Thứ Tư, 5 tháng 10, 2016

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 5-10-2016

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc  11, 1-4)
 
1 Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông."2 Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:"Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, Triều Đại Cha mau đến,3 xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy;4 xin tha tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ."

SUY NIỆM 1

Trong một thế giới phát triển vượt bậc về khoa học mang lại nhiều tiện ích phục vụ cho sự sống của con người, nhưng bên cạnh đó nó cũng tạo ra nhiều nhu cầu làm cho con người lệ thuộc vào.

Chính điều đó tạo ra một khoảng trống làm cho con người hụt hẫng, bởi vì lệ thuộc vào những tiện nghi con người hầu như không bao giờ cảm thấy thoã mãn. Ma quỉ đã làm thoả mãn cái thèm của Eva, nhưng rồi kể từ đó con người luôn rơi vào khủng hoảng của sự thèm khát và chẳn có gì có thể làm thoả mãn được.

Khổ đau bắt nguồn từ đó, càng thèm muốn càng đi tìm và càng tìm càng thất vọng. Đức Phật đã nhìn thấy căn nguyên của cái khổ và để giải thoát con người khỏi những nỗi khổ chỉ có diệt dục, diệt cái thèm muốn, căn nguyên của khổ đau. Nhưng quả thật, trải qua hàng ngàn năm, con ngừoi chẳng làm sao diệt được lòng dục. Cái khổ vẫn triền miên ngự trị. Các môn đệ Chúa Giêsu đã nhận ra rằng, niềm vui chỉ có thể nhận được từ Đấng là hạnh phúc. Các ngài đã cảm nhận được nơi con người Đức Kitô, Đấng không có chỗ gối đầu, lại toát lên một niềm vui khôn tả. Bởi đâu Đức Kitô có được điều đó? Chính là việc Đức Kitô luôn cầu nguyện, hay nói cách khác luôn gắn bó với Cha, và hình như Chúa Giêsu chỉ có một nhu cầu duy nhất đó là cầu nguyện. Quả thật niềm vui nơi Đức Kitô là niềm vui được kín múc từ Thiên giới, và chỉ có niềm vui đó mới thực sự đem lại một sức mạnh lôi cuốn người ta đến với Người.  

Vì thế lời van nài: xin dạy chúng con cầu nguyện  là lời khẳng định rằng, tất cả chỉ là chóng qua và chẳng có gì làm cho con ngừoi đạt tới sự thoả mãn ngoài niềm vui từ trời. Niềm vui đó được nhận lãnh từ mối thâm giao với Thiên Chúa. Vì thế, cầu nguyện là cách thế tuyệt hảo để cuộc đời tìm thấy được ý nghĩa đích thật của nó. Bởi chính trong lời cầu nguyện Chúa dạy các môn đệ, không chứa đựng gì hơn là nài xin cho được có lòng khao khát Nước Trời và những gì thuộc về đó. Lời cầu xin không nhằm đáp ứng những khao khát tìm kiếm những gì làm thảo mãn cho cái tôi ích kỷ của mình, nhưng là nài xin một tấm lòng bao dung. Bởi chỉ có lòng bao dung nhân ái mới thực sự trao tặng cho chúng ta niềm vui đích thật. Đó chính là niềm vui của Nước Trời.

Lạy Chúa, như các tông đồ, chúng con cũng nài xin Chúa: lạy Chúa, xin dạy chúng con cầu nguyện. Amen

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường


SUY NIỆM 2
1. Đức Giê-su cầu nguyện
Chúng ta có thể nhận ra kinh Lạy Cha trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, nhưng không đúng nguyên văn. Bởi vì kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc hằng ngày lúc lần hạt, trước bữa ăn và nhất là trong Thánh Lễ, đến chủ yếu từ Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su, trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (x. Mt 6, 7-15).
Nếu chúng ta đọc Kinh Lạy trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cùng một kinh Lạy Cha, nhưng được Đức Giê-su truyền đạt trong một bối cảnh khác ; và nếu chúng ta so sánh với bối cảnh của kinh Lạy Cha, trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, chúng ta sẽ nhận ra rằng, thánh Luca mang lại cho chúng ta hai điểm rất có ý nghĩa.
Điểm thứ nhất, đó là chính Đức Giê-su đã cầu nguyện, trước khi Ngài dạy các môn đệ cầu nguyện. Như thế, lời nguyện mà Đức Giê-su truyền lại cho các môn đệ của Ngài và cho chính chúng ta hôm nay, xuất phát từ chính lời nguyện của Ngài. Và chúng ta cũng có thể chắc chắn rằng, lời nguyện mà Ngài đã nói với Chúa Cha và lời nguyện mà Ngài dạy cho chúng ta, đó là cùng một lời nguyện ; và nếu là như thế, lời kinh Lạy Cha sẽ phải mặc khải cho chúng ta biết cách sâu xa về chính ngôi vị của Đức Giê-su.
Vậy, trong đời sống hằng ngày và nhất là trong thời gian tĩnh tâm, chúng ta, chúng ta hãy xin với Đức Giê-su, như người môn đệ xưa: « Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện ». Bởi vì, đó cũng là vấn đề của chúng ta: một đàng, cầu nguyện giúp chúng ta sống sự sống của Thiên Chúa, được thông ban cách sung mãn và viên mãn nơi Đức Ki-tô; đàng khác, cầu nguyện khó khăn biết bao. Vì thế, để cầu nguyện, chúng ta cần được dạy và cần thực tập mỗi ngày.
2. Lắng nghe Lời Chúa và kinh « Lạy Cha »
Vừa rồi là điểm quan trọng thứ nhất, của kinh Lạy Cha theo thánh Luca. Điểm quan trọng thứ hai, đó là sự kiện Đức Giê-su dạy các môn đệ lời nguyện này được đặt ngay sau sự kiện Đức Giê-su đến thăm hai chị em, Mác-ta và Maria, sự kiện mà chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm qua (Lc 10, 38-42 ; thứ ba sau Chúa Nhật XXVII thường niên). Và trong cuộc gặp gỡ này, hình ảnh đánh động chúng ta nhất, chính là hình ảnh cô Maria, ngồi dưới Đức Giê-su lắng nghe với hết tâm hồn lời của Ngài.
Như thế, lời kinh Lạy Cha, trước khi được thốt ra hướng về Chúa Cha, phải được chuẩn bị bằng một thái độ nội tâm là lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa trong việc cầu nguyện kiên nhẫn, chăm chú và lâu giờ, và cũng lắng nghe Lời Chúa, trong đời sống và cả trong công việc và trong sứ mạng phục vụ nữa.
Cũng tương tự như trong Thánh Lễ, kinh Lạy Cha chỉ được chúng ta đọc về cuối Thánh Lễ, trước khi rước Mình Thánh Đức Ki-tô, nghĩa là sau khi đã lắng nghe Lời Chúa và đã chiêm ngắm mầu nhiệm Thánh Thể được tái diễn trên bàn thánh. Và cũng giống như khi chúng ta thực hiện một bài Linh Thao theo thánh I-nhã, chúng ta được mời gọi đọc kinh Lạy Cha để kết thúc giờ cầu nguyện, là thời gian dùng cho việc lắng nghe Lời Chúa.
Lắng nghe Lời Chúa, rồi mới thưa với Thiên Chúa, Cha của chúng ta, bằng kinh Lạy Cha, chính là để giúp chúng ta nhận ra Ngài đang hiện diện ở giữa chúng ta, đang hiện diện ở trước mặt chúng ta, và chúng ta thật sự thưa với Ngài : « Lạy Cha chúng con », chứ không phải đọc thuộc một lời kinh dọn sẵn.
Lắng nghe Lời Chúa, sẽ giúp chúng ta hiểu biết và yêu mến Chúa hơn. Chính vì thế, trong lời nguyện “Lạy Cha của chúng con”:
  • Chúng ta có thể ra khỏi mình để đi vào tương quan phụ-tử với Thiên Chúa, là Cha của chúng ta.
  • Ra khỏi mình để quan tâm trước hết đến Danh Thánh của Cha, đến Triều đại của Cha.
  • Và chỉ sau đó, chúng ta mới quan tâm đến sự sống của mình, nhưng không phải sự sống mà mình muốn, nhưng là sự sống đích thật mà Thiên Chúa muốn: đó là sự sống được xây dựng trên những ơn huệ: ơn huệ lương thực, ơn huệ thứ tha và ơn huệ giải thoát khởi sự dữ.
Vậy, mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, xin cho chúng ta có được kinh nghiệm sống bằng chính sự sống của Đức Giê-su, trong tương quan thân mật của Người với Thiên Chúa Cha. Một sự sống hoàn toàn đón nhận từ Thiên Chúa, qua ơn lương thực, ơn tha thứ và ơn giải thoát khỏi sự dữ, và vì thế, làm vinh Danh Thiên Chúa Cha và làm cho Triều Đại Người mau đến.
3. “Xin tha tội cho chúng con…”
Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu đặc biệt nhất mạnh đến ơn tha thứ (x. Mt 6, 7-15), vì con người không thể sống nếu không có ơn tha thứ: tha thứ của Cha nhân hậu và sự tha thứ mà chúng ta trao ban cho nhau. Chúng ta không thể sống với nhau nếu không tha thứ cho nhau (kinh nghiệm được bố mẹ và các anh các chị tha thứ khi chúng ta còn bé), và chúng ta cũng không thể “sống với” Chúa, nếu không được Ngài tha thứ.
Trong lời nguyện “Lạy Cha”, Đức Giêsu nhấn mạnh đặc biệt đến việc chúng ta cần tha thứ cho nhau: “vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con”. Tuy nhiên, theo lời nguyện “Lạy Cha” ơn tha thứ của Thiên Chúa không “tự động” rơi xuống trên chúng ta một khi chúng ta đã tha thứ cho nhau. Chúng ta vẫn phải xin: “Xin tha tội cho chúng con”. Bởi lẽ ơn tha thứ không bao giờ là “tự động”, ơn tha thứ chỉ có thể được trao ban trong một tương quan nhìn nhận nhau, đón nhận nhau (x. dụ ngôn Người Con Hoang Đàng; và bí tích hòa giải cũng diễn tả tương quan này). Hơn nữa, nợ người ta mắc với chúng ta thì ít, còn nợ của chúng ta mắc với Thiên Chúa thì quá lớn (x. dụ ngôn nhỏ trong Lc 7, 39-43). Tuy nhiên, chúng ta không thể xin Thiên Chúa tha thứ, trong khi mình đã không tha thứ hay sẵn sàng tha thứ cho người khác.
Nhưng ai trong chúng ta cũng cảm thấy khó tha thứ cho nhau. Vì thế, kinh nghiệm lòng thương xót, sự bao dung và sự tha thứ của Thiên Chúa nơi bản thân mình chính là nguồn sức mạnh để chúng ta có thể tha thứ cho nhau.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc