luôn luôn trong thái độ của đức tin của người chấp nhận tất cả từ tay Thiên Chúa, chắc chắn về lòng lành của Ngài.

Như vậy, một phụ nữ đầy lòng tin và can đảm sẽ trao ban trở lại cho dân chúng đang gặp nguy hiểm chết chóc sức mạnh và dẫn họ đi trên các nẻo đường của niềm hy vọng, bằng cách chỉ chúng cho cả chúng ta nữa. Và chúng ta, nếu chúng ta có một chút ký ức: có biết bao lần chúng ta đã nghe các lời khôn ngoan, can đảm, từ những người khiêm tốn, từ những phụ nữ khiêm tốn mà một người nghĩ rằng - tuy không khinh rẻ họ - là những người dốt nát… Nhưng đó là các lời của sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Các lời nói của các bà nội bà ngoại. Có biết bao lần các bà nội bà ngoại biết nói lời đúng đắn, lời của niềm hy vọng, bởi vì các ngài có kinh nghiệm cuộc sống, đã đau khổ nhiều, các ngài đã tín thác nơi Thiên Chúa, và Chúa ban ơn này để các ngài cho lời khuyên hy vọng.

Và khi bước đi trên các con đường ấy sẽ là niềm vui và ánh sáng phục sinh tín thác nơi Chúa với các lời của Chúa Giêsu: “Lậy Cha, nếu Cha muốn, xin hãy cho chén này xa con. Nhưng không phải theo ý con mà theo ý Cha” (Lc 22,42). Và đó là lời cầu nguyện của sự khôn ngoan, tin tưởng và niềm hy vọng

** ĐTC đã chào các tín hữu nói tiếng Pháp, đặc biệt tín hữu giáo phận Arras. Ngài nói: hôm nay chúng ta kính nhớ lễ thánh Phaolô hoán cải.Thánh nhân mời gọi chúng ta để cho Chúa Thánh Thấn hướng dẫn. Xin thánh nhân giúp chúng ta lớn lên trong sự tin tưởng nơi sự Quan phòng của Thiên Chúa và trở thành các chứng nhân của niềm hy vọng.

Chào các đoàn hành hương nói tiếng Anh đến từ Hoa Kỳ, trong bối cảnh của tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu ngài đặc biệt chào các sinh viên của học viện đại kết Bossey và ca đoàn đan viện Westminster Anh quốc, và cám ơn lời ca tiếng hát của họ. Ngài xin Thiên  Chúa ban chọ họ và gia đình họ niềm vui và sự an bình.

Với các nhóm nói tiếng Đức ĐTC nói bà Giuđitha là phụ nữ của niềm tin và lòng can đảm được công bố là “có phúc trước mặt Thiên Chúa hơn mọi phụ nữ” (Gđt 13,18). Bà nhắc nhớ Trinh nữ diễm phúc Maria, Mẹ Chúa Kitô và mẹ của niềm hy vọng. Nơi Mẹ chúng ta hãy học bước đi trên các nẻo đường hy vọng và tín thác nơi Chúa là Đấng dẫn chúng ta từ bóng tối tới sự sáng phục sinh.

Chào các nhóm nói tiếng Bồ Đào Nha, đặc biệt là các tín hữu Brasil, ngài nói nếu họ biết hát bài thánh ca chúc tụng Đức Bà Aparecida thì có thể hát. Tôi mời gọi anh chị em trung thành với Chúa Giêsu Kitô. Chúa thách đố chúng ta ra khỏi thế giới bé nhỏ chật hẹp của mình để tiến tới Nước của Thiên Chúa và của sự tụ do đích thực. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng anh chị em để anh chị em đem phúc lành của Thiên Chúa đến cho mọi người.

ĐTC cũng chào các nhóm nói tiếng Ý, đặc biệt các bề trên tỉnh dòng Anh em hèn mọn, hiệp hội cảnh sát Caserta, và huynh đoàn thánh Stefano Rieti. Ngài khích lệ mọi người trung thành với Chúa Kitô để niềm vui Phúc Âm có thể rạng ngời trong xã  hội.

Chào các bạn trẻ, người đau yếu và các đôi tân hôn ngài nhắc tới lễ kính thánh Phaolô trở lại. Ước chi gương mặt của thánh nhân trở thành mẫu gương cuộc sống môn đệ cho các bạn trẻ. ĐTC mời gọi các bệnh nhân dâng hy sinh khổ đau cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn noi gương thánh nhân dành chỗ nhất cho Thiên Chúa và cho tình yêu trong cuộc sống gia đình.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.

PopeFrancis-25Jan2017-02.jpg

PopeFrancis-25Jan2017-03.jpg

PopeFrancis-25Jan2017-04.jpg

PopeFrancis-25Jan2017-05.jpg

PopeFrancis-25Jan2017-06.jpg

PopeFrancis-25Jan2017-07.jpg
(G. Trần Đức Anh OP, RadioVaticana 25.01.2017)