“Tôi phải xưng gì? Tôi phải chính xác hơn? Tôi phải trung thực hơn?”
Tôi đã xưng tội từ rất nhiều năm, nhưng tôi vẫn có cảm tưởng tôi chưa biết xưng như thế nào cho đúng. Đôi khi sau khi xưng tội, tôi tự hỏi: “Tôi phải xưng gì? Tôi phải chính xác hơn? Tôi phải trung thực hơn?”
Cách đây vài ngày, tôi quyết định đi hỏi các linh mục giải tội cho chúng tôi! Và đây là câu trả lời của họ:
1. Khi mình nhìn mình, thì mình đối diện với tội của mình. Nhưng khi mình đi xưng tội thì mình đối diện với Tình yêu, với Lòng thương xót và với sự Tha thứ của Chúa.
2. Sau khi nói từ bao lâu mình chưa xưng tội thì nên nói một ít về tình trạng của mình (độc thân, hứa hôn, lập gia đình và nghề của mình). Linh mục giải tội sẽ khuyên bạn dễ hơn khi cha biết hoàn cảnh của bạn.
3. Tội không phải là những xúc cảm đáng chán ghét. Đó là các chọn lựa không tốt. Hãy xưng các tội của mình, đừng nói tình trạng xúc cảm của mình.
4. Tội lội đã phạm là sự xúc phạm đến Chúa. Tội lỗi được xưng là bài diễm ca ca tụng Chúa. Khi bạn xưng tội là bạn ca tụng Chúa về Lòng thương xót cao cả của Ngài.
5. Xưng tội thường xuyên làm cho lời cầu nguyện của bạn được vững mạnh và nuôi dưỡng tâm hồn bạn! Hãy kiên trì, dù phải xưng một tội mà bạn đã phạm nhiều lần: điều này đòi hỏi lòng kiên nhẫn và kiên trì. Xưng tội là bí tích chữa lành. Các tổn thương dù thể chất hoặc tinh thần đều cần thời gian để lành.
6. Người xưng tội không phải là để biết mình xấu đến như thế nào, nhưng nhận ra Chúa tốt lành đến như thế nào.
7. Linh mục và bác sĩ giống nhau: bạn khai với bác sĩ từng chi tiết triệu chứng bệnh để bác sĩ biết mà chữa cho bạn tốt hơn. Và bạn nên nhớ: ông đã thấy nhiều bệnh nhân có triệu chứng giống bạn. Bạn tin tưởng ở ông, nghe ông dặn dò và bạn sẽ khỏe hơn!
8. Bạn nên xưng tội một cách đơn sơ và khiêm tốn. Chúa không cần một quyển tiểu thuyết. Ngài đã đọc rồi. Đôi khi lòng tự hào và không chịu hối cãi che giấu đàng sau những câu dài dòng. Hãy tinh tuyền và đơn sơ, thú nhận rõ ràng các tội của mình: đặt mình trần trụi trước mặt Thập giá, để cho cái chết của tội lỗi, để cho sự sống lại của ơn tha thứ.
9. Dù gì cũng cứ đi xưng tội. Tình yêu của Thiên Chúa thì mạnh hơn là tội lỗi của loài người.
10. Xưng tội không được xem như một sự bắt buộc hay đọc một dãy tội nhưng làm mới lại quan hệ của mình với Chúa, và nhất là: đó là cuộc gặp gỡ của mình với Chúa Kitô.
Nguồn: phanxico.vn
GIA ĐÌNH CẦN CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT VỚI NHAU
Khi kết hôn với nhau, ai cũng muốn gia đình mình hạnh phúc. Ai cũng mơ tìm được hạnh phúc trong đời sống lứa đôi. Lúc này hai người luôn sẵn sàng hy sinh cho nhau. Họ tìm mọi cách làm vui lòng nhau. Thế nhưng, khi đã thành gia thất, nhiều bạn trẻ đã vỡ mộng, nhiều gia đình đã tan nát không tìm được hạnh phúc gia đình. Cãi nhau, bất hoà, bất tín bất trung. Gia đình trở thành hoả ngục vì thiếu vắng tình yêu. Thay cho những lời nói ngọt ngào là quát tháo, đay nghiến. Thay cho những cử chỉ thân thương là thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Có những gia đình dường như vợ chồng không thể đối thoại với nhau mà mở miệng ra là chặn họng nhau, như một anh chồng kể về những lần cãi nhau như sau:
Vợ tôi hỏi: Trên TV có gì không anh ?
Tôi trả lời: Có rất nhiều bụi bậm, chắc tại em quên lau
Thế là hai vợ chồng cãi nhau
_________________________
Kỷ niệm hai mươi năm cưới nhau, vợ hỏi chồng muốn đi đâu
Chồng nói: Anh muốn đi đến một chỗ mà từ lâu anh đã không đặt chân đến
Tôi nói: Ủa anh muốn vào trong bếp hả ?
Thế là hai vợ chồng cãi nhau
Người ta kể rằng: Lúc chiều, hai vợ chồng cãi nhau bất phân thắng bại. Tối đi ngủ, anh chồng làm lành:
– “Xin lỗi em nhé, anh đã nghĩ lại rồi”.
– Ồ không, em cũng đang định xin lỗi anh.
– Em không có lỗi, có lẽ do anh hơi nóng tính.
– Do em! Mọi chuyện đều do em cả.
– Anh đã bảo là tại anh cơ mà!
– Tại sao anh cố chấp thế nhỉ?
– Cô có câm đi không?
Thế là cuộc cãi vã lại tái phát. Lần này nó còn dữ dội hơn lần trước. Hai vợ chồng chống đối nhau kịch liệt. Không bên nào chịu thua bên nào. Rồi cuối cùng, vì không thể làm lành, không thể chịu nổi nhau nữa, họ đã đi đến quyết định là xin ly dị.
Tất cả chỉ vì gia đình thiếu một chữ nhịn mà phá vỡ hạnh phúc gia đình!
Ông bà anh chị em thân mến,
Trong đời sống vợ chồng, những cãi cọ bất hòa, giận hờn nhỏ nhặt hàng ngày, nếu vợ chồng không khéo chế ngự bản tính tự ái, hẹp hòi của mình và rộng lượng tha thứ cho nhau, sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Như chúng ta đã biết, hôn nhân là sự kết hợp hai người: một nam một nữ để thành vợ chồng của nhau. Từ đó, hai người cùng chia sẻ với nhau một định mệnh, một cuộc sống, một con đường. Nói theo ngôn ngữ của Chúa Giêsu, họ không còn phải là hai nhưng đã thành một. Sự thật này đòi hỏi hai vợ chồng phải luôn biết hòa hợp với nhau để mỗi ngày được trở nên một trong tình yêu và trong cuộc sống. Nhưng để thực hiện được điều đó, thực tế không luôn dễ, vì khi lấy nhau rồi, mỗi người vẫn còn mang những cá tính khác biệt của mình. Cá tính ấy được hình thành bởi nhiều yếu tố như : bẩm sinh, thiên phú, nền giáo dục, hoàn cảnh sống…. mà mỗi người đã được hấp thụ. Cho nên, sự va chạm bất hòa khó mà không xảy ra trong đời sống vợ chồng. Điều quan trọng đặt ra cho hai người là biết đối phó để biến những va chạm bất hòa này như thế nào?
Nếu sống với nhau mà cứ xét nét nhau từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ và thái độ, để rồi nhỏ xé ra to. Ít xít ra nhiều. Gia đình sẽ biến thành một hoả ngục thay cho một thiên đường hạnh phúc mà khi quen nhau họ thường mơ ước kiến tạo cho nhau. Nếu sống chung với nhau mà thiếu sự tha thứ thì không có gì để đảm bảo tình yêu của họ sẽ tồn tại mãi mãi cho đến đầu bạc, răng long, mà không chừng chỉ dăm ba tháng là đường ấy ấy đi, đường tớ tớ đi, hay như Tố hữu bảo rằng: đường ta ta cứ đi . . . thì thật là bất hạnh.
Hôm lễ thánh Gia thất Giáo hội cho chúng ta chiêm ngắm một gia đình thánh thiện. Một gia đình đã vượt qua mọi khác biệt để ý Chúa được thực hiện. Một gia đình đã vượt qua mọi hiểu lầm, nghi kỵ trong tình yêu chân thành và tin tưởng lẫn nhau. Đây là một gia đình luôn tin tưởng vào Chúa và vào nhau. Mẹ Maria đã tin vào quyền năng của Chúa để nói lời xin vâng. Thánh Giuse đã tin vào Chúa và tin vào Mẹ Maria để trở thành gia trưởng cho gia đình của Ngôi Hai Thiên Chúa. Đặc biệt nơi Chúa Giê-su tuy là Thiên Chúa nhưng luôn sống vâng phục cha mẹ là người Thiên Chúa cha đã sắp đặt để dưỡng dục Ngài.
Hãy học với gia đình thánh gia để làm quen với những tiếng nói của tin tưởng yêu thương, nếu chúng ta muốn có được một đời sống gia đình an vui và hạnh phúc. Niềm tin nơi nhau sẽ giúp gia đình vượt qua những khác biệt để tôn trọng nhau, vượt qua những nghi kỵ để bao dung với nhau.
Cuộc sống sẽ tốt hơn nếu vợ chồng biết nhường nhịn và tin tưởng lẫn nhau, chắc chắc gia đình sẽ hạnh phúc bền lâu như cha ông ta đã nói:
“Chồng giận thì vợ bớt lời
Chồng giận, vợ giận, thì giùi nó quăng”. Thế nên, đôi khi muốn giữ hạnh phúc gia đình thì cần phải:
Chồng giận thì vợ làm lành -Miệng cười hớn hở rằng “anh giận gì?”
Cầu chúc cho các gia đình trong giáo xứ chúng ta đều là những gia đình thánh. Ước gì từng người luôn là thánh khi biết chết đi cái tôi của mình để sống cho gia đình và nhất là cho ý Chúa được thể hiện. Amen