Thứ Năm, 16 tháng 5, 2019

Dù sự ác hiện diện khắp nơi, Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta.

Filled under:

Dù sự ác hiện diện khắp nơi, Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta.
Hồng Thủy
Vatican (Vat. 15-05-2019) - Trong buổi tiếp kiến sáng thứ tư 15 tháng 05 năm 2019, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã giải thích lời nguyện xin cuối cùng trong Kinh Lạy Cha: "xin giải thoát chúng con khỏi sự dữ" (Mt 6,13b). Ðức Thánh Cha nhắc các tín hữu rằng dù cho sự dữ rõ ràng hiện hữu trên thế giới, thậm chí trong trái tim chúng ta, và đôi lúc dường như nó còn rõ ràng hơn lòng thương xót của Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta, và trợ giúp chúng ta thoát khỏi sự dữ.
Ðức Thánh Cha bắt đầu bài giáo lý như sau: Với lời cầu xin này, người cầu nguyện không chỉ xin đừng bị bỏ rơi trước cơn cám dỗ, nhưng còn cầu xin được giải thoát khỏi sự dữ. Ðộng từ gốc tiếng Hy lạp có nghĩa rất mạnh: nó gợi lên sự hiện diện của ma quỷ, muốn nắm chặt lấy chúng ta và cắn xé chúng ta (x. 1Pr 5,8) và chúng ta cầu xin Chúa giải thoát. Thánh Phêrô tông đồ cũng nói rằng ma quỷ như sư tử dữ tợn, rảo quanh chúng ta để cắn xé chúng ta, và chúng ta xin Thiên Chúa giải thoát.
Lời cầu nguyện của người con chứ không phải lời cầu nguyện ngây ngô
Ðức Thánh Cha nhận xét rằng lời cầu xin kép: "xin đừng bỏ rơi chúng con" và "xin giải thoát chúng con", cho chúng ta thấy đặc tính cốt yếu của lời cầu nguyện Kitô giáo. Ðức Thánh Cha giải thích: Chúa Giêsu dạy các bạn của người đặt việc cầu khẩn Chúa Cha lên trên hết mọi sự, ngay cả và đặc biệt trong những lúc mà ma quỷ khiến chúng ta cảm thấy nó hiện diện và đe dọa chúng ta. Thật ra, lời cầu nguyện Kitô giáo không có nghĩa là nhắm mắt lại trước cuộc sống. Nó là lời cầu nguyện của người con chứ không phải là lời cầu nguyện ngây ngô. Lời cầu nguyện Kitô giáo không vì quá say mê, bị mê hoặc bởi tình phụ tử của Thiên Chúa đến nỗi quên rằng đường đời của con người đầy những khó khăn. Nếu không có những câu cuối cùng trong Kinh Lạy Cha thì làm sao những người tội lỗi, những người bị bách hại, những người thất vọng, những người đang hấp hối có thể cầu nguyện? Lời cầu nguyện cuối cùng chính là lời cầu xin của chúng ta.
Lịch sử: một danh mục đầy thất bại
Ðức Thánh Cha nhắc rằng sự ác hiện diện trong cuộc sống của chúng ta, đó là sự hiện diện không thể chối cải. Các sách lịch sử là danh mục đau buồn cho thấy sự hiện hữu của chúng ta trong thế giới này là một cuộc phiêu lưu và thường xuyên bị thất bại. Có một mầu nhiệm về sự ác, điều mà chắc chắn không phải là do Thiên Chúa tạo nên, nhưng nó lặng lẽ thâm nhập vào giữa các nếp gấp của lịch sử. Nó âm thầm như con rắn mang nọc độc cách thầm lặng. Trong một vài thời điểm, sự ác dường như thắng thế: vào một số ngày sự hiện diện của nó thậm chí còn rõ ràng hơn cả lòng thương xót của Thiên Chúa. Trong những lúc thất vọng thì sự ác dường như càng rõ ràng hơn!
Sự ác thật sự hiện diện
Ðức Thánh Cha khẳng định rằng người cầu nguyện không phải là người mù quáng; họ nhìn thấy rõ ràng trước mắt sự ác to lớn và qúa mâu thuẫn với mầu nhiệm của chính Thiên Chúa. Họ nhìn thấy nó trong tự nhiên, trong lịch sử, thậm chí trong trái tim của chính mình. Bởi vì không ai trong chúng ta có thể nói rằng họ được miễn trừ khỏi sự ác, hoặc ít nhất là không bị cám dỗ. Tất cả chúng ta biết sự ác là gì; tất cả chúng ta biết cám dỗ là gì; tất cả chúng ta đã có kinh nghiệm cá nhân về cám dỗ, về bất cứ thứ tội nào. Nhưng tên cám dỗ hoạt động trong chúng ta - làm điều này, nghĩ điều này, đi theo lối này - nó đẩy chúng ta làm điều xấu.
