ĐỪNG GIẢ HÌNH!
“Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa.” (Lc 11,42)
Suy niệm: Có những người chân tâm làm việc thiện, nhưng cũng không thiếu những người hôm nay đang đóng lại vai của những người Pha-ri-sêu xưa, với đẳng cấp cao hơn nhiều! Họ mở những chương trình từ thiện, phát triển con người, phát triển kinh tế, họ rao bán những cuốn sách, những sản phẩm với danh nghĩa giúp người nghèo, tàn tật… Mãi sau thiên hạ mới vỡ lẽ ra rằng mục đích sâu xa của những nhà “từ thiện” ấy là để lấy tiếng, để quảng bá thương hiệu, hoặc tệ nhất là lợi dụng lòng tốt của những người từ tâm để bòn rút trục lợi. Chúa Giê-su lên án gắt gao thái độ giả hình như thế. Ngài ví họ giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài trông đẹp đẽ nhưng bên trong toàn là xương xẩu thối tha. Chúa Giê-su không bác bỏ những việc tự bản chất là tốt: “Nộp thuế về đủ thứ rau cỏ” hay nói cách khác những công việc từ thiện, là “những việc phải làm”. Tuy nhiên, làm gì thì làm, “không được bỏ những điều kia”, đó là “lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Khi làm những việc đạo đức, bác ái, bạn có thật tâm yêu mến Chúa và giữ phép công bằng không?
Chia sẻ: Có thể bảo rằng mình bác ái mà không giữ đức công bình không?
Sống Lời Chúa: Dâng lời cảm tạ Chúa mỗi khi làm xong một việc thiện.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con luôn sống chân thành với Chúa và thật tình với với anh em con. Thói giả hình gian trá, xin cho con lánh xa. Những mưu ích cho tha nhân, xin cho con nhiệt tình thực hiện với lòng mến yêu và kính sợ Chúa.
Thánh Seraphin ở Montegranaro (1540-1604)
|
Sinh trong một gia đình nghèo ở Ý, khi còn nhỏ Seraphin phải đi chăn cừu và ngài dành nhiều thời giờ để cầu nguyện. Sau khi cha mẹ qua đời, ngài bị người anh đối xử cách tệ hại, Seraphin đã gia nhập dòng Capuchin lúc 16 tuổi và khiến nhiều người kinh ngạc vì sự khiêm tốn và độ lượng của ngài.
Phục vụ như một thầy trợ sĩ, Seraphin theo gương Thánh Phanxicô ăn chay, mặc áo nhặm và đối xử tử tế với mọi người. Ngài muốn theo gương Thánh Phanxicô cả về vấn đề truyền giáo, nhưng cha bề trên không chọn ngài trong công việc này.
Mỗi ngày, Seraphin trung thành dành ba giờ đồng hồ để cầu nguyện trước Thánh Thể. Những người nghèo đến gõ cửa tu viện đều được ngài ân cần tiếp đón. Mặc dù cuộc đời của ngài thật bình dị, ngài đã đạt được chiều kích tâm linh đáng kể và làm được nhiều phép lạ.
Thánh Seraphin từ trần ngày 12-10-1604, và được phong thánh năm 1767.
Lời Bàn
Đối với nhiều người ngày nay, công việc làm không có ý nghĩa gì khác hơn là để kiếm tiền cho cuộc sống. Có bao người nghĩ rằng chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc chăm sóc trái đất này, như được viết trong sách Sáng Thế? Những công việc của Thánh Seraphin không có gì là kinh thiên động địa mà rất tầm thường, nhưng ngài đã thi hành với một tinh thần phi thường.
Lời Trích
Trong cuốn Brothers of Men, Rene Voillaume của tu hội Tiểu Đệ Đức Giêsu nói về công việc tầm thường và sự thánh thiện:"Giờ đây sự thánh thiện này [của Chúa Giêsu] được thể hiện trong mọi hoàn cảnh thông thường của đời sống, của công việc, của gia đình và xã hội làng mạc, và đó là một xác định rõ ràng rằng các sinh hoạt tẻ nhạt và không ai biết đến thì hoàn toàn thích hợp với sự tuyệt hảo của Con Thiên Chúa." Ngài viết, người Kitô tin tưởng rằng "sự thánh thiện của con cái Thiên Chúa thì có thể đạt được trong mọi hoàn cảnh bình thường của một người nghèo hèn và buộc phải làm việc để sinh sống."
Người Nữ Tu Khó Tính
Thánh nữ Têrêxa hài đồng Giêsu được trao phó cho công việc trông coi một chị nữ tu già bị bất toạị Người nữ tu già này nổi tiếng là một người khó tính trong nhà dòng. Têrêxa phải dìu bà đi từng bước. Một chút thiếu sót cũng đủ cho Têrêxa bị trách móc. Bà không một lần nói lên một tiếng cám ơn. Thế nhưng Têrêxa vẫn luôn tỏ ra vui tươi hồn nhiên và chịu đựng tất cả vì thánh nữ yêu mến Chúa và vì Tình Yêu Chúa, thánh nữ yêu mến người nữ tu già đáng thương này.
Tình yêu đối với Chúa thường không tỏ hiện bên ngoàị Dấu hiệu bên ngoài của tình yêu mến đối với Chúa chính là yêu mến tha nhân. Và chúng ta chứng tỏ tình yêu đối với tha nhân không những bằng lời nói nhưng nhất là bằng hành động, bằng sự nhẫn nhục, tha thứ và cảm thông.