Thứ Hai, 10 tháng 10, 2016

5 Phút Cho Lời Chúa 10/10/2016

Filled under:

MAU MẮN TIN YÊU
“Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.” (Lc 11,30)
Suy niệm: Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta sống đức tin không dựa vào phép lạ. Đám đông yêu cầu Chúa làm một phép lạ để họ tin vào Ngài, nhưng Chúa Giê-su khẳng định, sẽ không có một dấu lạ nào, ngoài dấu lạ tiên tri Gio-na. Ngài dẫn lại câu chuyện ông Gio-na ở trong bụng cá ba ngày để báo trước Ngài cũng trải qua ba ngày trong cái chết trước khi sống lại. Vả lại, Gio-na không muốn rao giảng ở Ni-ni-vê, chẳng phải vì sợ người ta chống đối, mà chỉ sợ người ta hồi tâm trở lại được Chúa thứ tha. Và đúng như thế, Thiên Chúa mau mắn tha thứ cho dân Ni-ni-vê khi họ mau mắn sám hối nghe lời rao giảng – dù là miễn cưỡng – của Gio-na. Chúa Giê-su nhấn mạnh, ở đây Ngài còn lớn hơn Gio-na. Ngài không chỉ là người rao giảng, mà còn là Thiên Chúa làm người nữa. Và ngài chứng tỏ câu chuyện Gio-na thực sự ứng nghiệm vào Ngài, là vị Thiên Chúa mau mắn tha thứ khi con người mau mắn sám hối ăn năn.
Mời Bạn: Đức tin của bạn đang dựa vào Chúa Giê-su và lời của Ngài hay đang như đám đông xưa đòi phải có dấu lạ, phép lạ? Đức tin của bạn vững vàng qua thử thách hay lệ thuộc vào sự hài lòng của bạn? Sự trở lại của dân Ni-ni-vê sau khi nghe lời kêu gọi trở về với Chúa hy vọng làm bạn mau biến đổi theo lời Chúa dạy và tin vào Chúa hơn.
Sống Lời Chúa: Trong mọi hoàn cảnh, dâng một lời cầu nguyện tín thác vào lòng Chúa thương xót
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, Mẹ vững tin vào lời Chúa trong mọi hoàn cảnh. Xin cho con sống tin yêu Chúa như Mẹ, dù lúc u sầu hay gian nguy.


Thánh Daniel và Các Bạn
(c. 1227)
Daniel, vị bề trên dòng Phanxicô ở Calabria, nước Ý, hướng dẫn một nhóm các tu sĩ Phanxicô, là những người theo gương Thánh Berard để đi rao giảng Phúc Âm ở Bắc Phi vào năm 1227. Sáu vị tu sĩ khác là Angelo, Domnus, Hugolino, Leo, Nicolas và Samuel. Họ đến Ceuta, Morocco, là nơi các thương gia Kitô Giáo đã cảnh giác họ về việc bách hại các thừa sai.

Tuy nhiên, vì quá hăng say, các tu sĩ đã rao giảng công khai, nên đã bị bắt ngay lập tức. Không sợ hãi trước những đe dọa hay mua chuộc, họ cương quyết không chối bỏ đức tin. Cũng như các Kitô Hữu thời tiên khởi ở Colosseum, Daniel và các bạn đã ca hát trên đường tử đạo. Sau khi bị chặt đầu, xác của các ngài được đưa về Tây Ban Nha.

Tất cả được phong thánh năm 1516.

Lời Bàn
Các thánh tử đạo nhắc nhở chúng ta về giá máu mà ChúaGiêsu đã phải trả khi loan truyền Tin Mừng. Chúng ta không có chọn lựa nào khác về việc làm chứng cho Đức Kitô và Tin Mừng. Việc nhớ đến các vị tử đạo giúp chúng ta kiên trì sống phúc âm mà chúng ta đã được kêu gọi để tuân giữ.

Lời Trích
"Qua sự tử đạo người môn đệ được biến đổi nên giống hình ảnh của Thầy mình, là người đã tự chấp nhận cái chết để cứu chuộc thế gian; và họ cố đạt được hình ảnh ấy dù có phải đổ máu. Tuy không nhiều người được cơ hội ấy, nhưng tất cả phải sẵn sàng để tuyên xưng Đức Kitô trước mặt người đời, và theo Người trên con đường thập giá qua những bách hại mà Giáo Hội từng bị đau khổ" (Hiến Chương về Giáo Hội, #71).

Trần Như Nhộng

Trần Bình vốn là một mưu thần đời nhà Hán, thời Hán Sở tranh hùng. Một hôm, khi trốn Sở về đầu Hán, Trần Bình phải đi qua một con sông lớn. Người lái đò đưa khách qua lại vốn là một tay cướp giật, giết người khét tiếng. Hắn nghĩ Trần Bình là một người giàu có, định ra tay hãm hại để thâu đoạt tiền củạ Biết ý định của tên lái đò, trước khi xuống đò, Trần Bình đã cởi bỏ hết quần áọ Mình trần như nhộng, Trần Bình lại đến xin tên lái đò cho chèo phụ giúp hắn. Nghĩ rằng một người trần truồng như thế không phải là một người giàu có, tên lái đò đã để yên cho Trần Bình. Thế là ông thoát nạn.
Ðôi khi phải chấp nhận một vài nhục nhã, cắt bỏ đi một phần của cải hay cả một phần thân thể, chúng ta mới có thể thoát khỏi hiểm nguy đe dọa đến tính mạng. Trong bất cứ một cuộc di tản nào, để bảo đảm cho mạng sống, đôi khi người ta phải bỏ lại đằng sau nhà cửa, ruộng vườn, tài sản và ngay cả bà con thân thuộc của mình. Chúng ta có một sự sống giá trị gấp bội phần sự sống trên trần gian này. Sự sống ấy đòi hỏi chúng ta phải hy sinh tất cả mọi sự trong cuộc sống tạm bợ này. Lời sau đây của Chúa Giêsu đã đánh động không biết bao nhiêu người trong lịch sử nhân loại: "Lời lãi cả thế gian để được ích gì nếu mất linh hồn mình?"