Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2016

Khi chẳng còn tình người…

Filled under:

Nếu một ngày nào đó khi vừa giật mình thức giấc, bạn chợt nhận ra mình vẫn còn tồn tại trên cõi đời này sau một giấc mơ kinh hoàng; liệu bạn có suy nghĩ lại những gì mình đã làm trong thời gian qua, nhất là những vấn đề liên quan đến tha nhân không? Có lẽ chỉ khi nào phải đối diện với những gì tệ hại nhất, chúng ta mới biết nhìn lại hành động của mình!
Được dịp tiếp xúc với một bệnh nhân bị ung thư trong thời gian gần đây, văng vẳng trong tôi vẫn là những bức xúc về các loại thức ăn mà chúng ta đang dùng. Ngay cả nguồn nước uống cũng thế! Chẳng những chúng không làm tròn trách nhiệm thanh lọc, mà tệ hại hơn là chúng lại đem biết bao mầm bệnh vào cơ thể chúng ta. Những điều kiện cơ bản nhất để cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống con người đã bị tước đoạt, mà những kẻ cướp đoạt ấy chẳng ai xa lạ, có khi là chính chúng ta!
Thời đại ngày nay, mọi thứ đều trở nên thuận lợi hơn rất nhiều cho con người! Bạn không phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho một bữa ăn khi đâu đâu cũng có sẵn, cho đến tận cùng ngõ hẻm cũng chẳng thiếu. Điều đó làm phát sinh những lợi hại thật đáng kể! Những người bận rộn luôn luôn cần được phục vụ cách thuận tiện nhất, đôi khi bất kể chất lượng như thế nào; còn những người kinh doanh thì xoay xở mọi cách để phục vụ nhanh chóng và hiệu quả nhất, có khi chẳng còn quan tâm đến sự an toàn cho con người. Sự thiếu hiểu biết, hay thái độ vô tâm, thậm chí là bất nhân của con người đã gây ra thảm cảnh của bệnh tật, tội lỗi và chết chóc. Ai cũng thèm một bữa ăn thật sạch, nhưng chẳng ai góp phần để làm cho nó được sạch. Ai cũng muốn mua được những thứ thật sạch, nhưng bản thân mình lại bán những thứ chẳng sạch. Và ai cũng nghĩ tới giải pháp để bảo vệ những cái sạch, nhưng mấy ai sẵn sàng và cương quyết với giải pháp ấy.
“Cái sạch” bỗng trở nên thật là đắt giá! Một thương gia dễ dàng vung tiền cho những sản phẩm sạch nhằm đảm bảo cho sức khỏe của mình, thế nhưng sự nghi ngờ về những sản phẩm ấy luôn làm cho anh ta bất an, đến độ anh chẳng còn tin tưởng ai. Cái lo lắng chồng chất cũng khiến anh lâm bệnh! Một người nghèo chỉ cho phép mình dùng những gì hợp với túi tiền, nhiều khi nhắm mắt cho qua vì không thể chọn cái tốt hơn. Bằng lòng với cuộc sống như thế và họ cũng bằng lòng với bệnh tật xảy đến bất cứ lúc nào! Sự phân cấp trong xã hội cũng không làm cho con người tránh được những thảm họa, cuối cùng vẫn là những đau khổ của bệnh tật và sự chết.
Chúng ta chẳng đổ lỗi cho ai bởi vì từng cá nhân chúng ta đều có lỗi! Nếu mỗi người ý thức một chút, thì xã hội sẽ sạch hơn một chút. Nếu mỗi người góp sức một chút, thì xã hội sẽ được cải tạo một chút. Và nếu mỗi người cương quyết một chút, thì xã hội sẽ bớt tệ nạn một chút. Ý thức rằng mỗi sản phẩm tôi làm ra là để tôi dùng nó, chắc chắn chúng ta sẽ làm với tất cả lương tâm của mình. Góp sức bằng hành động của mình trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ trở nên lời kêu gọi cho người khác cùng thực hiện. Cương quyết không để bản thân mình làm những điều sai trái hay dung túng với những sai trái, chúng ta sẽ làm cho xã hội được sạch và xanh hơn. Đó là cách chúng ta đang cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người. Hơn thế nữa, đó là tình người mà chúng ta cần phải biết vun đắp trong tình yêu của Thiên Chúa.
Therese Trần Thị Kim Thoa


Những người mẹ "đội lúp"


Cái nắng chiều độ cuối thu in hình trên khuôn mặt các bé. Những đôi mắt sợ sệt, ráo rác tìm chỗ bám víu đời mình nơi vạt áo màu trắng. Chúng chẳng nghĩ rằng, những người phụ nữ ‘váy trắng, lúp đen’ ấy là một bà sơ, nữ tu gì hết.Trong chúng, họ là những người bà, người mẹ từ khi chúng biết khóc trong cuộc đời này.
nhung-nguoi-me-doi-lup-9.jpg

Nơi ươm mầm sống.

