Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

5 Phút cho Lời Chúa 7/3/2017

Filled under:

THIÊN CHÚA THẤU HIỂU
“Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.” (Mt 6,8)
Suy niệm: Một yếu tố hết sức quan trọng và không thể thiếu để làm nên hạnh phúc gia đình, đó là sự hiểu biết lẫn nhau của các thành viên. Hạnh phúc và tuyệt vời biết bao khi vợ chồng thấu hiểu lẫn nhau, cha mẹ thấu hiểu con cái và ngược lại. Chính sự quan tâm và thấu hiểu này sẽ tạo nên mối tương quan gia đình khắng khít, không thể tách rời, một tương quan tin tưởng và hướng đến người mình yêu thương. Thiên Chúa cũng muốn con người được hạnh phúc trong cộng đoàn gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi như thế. Chính Chúa Giê-su đã tỏ lộ cho con người biết về một Thiên Chúa là Cha. Người là Cha hằng luôn yêu thương và thấu hiểu con cái mình. Người biết rất rõ con cái mình cần gì ngay cả trước khi họ cầu xin. Và chắc chắn, Người luôn quảng đại trao ban mọi điều cần thiết cho sự sống của họ.
Mời Bạn: Niềm hạnh phúc thật sự trong gia đình giữa Thiên Chúa và con người chúng ta đã được thắp lên. Và Người muốn chúng ta, bạn và tôi, là con cái của Người, tiến sâu hơn vào trong tình yêu mến, niềm tin tưởng và phó thác vào Người. Và đó là chìa khóa cho một niềm hạnh phúc thật sự, một niềm hạnh phúc đặt căn bản trên niềm tin vào Thiên Chúa là Cha luôn thấu hiểu con người.
Chia sẻ: Đâu là tâm tình của bạn khi cầu nguyện cùng Thiên Chúa? Người là gì đối với bạn trong cuộc sống?
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày đọc kinh Lạy Cha ít là một lần và đọc cách khoan thai, với ý thức và tâm tình sốt sắng.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha luôn yêu thương và thấu hiểu con cái mình, xin lôi kéo chúng con đến cùng Cha. Amen.


 THÁNH  PÊRPÊTUA VÀ PHÊLICITA
TỬ ĐẠO
(+ 203)
Tại thành Thuburba bên Phi châu, dưới thời Hoàng đế Sêvêriô, người ta bắt giam nhiều thanh niên nam nữ công giáo và dân tân tòng. Trong số đó, người ta nhận thấy có hai phụ nữ tân tòng đã kết bạn, quí danh Pêrpêtua, Phêlicita và bốn thanh niên: Rêvôcatô, Sêcunđô, Satuninô và Saturiô.
Thánh nữ Phêlicita là một phụ nữ nô lệ đã có thai được tám tháng. Thánh nữ Pêrpêtua thuộc dòng dõi quý tộc. Pêrpêtua còn cả cha mẹ, hai anh (một người mới theo đạo) và một mụn con còn bú. Khi Pêrpêtua bị giam giữ ở Tuyburba, thì cha cô tới định đánh tháo cô. Với một vẻ âu yếm, người cha cố khuyên con chối bỏ đức tin Kitô giáo, Pêrpêtua đánh bạo thưa cha:
- Thưa cha, cha có thấy chiếc bình nằm dưới đất kia không? Có phải cái bình này hay vật gì đó?
- Cha có thấy.
- Thưa cha, người ta có thể gọi nó bằng tên khác cái tên vẫn gọi không?
Không thể được.
- Vậy thưa cha, phần con cũng thế. Con không thể gán cho con một cái tên nào khác cái tên thực của con: " Kitô hữu ". Căm giận trước lời nói của con, người cha nhẩy bổ vào định móc mắt con. Nhưng nghĩ sao lại thôi và chỉ chửi rủa qua loa rồi rút lui.
Mấy ngày sau, các vị tử đạo bị giải về nhà lao ở Carthagô. Nhà lao tối tăm cực khổ. Ban ngày hơi các tù nhân bốc ra nóng đến ngạt thở. Tại đây, anh của Pêrpêtua thường lui tới thăm viếng em. Lần kia, người anh đến nói với Pêrpêtua:
- "Này em, bây giờ em có thần thế trước mặt Thiên Chúa, em có thể xin Người báo mộng cho biết về tương lai của em, hoặc chịu tử đạo hoặc được trả tự do ". Tin tưởng vào quyền phép của Chúa, Pêrpêtua xin hứa và bảo anh: "Ngày mai em sẽ trả lời cho anh biết ".
Đêm đó, Pêrpêtua nằm chiêm bao thấy một cái thang vàng cao đến tận trời. Thang rất đẹp nhưng chỉ có thể trèo lên từng người một thôi. Bậc thang có gắn thêm các thứ khí giới, sắc bén: nào gươm đồng, nào móc sắt với mã tấu. Leo lên mà không cẩn thận, rất có thể bị sầy da sứt thịt. Ở chân thang có một con rồng khổng lồ nằm canh gác không cho ai tới gần. Saturiô, một trong bốn thanh niên cùng bị bắt với hai thánh nữ, leo lên trước. Lên tới đầu thang Saturiô quay lại bảo Pêrpêtua:
- "Này chị Pêrpêtua, tôi đứng đợi chị. Nhưng phải cẩn thận kẻo bị rồng cắn ".
Pêrpêtua trả lời:
"Nhân danh Chúa Kitô, nó sẽ không hại gì được tôi ".
Từ dưới chân thang con rồng lừ lừ ngóc đầu lên như có vẻ sợ Pêrpêtua. Pêrpêtua lấy hết nghị lực leo lên khỏi những bậc thang đầu tiên, rồi lấy gót chân nện xuống đầu con vật.
Pêrpêtua tiếp tục leo lên. Tới nơi, Pêrpêtua thấy một khu vườn rộng thênh thang. Đứng giữa vườn là một người đàn ông đầu tóc bạc phơ, thân hình cao lớn, ăn mặc như một bác chăn chiên. Người đó đang vắt sữa dê. Có nhiều người bên trong đứng xung quanh, số người đến hàng ngàn. Ngẩng đầu lên nhìn thấy Pêrpêtua, người đó kêu lên: "Này con".  Người đó gọi Pêrpêtua lại và trao cho cô một mẩu bánh sữa của ông đã làm trước. Pêrpêtua cầm lấy, hai tay chắp lại và ăn liền; tất cả những người có mặt đó đồng thanh hô lớn: "Amen". Tiếng động xôn xao làm Pêrpêtua thức giấc, lòng tràn ngập một sự khoan khoái chưa từng thấy.
Thánh nữ Pêrpêtua kể lại cho các bạn nghe hết những gì thánh nữ thấy trong giấc mơ. Các bạn đều vui mừng tạ ơn Chúa vì Chúa sẽ ban cho các ngài triều thiên vinh hiển nay mai.
Mấy hôm sau, đoàn chiến sĩ Chúa Kitô bị điệu ra toà để tra tấn. Mọi người đều mạnh bạo tuyên xưng đức tin. Vừa tới lượt Pêrpêtua, thì đột nhiên thân phụ thánh nữ cũng vừa tới. Người cha già kéo thánh nữ ra và bảo:
- Này con, con hãy thương cha tóc bạc, da mồi. Con nên thương cha của con, nếu cha còn được hân hạnh để con gọi bằng cha. Tự tay cha, cha đã nuôi con đến lúc thanh xuân này; cha đã quí con hơn hết anh em con, con cũng đừng để cha làm trò cười cho thiên hạ. Hãy nghĩ đến các anh con, hãy nghĩ đến mẹ con và dì con, hãy nghĩ đến con con, nếu con chết, tất cả không sống được. Con đừng khăng khăng như trước nữa, con đừng để cho tất cả gia đình phải tan nát. Tất cả những người đó không ai còn quyền ăn nói tự do, một khi con bị kết án". Dứt lời, cha Pêrpêtua cầm tay con hôn lấy hôn để, rồi lại ngồi sụp xuống chân thánh nữ. Trong lúc khóc nức nở, người cha đó không gọi thánh nữ bằng con nữa mà gọi bằng "Bà". Thánh nữ Pêrpêtua lấy hết lời an ủi cha.