Lời cầu nguyện phơi bày sự ác
Tiếp đến, Ðức Thánh Cha giải thích rằng lời cầu nguyện phơi bày những sự dữ trên thế gian. Lời kêu than cuối cùng của Kinh Lạy Cha chống lại sự ác này; nó bao gồm những trải nghiệm đa dạng nhất: tang tóc của con người, nỗi đau vô tội, sự nô lệ, sự bóc lột của người khác, tiếng khóc của những đứa trẻ vô tội. Tất cả những sự kiện này phản kháng trong trái tim của con người và trở thành tiếng nói trong lời cầu nguyện cuối cùng của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu đã cảm nghiệm sức mạnh của sự ác
Một số lời cầu xin trong Kinh Lạy Cha vang vọng cách ấn tượng nhất trong chính các tường thuật về cuộc Thương Khó. Chúa Giêsu kêu lên: "Abbà! Cha ơi!. Mọi sự đều có thể với Cha: xin hãy cất khỏi con chén này! Nhưng không phải là theo ý con nhưng theo ý Cha" (Mc 14,36). Chúa Giêsu hoàn toàn nếm trải sự đâm thâu của sự ác. Không chỉ là chết, mà còn chết trên thập giá. Không chỉ cô đơn, mà cả bị khinh bỉ, hạ nhục. Không chỉ sự ác ý, mà cả sự tàn nhẫn, sự giận dữ chống lại Người. Con người là như thế này: một người dấn thân cho cuộc sống, người mơ ước tình yêu và điều thiện hảo, nhưng rồi chính bản thân và đồng loại của mình liên tục bị sự ác tấn kích, đến mức chúng ta có thể bị cám dỗ tuyệt vọng về con người.
Chúa Giêsu luôn đứng về phía chúng ta
Ðức Thánh Cha nhận định: Kinh Lạy Cha giống như một bản giao hưởng muốn được hoàn thành nơi mỗi người chúng ta. Kitô hữu biết quyền lực của sự ác áp đảo đến mức nào, đồng thời cũng hiểu được rằng Chúa Giêsu, Ðấng chưa bao giờ chịu khuất phục trước sự ngon ngọt của ma quỷ, đứng về phía chúng ta và đến để giúp đỡ chúng ta như thế nào.
Do đó, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu trao lại cho chúng ta những gia sản quý giá nhất: sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Ðấng đã giải thoát chúng ta khỏi sự dữ, khi đấu tranh để biến đổi nó. Trong trận chiến cuối cùng, Người đã ra lệnh cho Phêrô bỏ gươm vào lại vỏ bọc của nó, Người hứa ban nước thiên đàng cho tên trộm có lòng hối cải, và với tất cả những người đang đứng xung quanh, không hay biết về thảm kịch đang diễn ra, Người cầu xin bình an cho họ: "Lạy Cha, xin tha cho họ bởi họ không biết việc họ làm "(Lc 23:34).
Bình an xuất phát từ lời cầu nguyện của Chúa Giêsu
Từ sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá đã phát sinh sự bình an, bình an đích thực đến từ đó: món quà của Chúa Phục sinh là bình an, quà tặng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Anh chị em hãy nghĩ đến lời chào đầu tiên của Chúa Giêsu phục sinh là "bình an cho anh em", bình an cho tâm hồn anh em, cho trái tim anh em, cho cuộc sống của anh em. Chúa ban cho chúng ta bình an, ban cho chúng ta sự tha thứ nhưng chúng ta phải xin Người "giải thoát chúng ta khỏi sự dữ", để không rơi vào sự dữ. Ðây là hy vọng của chúng ta, sức mạnh mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta. Chúa Giêsu Phục Sinh ở đây, ở giữa chúng ta. Và sức mạnh Người ban cho chúng ta để tiến bước và Người hứa giải thoát chúng ta khỏi sự dữ.



Người biệt phái là ai?
Sau cuộc họp ở Rôma về chủ đề: Chúa Giêsu và người biệt phái . Ngày thứ năm 9 tháng 5-2019, Đức Phanxicô xin nhóm người do thái này giới thiệu cách “thích ứng hơn” trong việc giảng dạy và các bài giảng của người công giáo về vấn đề này.
Thường thường người biệt phái (pharisêu) bị cho là người “đạo đức giả” nhưng một số người do thái xem họ là tổ tiên thiêng liêng của mình. 
Đức Phanxicô đã nói gì?
Viện Kinh Thánh Giáo hoàng đã tổ chức một buổi hội thảo từ ngày 7 đến 9 tháng 5 tại Rôma về đề tài “Chúa Giêsu và người biệt phái” với sự tham dự của các giáo sư và học giả tín hữu kitô và do thái, nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập Viện.
