Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 28/10/2016

Filled under:

HAI NHỊP CỦA TRÁI TIM TÔNG ĐỒ
“Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ.” (Lc 6,12-13)
Suy niệm: Trong cơ thể con người có một bộ phận hoạt động liên lỉ từ khi thụ thai cho tới khi lìa đời, đó là trái tim. Dẻo dai như vậy, nhưng để vận chuyển máu đi khắp cơ thể, hoạt động của nó thật đơn giản chỉ có hai nhịp: bóp vào và mở ra. Các sách Tin Mừng cho biết cuộc sống của Chúa Giê-su cũng diễn ra trong hai nhịp như vậy: cầu nguyện và hoạt động; đan cử một ví dụ: Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi chọn 12 Tông Đồ. Và khi chọn các ông, Chúa Giê-su muốn họ chu toàn một cuộc sống gồm hai nhịp: ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng. Các động từ “ở lại”, “ở trong,” “đi theo” được các thánh sử dùng nhiều lần để diễn tả mối hiệp thông phải có của các Tông Đồ đối với Chúa Giê-su như mối thông hiệp Ngài có với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài, sự hiệp thông cần thiết đến mức trở nên ưu tiên trong các hoạt động của Ngài. Mặt khác, “tông đồ” nghĩa là “người được sai đi”, tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa Giê-su. Ở lại với Chúa và ra đi loan báo Tin Mừng là hai nhịp của trái tim Tông Đồ, cần thiết và không thể tách rời nhau.
Mời Bạn: Kiểm tra lại đời sống tông đồ của bạn. Đời sống tông đồ của bạn vẫn đều đặn hai nhịp đập đấy chứ?
Chia sẻ: Bạn có cho là tốn giờ vô ích khi dành thời giờ cầu nguyện trước khi làm một công tác tông đồ không?
Sống Lời Chúa: Thăm một gia đình gặp khó khăn và cầu nguyện cho họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa chọn gọi con tham dự vào sứ mạng của Chúa. Xin cho con biết ở lại trong Chúa và đam mê chia sẻ niềm vui này cho tha nhân.

Thánh Simon và Thánh Giu-đê (Jude)
Thánh Giu-đê là một nhân vật được đề cập đến trong Phúc Âm theo Thánh Luca, cũng như trong Công Vụ Tông Đổ Thánh Mátthêu và Thánh Máccô gọi ngài là Thadeus (Ta-đê-ô). Ngoài ra ngài không được nhắc đến ở chỗ nào khác trong các Phúc Âm, ngoại trừ, khi kể tên các tông đổ Các học giả cho rằng ngài không phải là tác giả của các thư Thánh Giu-đa. Thực ra, Giu-đê cùng tên với Giu-đa Ítcariốt (Judas Iscariot). Do đó, vì sự bất xứng của tên Giu-đa (bán Chúa), nên người ta đã gọi tắt là " Giu-đê ".

Thánh Simon được tất cả bốn Phúc Âm nhắc đến. Trong hai Phúc Âm, ngài được gọi là "người Nhiệt Thành" (Zealot). Phái Zealot là một nhánh Do Thái Giáo đại diện cho chủ nghĩa dân tộc Do Thái. Đối với họ, lời hứa cứu tinh trong Cựu Ước có nghĩa là người Do Thái sẽ được tự do và có được một quốc gia độc lập. Chỉ có Thiên Chúa là vua của họ, nên việc nộp thuế cho người La Mã -- là người đang đô hộ -- được coi là xúc phạm đến Thiên Chúå Chắc chắn rằng một số người Zealot là miêu duệ tinh thần của người Maccabee, muốn tiếp tục lý tưởng tôn giáo và tranh đấu cho độc lập. Nhưng nhiều người trong nhóm họ cũng giống như quân khủng bố ngày nay. Họ lùng bắt để giết những người ngoại quốc và người Do Thái "cộng tác với địch." Họ là những người chủ chốt trong vụ nổi loạn chống La Mã và kết thúc bằng việc tiêu hủy thành Giêrusalem vào năm 70.

Lời Bàn
Như mọi trường hợp các thánh tông đồ, ngoại trừ Thánh Phêrô, Gioan và Giacôbê, chúng ta đang đối diện với những người thực sự vô danh, và chúng ta bàng hoàng trước sự kiện là sự thánh thiện của họ hoàn toàn nhờ vào ơn ích của Đức Kitô. Ngài chọn một số người mà chúng ta không bao giờ nghĩ đến: một đoàn viên Zealot, một chuyên viên thu thuế, một ngư dân nóng tính, hai "người con của sấm sét" và một Giuđa Iscariot.

Đó là sự nhắc nhở cho chúng ta biết, không phải ai cũng được chọn. Sự thánh thiện không lệ thuộc ở công trạng, văn hóa, cá tính, sự cố gắng hay thành đạt của loài người. Nó hoàn toàn là ơn sủng của Thiên Chúa.
Thiên Chúa không cần đến nhóm Zealot để giúp Nước Trời ngự đến bằng bạo lực. Thánh Giu-đê, cũng như các thánh khác, là vị thánh không có khả năng: Chỉ có Thiên Chúa mới tạo được đời sống thánh thiêng trong con người. Và Chúa muốn như vậy, nơi tất cả mọi người chúng ta.

Lời Trích
"Cũng như Đức Kitô được sai đến bởi Thiên Chúa Cha, thì Người cũng sai các tông đồ, được đầy tràn Chúa Thánh Thần, để rao giảng cho mọi tạo vật (xem Máccô 16:15), để họ loan truyền rằng Con Thiên Chúa, qua sự chết và sự sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của Satan (xem CVTĐ 26:18), và khỏi sự chết, và đưa chúng ta vào vương quốc của Thiên Chúa Cha" (Hiến Chương về Phụng Vụ, 6).

Chuyến Xe Cuộc Ðời

Cách đây hơn một trăm năm, khi đường sắt vừa mới được phát minh, nhu cầu đi lại mỗi lúc một bành trướng, một văn sĩ nọ, trong quyển lịch sử của xe lửa và đường sắt, đã ghi ra một số chỉ dẫn cho hành khách. Trong một chương có tựa đề "Những lời khuyên trước khi lên đường", ông đã đưa ra vài căn dặn như sau: "Trước khi bắt đầu cuộc hành trình, hành khách nên quyết định: mình sẽ đi đâu, sẽ lên chuyến xe lửa nào và ở đâu, tại nơi nào sẽ đổi tàữ.".
Trong một đoạn khác, ông nhắc nhủ hành khách như sau: "Khuyên quý khách mang theo hành lý càng ít bao nhiêu càng tốt... Riêng với các bà, các cô, không được phép mang quá ba hành lý và năm gói nhỏ".
Những lời khuyên trên đây xem chừng như không có chút giá trị nào đối với hệ thống đường sắt hiện tại ở Việt Nam. Chen chúc nhau để có được một chỗ ngồi thích hợp, đã là quá lắm rồi, còn chỗ đâu để xác định số hành lý phải mang theo.
Nhưng dù thanh thản trong một con tàu đầy tiện nghi, hay chen chúc nhau trong một wagon chật hẹp bẩn thỉu, mỗi khi bước vào xe lửa, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để tưởng nghĩ đến chuyến đi của cuộc đờõ. Ðời cũng là một chuyến đi.
Bước lên chiếc xe lửa của cuộc đời, ai trong chúng ta cũng được mời gọi để chuẩn bị cuộc hành trình bằng một số câu hỏi cơ bản: tôi sẽ đi về đâủ Tôi phải mang những gì cần thiết cho cuộc hành trình?
Trên một số tuyến đường liên tỉnh tại Phi Luật Tân, thỉnh thoảng hành khách có thể đọc được một bảng hiệu có thể làm cho họ phải giật mình suy nghĩ: có thể đây là chuyến đi cuối cùng của bạn. Thật ra, ít có ai khi lên đường, lại có ý nghĩ ấy. Có lẽ người ta nghĩ đến công việc, nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những thú vui đang chờ đợi hơn là phải dừng lại với ý nghĩ của một cái chết bất ngờ.
Thái độ khôn ngoan nhất mà Chúa Giêsu thường lặp lại trong Tin Mừng của Ngài: đó là "Các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào". Con người sinh ra để chết. Nói như thế không hẳn là một phát biểu bi quan về cuộc đời, mà đúng hơn là một cái nhìn trong suốt về hướng đi của cuộc đời.
Giá như ai trong chúng ta cũng biết rằng: công việc ta đang làm trong giây phút này đây là công việc cuối cùng trong cuộc đời, thì có lẽ mọi việc đều có một ý nghĩa và một mục đích khác hẳn.