Thứ Hai, 6 tháng 3, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 06-03-2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo Thánh Matthêu (Mt 25: 31-46)


31 "Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê.33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái.34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: "Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han."37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc?39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? "40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy."41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: "Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống;43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng."44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: "Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? "45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: "Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy."46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời."


SUY NIỆM 1

Dù đang là nữ tu của dòng Loreto, trên chuyến xe lửa đi về một ngôi làng ở chân núi Hy mã lạp sơn năm 1946, Mẹ Têrêsa thành Calcutta của Ấn độ đã nhận được một ơn gọi thứ hai, đó là phục vụ người nghèo.

“Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cả  và theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất”. Mẹ đã viết như thế, và giải thích thêm: “Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsu bằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.”

Kể từ đó, Mẹ đi khắp các làng quê nghèo của Ấn độ để gom những người nghèo về và phục vụ họ. Mẹ đã cho Chúa tất cả và không bao giờ phải ân hận về quyết định này. Kể từ ngày ấy, Mẹ Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang đau ốm, đang đau khổ cùng cực, và đang cư ngụ trong những khu ổ chuột.

Lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta hãy chia sẻ, hãy cho đi, hãy đến với tha nhân bằng tấm lòng bác ái, bằng tất cả sự triều mến như đang làm tất cả cho chính Chúa vậy.

Nói cách khác, những người đau khổ, nghèo đói quanh ta là hiện thân của Chúa Kitô. Hay Chúa Kitô ở nơi những anh chị em của chúng ta. Giúp đỡ anh chị em ấy, là giúp đỡ chính Chúa.

Chúng ta hãy sống tinh thần bác ái đúng như Lời Chúa dạy, theo gương Mẹ Têrêsa thành Calcutta, để luôn luôn mở rộng bàn tay và không bao giờ ích kỷ thụ hưởng cho bản thân mình.

Đặc biệt, chúng ta đang sống trong mùa Chay. Đó là mùa mời gọi chúng ta biết hãm mình, biết ăn năn thống hối, biết sống tình anh em với tha nhân xung quanh. Chia sẻ vật chất bằng chính tấm lòng yêu thương là việc làm cần thiết để mùa Chay của từng người thật ý nghĩa, thật đúng với tinh thần chay tịnh.

Lạy Cha, xin cho con ý thức rằng, tấm bánh để dành của con thuộc về người đói, chiếc áo nằm trong tủ thuộc về người trần trụi, tiền bạc con cất giấu thuộc về người thiếu thốn.

Lạy Cha, có bao điều con giữ mà chẳng dùng, có bao điều con lãng phí bên cạnh những Ladarô túng quẫn. Có bao điều con hưởng lợi dựa trên nỗi đau của người khác. Có bao điều con định mua sắm dù chẳng có nhu cầu.

Lạy Cha, xin cho con hiểu rằng Cha muốn chúng con san sẻ cho nhau. Xin dạy chúng con biết cách đầu tư làm giàu, nhờ sống chia sẻ cho anh chị em, và yêu thương hết mọi người. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
 
 
 SUY NIỆM 2
  1. Chiên và dê
Trong cuộc phán xét, lúc đầu mọi người tụ tập không phân biệt, nhưng ngay sau đó Con Người đến trong vinh quang và tách cả loài người ra làm hai nhóm. Ở đây, Đức Giêsu dùng hình ảnh để diễn tả như trong các dụ ngôn : Con Người hành động giống như người mục tử tách chiên ra khỏi dê, sau đó đặt chiên ở bên phải và dê ở bên trái của mình.
Hình ảnh này thật an ủi chúng ta, bởi vì chắc chắn chúng ta không phải là « dê », chẳng phải là dê con hay dê cụ gì cả. Loài người chúng tự bản chất là « chiên », và con chiên là biểu tượng của sự hiền lành, vì chúng ta được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, được tái sinh trong máu của Con Chiên tinh tuyền, được kêu gọi trở thành môn đệ của Ngài.
Vậy cái lũ dê kia ở đâu mà ra vậy ? Thế nào là chiên, thế nào là dê ? Đâu là đặc điểm của chiên và đâu là đặc điểm của dê ?