- Thưa cha, trên sân pháp đình không gì xẩy ra ngoài ý muốn Thiên Chúa. Xin cha biết cho rằng vận mệnh của chúng con không thuộc quyền chúng con, nhưng thuộc quyền Chúa quyết định.
Biết không thể làm xiêu lòng con, người cha già lủi thủi ra về mang theo một nỗi buồn khôn tả.
Dụ dỗ đủ cách cũng không làm sao cho các vị tử đạo chối bỏ Chúa Kitô, quan tổng trấn truyền đánh đòn các ngài rồi tống giam trong tù. Theo luật Rôma, không được hành hình phụ nữ đang có thai, phải đợi tới khi phạm nhân sinh nở xong xuôi đã, rồi mới được giết. Các vị tử đạo hợp nhau cầu nguyện xin Thiên Chúa cho các ngài được chết cùng một lượt với nhau vì Chúa Kitô. Các ngài khẩn khoản nài xin Chúa cho thánh Phêlicita được phúc tử đạo cùng một trât với các ngài. Thiên Chúa quan phòng đã đoái nghe lời xin với nước mắt của các thánh. Thánh Phêlicita đã sinh hạ trong tù một trẻ nữ mà thai mới được tám tháng. Trong khi sinh con thánh nữ quá đau đớn, kêu la vang cả đề lao.
Nghe tiếng thánh nữ kêu lên, tên lính canh chế nhạo ngài và nói:
- Sinh con mà cô kêu la như thế, thì ngày mai đây cô chịu sao được những cực hình ngoài pháp trường?
Thánh nữ trả lời: giờ đây, chính tôi chịu đau khổ, nhưng ngày mai đây, sẽ có một Đấng khác chịu đau khổ thay tôi, vì tôi chịu đau khổ vì Người.
Ít ngày sau, quan Tổng trấn truyền lột trần hai thánh nữ và các bạn dẫn qua các phố với mục đích bêu xấu các chiến sĩ Chúa Kitô. Cuối cùng, để mua vui cho quần chúng. Quan truyền điệu các thánh ra trước hý trường để làm mồi cho thú dữ.
Các thánh rất đỗi vui mừng, các ngài hiên ngang tiến ra pháp trường, vừa đi vừa ca hát thánh vịnh: "Các thần minh ngọai giáo chỉ là hư vô. Thiên Chúa đã sáng tạo trời và đất."
Nghe các thánh ca hát quan tổng trấn tức giận, vả vào mặt các ngài. Nhưng các ngài càng hát to hơn để ca tụng Chúa Kitô.
Tới hý trường, bọn lý hình lấy giây trói tay chân các thánh lại; rồi thả sư tử, hùm beo ra để chúng cắn xé các chiến sĩ Chúa Kitô. Vừa ra khỏi chuồng, chúng chia nhau đổ xô tới cắn xé các thánh. Đoàn sư tử tới cắn xé thánh nữ Pêrpêtua và thánh Saturinộ Đoàn báo tới cắn xé thánh nữ Phêlicita và thánh Rêvôcatô. Còn hai thánh Satuniô và Sêcunđô vẫn vui vẻ ca hát, không con vật nào dám bén bảng tới gần hai thánh nhân. Đến sau lý hình lấy gươm chém đầu thánh Satuniô, còn thánh Sêcuđô bị chết rũ tù.
Hai thánh nữ Phêlicita và Pêrpêtua được phúc tử đạo ngày 07-03 năm 203 tại Carthago. Xác hai thánh nữ được đưa về an táng trọng thể tại nhà thờ chính toà thành phố.
Thánh Augustinô đã sáng tác ba bài diễn văn để ca tụng công đức hai thánh nữ. Hằng ngày, mọi giáo hữu trên hoàn cầu kính cẩn nhắc nhở tới danh hiệu vị thánh nữ thời danh của Giáo hội.