Sau 3 ngày hội thảo nói về lịch sử của nhóm do thái biệt phái, trình bày phim ảnh và các tài liệu giáo lý, 400 người tham dự đã hội kiến với Đức Phanxicô ngày 9 tháng 5.
Đặc biệt mọi người mong chờ bài nói chuyện của ngài, một số giáo sĩ cảm thấy bối rối khi thấy ngài thường trích Tân Ước một cách “thô thiển” hoặc “không nhạy” khi nói Chúa Giêsu tố cáo sự quá cứng nhắc của người biệt phái về Luật Do Thái và chống đối họ về thông điệp yêu thương. Tháng 10 – 2018 vừa qua, trong bài giảng lễ buổi sáng, Đức Phanxicô còn cho rằng người biệt phái là người “vô tri vô giác” và họ “đã bỏ lỡ cuộc sống của mình”.
Đức Phanxicô đã nhấn mạnh trong bài diễn văn của ngài: “Chữ ‘pharisêu’ thường có nghĩa ‘đạo đức giả’ hay ‘tự phụ’. Tuy nhiên đối với nhiều người do thái, người biệt phái là người sáng lập do thái giáo phái rabbini và như thế là tổ tiên thiêng liêng của họ. Lịch sử chú giải thường đưa ra hình ảnh tiêu cực về người biệt phái, ngay cả không có cơ sở cụ thể trong các câu chuyện kể trong Tin Mừng”.
Cuối cùng Đức Phanxicô khuyến khích nghiên cứu lịch sử về nhóm người do thái này và xin họ giới thiệu “một cách thích ứng trong giảng dạy và trong các bài giảng”.
Chúng ta biết gì về người biệt phái?
Nếu chúng ta ít có tài liệu lịch sử về nhóm biệt phái, về tầm quan trọng và sự đa dạng của các trường phái, thì chúng ta biết đây là một phong trào canh tân thiêng liêng của Israel đã được thiết lập ngay từ thế kỷ thứ nhất, đặc biệt ở Giêrusalem.
Linh mục Dòng Tên Marc Rastoin, giáo sư ở Viện Kinh Thánh Giáo hoàng tham dự trong buổi hội thảo này giải thích: “Trái ngược với hình ảnh của nhóm người cực kỳ theo luật, đây là phong trào cải cách tìm cách tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống tôn giáo và giảm thiểu sự nghiêm khắc của luật”.
Có mặt trong các câu chuyện kể của triết gia Flavius Josèphe, người biệt phái là nhân vật chính được nhắc đến nhiều trong Tân Ước, nhất là trong Phúc Âm Thánh Mát-thêu và thường bị cho là người chống đối Chúa Giêsu.
Linh mục Rastoin tin rằng: “Đó là một cấu trúc tu từ và văn học. Trên thực tế, người biệt phái có nhiều điểm chung với Chúa Giêsu và các môn đệ của Chúa: họ nói với mọi người, họ tin vào sự sống lại của người chết ... Nhưng chiến lược của họ thì khác, thường được truyền qua nghi thức của sự tinh tuyền .”
Người do thái ngày nay có thực sự là người thừa kế của họ không?
Sau khi Đền thờ Giêrusalem bị phá hủy vào năm 70 sau công nguyên, các giáo sĩ tái tổ chức lại đạo do thái ít đề cập đến nhóm tôn giáo này. Linh mục Rastoin giải thích: “Sự im lặng của truyền thống đầu tiên phái rabbini này về người biệt phái vẫn còn là một bí ẩn, nhưng một số người cho rằng các giáo sĩ muốn phá vỡ các nhãn dán và các chia rẽ”.
Tuy nhiên kể từ thế kỷ thứ 4 và thứ 5, các giáo sĩ bắt đầu thừa nhận thuật ngữ này một cách tích cực, cho rằng người biệt phái có thể là tổ tiên của họ.
Về phía tín hữu kitô, vào thời đó đã có khuynh hướng đồng hóa người do thái là người biệt phái. Kết quả là khuôn mẫu tiêu cực – biệt phái “phản bội” và “đạo đức giả” - đã thúc đẩy tín hữu kitô bài do thái trong nhiều thế kỷ. 
Kitô giáo có còn bài do thái giáo không?
Trả lời cho hãng tin AFP, giáo sĩ David Rosen, giám đốc các vấn đề liên tôn của Ủy ban Do Thái Mỹ (AJC) cho rằng việc đề cập riêng rẽ từ biệt phái “không biến ai đó thành người chống do thái”.
Buổi hội thảo tổ chức tại Rôma phù hợp với đường hướng của Tuyên ngôn Trong thời đại chúng ta (Nostra aetate) của Công đồng Vatican II, sau khi ban hành tuyên ngôn này năm 1965, đã khởi đầu một mối quan hệ mới giữa người công giáo và người do thái.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch