Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

NGUYÊN NHÂN SÂU XA CỦA MỘT CUỘC HÔN NHÂN THẤT BẠI

Filled under:

NGUYÊN NHÂN SÂU XA

CỦA MỘT CUỘC HÔN NHÂN THẤT BẠI



Chủ đề mục vụ tháng 3/2018 đã được ấn định là: “KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI”. Tới tháng 5/2018, HĐGMVN lại ấn định chủ đề mục vụ là “NGUYÊN NHÂN SÂU XA CỦA MỘT CUỘC HÔN NHÂN THẤT BẠI”. Tuy rằng lần này thì chỉ đào sâu vào những nguyên nhân mang tính sâu xa (những nguyên nhân chủ yếu); nhưng chắc chắn khi chia sẻ sẽ gặp nhiều khó khăn. Lý do là vì: Cùng nói về Hôn nhân thất bại, làm sao tránh được sự trùng lắp hoặc dài dòng văn tự…



Nói về nguyên nhân dẫn tới hôn nhân thất bại thì có rất nhiều kể cả khách quan (từ bên ngoài như do cha mẹ ép buộc, do luật lệ khắt khe, do quan niệm xã hội…), lẫn chủ quan (do chính đương sự – là 2 người phối ngẫu – gây ra). Trong bài viết “KHI HÔN NHÂN THẤT BẠI”, kẻ viết bài này đã cố gắng cô đọng lại mà cũng còn tới 8 nguyên nhân chính khiến hôn nhân thất bại: 1- Chọn nhầm đối tác; 2- Dễ tới dễ lùi; 3- Để sức hấp dẫn bị sói mòn; 4- Thiếu lòng tin; 5- Không tôn trọng nhau; 6- Thiếu điều chỉnh linh hoạt;  7- Thiếu trò chuyện giao tiếp; 8- Không dành đủ thời gian cho nhau.



Xin được chia sẻ về những nguyên nhân sâu xa khiến hôn nhân thất bại:



I. Nguyên nhân 1: Thiếu vắng Tình yêu.



Tình yêu là nguyên do đưa người phối ngẫu đến với nhau, cùng thăng hoa và chung hưởng hạnh phúc, nhưng cũng chính tình yêu có thể khiến họ xa nhau không biết chừng. Con người ta thường hay chủ quan cho rằng, sau khi kết hôn thì tình yêu sẽ mặc nhiên tồn tại mãi mãi như là không khí; nhưng sự thực không phải như vậy. Đừng quên rằng thời gian mang trong mình những yếu tố gây thay đổi trong cuộc đời mỗi người. Con người tự nhìn lại bản thân của ngày hôm qua, tháng trước, năm trước, rồi so sánh với hiện tại (ngày hôm nay) có thể thấy rõ mình đã không còn giống chính mình của quá khứ. Triết gia Heraclitus (Hy Lạp) đã diễn tả sự thay đổi đó bằng một câu chí lý: “Không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.



Hôn nhân cũng vậy, mọi thứ luôn luôn thay đổi trong đời sống lứa đôi, nhất là từ khi bắt đầu có sự xuất hiện của những đứa con hoặc khi đôi hôn nhân thay đổi không gian sống (từ ở chung với gia đình chuyển ra riêng hoặc ngược lại). Những thay đổi xảy đến, từ nhỏ cho tới lớn, dần dần sẽ làm xô lệch quỹ đạo yêu thương mà đôi tân hôn vốn thề nguyền với nhau rằng nó bất diệt. Không những tình yêu thay đổi mà cả quan điểm về tình yêu cũng sẽ đổi thay.



Người vợ thường sẽ tập trung nhiều vào việc quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái để đảm bảo cho cuộc sống của cả gia đình diễn ra theo lịch trình mong muốn. Chưa kể người vợ vẫn phải đi làm và chịu các áp lực từ công việc, xã hội. Tất nhiên, mỗi người sẽ có một cách để sắp xếp ổn thỏa mọi thứ, và phụ nữ an tâm rằng mình đã dành trọn tâm trí lẫn yêu thương cho tổ ấm. Từ thái độ an phận thủ thường đó, họ quên mất rằng trong tổ ấm ấy vẫn có người chồng với những nhu cầu yêu thương, có thể là không đổi, kể từ khi kết hôn.



