Tin Công Giáo Việt Nam Từ 30/9 - 3/10/2016
Diễn Văn của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô
trong cuộc gặp gỡ
Thượng Phụ Chính Thống Ilia II tại Georgia
Diễn Văn của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Chính Thống Ilia II tại Georgia.
Tbilisi (VietCatholic News 1-10-2016) - Chiều thứ sáu 30 tháng 9 năm 2016, Ðức Thánh Cha đã đến tòa Thượng Phụ Chính Thống lúc gần 5 giờ chiều giờ địa phương, và được Ðức Thượng Phụ Ilia II tiếp đón.
Sau đây là bản dịch Việt ngữ Diễn Văn của Ðức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc gặp gỡ Thượng Phụ Chính Thống Ilia II tại Georgia:
Thưa Ðức Thượng Phụ, quả là một niềm vui lớn lao và một ân sủng đặc biệt được hiện diện với ngài, và với các vị Giáo Ðô đáng kính, các Tổng Giám Mục và Giám Mục, thành viên của Thánh Công Ðồng. Tôi xin kính chào Thủ tướng Chính phủ và tất cả qúi đại diện thế giới học thuật và văn hóa.
Với chuyến viếng thăm lịch sử đầu tiên của một vị Thượng Phụ Georgia tại Vatican, ngài đã mở ra một chương mới trong các mối liên hệ giữa Giáo Hội Chính thống Georgia và Giáo Hội Công Giáo. Vào dịp đó, ngài đã trao đổi với Giám Mục Rôma nụ hôn hòa bình và cam kết cầu nguyện cho nhau. Nhờ cách này, đã có sự tăng cường các mối quan hệ đầy ý nghĩa vốn tồn tại giữa các cộng đồng của chúng ta từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo. Các dây nối kết này đã được củng cố và được đặc trưng hóa bằng sự thân ái và lòng tôn trọng, hiển hiện trong sự chào đón nồng nhiệt ở đây đối với các phái viên và đại diện của tôi. Các dây nối kết của chúng ta cũng hiển hiện trong các dự án nghiên cứu và tìm tòi đang được theo đuổi tại các Văn Khố Vatican và tại các Giáo Hoàng Ðại Học bởi các thành viên tín hữu của Giáo Hội Chính Thống Georgia. Cũng vậy, người ta thấy tại Rôma sự hiện diện của một cộng đồng Georgia được sự hiếu khách của một nhà thờ trong giáo phận tôi; và trong sự hợp tác với cộng đồng Công Giáo địa phương, đặc biệt trên bình diện văn hóa. Như một người hành hương và một người bạn, tôi đã đến lãnh thổ được chúc lành này khi Năm Thánh Thương Xót dành cho người Công Giáo sắp sửa kết thúc. Thánh Gioan Phaolô II cũng đã đến đây thăm viếng, người đầu tiên trong số những người kế vị Thánh Phêrô đã làm vậy trong thời điểm rất quan trọng trước ngưỡng cửa Năm Thánh 2000: ngài đến để củng cố "sợi dây nối kết sâu nặng và mạnh mẽ" với Toà Rôma ( Diễn Văn tại Lễ Chào mừng, Tbilisi, 8 Tháng 11 năm 1999) và để nhắc nhớ "sự đóng góp của Georgia, ngã tư đường cổ xưa của văn hóa và truyền thống, vào việc xây dựng ... một nền văn minh mới của tình yêu" (Bài diễn văn, Cuộc Gặp Gỡ với Ðức Thượng Phụ và Thánh Hội Ðồng, Tbilisi, ngày 8 tháng 11 năm 1999) là điều cần thiết xiết bao, ở ngưỡng cửa Ðệ Tam Thiên Niên Kỷ Kitô Giáo.
Giờ đây, Chúa Quan Phòng cho phép chúng ta gặp nhau một lần nữa, và trước một thế giới khao khát thương xót, hợp nhất và hòa bình, Người yêu cầu chúng ta hăng hái cam kết đổi mới lại cam kết của chúng ta đối với các dây liên kết đang tồn tại giữa chúng ta, mà nụ hôn hòa bình và vòng ôm huynh đệ của chúng ta là một dấu chỉ hùng hồn. Giáo Hội Chính thống Georgia, bắt nguồn từ việc rao giảng của các Tông Ðồ, đặc biệt là của Thánh Tông Ðồ Anrê, và Giáo Hội Rôma, được thành lập trên sự tử đạo của Thánh Tông Ðồ Phêrô, được ban ân sủng để hôm nay đổi mới lại vẻ đẹp của tình huynh đệ tông đồ, nhân danh Chúa Kitô và vì vinh quang của Người. Phêrô và Anrê thực sự là anh em: Chúa Giêsu kêu gọi họ bỏ lưới cá của họ và cùng nhau trở thành những người chài lưới người (xem Mc 1: 16-17). Thưa hiền huynh, chúng ta hãy để Chúa Giêsu nhìn chúng ta một lần nữa, chúng ta hãy, một lần nữa, trải nghiệm sự hấp dẫn trong lời ngài kêu gọi ta từ bỏ mọi sự, vốn ngăn cản ta cùng nhau tuyên xưng sự hiện diện của Người.
Trong việc này, chúng ta được nâng đỡ bởi tình yêu vốn đã biến đổi cuộc sống của các Tông Ðồ. Ðây là một tình yêu vô sánh, một tình yêu mà Thiên Chúa vốn nhập thể: "không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu" (Ga 15:13). Chúa đã ban tình yêu này cho chúng ta, để chúng ta có thể yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x Ga 15:12). Về phương diện này, như thể nhà thơ vĩ đại của lãnh thổ này, Shota Rustaveli, muốn ngỏ với chúng ta một số lời nổi tiếng của ông: "Các bạn có đọc thấy các Tông Ðồ đã viết thế nào về tình yêu, đã nói thế nào, đã khen ngợi nó ra sao không? Hãy biết tình yêu này, và hướng tâm trí vào những lời này: tình yêu nâng chúng ta lên "(Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 791). Thực thế, tình yêu của Chúa nâng chúng ta lên, vì nó cho phép chúng ta vượt lên trên những hiểu lầm trong quá khứ, lên trên các tính toán của hiện tại và các lo sợ đối với tương lai.
Người dân Georgia, qua nhiều thế kỷ, đã làm chứng cho sự vĩ đại của tình yêu này. Trong tình yêu này, họ đã tìm thấy sức mạnh để đứng lên một lần nữa sau vô số thử thách; chính trong tình yêu này, họ đã đạt tới tuyệt đỉnh của vẻ đẹp nghệ thuật phi thường như một trong các nhà thơ vĩ đại của ngài đã viết: Không có tình yêu, "không có mặt trời cai trị trên vòm trời" và "không có vẻ đẹp cũng như sự bất tử nào" cho con người (Galaktion Tabidze, Nếu Không Có Tình Yêu). Trong tình yêu có chính lẽ hiện hữu của vẻ đẹp bất tử trong di sản văn hóa của ngài được thể hiện rất nhiều cách khác nhau, như trong âm nhạc, hội họa, kiến trúc và khiêu vũ. Ngài, thưa hiền huynh thân mến, ngài đã đem lại một biểu thức xứng đáng cho nền văn hóa của ngài một cách đặc biệt qua các soạn phẩm nổi bật của ngài về thánh ca, một số thậm chí bằng tiếng Latinh và rất được trân quý trong truyền thống Công Giáo. Các soạn phẩm này làm giàu kho tàng đức tin và văn hóa của ngài, vốn là một món quà độc đáo tặng cho Kitô giáo và nhân loại; món quà này xứng đáng được biết đến và đánh giá cao bởi mọi người.
Lịch sử vẻ vang của Tin Mừng trên lãnh thổ này mang ơn một cách đặc biệt nơi Thánh Nino, người vốn được coi ngang hàng với các tông đồ: ngài truyền bá đức tin với một hình thức thánh giá đặc biệt làm bằng cành nho. Thánh gía này không trơ trụi, vì hình ảnh cây nho, ngoài việc sinh nhiều hoa trái nhất ở lãnh thổ này, còn đại diện cho Chúa Giêsu. Thực vậy, Người là "cây nho thật"; Người yêu cầu các tông đồ của Người phải ghép vững vàng vào Người, hệt như các chòi non, để sinh hoa kết quả (x Ga 15: 1-8). Ðể Tin Mừng có thể đơm hoa kết trái cả trong thời ta, thưa người anh em thân yêu, chúng ta được yêu cầu ở lại vững vàng trong Chúa và kết hợp với nhau hơn nữa. Vô số các vị thánh, những vị mà đất nước này có nhiều, khuyến khích chúng ta đặt Tin Mừng lên trên hết và truyền bá Tin Mừng như trong quá khứ, thậm chí nhiều hơn thế nữa, không bị hạn chế bởi thành kiến nhưng mở lòng ra đón nhận tính mới mẻ trường cửu của Thiên Chúa. Ước chi các khó khăn không phải là trở ngại, nhưng đúng hơn là kích thích để hiểu nhau nhiều hơn, để chia sẻ nhựa sống quan trọng của đức tin, để tăng cường việc cầu nguyện cho nhau và để hợp tác vào việc bác ái tông đồ trong chứng tá chung của chúng ta, để vinh danh Thiên Chúa trên trời và phục vụ hòa bình dưới đất.
Người dân Georgia thích lễ lạc, với hoa trái cây nho, họ chúc nhau những giá trị quý giá nhất của họ. Tham dự vào việc tôn vinh tình yêu của họ, tình bằng hữu được dành cho một vị trí đặc biệt. Nhà thơ đã nhắc nhở chúng ta: "Ai không tìm kiếm một người bạn là kẻ thù của chính mình" (Rustaveli, Hiệp Sĩ Trong Da Cọp, câu 854). Tôi muốn là một người bạn thật sự của lãnh thổ này và nhân dân thân yêu của nó, những người không quên sự thiện họ đã nhận được và lòng hiếu khách độc đáo của họ đã kết hợp mật thiết với lối sống tràn trề hy vọng chân thật, mặc dù không các thiếu khó khăn. Thái độ tích cực này cũng tìm thấy nguồn gốc của nó trong đức tin, một đức tin luôn dẫn dắt người Georgia, khi tụ tập quanh các chiếc bàn của họ, để khẩn xin hòa bình cho mọi người, và tưởng nhớ cả các kẻ thù của mình.
Bằng các phương tiện hòa bình và tha thứ, chúng ta được kêu gọi vượt thắng các kẻ thù đích thực của chúng ta, những kẻ thù không phải là máu thịt, mà đúng hơn là thần dữ ở bên ngoài và ở bên trong chính chúng ta (Eph 6:12). Lãnh thổ được chúc phúc này rất giàu các anh hùng dũng cảm, luôn sống phù hợp với Tin Mừng, những người như Thánh George biết phải đánh bại cái ác cách nào. Tôi nghĩ đến nhiều đan sĩ, và đặc biệt là nhiều vị tử đạo, mà cuộc sống đã chiến thắng "bằng đức tin và sự kiên nhẫn" (Ioane Sabanisze, Tuẫn Ðạo Tại Abo, III): các ngài đã bước qua các máy ép nho đau đớn, trung thành kết hợp với Chúa và do đó, mang hoa trái Vượt Qua lại cho Georgia, tưới gội lãnh thổ này bằng máu của họ, đổ ra vì tình yêu. Uớc mong lời chuyển cầu của các ngài mang lại trợ giúp cho nhiều Kitô hữu mà ngay hôm nay đang chịu bách hại và vu khống, và ước mong các ngài có thể tăng cường trong chúng ta khát vọng cao quý được hợp nhất một cách huynh đệ trong việc công bố Tin Mừng hòa bình.
Vũ Văn An
Phim Ben-Hur được làm lại sau hàng chục năm vắng bóng, Thiên Chúa, Thánh Kinh và đức tin đi trở lại phim ảnh.
Một vài nhà sản xuất hiểu điều này: sản xuất phim ít tốn kém cảm hứng từ Kitô giáo và phát hành trong mạng lưới này bảo đảm sẽ có lợi. Nên, Thư cho Chúa kể lại câu chuyện thật của một em bé bị ung thư, em quyết định viết thư cho Chúa. Cuộc đời của em và cuộc đời của những người chung quanh em đã thật sự thay đổi. Gần đây, cuốn phim Và nếu trời có thật? (Et si le ciel existait?) là ví dụ hoàn hảo nhất của phong trào này. Người thực hiện là Randall Wallace: kịch tác gia của phim Braveheart, kịch tác gia-nhà thực hiện phim Người có mặt nạ bằng sắt. Cảm hứng cũng từ một câu chuyện có thật, cuốn phim kể lại các sự kiện đã làm đảo lộn gia đình Burpo. Colton, 4 tuổi, đi một vòng lên Thiên đàng rồi về, em giải thích rất đơn giản những gì em thấy ... đã làm cho người cha mục sư của em, gia đình em và cả cộng đoàn giáo xứ ngạc nhiên. Các vấn đề như sự sống, cái chết, đức tin, tình yêu, thế giới bên kia đã được đề cập đến. Diễn viên diễn giỏi nhưng ít danh tiếng nên cuốn phim không tốn nhiều tiền. Âm nhạc hay do nhà soạn nhạc Nick Glennie-Smith sáng tác, ông là đồng nghiệp với Hans Zimmer, người quen thuộc với những phim lớn như Hải tặc vùng Caraibes (Pirates des Caraibes) và các dự án lớn khác.
Bên cạnh các phim mang tính cách truyền giáo này, từ vài năm nay còn có những phim khổng lồ do các điện ảnh gia lớn thực hiện. Darren Aronofsky đưa Russel Crowe vào con tàu Noê và Ridley Scott đưa Ridley Scott vào vai ông Môsê trong Xuất Hành (Exodus). Nhưng, không thoải mái mấy với tính cách thánh kinh của những câu chuyện này, không rành các khía cạnh thần nghiệm của những câu chuyện này nên các tên tuổi lớn chỉ mang đến cho chúng ta những cuốn phim hoành tráng nhưng không có tâm hồn. Dù vậy nó lại thành công về mặt thương mại. Vậy dân chúng có thích những câu chuyện cảm hứng thiêng liêng này không? Trong xã hội hậu hiện đại của chúng ta, một hiện tượng như vậy cũng khá lạ lùng. Một điểm quan trọng cần nêu lên, khán giả của những loại phim này là giới trẻ. Cứ mỗi lần có phim mới ra là rạp đầy người trẻ. Các thế hệ mới này khao khát. Họ đi tìm một ý nghĩa. Như thế phim ảnh mang tất cả tầm quan trọng của người tạo ra huyền thoại. Điều này giải thích vì sao người ta làm mới lại phim Ben-Hur.
Một phim cho các thế hệ mới
Dù có các sai sót, cuốn phim đáng quan tâm. Để hiểu hiện tượng này phải xem quan điểm của các nhà sản xuất: Mark Burnett và Roma Downey. Lập gia đình, họ làm việc trong ngành nghệ thuật trình diễn ở Mỹ (Mark là nhà sản xuất truyền hình-thực tế, Roma là diễn viên phim tập.) Là người có lòng tin, họ dùng tài năng và tiền bạc để rao giảng Tin Mừng qua phim ảnh. Loạt phim truyền hình Thánh Kinh năm 2013 là của họ sản xuất. Qua phim Ben-Hur ấn bản 2016, họ ngắm đến thế hệ không nghe, không biết về phim Ben-Hur của năm 1959.
Khó để không so sánh hai cuốn phim, câu chuyện cũng phỏng theo tiểu thuyết của Lewis Wallace, nhưng các khác nhau thì thật hiển nhiên. Nếu cuốn phim năm 1959 hơi dài và đôi khi có những cảnh quá tĩnh nhưng nó lại toát ra một sức thổi thật xúc động. Ấn bản năm 2016 thì thiếu khía cạnh này. Cuốn phim là loại phim tập truyền hình và loại clip. Các đối thoại thường trống không và các cảnh hoạt động gần như còn ở bản nháp. Khán giả thấy thiếu một diễn viên vững vàng (các bạn hãy quên Morgan Freeman mà vai kỳ cục được cứu bằng tài năng tự nhiên của ông.) Cuốn phim dựa trên hai diễn viên mà họ thành công nhờ không nổi tiếng, nhờ không có ma thuật riêng làm khán giả phải kêu: «Charlton Heston, xin đi về lại!» Nếu cuối cùng bạn không thể nào quên phim Ben-Hur của năm 1959 thì xin bạn đem «xe đua» của bạn đi chỗ khác.
Nhưng trong mục đích nhắm đến các thế hệ mới thì cuốn phim thành công với mục đích của mình. Các hiệu ứng đặc biệt đáp ứng nhu cầu của khán giả quen với các siêu anh hùng và trò chơi video. Các khán giả này sẽ ngạc nhiên với cảnh thinh lặng ngắn ngũi, Chúa Giêsu cho Ben-Hur uống nước. Đúng, Chúa Giêsu cũng có mặt! Và đó là niềm vui lớn lao của chúng ta. Muốn có niềm vui này thì phải vượt lên các mong chờ cá nhân về cách giới thiệu Chúa Giêsu! Đơn giản vui mừng vì mùa tựu trường phim ảnh này có Chúa Giêsu có trong danh mục diễn viên! Với đại đa số khán giả thì cũng đã rất lâu họ chưa nghe nói đến người thợ mộc cách đây 2000 năm.
Các cảnh hoạt động, uy dũng và đẫm máu thì thiếu sức sống. Nhưng chúng làm cho khán giả bước chân vào rạp. Cảnh đoàn vệ binh La mã đi vào thành phố Giêrusalem thì thật cảm động. Một cảnh ngắn cảm động khác: sự tha thứ giữa hai người bạn cuối cùng giải hòa với nhau toát ra một sự xúc động nam tính thật đẹp. Còn nhạc phim là “lòng thương xót là cách duy nhất để sống .” Nếu tiêu chuẩn đòi hỏi phải đặt lên cao thì nó chưa đạt được. Cuốn phim Ben-Hur này nhắm đến thế hệ của video thì nó dùng các mật mã của thế hệ này để mang đến Cứu rỗi, tha thứ, hòa bình và tình yêu cho họ.
Brad Pitt muốn thực hiện một phim về quan tổng trấn Pilatô. Mel Gibson chuẩn bị phim kể tiếp Sự Thương khó của Chúa Kitô. Và hãng Saje Distribution ra cuốn phim Giáo hoàng Phanxicô vào tháng 9-2016. Đúng, Thánh Kinh và đức tin sẽ trở lại các phòng chiếu phim: chúng ta cũng sẽ trở lại không?
Marta An Nguyễn chuyển dịch