Trung tâm Thánh Mẫu Từ Phong nằm trên mỏm đồi rộng, cách toà giám mục (TGM) Bắc Ninh 13km theo hướng quốc lộ 18 Bắc Ninh – Hạ Long. Giữa khuôn viên rộng ngợp của Trung tâm Thánh Mẫu, ngôi nhà Mở nằm yên mình một góc nhỏ, điểm cuối của hàng cây dài. Lặng lẽ, không ôn ào, ngôi nhà này ẩn mình giống như những người con gái nơi đây tìm về – những  cô gái vì một lần trót dại. Họ tới đây do gia đình dẫn đến hoặc là sự giới thiệu của bác sĩ, linh mục hay các nhóm Bảo vệ sự sống.

Nhà Mở do Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt thiết lập vào năm 2009 và giao cho Hội dòng nữ Đa Minh Bắc Ninh phụ trách. Chỉ trong vòng 6 năm hoạt động, bao sinh linh bé nhỏ đã được cất tiếng khóc chào đời. Bao cô gái tới đây đã có cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn sau thời gian tạm  xa cuộc sống xô bồ bên ngoài để cùng ăn, cùng ở với chị em, với Chúa và cùng với Mẹ Từ Phong. Núp dưới bóng Mẹ, những mầm sống cựa mình trỗi dậy.Vậy nên, nhà Mở còn được gọi là ngôi nhà tình thương, ngôi nhà của sự sống.

Hơn cả một người mẹ.

Hiện tại, nhà Mở Từ Phong đang giúp đỡ 16 cô gái đang mang bầu và 5 cháu bé. Các sơ ở đây sẽ đồng hành với chị em trong công việc sinh hoạt hàng ngày như ăn ở, chăm sóc thai nhi hay dạy nghề thủ công và còn là một người đồng hành thiêng liêng.

Sơ Anna Nguyễn Lan tâm sự: “Điều quan trọng hơn cả là giúp các em ở đây quên đi quá khứ buồn đã qua, sống vui với hiện tại và luôn hướng đến tương lai tốt đẹp. Trong ba sơ phụ trách, Sơ Hạnh sẽ là người đồng hành trực tiếp về những trăn trở, ưu tư của các em.Qua đây, cả ba sơ sẽ nắm được tình hình của các em để có thể hiểu và giúp đỡ các em tốt hơn”.

Hầu hết, các cô gái tới đây đều suy nghĩ rằng sẽ để lại đứa con của mình cho các sơ chăm sóc và gửi các gia đình có ý muốn nhận.Vì thế, các sơ luôn phải động viên, khuyên bảo và tìm mọi cách liên hệ với gia đình để thuyết phục họ nuôi cháu bé sau khi sinh. “Cháu nhỏ nào cũng cần tình thương, đặc biệt là tình cảm thiêng liêng ruột thịt từ cha mẹ, ông bà…” Sơ Anna Hạnh – người phụ trách nhà Mở đã được hai năm thao thức.

Mấy cháu bé cầm bóng lon ton chạy giữa sân làm ai nấy cay cay sống mũi. Do những rào cản vô hình và định kiến xã hội, các cô gái đã để lại đứa con của mình sau khi sinh được một tháng. Mấy bé lớn lên từ những đêm thức trắng, bởi vòng tay ẵm đưa, những tiếng hát ru êm ái của những người phụ nữ “làm mẹ nhưng không phải là mẹ”. Chưa một lần sinh con, các sơ chăm bé từ những kinh nghiệm sách vở, từ các bác sĩ và từ bản năng “mẫu tử” của mỗi người phụ nữ. Ba sơ ở đây sẽ luân phiên nhau trông các bé và lo đồ ăn, đồ uống và sinh hoạt cho bé. Vất vả hơn cả là việc trông trẻ nhỏ vào buổi tối khi chúng “ru ngủ” các sơ bằng tiếng “ẹ ẹ” và tiếng rên rỉ… Chăm các bé, giúp đỡ mẹ của chúng, chẳng thế mà lũ trẻ ở đây vẫn thường hát: “lúc ở nhà bà cũng là mẹ…” là như vậy.

“Bận rộn chứ không vất vả”

Đó là lời chia sẻ của sơ Hạnh khi người viết hỏi sơ về công việc hàng ngày ở nhà Mở. Sơ cười rồi hài hước nói thêm: “Các sơ ở đây không được phép ốm giờ hành chính. Đó cũng là ơn Chúa ban cho. Tuy sơ gầy nhỏ như vậy nhưng rất ít khi ốm. Nếu khi nào ốm, sơ cũng chỉ cần nằm thêm một chút vào buổi tối là sáng hôm sau sẽ khỏe liền”.

Sơ kể về những điều Chúa thực hiện qua các sơ mỗi lần đưa các bà bầu đi sinh. Nhiều khi, Chúa sắp đặt cho mọi sự diễn ra tốt đẹp. Có một lần, vào sáng ngày 20 trong tháng, các sơ chở một chị ra bệnh viện phụ sản trên huyện để sinh con. Ngay ngày hôm sau, một chị khác lại tới ngày sinh. Rồi chờ hai chị kia sinh đẻ xong xuôi, chị thứ ba trong nhà cũng đến ngày.

Trong ba ngày liền, ba thiên thần ở nhà Mở được chào đời.Niềm vui tiếp nối niềm vui khiến các sơ thức trắng mấy ngày liền.Sơ Hạnh vui vẻ kể thêm: “Lần đó, sơ suýt gặp tai nạn trên đường vì thiếu ngủ. Lúc này, Chúa lại phanh xe giúp mình đúng đầu cái ô tô tải. Nếu Chúa không phanh kịp thì giờ này sơ đã không thể ngồi đây.Sơ tin tưởng rằng, công việc mà sơ đang phụ trách đều do Chúa làm và gìn giữ hết và sơ chỉ là công cụ của Ngài mà thôi.”

Vẫn không quên mình là một nữ tu.

Nhiều khi, các sơ bị cám dỗ ‘làm mẹ’ – một cám dỗ ngọt ngào mà các nữ tu dễ gặp phải khi chăm sóc các trẻ nhỏ.“Chính những khi bị cám dỗ như vậy, các sơ phải cậy dựa vào ơn Chúa nhiều lắm.Tình Chúa phải được đong đầy nơi mình và tràn ra công việc mình đang phụ trách. Chỉ như thế, mình làm vì Chúa, mình thương các bé từ tình thương của Chúa và mình phục vụ là vì Chúa. Như vậy, các sơ mới có thể vượt qua được những cám dỗ, thách thức từ công việc và từ cuộc sống”.

Việc “ở lại” và “ra đi” là hai điều thiết yếu của mỗi người môn đệ theo Chúa, đặc biệt là các tu sĩ. Ở lại để kín múc nguồn sống từ Đức Ki-tô; ra đi để luân chuyển tình thương đó của Ngài với mọi người. Nếu ở lại quá lâu mà không ra đi thì tình thương, hồng ân kín múc được cứ tràn một cách vô ích. Nhưng nếu ra đi mà không ở lại, việc ra đi đó chỉ là làm việc đơn thuần chứ không phải là ra đi để phục vụ Chúa.

Nhà Mở là một cộng đoàn đặc thù, khác với các tu viện, tu xá khác của hội dòng. Tuy nhiên, các sơ vẫn sắp xếp được một thời gian biểu hợp lý để cân bằng giữa công việc và đời sống thiêng liêng, giữa “ra đi” và “ở lại”. Ngày mới ở đây bắt đầu bằng giờ kinh Phụng Vụ vào 4g30 sáng. Vào 14g15, các sơ sẽ lần chuỗi Mân Côi để xin ơn Đức Mẹ và đọc kinh Chiều. Vào buổi tối, tất cả chị em trong nhà Mở và cả các bé sẽ cùng tham dự Thánh lễ tại nhà xứ để tạ ơn Chúa qua một ngày sống. Ngoài ra, các sơ ở đây sẽ tìm khoảng thời gian trống thích hợp để cầu nguyện riêng như trước giờ ngủ, vào buổi chiều trong ngày. Không chỉ chơi cùng các bé hay dắt các bé đi dạo, đây cũng là thời gian lý tưởng để tâm sự với Chúa.

Sơ Lan tâm sự rằng, chỉ khi mình chìm vào với Đức Ki-tô, mình mới không quên rằng mình là một nữ tu, một con người đã thuộc trọn về Ngài. Và chỉ khi này, các sơ mới có thể vượt lên các ước muốn trần tục mà ai cũng có. Những nữ tu ở đây đang làm mẹ nhưng lại luôn nhớ mình là người mẹ ‘đội lúp’!

Nắng sớm mai…

Có một chị đang mang bầu ở đây nói: “Chị đang học giáo lý vào đạo. Vì đạo hay quá!”. Tôi ngỡ ngàng khi biết chị không phải là người Công Giáo. Thực ra, ở nhà Mở có tới 2/3 số chị là lương dân.Thế nhưng, nhiều con số ấy giảm dần sau khi rời khỏi đây vì họ xin vào đạo.Thế ra, các sơ ở đây, sự gắn kết nơi nhà Mở này đã lôi kéo được bao nhiêu linh hồn ngoại đạo.Tôi lại phát hiện ra một điều, các nữ tu ở đây không chỉ làm mẹ mà còn đang làm “những bà mẹ đội lúp đi truyền giáo”.

Không còn là cái nắng nhàn nhạt vào buổi chiều khi đến,  tạm biệt nơi đây khi những tia nắng buổi sớm đang đổ lên khu đất đồi này. Chiếc xe máy của sơ Hạnh lại chuyển bánh để đưa các chị ở đây đi khám. Dáng người nhỏ gầy hòa mình vào dòng đường tấp nập. Sương sớm tan đi, nắng tràn mặt đất và ửng hồng…

nhung-nguoi-me-doi-lup-1.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-10.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-11.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-12.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-2.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-3.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-4.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-5.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-6.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-7.jpg

nhung-nguoi-me-doi-lup-8.jpg