Ăn và ngủ chiếm hai chỗ đầu trong bộ “tứ khoái” của con người. Dân gian bảo “ăn được ngủ được là tiên” khó mà sai cho được. “Nói” lại là nhu cầu khác không thể thiếu trong đời sống tương giao, dù đó là lời từ miệng phát ra hay những dấu hiệu của ngôn ngữ hình thể. Nhưng chuẩn mực “ăn bao lâu”, “ngủ mấy giờ” hay “nói mức độ nào” rất khó để trả lời. Tuy nhiên, trong một thế giới cuồng quay với công việc cùng lối sống nhanh vội và hưởng thụ, bạn có nghĩ mình nên ăn chậm lại, ngủ ít đi và thinh lặng nhiều hơn một chút?
Khoa học chứng minh rằng, mất khoảng 20 phút từ lúc bắt đầu ăn để não bộ con người có thể gửi đi tín hiệu no. Ăn chậm rãi giúp ta có nhiều thời gian hơn để não phát đi tín hiệu. Cảm giác no khiến bạn ăn vừa đủ.[1] Như thế, thời lượng tối thiểu của bữa ăn là 20 phút để bạn không ăn quá những gì cơ thể đòi hỏi. Đó là chuyện bảo vệ sức khoẻ. Có khi việc ăn chậm lại còn mang đến cho bạn nhiều điều hơn thế. Nhai kỹ, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt bùi của hạt cơm trắng dẻo, mang theo cả hương đồng gió nội quyện hoà. Có khi là cảm giác khô khốc và nóng bức của những ngày hạn hán, và cả sự ướt át những ngày nước nổi mùa đông. Vị đắng của cải xanh đâu chỉ là vị đắng tự nhiên vốn dĩ. Trong đó còn có cả vị chát mặn của nước mắt và mồ hôi. Ăn chậm lại, bạn có dịp để cảm nhận cả thiên nhiên và cuộc sống được tái hiện sống động trong mình.
7 đến 8 tiếng là thời gian lý tưởng cho việc ngủ mỗi ngày. Lời mời gọi “ngủ ít đi” không mang nghĩa cắt giảm thời lượng lý tưởng này. Hơn thế, “ngủ ít đi” ước mong kéo bạn về trung dung nếu bạn đang dành quá nhiều giờ để ngủ. “Đời người có một gang tay, ai hay ngủ ngày còn được nửa gang,” hậu quả của việc ngủ nhiều rõ ràng là phí phạm thời gian. Đời sẽ ngắn lại nếu người ta thay vì tỉnh táo lại chỉ biết ngủ vùi. Những ngủ vùi của men rượu, thuốc kích thích và biết bao vui thú trần đời. Còn nữa, ngủ nhiều đồng nghĩa mắt bạn sẽ nhắm lại nhiều hơn. Bạn sẽ không có nhiều thời gian để nhìn ngắm thế giới quanh mình. Hừng đông mỗi sáng, những giọt sương mai, trước sân lá rụng, chim chóc chuyền cành… bạn bỏ lỡ hầu như tất cả. Đôi mắt nhắm, bạn vẫn chìm sâu vào cõi mộng trong khi vạn vật đang vần xoay từng phút giây. Ngủ nhiều hơn đồng nghĩa bạn phải tất bật hơn sau khi thức dậy. Đôi mắt thức vì thế chỉ còn chăm chú bước đi, lướt qua những ổ gà, đám bụi và rác rưởi; bỏ lại sau lưng gánh hàng rong và những em bán vé số bên đường.
“Thinh lặng nhiều hơn” nghĩa là nói ít hơn. Nói nhiều thì dễ sai nhiều. Người khôn ngoan chỉ nói khi cần thiết. Thinh lặng gìn giữ bạn khỏi những tai vạ miệng lưỡi. Nhưng thinh lặng không chỉ để giữ mình, thinh lặng còn để lắng nghe. Làm sao bạn nghe khi bạn đang nói? Im lặng là chuẩn bị và sẵn sàng cho lắng nghe. Bạn có nghe bản hòa ca giữa tiếng gió, tiếng chim và tiếng gà mỗi sớm? Sóng vỗ, suối reo có là đối tượng của đôi tai bạn? Bạn có để ý tiếng xe ồn ào không nghỉ, tiếng mì gõ về đêm, cả tiếng thở dài của bà hàng xóm nghèo khuya vắng, tiếng khóc ai oán của những người thấp cổ bé họng? Cả tiếng lòng của chính mình, bạn có nghe thấu chăng?
Xin hãy thử một lần, ăn chậm lại, ngủ ít đi và thinh lặng nhiều hơn, biết đâu bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này đẹp hơn chút nào đấy.
Jos. Nguyễn Minh Vương, S.J.
Hữu xạ tự nhiên hương
Giật mình thức dậy, cái mùi thân quen của nơi mình ngủ vẫn cứ bám chặt lấy, làm mình chưa muốn dậy. Cũng không hiểu vì sao mà đứa bạn dám chê, là chỗ ngủ của mình có mùi hôi. Mình đâu ngửi thấy gì. Mà nghĩ cũng lạ, mình thấy phòng ngủ của bạn cũng hôi, mà hình như bạn vẫn thấy là tốt. Có lẽ độ nhạy của hai cái mũi là khác nhau! Từ lúc ấy, tôi bắt đầu chú ý hơn về cách cảm nhận của chính mình qua khứu giác. Dường như tôi dễ lãng quên những gì khứu giác báo cho tôi. Khi quên lãng như thế, tôi đã bỏ sót một nguồn năng lực quý giá.
Sớm tinh sương, trên đường đến nhà thờ, băng qua cánh đồng đang thời thu hoạch, hương lúa mới thoang thoảng ngạt ngào. Một chút gì đó hình như là mùi nhang bay trong gió phảng phất từ nghĩa trang. Có lẽ mới có người qua đời hoặc là lễ giỗ gì đó. Đi qua những dãy nhà, khói bếp bốc lên mang theo mùi thơm của những món ăn. Có nhà phi hành với nước mắm thơm lừng, mà không biết có thịt hay không. Có nơi tỏa ra mùi cá chiên, mùi canh nấu…
Vào tới nhà thờ, những mùi hương kia dần xa, nhường chỗ cho một loạt mùi khác. Nào là mùi khen khét của mồ hôi từ mấy bác phải làm việc sớm mà vẫn cố gắng đi lễ. Nào là mùi nước hoa thoang thoảng của mấy chị em. Nào là mùi hương trầm nâng tâm hồn lên gặp Chúa. Và đặc biệt có một mùi hương rất nhẹ bao phủ toàn không gian nhà thờ. Không biết phải diễn tả mùi ấy là gì, nhưng có thể nói đó là mùi thánh thiện, là mùi thánh thiêng mà Chúa ban cho dân Ngài và dân Ngài họp lại mà thành.
Sau cái khoảng tĩnh lặng của buổi sáng mỗi người mỗi việc. Mỗi việc đều có mùi riêng của nó. Em bé vần còn nguyên mùi sữa mẹ và có thể mang bất cứ mùi nào mà em thích nghịch. Người mẹ thì mang lấy mùi của cả nhà. Đó là mùi của quần áo gia đình, đó là mùi của mọi ngóc ngách của ngôi nhà, đó là mùi của mọi việc không tên trong nhà. Nơi người mẹ, có một loại mùi tổng hợp, mà mỗi ngày là một tổng hợp mới. Người cha thì nặng mùi hôi của đất nơi ruộng đồng, mùi dầu mỡ của công xưởng. Người làm văn phòng cũng mang cái mùi không mấy dễ chịu của máy điều hòa loại không đủ tốt. Người bán cá ngoài chợ thì không thể không mang mùi cá. Làng làm mắm thì đượm mùi mắm. Làng nuôi bò thì mang đậm mùi bò. Khu công nghiệp thì đậm mùi khí thải… Nếu dừng lại đôi chút, khứu giác có thể nói cho chúng ta rất nhiều điều vô hình vô dạng.
Khi lưu ý đến cái mũi như thế, tôi tự hỏi: làm như thế để làm gì? Chẳng lẽ là chuyện vô công rồi nghề. Có lẽ không hẳn là thế. Vì dù ý thức hay không, khi cảm nhận một mùi nào đó, tự động tôi sẽ có cảm giác khó chịu hoặc dễ chịu, tự động tôi có một lý do gì đó. Hoặc là tôi muốn thưởng thức mùi hương thơm dễ chịu kia, hoặc là tôi muốn lảng tránh mùi khó chịu đó, hoặc là tôi muốn gạt đi khỏi sự quan tâm của mình. Nói hơi mạnh, nhưng vẫn có thể nói, bất kỳ một khung cảnh nào đó đều có mùi đặc trưng, và bất kỳ một ai đó đều có mùi đặc trưng. Cái đặc trưng này dường như vô hình vô dạng và ít ai để ý, nhưng lại dường như có tác động rất lớn lên mỗi người. Tôi có thể gọi đó là cảm nhận, hoặc cảm giác. Rất khó nói về cảm giác khi đứng trong một bối cảnh, khi gặp một người; nhưng một cách vô hình, dường như cảm giác lại là cái gì đó tác động trực tiếp và rõ nhất.
Cái ác cảm hoặc thiện cảm dường như tác động ngay lập tức và kéo dài trong gặp gỡ và trong cuộc sống. Cái ác cảm hoặc thiện cảm về ai đó hoặc về nơi nào đó vừa dễ thay đổi vì nó phụ thuộc rất mong manh vào ngoại cảnh, vừa kho thay đổi vì nó gắn chặt vào cách mà bản thân tôi thường cảm nhận. Luôn có một cái gì đó vô hình vô dạng toát ra từ một người, từ một nơi; và cũng luôn có một kiểu gì đó mà tôi thường đón nhận những mùi hương ấy.
Tuy nhiên, mỗi lần vỡ ra một lẽ nào đó, là mỗi lần dường như mùi hương lại thay đổi. Khi thăm một gia đình đang nuôi con nhỏ, dù sạch tới mức nào, thì nhà ấy vẫn mang đậm mùi khai của trẻ sơ sinh. Tự nhiên, tôi có thể khó chịu, nhưng nếu tôi cảm thông với gia đình ấy và yêu thương trẻ nhỏ, tôi có thể cảm nhận sự dễ thương của mùi ấy.
Khi thăm một bệnh viện, dù vệ sinh tốt tới cỡ nào, thì vẫn mang đậm mùi thuốc và đủ mọi loại mùi nơi bệnh viện. Thoạt tiên, tôi cảm thấy khó chịu, nhưng nếu tôi đi thăm người thân, nếu tôi nằm bệnh viện, nếu tôi quan tâm những bệnh nhân khác, tự nhiên tôi đón nhận được những mùi ấy.
Khi thăm những khu ổ chuột, thoạt tiên tôi thấy khó chịu về sự lộn xộn và mất vệ sinh, nhưng nếu tôi quan tâm đến những con người đang sống ở đó, tôi sẽ cảm thấy đó thực sự là nhà của mình, tôi sẽ cảm thấy yêu mến và nể phục những con người đang sống vất vả như thế.
Khi chơi cũng một số bạn trẻ, thoạt tiên tôi sẽ cảm thấy khó chịu vì cách ăn nói thô lỗ và cách hành xử thiếu tế nhị, nhưng nếu hiểu các bạn ấy, tôi sẽ cảm thấy thân quen trong tình bạn, vì các bạn ấy không có cơ hội học hành, vì những diễn tả của các bạn là có nghĩa là tình thân và lòng tốt.
Con người thường dễ chê bai nhau theo kiểu “chó chê mèo dài đuôi”, nhưng Thiên Chúa là Cha thì không chê con cái Ngài. Khi sống với người và cảm nhận mùi đời, Thầy Giêsu đề xuất một lối rất riêng: Con Người đến không phải để lên án nhưng là để cứu vớt. Thầy đến sống giữa đàn chiên, không chê mùi chiên mà mang lấy mùi chiên. Ngài gọi tên từng con chiên. Ngài là mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống vì chiên. Ngài đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Đây chính là hương thơm mà Thầy Giêsu tỏa lan suốt hai ngàn năm qua.
Tứ Quyết SJ