Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 11, 42-46)
42 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ.43 Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng.44 Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay." 45 Một người trong số các nhà thông luật lên tiếng nói: "Thưa Thầy, Thầy nói như vậy là nhục mạ cả chúng tôi nữa! "46 Đức Giê-su nói: "Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào.
SUY NIỆM 1
Bài Tin Mừng hôm nay là phần tiếp theo Tin Mừng hôm qua. Chúa Giêsu đang nặng lời trách các luật sĩ và biệt phái – những người chối bỏ sự thật để chạy theo những hình thức giả dối bên ngoài. (x. Lc 11,42-46). Trước hết, Ngài trách họ vì họ là “dòng dõi của những người đã giết chết các ngôn sứ” (x. Lc 11,47; Mt 23,31).
Các ngôn sứ là những người nói thay Chúa. Các ngài đã xuất hiện trong dòng lịch sử cứu độ, giữa lòng dân tộc Dothái. Khi dân Chúa đi sai đường lối Chúa dạy, các ngài liền lên tiếng cảnh báo. Lời các ngài nói thường làm cho người ta chói tai nên các ngài đã bị bách hại và giết chết. Gioan Tẩy giả cũng lên tiếng tố cáo Hêrôdê và cũng đã bị giết chết.
Ðọc đoạn Tin Mừng hôm nay, mỗi người chúng ta hãy xét lại chính mình. Có lẽ chúng ta đang sống cách của người biệt phái xưa. Lối sống mà Ðức Giêsu chê trách: chỉ giữ cặn kẽ những điều luật dạy một cách giả hình mà không theo tinh thần của Lề Luật là biết yêu mến Thiên Chúa và sống chân thật. Ðức Giêsu không bác bỏ việc chúng ta giữ Luật, nhưng phải giữ với lòng yêu mến chứ đừng hình thức. Ngài cũng lên án tính huênh hoang tự cao tự đại, và chỉ biết hưởng thụ còn trút tất cả những khó khăn cho người khác.
Qua việc Chúa Giêsu khiển trách những kinh sư và biệt phái, chúng ta nhận thấy Ngài muốn nhắc nhở chúng ta những điều sau đây:
Thứ 1: Làm những việc nhỏ mà không quan tâm đến chuyện lớn. Đó là coi trọng những cái thứ yếu mà không chú ý đến những điều chính yếu. Trong cuộc sống thường ngày, có những việc lẽ ra tôi phải làm nhưng tôi không làm, lẽ ra tôi phải thực hiện nhưng tôi lại tránh né, vì tôi chỉ làm mọi việc theo sở thích và ý muốn của riêng tôi chứ không làm theo ý Chúa.
Thứ 2: Ham danh lợi hơn là phục vụ. Có những việc tôi làm chỉ vì lợi ích và toan tính của tôi, làm để được khen ngợi và được ca tụng chứ không phải vì tinh thần phục vụ theo gương Chúa Giêsu. Chính vì thế, có rất nhiều việc khi có lợi, có người thì tôi làm, nhưng khi phải hy sinh hay không có ai nhìn thấy thì tôi tránh né.
Thứ 3: Kiểu sống giả hình giả bộ. Đó là lối sống đóng kịch và khoe khoang, khi tôi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của tôi để tôi được ca tụng. Đó là che giấu sự thật về con người của tôi khi tôi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình.
Thứ 4: Hay xét đoán, bắt bẻ người khác. Đó là thái độ kiêu ngạo. Tôi cho mình là đúng, là hay, là giỏi để rồi chê bai và khinh thường người khác. Tôi không chịu làm nhưng người khác làm thì tôi lại chỉ trích.
Quả thực, Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở thiết thực cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta nhìn lại đời sống của mình để điều chính bản thân và tránh những điều mà Chúa Giêsu đã không hài lòng.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa dạy chúng con một điều hết sức quan trọng mà chúng con phải làm, đó là kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Chỉ có điều đó mới đem lại giá trị và ý nghĩa đích thực cho cuộc sống chúng con. Còn thói giả hình chẳng những không đem lại lợi ích gì, mà còn đáng bị Chúa nguyền rủa. Xin giúp chúng con biết khôn ngoan sống theo lời dạy của Chúa. Amen.
GKGĐ Giáo Phận Phú Cường
SUY NIỆM 2
1. “Khốn cho các ngươi”
Trong bài Tin Mừng hôm nay và ngày mai, Đức Giê-su nói tới sáu lần “Khốn cho các người”: ba lần đầu nhắm đến những người Pha-ri-sêu, như chúng ta vừa nghe. Lẽ ra Chúa dừng lại đây, nhưng những thầy thông luật cũng nghe thấy, và cảm thấy đụng chạm, vì thế họ lên tiếng: “Thưa thầy, thầy nói như thế là nhục mạ cả chúng tôi nữa”. Thế là, Đức Giê-su nói thêm ba lần nữa: “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật”. Chúng ta vừa nghe lần thứ nhất, dành cho các nhà thông luật, trong bài Tin Mừng hôm nay, và trong bài Tin Mừng ngày mai, sẽ là hai lần còn lại. Ở mức độ nào đó, chúng ta cũng hãy để cho mình được đánh động bởi những lời này của Đức Giê-su, và nhất là cũng cảm thấy bị đụng chạm !
Khi nói “Khốn cho các người”, Đức Giê-su có vẻ rất nặng lời, nếu chúng ta hiểu đó lời chúc dữ, theo đó họ sẽ chuốc lấy án phạt nặng nề hay sẽ gặp nhiều tai họa. Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu lời trách mắng nặng nề của Đức Giê-su theo một nghĩa khác. Đó là, Đức Giê-su muốn mặc khải cho những người Pha-ri-sêu và những nhà thông luật, rằng lối suy nghĩ và hành động của họ, là một thứ bệnh; và vì là bệnh, giống như bệnh thể lý, phải có người khám bệnh và cho biết đó là bệnh gì; ngoài ra, như chúng ta đều biết và đôi khi có kinh nghiệm, bệnh tật, tự nó là một bất hạnh. Hiểu theo nghĩa này, chúng ta có thể diễn đạt lại lời của Đức Giê-su như sau: “Bất hạnh cho các người”.
2. Những căn bệnh cần được chữa lành
Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su mặc khải cho những người Pha-ri-sêu biết, họ có ba điều bất hạnh, hay nói cách khác ba thứ bệnh :
– Bệnh thứ nhất: làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua lẽ công bình, nghĩa là tương quan với tha nhân, và lòng yêu mến Chúa. Nghĩa là họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là lòng mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh.
– Bệnh thứ hai : thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng. Một người có chức có quyền, thì đương nhiên được ngồi ở trên và được chào hỏi. Điều trở nên bệnh hoạn ở đây, theo lời Chúa, là lấy đó làm vui thích, nguồn của tính kiêu căng. Bất hạnh ở đây là tự mình cô lập, tách rời khỏi tương quan đơn sơ, huynh đệ và tình bạn, vốn đem lại niềm vui đích thật.
– Bệnh thứ ba: các người giống như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay. Có lẽ đây là lời nặng nề nhất của Đức Giê-su dành cho người Pha-ri-sêu, để mặc khải cho họ căn bệnh hiểm nghèo chết người. Theo đó, họ chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha; giống Người nói trong bài Tin Mừng hôm qua: “Bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà”. Lời này sẽ ứng nghiệm, khi họ căm giận Đức Giê-su, gài bẫy, lập mưu để bắt và loại trừ ngài.
Ba căn bệnh của người Pha-ri-sêu, mà Đức Giê-su công bố, có thể qui về một căn băn duy nhất, đó là bệnh sống theo vẻ bề ngoài. Thế mà, sống theo vẻ bề ngoài là một căn bệnh vừa phổ biến và vừa khó chữa lành của loài người, và của mỗi người chúng ta.
3. Chữa lành bằng Thập Giá
Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Người không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của ngài với con người và Thiên Chúa Cha.
Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17). Bởi vì, thập giá là biểu tượng của công lí hay công chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín trong thư gởi Tín Hữu Ga-lát mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày vừa qua:
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.
(Gl 2, 20-21)
Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17). Bởi vì, thập giá là biểu tượng của công lí hay công chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm. Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín trong thư gởi Tín Hữu Ga-lát mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày vừa qua:
Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích.
(Gl 2, 20-21)
Như thế, phương thuốc tận cùng của Ngài để chữa lành chúng ta, chính là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Người không còn là gì nữa: thân xác, y phục, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó đức công chính thần linh và căn tính đích thật của Người lại rạng ngời nhất.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc