Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Ðức Thánh Cha: Buồn bã không phải là lối sống của người Ki-tô hữu.

Filled under:

Ðức Thánh Cha: Buồn bã không phải là lối sống của người Ki-tô hữu.
Trần Ðỉnh, SJ

Vatican (Vatican News 28-05-2019) - Buồn bã không phải là thái độ của người Kitô hữu. Ðức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định như thế trong thánh lễ sáng thứ Ba 28 tháng 5 năm 2019 tại nhà nguyện thánh Marta. Ngay cả khi cuộc sống không phải là một lễ hội, và dù có rất nhiều khó khăn chăng nữa, chúng ta cũng có thể vượt qua và luôn bước tới. Nhưng chúng ta cần trò chuyện với Chúa Thánh Thần mỗi ngày. Người luôn đồng hành với chúng ta.
Chúa Thánh Thần là nhân vật chính mà Tin Mừng trong phụng vụ hôm nay đề cập tới. Trong những lời sau cùng dành cho các môn đệ trước khi về trời, thầy Giêsu cho chúng ta một bài giáo lý thực sự về Chúa Thánh Thần, và Người giải thích cho chúng ta Ðấng ấy là ai. Các môn đệ tỏ ra buồn bã khi biết rằng ít lâu nữa Thầy của họ sẽ rời bỏ họ. Và thầy Giêsu quở trách họ vì điều này bởi sự buồn bã không phải là thái độ nơi người Kitô hữu. Nhưng làm thế nào để không buồn bã? Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: trong cầu nguyện, chúng ta xin Thiên Chúa gìn giữ sự tươi trẻ của Thánh Thần trong chúng ta. Chính tại đây, Thần Khí làm cho sự trẻ trung ấy luôn đổi mới nơi cuộc đời chúng ta.
Một vị thánh buồn là vị thánh đáng buồn
Có một vị thánh từng nói rằng: một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn. Cũng thế, một Kitô hữu buồn là một Kitô hữu đáng buồn. Người ấy không bước tới. Thánh Thần chính là Ðấng có thể giúp chúng ta vác lấy thập giá. Trong bài trích sách Công Vụ Tông Ðồ hôm nay, khi đang bị giam cầm, ông Phaolo và Xila đã hát thánh ca cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Thần làm mới lại mọi sự. Thánh Thần là Ðấng đồng hành và nâng đỡ chúng ta. Người là Ðấng Bảo Trợ. Nhưng cái tên này lạ quá!
Một lần kia, một linh mục hỏi các em nhỏ trong thánh lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống rằng các con có biết Chúa Thánh Thần là ai không? Một em nhỏ đã trả lời rằng: người bại liệt (Trong tiếng Ý, hai chữ Paraclito (Ðấng bảo trợ) và paralitico (người bại liệt) phát âm gần giống nhau). Và chúng ta cũng nhiều lần nghĩ rằng Thánh Thần bại liệt và Ngài chẳng làm gì cả.
Từ "bảo trợ" muốn nói đến một người ở gần bên tôi và nâng đỡ tôi, để tôi không vấp ngã, để tôi bước đi, để tôi có thể gìn giữ sự tươi trẻ của Thần Khí trong cuộc đời mình. Kitô hữu luôn là những người trẻ trung. Khi con tim của người Kitô hữu bắt đầu già nua, thì ơn gọi Kitô hữu của người ấy bắt đầu nhỏ lại. Hoặc là bạn có một con tim và một tâm hồn tươi trẻ, hoặc là bạn không thực sự là Kitô hữu.
Trò chuyện mỗi ngày với Thánh Thần giúp chúng ta bước đi
Trong cuộc đời này, chúng ta có rất nhiều đau khổ, Phaolo và Xila cũng đã bị đánh đập và chịu đau khổ, "nhưng họ tràn đầy niềm vui, họ đã hát .. ." Ðó chính là sự tươi trẻ. Sự tươi trẻ luôn làm bạn nhìn thấy hy vọng. Nhưng để có được sự tươi trẻ này, chúng ta cần đối thoại hàng ngày với Chúa Thánh Thần, Ðấng vẫn luôn ở bên cạnh chúng ta. Ðó là món quà tuyệt vời mà Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta: nguồn trợ lực này giúp bạn tiến bước.
Tội lỗi làm tâm hồn già nua, Thần Khí làm cho tươi trẻ
Ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Thánh Thần cũng giúp chúng ta ăn năn và giúp chúng ta nhìn về phía trước. Hãy nói với Thánh Thần và Người sẽ trợ giúp bạn và trao lại cho bạn sự tươi trẻ. Ngược lại, tội lỗi làm cho chúng ta già nua. Nó làm linh hồn chúng ta già nua, nó làm mọi sự cằn cỗi. Ðừng sống nỗi buồn của những kẻ ngoại giáo này.