Người chồng tất nhiên cũng quan tâm đến con cái, việc nhà, nhưng họ không phân chia tình yêu của mình theo cách phụ nữ làm. Đàn ông vẫn mong đợi yêu thương và được yêu thương như họ đã từng trải. Và thế là, khoảng cách bắt đầu xuất hiện từ trong chính tình yêu, điều mà ai cũng tưởng rằng nó rất bền chắc khi quyết định lấy nhau. Khi tình yêu thay đổi, người phối ngẫu bắt đầu thay đổi suy nghĩ về nhau. Cả vợ và chồng dần dần có sự không hài lòng về người bạn đời, từ những việc tưởng là nhỏ nhặt nhất. Và rồi bắt đầu nghĩ hình như đối phương đã thay đổi, đã hết yêu. Chẳng mấy chốc mà “con rắn cám dỗ” (St 3, 1-7) xuất hiện và nó đem lại một hình ảnh thứ ba, đẩy cuộc hôn nhân vào giai đoạn cực kỳ căng thẳng.



Vậy là mỗi người phối ngẫu sẽ có sự quy kết đối phương là phản bội, thiếu trung thực hay bất cứ điều gì xấu xa khác. Tất nhiên, đó là trường hợp xấu nhất bởi một khi đôi tân hôn đã nảy sinh tình cảm với ai đó khác chồng/vợ mình, thì nền tảng quan trọng nhất của một cuộc hôn nhân đã bị lung lay tận gốc rễ. Suy cho cùng, không phải ai cũng sẽ đi đến đoạn đường khó khăn này; nhưng sự thay đổi của tình yêu rõ ràng có thể thay đổi nhiều thứ trong cuộc sống hôn nhân. Những xung khắc về quan điểm sống, từ việc sắp đặt nhà cửa, nuôi dạy con cái cho đến đối nhân xử thế, khiến cảm thấy mệt mỏi và nghĩ rằng hai người không hợp nhau, thiếu vắng tình yêu nên khó lòng hàn gắn lại. Và hôn nhân đi đến tan vỡ, hạnh phúc tiêu tùng, cũng chẳng còn bao xa.



II. Nguyên nhân 2: Đánh mất Niềm tin.



Trong cuộc sống cộng đồng, vấn đề tin tưởng lẫn nhau là điều kiện thiết yếu trong tất cả các mối quan hệ, từ giao tiếp đến làm ăn sinh sống. Riêng về hôn nhân thì niềm tin đóng vai trò chủ yếu trong mối quan hệ vợ chồng. Thực tế, niềm tin là một trạng thái của nhận thức, trạng thái này là tối quan trọng để con người biến mong muốn, mơ ước của mình trở thành hiện thực. Niềm tin là thứ người ta có thể xây dựng thông qua nguyên tắc được nhắc đi nhắc lại thường xuyên, khiến con người sẽ tin vào điều mà suy nghĩ đó được lặp lại.



Chỉ thực sự tin tưởng vào những gì mình sẽ đạt được, người ta mới có thể vững bước trên con đường của mình. Niềm tin giúp khơi nguồn những năng lực phong phú nhất ẩn sâu trong con người, tạo ra và định hướng cho những nguồn năng lực ấy giúp thực hiện những mục tiêu mong muốn. Niềm tin mở cánh cửa đến với hạnh phúc. Khi tin vào một điều gì hoặc một vấn đề nào đó là chân lý, con người thật sự có trạng thái tín thác hoàn toàn vào điều mà họ cho là đúng. Niềm tin là nguồn năng lượng mạnh mẽ nhất trong việc tạo ra những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Niềm tin mang lại tâm trạng tràn đầy sức sống sẽ khiến con người mạnh mẽ hẳn lên. Ngược lại, niềm tin bị giới hạn cũng sẽ hủy hoại hành động.



Tin có nghĩa cho rằng một cái gì đó là đúng, là thật. Đúng, thật ở đây là đúng, là thật với suy nghĩ của mình. Và dĩ nhiên, tin thì phải tin vào một cái gì đấy. Cái gì đấy có thể là một sự việc, một con đường… Cái gì đấy có thể là một cảm thức, một cảm nhận… Cái gì đấy cũng có thể là một con người, một Đấng Thần linh. Theo nghĩa này, cái gì đấy có thể rất trừu tượng, bao quát và là một phạm trù với rất nhiều nội hàm (ẩn chứa bên trong). Niềm tin của con người về con người, vào con người có lẽ là quyết định cho sự tồn tại của một cá nhân trong xã hội. Với Ki-tô giáo thì niềm tin chính là đức tin. Đức tin có 2 chiều kích đan quyện vào nhau trở nên một cứu cánh giữa con người với Thiên Chúa. Hai chiều kích đó là: tinh đơn nhất và tính Hội Thánh:



a- Tính đơn nhất của Đức tin: Cũng vì “Thiên Chúa là Đấng Duy Nhất” (chỉ có một Thiên Chúa) mà Đức tin “là con đường con người đến với Thiên Chúa” (Thánh Au-gus-ti-nô) nên cũng chỉ có một Đức tin. Nói cụ thể là: Vì “tính đơn nhất của Thiên Chúa, Đấng được ta biết và tuyên xưng”, nên đức tin cũng mang tính đơn nhất. Thông điệp Ánh sáng Đức tin “Lumen Fidei” (số 47-49) đã giải thích: “Đức tin là một bởi vì nó được chia sẻ bởi toàn thể Hội Thánh, là một thân thể duy nhất, một Thánh Thần duy nhất. Trong sự hiệp thông của một chủ thể duy nhất là Hội Thánh, chúng ta nhận được một cái nhìn chung. Nhờ tuyên xưng cùng một đức tin, chúng ta đứng vững trên cùng một đá tảng, chúng ta được biến đổi bởi cùng một Thánh Thần của tình yêu, chúng ta tỏa ra một ánh sáng duy nhất và chúng ta có cùng một cái nhìn duy nhất vào thực tại… Tính đơn nhất của đức tin là tính đơn nhất của Giáo hội.”



b- Tính Hội Thánh của đức tin: Thông điệp “Lumen Fidei” (số 39) khẳng định: “Đức tin không chỉ đơn thuần là một chọn lựa cá nhân mà người tín hữu làm trong thâm tâm của mình, nó cũng không phải một mối liên hệ hoàn toàn riêng tư giữa cái “tôi” của người tín hữu và Thiên Chúa là “Ngài”, giữa một chủ đề tự trị và Thiên Chúa. Tự bản chất, đức tin được mở ra cho cái “chúng ta” của Hội Thánh, nó luôn luôn xảy ra trong sự hiệp thông của Hội Thánh.”



Chính là nhờ tính Hội Thánh của Đức tin, mà cộng đoàn hôn nhân gắn kết với nhau, 2 người phối ngẫu trở nên một xương một thịt. Như vậy, một khi đức tin suy thoái thì cũng có nghĩa là một trong hai hoặc cả hai người phối ngẫu không còn tin tưởng vào nhau để từ đó không tin tưởng vào Hội Thánh. Khi đã phai nhạt niềm tin vào Hội Thánh (một cộng đồng nhân vị cụ thể) thì tất nhiên không còn tin tưởng vào Thiên Chúa (một cộng đồng ba ngôi vị siêu nhiên). Con rắn cám dỗ lại xuất hiện và lôi kéo đôi tân hôn vào con đường mòn của nguyên tổ “không tin vào Thiên Chúa  mà lại tin vào ma quỷ cám dỗ” (St 3, 1-24). Hôn nhân thất bại là điều hiển nhiên.



III. Nguyên nhân 3: Thiếu hiểu biết và kiên định lập trường.



Nguyên nhân này có thể coi là nguyên nhân sâu xa nhất dẫn đến hôn nhân thất bại, cũng bởi vì do thiếu hiểu biết (hoặc xem thường) về Tình yêu Thiên Chúa – xuất phát điểm của  tình yêu lứa đôi (Hôn nhân) và tình yêu cộng đồng (Đức Ái Ki-tô giáo). Nói cách cụ thể thì nguyên nhân này chính là đôi tân hôn cách này cách khác đã quên mất nguồn gốc của hôn nhân là “Tình Yêu và Niềm Tin”.



1- Thiếu hiểu biết: Mới nghe lý do thiếu hiểu biết, có lẽ nhiều người sẽ cho rằng không thể có vấn đề này một khi mà từ trước khi cử hành hôn lễ, đôi phối ngẫu đã được học hỏi kỹ càng và chỉ khi kiểm tra đôi tân hôn thấy đã hiểu thấu vấn đề mới được tiến hành các bước tiếp theo. Xin nói ngay thiếu hiểu biết ở đây không phải là thiếu hướng dẫn, mà là tự chủ thể đôi tân hôn không tiếp thu được kiến thức; có thể là do coi thường việc học hỏi (chỉ “học thuộc lòng” chớ không đào sâu suy nghĩ, suy niệm; chỉ coi các bước tiến hành bí tích hôn nhân như là những nghi thức bó buộc phải thi hành hơn là một ơn gọi trong mầu nhiệm sáng tạo của Thiên Chúa). Đó là sự thiếu hiểu biết xuất phát từ chủ thể đôi phối ngẫu. Nhưng cũng có thể do ảnh hưởng ngoại tại từ khách thể (những Giáo sĩ, Giáo lý viên): “Sự truyền thụ kiến thức chưa đầy đủ hoặc chưa chính danh từ các cấp có thẩm quyền: Linh mục chính xứ, Hội đồng Mục vụ …” như Đức GH Phan-xi-cô đã thừa nhận trong Tông huấn Niềm vui của Tình yêu “Amoris Lætitia” (số 36):



“Đồng thời chúng ta cũng phải khiêm tốn và thực tế nhìn nhận rằng, đôi khi cách chúng ta trình bày niềm tin Ki-tô giáo của mình, và cách chúng ta cư xử với người khác đã góp phần tạo ra tình trạng mà chúng ta đang than vãn như ngày nay, bởi thế chúng ta cần phải tự phê bình một cách thích đáng. Đàng khác, chúng ta thường trình bày hôn nhân theo cách nào đó khiến cho mục đích kết hợp của hôn nhân, lời mời gọi triển nở trong tình yêu và lí tưởng tương trợ lẫn nhau bị lu mờ đi, trong khi quá nhấn mạnh về bổn phận sinh sản như thể đó là mục đích duy nhất. Chúng ta cũng đã không đồng hành tốt với các cặp vợ chồng mới cưới trong những năm đầu hôn nhân của họ, không có những đề xuất thích hợp với giờ giấc của họ, với ngôn ngữ của họ, với những ưu tư cụ thể nhất của họ. Nhiều khi chúng ta cũng đã trình bày một thứ lí tưởng thần học hôn nhân quá trừu tượng, được xây dựng hầu như nhân tạo, xa rời hoàn cảnh cụ thể và các khả năng thực tiễn của các gia đình. Việc lí tưởng hóa quá mức như vậy, nhất là khi chúng ta không đánh thức đủ niềm tín thác vào ơn Chúa, đã không giúp làm cho hôn nhân trở thành hấp dẫn hơn và đáng khao khát hơn, mà hoàn toàn đi ngược lại.”



            2- Thiếu kiên định lập trường: Nói đến thiếu kiên định lập trường thì phải hiểu là từ tình yêu thủa ban đầu đến những kiến thức cơ bản về hôn nhân đều đã được trang bị đầy đủ; nhưng khi gặp và đối diện những thách đố, đôi bạn (hoặc một trong hai phối ngẫu) quá lo lắng, hoang mang, đi tới chỗ không còn tin tưởng vào bản thân cũng như người phối ngẫu – nói cụ thể là nền tảng đức tin bị lung lay tận gốc rễ mà không hay biết gì – và thế là sự vấp ngã dẫn đến thất bại trong hôn nhân cũng chẳng còn bao xa.



Quả thật “Tình trạng đức tin và thực hành tôn giáo suy yếu trong xã hội đã ảnh hưởng đến các gia đình rất nhiều và càng đẩy các gia đình lâm vào tình trạng phải chơ vơ chống chọi với những khó khăn của mình. Những khủng hoảng đời sống hôn nhân, thường được người ta đương đầu cách quá vội vàng và không đủ can đảm để kiên nhẫn, thẩm định, tha thứ cho nhau, làm hòa lại với nhau và cũng để hi sinh cho nhau. Như thế những thất bại sẽ lại làm nảy sinh những quan hệ mới, những đôi bạn mới, các kết hợp và hôn nhân dân sự mới, tạo nên những hoàn cảnh gia đình phức tạp và bất ổn đối với chọn lựa đời sống đức tin... Cái nghèo lớn nhất trong số những cái nghèo của nền văn hóa hiện nay là sự cô đơn, kết quả của tình trạng vắng bóng Thiên Chúa trong đời sống con người và tình trạng mong manh của những mối quan hệ. Người ta cũng có một cảm giác chung về sự bất lực khi đối diện với thực trạng kinh tế – xã hội, rốt cuộc thường đè bẹp các gia đình.” (Tông huấn “Amoris Lætitia”, số 41-43).

Kết luận:  



Tóm lại, hôn nhân Ki-tô giáo là một bí tích ân sủng xảy ra trong Giáo hội và cũng làm thành Giáo hội (Giáo hội tại gia) bằng cách trao ban khởi đầu cho một cộng đoàn gia đình. Bí tích Hôn phối là một hành động của Đức tin và Tình yêu: nó chứng minh lòng can đảm thúc đẩy đôi bạn luôn đi xa hơn, xa hơn chính mình và cũng xa hơn cả gia đình nữa. Ơn gọi Ki-tô hữu yêu thương không giới hạn trong phạm vi gia đình mà là tỏa sáng trong cộng đồng dân Chúa ân sủng của Chúa Ki-tô, cũng là nền tảng sự đồng ý tự do làm thành hôn nhân. Vì thế, nguyên nhân sâu xa nhất làm cho hôn nhân thất bại chỉ có thể là không ý thức được nền tảng hôn nhân Ki-tô giáo được xây dựng trên Tình Yêu và Đức tin (“Đức Tin hành động qua Đức Ái” – Gl 5, 6).



Khi đã hiểu tất cả đều quy kết vào Đức Tin, đôi bạn phối ngẫu và nói chung, tất cả các bạn trẻ đang hoặc sẽ tiến vào đời sống hôn nhân cần phải đứng trên lập trường kiên định: Hôn nhân là cửa ngõ đức tin dẫn chúng ta đến với Tình Yêu Thiên Chúa, như Đức Hôn phu Giê-su Thiên Chúa yêu thương Hiền thê Giáo hội. Vâng, “Anh em hãy bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Ki-tô Giê-su, hãy dựa vào đức tin mà anh em đã được thụ huấn, và để cho lòng chan chứa niềm tri ân cảm tạ.” (Cl 2, 7).



Muốn kiện toàn Ơn gọi hôn nhân, không gì bằng hãy nhìn vào mẫu gương Thánh Gia Na-da-ret và cầu nguyện, bởi “Cầu nguyện trong gia đình là một phương thế ưu việt để diễn tả và củng cố đức tin phục sinh. Gia đình có thể dành ít phút mỗi ngày để quy tụ với nhau trước nhan Thiên Chúa hằng sống, nói với Ngài về những lo lắng bận tâm, cầu xin với Ngài cho những nhu cầu của gia đình, cầu nguyện cho ai đang gặp khó khăn, xin Chúa giúp ta biết sống yêu thương, tạ ơn Ngài về sự sống và về bao ơn lành khác, cầu xin Đức Trinh Nữ che chở chúng ta dưới tà áo Mẹ. Với ít lời lẽ đơn sơ thôi, nhưng những phút giây cầu nguyện đó có thể mang lại điều tốt lành lớn lao cho gia đình.” (Tông huấn Niềm vui của tình yêu “Amoris Laetitia”, số 318).



Ước được như vậy. Amen.



JM. Lam Thy ĐVD