Giáo hội mừng lễ hai thánh nữ vào ngày 06-03 hằng năm. 


Dachau

Dachau: đó là một địa danh mà dân Âu châu không bao giờ xóa bỏ khỏi ký ức của họ. Nơi tập trung và sát hại hàng triệu người Do Thái dưới thời Ðức Quốc xã, Dachau vừa là hỏa ngục của hận thù, độc ác nhưng cũng là khung trời rực sáng những vì sao của yêu thương, tin tưởng.
Edmond Michelet, văn sĩ Pháp bị giam tại đây và sau này trở thành bộ trưởng Tư Pháp, đã viết lại ký sự của những ngày bị giam trong địa ngục Dachau. Ông kể lại rằng: mỗi buổi sáng, các linh mục bị giam tù lén lút cử hành Thánh lễ. Các tù nhân Công giáo, bất chấp mọi đe dọa đến mạng sống, chen chúc sát cánh bên nhau để tham dự Thánh lễ.
Phẩm phục của linh mục chủ tế chỉ là một mảnh áo tù rách rưới thảm thương. Cái tách uống nước được dùng làm chén thánh, hộp thuốc ho được dùng làm bình đựng bánh lễ.
Sau Thánh lễ, một số người được chia công tác mang Mình Thánh đến cho những người đang hấp hối được giam riêng trong phòng đặc biệt... Edmond Michelet kể lại rằng: hình ảnh ông vẫn luôn ghi nhớ đó là nụ cười rạng rỡ của những người đang tiến đến cõi chết.
Vào khoảng cuối năm 1944, một nghi lễ đặc biệt đã diễn ra ngay trong trại Dachau. Một phó tế người Ðức, bị lao phổi, đang hấp hối.... Các linh mục đang bị giam bèn nghĩ đến chuyện phong chức linh mục cho thầy... Một vị giám mục cùng bị giam đã chấp thuận tiến hành nghi thức. Người ta làm mọi cách để che mắt người lính canh. Một người Do Thái đã chấp nhận chơi đàn vĩ cầm để đánh lạc hướng sự chú ý của công an, vị giám mục người Pháp, trong bộ đồng phục rách rưới của tù nhân, đã phong chức linh mục cho một chủng sinh người Ðức.
Vị tân linh mục đã cử hành Thánh lễ đầu tiên ít ngày sau đó. Và đó cũng là Thánh lễ cuối cùng của Ngài.... Trong quyển nhật ký của Ngài, người ta đọc thấy hai chữ: Tình Yêu, Ðền Bù...
Tình yêu mạnh hơn sự chết. Chân lý này sáng ngời một cách mãnh liệt ngay trong những nơi mà hận thù chết chóc ngự trị như luật tối thượng của cuộc sống. Hận thù càng dâng cao, chết chóc càng đe dọa người ta càng thấy những tấm gương của hy sinh, xả kỷ và tin tưởng.
Dạo tháng 6 năm 1989, một số linh mục, giám mục người Ba Lan đã hành hương đến trại tập trung Dachau để kỷ niện 50 năm ngày thế chiến thứ hai bùng nổ và nhất là để tưởng niệm gương hy sinh của gần 3,000 linh mục thuộc 9 quốc tịch khác nhau bị giam giữ tại đây. Trên ngôi mồ chôn lớn nhất, một Thánh lễ đã được cử hành không phải để gợi lại hận thù, nhưng họ còn được mời gọi để chỉ thấy Yêu Thương và tha thứ giữa hận thù.
Ðó cũng chính là lời mời gọi của Ðức Kitô trong Thánh lễ mà Giáo hội cử hành mỗi ngày. Chúng ta không tưởng niệm những độc ác dã man trong cái chết của Chúa, chúng ta không gợi lại hận thù trong cuộc tử nạn của Ngài, nhưng chỉ nhìn thấy Yêu thương và tha thứ vô bờ của Ngài. Ngài mời gọi chúng ta hãy chỉ nhìn thấy yêu thương và tha thứ giữa hận thù, hãy múc lấy yêu thương và tha thứ để đáp trả lại hận thù...