Thứ Tư, 26 tháng 10, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 26/10/2016

Filled under:

CỬA HẸP LÀ HY SINH, TỪ BỎ
Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.” (Lc 13,24)
Suy niệm: Khi nói về ngày giờ “Con Người sẽ đến,” Chúa Giê-su không cho biết ngày nào giờ nào mà ra chỉ thị “hãy sẵn sàng” (Lc 12,40); cũng vậy khi được hỏi về số lượng những người được cứu thoát, Ngài dùng hình ảnh “cửa hẹp” với yêu cầu “Hãy chiến đấu!” “Cửa” dẫn đến hạnh phúc thì “hẹp” vì để đi tới đó chỉ có một Con Đường là Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ duy nhất (x. Cv 4,12) và vì con đường Chúa đã đi qua để cứu độ nhân loại chính là con đường thập giá. Đi con đường thập giá với Chúa Ki-tô chắc chắn không phải là một cuộc dạo chơi, mà là một cuộc chiến đấu, cuộc chiến đến giọt máu cuối cùng.
Mời Bạn: Đường vào Nước Trời không rộng thênh thang để người ta tha hồ thoả mãn những đam mê tội lỗi. Trái lại đó là cả một cuộc chiến đấu thiêng liêng chống lại cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ, tham lam. Để đạt chiến thắng cuối cùng trong ngày cánh chung, phải chiến đấu từ bây giờ trong cuộc sống hiện sinh này. Nếu không, cánh cửa sẽ đóng lại trước mắt chúng ta với lời tuyên án khủng khiếp: “Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính.”
Sống Lời Chúa: Hãy lấy Lời Chúa làm vũ khí để chiến đấu chống lại ma quỷ: “…binh giáp vũ khí của Thiên Chúa,… lưng thắt đai là chân lý,… mang áo giáp là sự công chính,.. chân đi giày là lòng hăng say loan báo Tin Mừng,… cầm khiên mộc là đức tin,… đội mũ chiến là ơn cứu độ,… tay cầm gươm của Thần Khi, tức là Lời Thiên Chúa” (x. Ep 6,10-17).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết nỗ lực chiến đấu không ngừng để quyết đi qua cửa hẹp là hy sinh, thương xót, phục vụ và sẻ chia hầu đem lại cho con hạnh phúc, bình an và Nước Chúa ngay đời này và đời sau. Amen. 

Chân Phước Contardo Ferrini
(1859-1902)
Contardo Ferrini là con của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức, hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại học.

Sinh ở Milan, ngài có bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao đẳng trước khi dạy ở Đại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm quyền hiểu biết về luật Rôma.

Contardo cũng học biết về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Đời sống chúng ta phải vươn đến Đấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả, ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.

Ngài từ trần năm 1902 lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải được tuyên xưng là một vị thánh.
Đức Giáo Hoàng Piô XII đã phong chân phước cho ngài năm 1947.

Xin Cho Con Ðược Thay Ðổi Chính Con

Một triết gia Ấn Ðộ đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được một người nàọ Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nàọ Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổị Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.

Ai trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi đó mà nguyền rủa bóng tốị Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của chúng tạ Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc khô cằn.