  1. Phán quyết
Đức Vua gọi những người ở bên phải là những người được chúc phúc của Chúa Cha ; họ được mời đến đón nhận Nước Trời, đã được chuẩn bị cho họ từ thủa tạo thiên lập địa. Những lời này làm chúng ta nhớ lại lời của thánh Phaolô : « Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Người » (Eph 1, 4). Họ được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và sống theo ơn gọi thần linh của mình, đó là thông truyền, là chia sẻ, là động lòng, là cảm thông.
Đức Vua gọi những người ở bên trái là « những kẻ bị nguyền rủa » ; họ bị đuổi xa khỏi Đức Vua, để vào nơi lửa cháy muôn đời vốn đã được chuẩn bị cho ma quỉ và các thần loại của nó. Điều lạ lùng là, Đức Vua đã không kể ra những hành vi phạm tội ghê gớm mà luật cấm : ghét anh em, trộm cắp, nói dối, lừa gạt, thề gian, bóc lột, cướp của, gian dâm, giết người. Nhưng lại kể ra những việc những người này đã không làm!
Như thế, vấn đề không phải là những hành vi ghê gớm đã phạm, bởi vì Đức Vua không lấy sổ ra đọc to lên mọi tội lỗi của chúng ta: phạm tội gì, phạm bao nhiều lần! Ngài cũng không xét xử từng người một ; Ngài chỉ nêu ra thái độ thờ ơ, dửng dưng đối với anh chị em đồng loại của cả một nhóm người đứng bên trái; nghĩa là những gì chúng ta đáng lẽ phải làm, không phải vì luật buộc, nhưng vì lòng mến, nhưng chúng ta đã không làm. Đức Vua không quan tâm đến những hành vi sai trái mà lề luật đạo đời nghiêm cấm, nhưng Ngài xét xử năng động sống với người khác ở nơi sâu thẳm của mỗi người. Có thể nói, những người đứng bên trái là những người đã sống theo năng động của ma quỉ và các thần của nó, đó là qui về mình, là không san sẻ, là cứng lòng, là vô cảm. Họ sẽ về sống với ma quỉ, xét cho cùng họ không cần phải bị xét xử và bị dẫn đi đến đó, bởi vì họ lựa chọn đi đến đó. Họ sinh ra là « chiên », nhưng họ tự biến mình thành « dê ».

  1. Những người anh em bé nhỏ nhất
Khi công bố lí do của lời phán quyết, Đức Vua nói chính mình đã đói, đã khát, đã là khách lạ, là người không có cái khố che thân, là tù nhân. Và Ngài không nói theo nghĩa bóng hay nghĩa liên đới, vì Ngài đã thực sự là con người đáng thương này ; hay đúng hơn, tất cả những con người đáng thương trong nhân loại mọi thời, mà Ngài gọi là những người bé nhỏ nhất và là “anh em của Ngài”, đều hội tụ nơi ngôi vị của Ngài, nhất là trong cuộc Thương Khó.
* * *
Như thế, vẫn còn một nhóm người nữa, đó là « những anh chị em bé nhỏ nhất » của Chúa. Họ đâu rồi ? Họ là anh chị em của Đức Kitô, họ thuộc về Đức Kitô, vì thế họ không bị xét xử. Đơn giản là vì Đức Kitô, không thể xét xử người thân của mình được.
Vì thế, lời mời gọi tận cùng của Lời Chúa hôm nay, là chúng ta hãy trở nên người thân của Đức Kitô, trở nên anh chị em của Đức Kitô ; điều này có nghĩa là trở nên nhỏ bé như chính Đức Kitô đã trở nên nhỏ bé trong thế giới loài người. Như thế, chúng ta sẽ không bị đưa ra xét xử, như thánh Phaolô nói :
Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Kitô,
thì không còn bị lên án nữa »
(Rm 8, 1)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc