Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2016

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - NGÀY 23-9-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 18: 9-14)

9 Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác:10 "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế.11 Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.12 Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.13 Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.14 Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."

SUY NIỆM

Hôm nay, Hội thánh cử hành ngày khánh nhật truyền giáo. Chúa nhật này mời gọi chúng ta cầu nguyện đặc biệt cho việc truyền giáo. Thực ra việc cầu nguyện truyền giáo là việc làm mỗi ngày của chúng ta. Mỗi khi chúng ta đọc kinh Lạy Cha, chúng ta đều cầu nguyện cho truyền giáo: “xin cho nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…”  Khi chúng ta tuyên xứng đức tin, có nghĩa là chúng ta tuyên xưng ra trước mặt thiên hạ.

Lệnh truyền của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ, trở nên căn tính của Hội Thánh Chúa Kitô. Một Hội Thánh truyền giáo, một Hội Thánh biết ra đi, từ trung tâm là Giêrusalem cho đến tận cùng trái đất. Hằng ngày, lệnh truyền ấy không chỉ được cất lên để mời gọi mọi người sống làm chứng cho Chúa mà còn cất lên để chúng ta đi vào đời làm cho nước cha trị đến, ý Cha thể hiện trong chính ta và cho cuộc sống này.

Trước khi các tông đồ ra đi khắp nơi, các ông tụ hội tại Giêrusalem, ở trong đền thờ chúc tụng Chúa. Đó là thời gian chờ đợi và được huấn luyện. Đó là thời gian để Chúa Thánh Thần thực sự tác động để các ngài có được suy nghĩ và dung mạo giống Chúa Kitô, là Thầy của họ.

Mẹ Têrêsa Calcuta, vị Thánh được phong lên bậc hiển thánh hôm 4/9/2016 vừa qua đã thốt lên rằng: chúng ta không thể làm được gì nếu không cầu nguyện và ở bên Thánh Thể của Ngài. Cầu nguyện và ở bên Thánh Thể thực sự là thời gian của ân sủng, thời gian của chiêm niệm và là thời khắc mà Chúa cài đặt vào trong ta tư tưởng và dung mạo của Chúa Giêsu. Nhờ thế Mẹ Têrêsa cùng với những chị em trong dòng của Mẹ tận tuỵ đến với nghèo, yêu thương và giúp đỡ tận tình như Chúa Giêsu.

Mỗi Kitô hữu chúng ta cũng được mời gọi trở nên chứng tá của tin mừng. Hãy bắt đầu dự án truyền giáo hôm nay bằng cách là ở lại trong Chúa Kitô. Khi có được tư tưởng và dung mạo hiền từ của Chúa Giêsu, chúng ta sẽ lên đường và đem nhiều tâm hồn về cùng Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con hằng ngày ý thức hơn nữa về việc làm chứng tá của chúng con. Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường




1. Người Pha-ri-sêu « công chính »
Chúng ta hãy nghe lại một lần nữa lời nguyện của người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, trong dụ ngôn của Đức Giê-su :
Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
(c. 11-12)
Và theo Đức Giê-su, một lời nguyện như thế sẽ không làm cho một người sống rất công chính trước mặt mọi người, như là ông Pha-ri-sêu, trở nên không công chính trước mặt Thiên Chúa. Trong khi đó, người làm nghề thu thuế đã thưa với Chúa một lời nguyện rất ngắn :
Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Nhưng lời nguyện này đã làm cho một người tội lỗi, đáng bị khinh chê trước mặt mọi người, trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Vậy điều gì trong lời nguyện của người Pha-ri-sêu, vốn là người sống rất tốt về mọi mặt, làm cho Chúa không vui lòng, làm cho ông không còn đáng yêu trước mặt Chúa ?
Chắc chắn đó không phải là vì ông đã kể ra tất cả những gì mình đã làm trước mặt Chúa. Một em bé, sau khi đi học cả ngày, tối về kể lại một cách đơn sơ tất cả những gì mình đã làm cho bố mẹ nghe, sẽ làm cho bố mẹ rất vui thích. Khi đến với Chúa, chúng ta cũng được mời gọi trở nên đơn sơ như em bé, kể lại tất cả những gì mình đã làm ; và chắc chắn, điều này cũng sẽ làm cho Chúa vui thích. Và đó chính là điều chính các Tông Đồ đã làm : « Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy » (Mc 6, 30).
Và lí do cũng không phải là vì ông nói dối trước mặt Chúa, nghĩa là kể sai sự thật ; bởi vì, với tư cách là một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, chắc chắn ông đã kể lại một cách chính xác những gì ông làm, không thêm thắt điều gì. Nếu thế, ông có một cuộc sống rất đáng cho chúng ta khâm phục, thậm chí đáng bắt chước nữa ;  và ngày nay, các mục tử vẫn khuyên bảo như thế :
  • Về phương diện luân lí, ông không tham lam, không ăn trộm, không làm điều bất chính, nhất là không ngoại tình. Rất ít người, kể cả chúng ta nữa, có thể sống như ông.
  • Về phương diện đạo đức, ông là người rất sốt sắng, bởi vì ông ăn chay mỗi tuần hai lần ! Về chuyện ăn chay, chắc chắn ông sốt sắng hơn chúng ta, bởi vì chúng ta cũng ăn chay hai lần, nhưng là cho cả năm !
  • Hơn nữa, ông còn đóng góp vào việc thờ phượng Thiên Chúa trong Đền Thờ. Về điều này, ông lại càng làm cho chúng ta phải khâm phục hơn, bởi vì ông không phải lâu lâu mới đóng góp, lúc có lúc không, nhưng ông đã đóng góp đều đặn, theo kế hoạch chi thu đã định sẵn, như ông thưa với Chúa : « Con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con ». Một phần mười thu nhập là nhiều lắm : chúng ta hãy tính thử : cứ một triệu, thì dâng cho Chúa một trăm ngàn ! Chắc chắn, ít ai trong chúng ta, thậm chí ít người trên đời này, đã quảng đại như vậy.
 2. Người Pha-ri-sêu và « Kẻ Tố Cáo »
Một lời nguyện nói lên một cuộc sống rất tốt như thế, nhưng tại sao lại không làm cho người Pha-ri-sêu nên công chính, hay nói cách khác, không làm cho Chúa vui, không làm đẹp lòng Chúa, không hợp với Chúa, làm cho Chúa ngoảnh mặt đi ? Đó là vì, cũng trong lời nguyện này, ông so sánh mình với người khác ; hơn thế nữa, ông còn « chỉ điểm » cho Chúa một người cụ thể, mang tội đầy mình, đó người thu thuế đứng bên cạnh ông : « Con không như bao kẻ khác… hoặc như tên thu thuế kia ».
Thế mà, tố cáo người khác trước mặt Thiên Chúa, lại là hành động mà Satan thích làm nhất, thích đến độ Satan có một tên gọi khác, theo sách Khải Huyền, là « Kẻ Tố Cáo » :
Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ,
giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền,
và Đức Ki-tô của Người
giờ đây cũng biểu dương quyền bính,
vì Kẻ Tố Cáo 
(Satan, là danh từ trong tiếng Hi-lạp) anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa,
nay bị tống ra ngoài.
(Kh 12, 10)
Như thế, lý do làm ông Pha-ri-sêu trở nên không công chính trước mặt Chúa, đó là vì, trong lời nguyện của ông, ông hành xử giống như Satan, ông đóng vai trò của Satan, hay nói mạnh hơn, ông tự biến mình thành Satan, khi ngay trong lời nguyện của mình, ông thích nghĩ đến tội của người khác và tố cáo họ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi người thu thuế kia chỉ nghĩ đến tội của mình trước mặt Chúa một cách khiêm tốn và xin Ngài thương xót : « Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi ».
 3. Trong Đức Ki-tô không còn lên án
Chúng ta thường hình dung sự thiện buộc tội sự dữ, sự dữ buộc tội sự thiện. Chúng ta thường nghĩ một cách tự phát rằng người công chính và người tội lỗi buộc tội lẫn nhau[1]. Hơn thế nữa, chúng ta còn duy trì hình ảnh về một Thiên Chúa, Đấng Công Chính tuyệt đối, buộc tội con người vốn « tội lỗi bẩm sinh ».
Thay vì sự thiện và sự dữ buộc tội lẫn nhau, thì chính hành vi buộc tội là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với sự thiện. Sự thiện thể hiện mình bằng cách đi qua hành vi buộc tội, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi; và trong Kinh Thánh, không thiếu những bản luận tội thốt ra từ miệng các ngôn sứ, các tác giả Thánh Vịnh và cả Đức Giê-su nữa. Nhưng đó không phải là chỗ đứng đích thực của sự thiện, không phải là chỗ đứng sau cùng của sự thiện. Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho sự dữ đứng vào. Chúng ta nói « rốt cuộc » vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời chúng ta vừa trích dẫn ở trên : « Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài » (Kh 12, 10).
Khác hẳn với ông Pha-ri-sêu, Đức Ki-tô vốn là Đấng công chính tuyệt đối và hoàn hảo, nhưng Ngài không khinh chê những người tội lỗi là chính chúng ta, như chính Ngài đã nói :
  • Thiên Chúa sai con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ » (Ga 3, 17).
  • « Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. » (Mt 9, 13)
  • Và nhất là trên Thập Giá, « Đức Ki-tô chịu đóng đinh, Đối Tượng Duy Nhất của lòng trí chúng ta », đã tự nguyện bị đối xử như là một tội nhân, bị lên án như một tội nhận và ở giữa các tội nhân, để bày tỏ cho chúng ta lòng bao dung vô hạn của Thiên Chúa đối với mọi tội nhân thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta.
Và chính lòng thương xót là động lực mạnh mẽ và bền vững tái sinh chúng ta và biến đổi con tim chúng ta biết sống cho Chúa và qui hướng mọi sự về việc ca tụng Chúa, chứ không phải là những lời xếp bậc, xếp loại, lên án (tự lên án mình và lên án nhau), đe dọa và ra án phạt (có khi tự mình ra án và thi hành án).
*  *  *
Thập Giá mời gọi chúng ta không kết tội Đức Ki-tô (dưới hình thức gánh chịu hình phạt vì tội lỗi chúng ta), cho dù Sự Dữ ngang qua những con người cụ thể kết tội Người, vì Chúa vô tội. Và chúng ta cũng không kết tội mình và người khác, và không kết tội cả Chúa nữa (dưới hình thức kêu trách, chất vấn). Bởi vì :
  • Kết tội tự nó là điều dữ. Khi kết tội Đức Ki-tô, Sự Dữ bị lộ nguyên hình, trong mức độ nó tự cho thấy kết tội là điều dữ ; tội ở nơi người kết tội, chứ không phải nơi người bị kết tội.
  • Và cho dù mình và người khác đáng bị kết tội, thì Chúa đã mang hết tội lỗi của chúng ta vào mình rồi với lòng bao dung, và Người ban sự công chính của Người cho chúng ta, để chúng ta đừng kết tội mình và kết tội nhau, như thánh Phao-lo xác tín :
Trong Đức Ki-tô, không còn lên án nữa.
(Rm 8, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc



KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO



Tin Mừng  Mt 28: 16-20

16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến.17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi.18 Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,20 dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế."
 
SUY NIỆM

LOAN BÁO TIN MỪNG KHỞI ĐI TỪ VIỆC SỐNG ĐỨC TIN

Từ thế kỷ này tới thề kỷ khác Giáo Hội luôn ý thức sứ vụ của mình là ra “đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” của Chúa. Những nỗ lực loan báo Tin Mừng của Giáo Hội đã làm cho nhiều dân tộc nhận biết Chúa Kitô, hầu như khắp năm Châu, hạt giống Tin Mừng đều được gieo vãi. Tuy nhiên, việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Chúa còn là một thách đố lơn lao cho Giáo Hội.

Theo số liệu được cuốn Niên Giám Toà Thánh Vatican 2015 công bố: Số tín hữu Công Giáo trong Giáo  2013 là 1 tỷ 254 triệu, chiếm 17,7% trên tổng số 7 tỷ 94 triệu người trên thế giới. Như vậy, số người chưa tin nhận Chúa Kitô còn chiếm một con số rất lớn, và như vậy công việc loan báo Tin Mừng của Giáo Hội luôn là một thúc bách.

Trước sự thúc bách này chúng ta phải làm gì sau bao nhiêu nỗ lực thực thi sứ vụ? Các vị chủ chăn trong Giáo Hội đã đưa ra nhiều chi dẫn, Giáo Hội địa phương cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo với ước mong tìm ra những cách thế phù hợp với thời đại để chuyển tại Tin Mừng cho ngừoi thời đại hôm nay. Nhưng xem ra công cuộc loan báo Tin Mừng vẫn còn gặp biết bao trở ngại, làn sóng chống lại Giáo Hội càng ngày càng lớn, không chỉ ở những lãnh thổ luôn đối nghịch với Giáo Hội Công Giáo chẳng hạn ở Do Thái, hay một vài quốc gia Hồi Giáo, nhưng ngay tại vùng đất được gọi là tự do đan chủ như ổ Mỹ chẳng hạn. Mới đây Wikileaks đã  công bố hàng chục ngàn các thư điện tử bị rò rỉ cho thấy tâm tình chống báng các học thuyết xã hội Công Giáo, khinh miệt các Giám Mục Công Giáo của các nhân vật cáp cao của Đảng Dân chủ cvủa Mỹ chẳng hạn như Podesta, Hillary Clinton, và nguy hiểm hơn là âm mưu của đảng Dân Chủ Mỹ muốn gieo những “mầm mống nổi loạn” trong Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ.

Ngoài ra Tin Mừng còn phải đối diện với bức tường được người thời đại xây dựng lên đó là chủ trương tương đối hoá chân lý và tôn giáo. Một hình thức mới của chủ nghĩa vô thần không trên lý thuyết nhưng trên thực hành. Có nghĩa là chân lý không còn là phạm trù tuyệt đối thuộc về Thiên Chúa, nhưng nó được qui địngh bởi con người, vì không còn chấp nhận chân lý tuyệt đối, nên không còn nhìn nhận Đức Kitô là Đấng cứu độ duy nhất, và cho rằng các nhà sáng lập các tôn giáo khác là những khuôn mặt cứu độ như Đức Kitô, bởi vậy xuất hiện chủ trương “đạo nào cũng tốt”. Chủ trương tương đối hoá đó còn ảnh hưởng nặng nề hơn nữa đối với các vấn đề luân lý. Vì cho rằng không có luân lý tuyệt đối, nên con người không còn tiêu chuẩn nào để huấn luyện lương tâm. Điều đó cũng có nghĩa Tin Mừng Đức Kitô không còn là tiêu chuẩn để đào luyện một lương tâm ngay thẳng.

Một vấn nạn lớn nữa mà Tin Mừng còn phải đương đầu đó chính là ngẫu tượng mà người thời đại hôm nay sùng bái, ngẫu tượng “tiền bạc”, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nhận định: “Chúng ta đã tạo ra những thần tượng mới. Việc thờ phượng của con bò vàng ngày xưa đã tìm thấy một hình tượng mới và tàn nhẫn vô tâm trong sự sùng bái tiền bạc”.Việc sùng bái này hình thành một nền văn hoá mới: “văn hoá vô cảm”, hoàn toàn ngược với Tin Mừng: “Hãy xót thương”.

Trong một bối cảnh như thế, người tín hữu chúng ta phải làm gi để có thể chu toan sứ vụ loan báo của mình? Có lẽ trước tiên, chúng ta phải kiên vững với  đức tin của chúng ta, nói như Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ : “vì các niềm tin này đến với chúng ta từ chính Chúa Giêsu, không phải từ một đồng thuận do các chuẩn mực đương thời tạo nên. Tin Mừng được cung ứng cho mọi người thuộc mọi thời đại. Nó mời gọi chúng ta yêu mến người lân cận và sống hòa bình với nhau. Vì lý do này, sự thật của Chúa Kitô không bao giờ lỗi thời hay không với tới được. Tin Mừng phục vụ ích chung, chứ không phục vụ các nghị trình chính trị”.

Thật thế để loan báo Tin Mừng, chúng ta phải cất tiếng tạ ơn vì hồng ân đức tin đã được tặng ban, lời tạ ơn được biểu tỏ qua việc tham dự cử hành phụng vụ cách sốt sắng và trang nghiêm. Chúng ta không thể loan báo Tin Mừng trong khi chúng ta thờ ơ với việc cử hành Phung vụ. Bởi vì chính trong Phụng vụ chúng gặp được sự hiện diện của Chúa Giêsu, Người chính là nội dung của việc loan báo Tin Mừng. Và cũng chính qua cuộc gặp gỡ này chúng ta hiểu được rằng: “Trong con người có một khao khát sự vô biên mà không ai có thể dập tắt được. Người ta đã thử rất nhiều, nhưng không một câu trả lời nào có thể thỏa mãn được sự khao khát này. Chỉ có chính Thiên Chúa là Đấng trở thành hữu hạn để mở sự hữu hạn của chúng ta ra, và dẫn chúng ta đến chiều rộng của sự vô biên của Ngài để trả lời câu hỏi về sự hiện hữu của chúng ta. Vì lý do này mà Đức Tin Kitô cũng tìm được con người ngày nay. Nhiệm vụ của chúng ta là phục vụ Đức Tin với một tinh thần khiêm nhường cùng với hết lòng, hết sức và hết trí khôn của chúng ta” (Đức Benêđictô XVI).

Lạy Chúa, đứng trước các thách đố của thơi đại hôm nay, xin đừng để chúng con nản chí trong việc loan báo Tin Mừng, nhưng trái lại xin giúp chúng con nhận ra đây là cơ hội để chúng con củng cố đức tin và kiên cường biểu tỏ niềm tin của chúng con theo lời mời gọi của Tin Mừng. Amen

Lm. Ant
ôn Hà Văn Minh