Ðúng là cuộc sống có những thời điểm khó khăn nhưng trong những lúc khó khăn ấy, chúng ta nhận thấy Thánh Thần trợ giúp chúng ta bước tới và vượt thắng gian nan. Các vị tử đạo đã kinh nghiệm về điều ấy.
Chúng ta hãy xin Thiên Chúa để mình đừng đánh mất sự tươi trẻ này, đừng là những Kitô hữu hưu trí đã đánh mất niềm vui và không còn muốn bước tới. Kitô hữu không bao giờ nghỉ hưu. Kitô hữu sống và tiếp tục sống bởi vì họ là những người trẻ. Và khi sống tươi trẻ, họ là những Kitô hữu đích thực.

Ðức Thánh Cha Phanxicô: Ơn cứu độ không có được từ mua bán nhưng là quà tặng nhưng không.
Hồng Thủy
Vatican (Vattican News 29-05-2019) -Trong buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư ngày 29 tháng 05 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô bắt đầu loạt bài giáo lý về sách Công vụ Tông đồ. Ðức Thánh Cha nhắc rằng chính nhờ Chúa Thánh Thần mà những lời loan báo của con người trở nên hiệu năng, trở thành lời trao ban sự sống. Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu vâng nghe theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, hiệp nhất và kiên trì cầu nguyện để sống hiệp thông trong Giáo hội.
Bài giáo lý đầu tiên được Ðức Thánh Cha diễn giải dựa trên đoạn sách Công vụ Tông đồ 1,3-4.
Sự kết hợp giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần
Bắt đầu bài giáo lý, Ðức Thánh Cha nhắc lại rằng sách Công vụ Tông đồ được thánh sử Luca viết, trình bày cho chúng ta "cuộc hành trình của Tin Mừng trên thế giới" và cho chúng ta thấy sự kết hợp tuyệt vời giữa Lời Chúa và Chúa Thánh Thần; điều này khai mở thời gian loan báo Tin Mừng. Các nhân vật chính trong sách Công vụ Tông đồ chính là một "cặp" sống động và hiệu năng, đó là Lời Chúa và Chúa Thánh Thần.
Chúa Thánh Thần làm cho lời con người trở nên sống động và hiệu quả
Ðức Thánh Cha trích dẫn lời Thánh vịnh 147,4: "Người tống đạt lệnh truyền xuống đất, lời phán ra, hoả tốc chạy đi" để giải thích về sức mạnh của Lời Chúa. Lời Chúa lan nhanh, sinh động, đào xới các mảnh đất nơi Lời Chúa được gieo vãi. Sức mạnh của Lời Chúa là gì? Ðức Thánh Cha giải thích, thánh Luca nói với chúng ta rằng lời của con người có kết quả không phải là nhờ khả năng hùng biện, một nghệ thuật ăn nói, nhưng chính nhờ Chúa Thánh Thần, là sức năng động của Thiên Chúa, sức mạnh của Người. Chúa Thầnh Thần có quyền năng thanh tẩy lời nói, làm cho nó trở thành lời chuyển trao sự sống. Ví dụ, trong Kinh Thánh có các câu chuyện, có những lời của con người; nhưng sự khác nhau giữa Kinh Thánh và một cuốn sách lịch sử là những lời trong Kinh Thánh xuất phát từ Chúa Thánh Thần, Ðấng ban sức mạnh lớn lao, một sức mạnh khác và giúp chúng ta để lời đó trở thành hạt giống của sự thánh thiện, của sự sống, và hữu hiệu. Khi Chúa Thánh Thần đến với lời của con người thì lời đó trở nên sinh động, giống như "chất nổ", có thể làm bừng sáng các trái tim và tiêu hủy các kế hoạch, chống lại các bức tường chia rẽ, khai phá những con đường mới và mở rộng những biên giới của Dân Chúa. Ðiều này chúng ta sẽ thấy trong các bài giáo lý, điều xảy ra trong sách Công vụ Tông đồ.
Chúa Thánh Thần làm cho lời con người có sức mạnh và tính quyết định
Ðức Thánh Cha nhấn mạnh: Ðấng làm cho lời nói mong manh yếu ớt của chúng ta có âm hưởng mãnh liệt và sự cương quyết, đến độ không phải là con người nói nữa nhưng là chính Chúa Thánh Thần; nhờ Người, Con Thiên Chúa được sinh ra; Chúa Thánh Thần đã xức dầu và trợ giúp Con Thiên Chúa khi Người thi hành sứ vụ; nhờ Chúa Thánh Thần, Chúa Con đã chọn các tông đồ và bảo đảm cho lời loan báo của các ngài được kiên vững và sinh kết quả, như Người vẫn còn bảo đảm cho lời loan báo của chúng ta ngày nay.
Chúa Giêsu "đã tỏ cho thấy Người ... vẫn sống
Tin Mừng kết thúc với sự phục sinh và lên trời của Chúa Giêsu và câu chuyện mà sách Công vụ Tông đồ tường thuật bắt đầu ngay tại đây, từ sự tràn đầy sự sống của Ðấng Phục sinh truyền cho Giáo hội của Người. Thánh Luca nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu "đã tỏ cho thấy Người ... vẫn sống, sau cuộc khổ nạn, với nhiều thử thách, trong bốn mươi ngày, khi hiện ra ... và nói về những điều liên quan đến vương quốc của Thiên Chúa" (Cv 1,3). Ðấng Phục sinh, Chúa Giêsu Phục sinh, thực hiện những cử chỉ rất con người, như chia sẻ bữa ăn với các môn đệ của Người và mời gọi họ tin tưởng chờ đợi lời hứa của Chúa Cha được thực hiện. Lời hứa đó là gì? Ðó là: "Các con sẽ chịu phép rửa trong Chúa Thánh Thần" (Cv 1,5).
Ơn loan báo Lời Chúa cách rõ ràng và hiệu quả
Thật vậy, phép rửa trong Chúa Thánh Thần là kinh nghiệm cho phép chúng ta sống sự hiệp thông cá nhân với Thiên Chúa và tham gia vào ý muốn cứu độ phổ quát của Người, được ơn parresia, sự can đảm, nghĩa là khả năng loan báo lời như "những người con của Chúa", không chỉ như những người bình thường, nhưng là con cái Thiên Chúa; loan báo cách rõ ràng, tự do, hiệu quả, tràn đầy tình yêu dành cho Chúa Kitô và cho anh em.
Ơn cứu độ không được mua bán
Do đó, không có sự cạnh tranh để kiếm được hoặc để xứng đáng được ơn huệ của Thiên Chúa. Mọi điều được trao ban cách nhưng không và đúng lúc. Chúa ban tất cả cách nhưng không, hoàn toàn nhưng không. Ơn cứu độ không được mua bán: đó là quà tặng hoàn toàn nhưng không. Trước sự lo lắng của các môn đệ về việc biết trước thời điểm xảy ra những điều Chúa Giêsu đã công bố, Người nói với họ: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samaria và cho đến tận cùng trái đất" (Cv 1,7-8).
Kiên nhẫn chờ đợi kỳ hạn của Thiên Chúa
Chúa Phục sinh mời gọi những người theo Người đừng lo lắng khi sống thời gian hiện tại, nhưng hãy đón nhận thời gian, biết cách chờ đợi làm sáng tỏ một lịch sử thánh thiêng; đó không phải là một lịch sử bị gián đoạn, nhưng là sự phát triển, luôn tiến bước; để biết cách chờ đợi những "bước đi" của Thiên Chúa, Ðấng là chủ của thời gian và không gian. Ðấng Phục sinh mời gọi các môn đệ của mình không tự mình "bày ra" sứ vụ, nhưng chờ đợi Chúa Cha làm cho trái tim họ sống động bằng Thần khí của Người, để có thể tham gia làm chứng truyền giáo, một chứng tá có khả năng chiếu tỏa từ Giêrusalem đến Samaria và vượt ra ngoài biên giới của Israel để đến các vùng ngoại biên của thế giới.
Kiên trì và hiệp nhất trong cầu nguyện
Các Tông đồ cùng nhau sống và chờ đợi điều này; họ cùng nhau sống như gia đình của Chúa, trong phòng tiệc ly, nơi mà những bức tường vẫn là chứng nhân của món quà tự hiến của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể. Làm thế nào chờ đợi sức mạnh, sức sống của Thiên Chúa? Bằng cách cầu nguyện kiên trì, giống như họ chỉ là một, chứ không phải là nhiều người khác nhau. Bằng cách cầu nguyện kiên trì và hiệp nhất. Trong thực tế, chính nhờ cầu nguyện, người ta vượt qua sự cô đơn, cám dỗ, nghi ngờ và mở lòng để hiệp thông. Sự hiện diện của các phụ nữ và Mẹ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu, làm gia tăng kinh nghiệm này: họ học được từ vị Thầy Giêsu trước tiên, để làm chứng cho sự trung thành của tình yêu và sức mạnh của sự hiệp thông, vượt qua và chiến thắng mọi nỗi sợ hãi.
Cuối cùng, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu xin Chúa ơn kiên nhẫn, chờ đợi những chương trình của Người, ơn đừng muốn tự "bày ra" công việc của Chúa và ơn luôn ngoan ngoãn bằng cách cầu nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thần và trau dồi nghệ thuật hiệp thông trong Giáo hội.