Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 30-05-2018

Filled under:

Lời Chúa: Mc 10, 32-45
Khi ấy, Ðức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sự. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”
Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Ðức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Ðức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Ðức Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã dọn sẵn cho ai thì kẻ ấy được.”
Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Ðức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến dâng mạnh sống làm giá chuộc muôn người.”
Suy nim 1
Khi nghĩ đến những đau khổ Đức Giêsu phải chịu
chúng ta thường nghĩ ngay đến cuộc Khổ nạn của Ngài.
Chúng ta ít nghĩ đến một đau khổ khác,
đó là Ngài phải chịu đựng sự chậm hiểu của các môn đệ.
Bài Tin Mừng hôm nay là một thí dụ khá rõ.
Khi đang trên đường lên Giêrusalem,
Thầy Giêsu kéo riêng Nhóm Mười Hai để loan báo cho họ lần thứ ba
về những gì sắp xảy đến cho mình trong cuộc Khổ nạn (c. 32).
Tiếc thay, hai môn đệ thân tín là Giacôbê và Gioan,
vẫn loay hoay ở lại trong tham vọng về chức quyền của mình.
Họ nói với Thầy Giêsu một câu không được lịch sự lắm:
“Chúng con muốn Thầy làm cho chúng con bất kỳ điều gì chúng con xin.”
Vậy mà Thầy vẫn nhẹ nhàng trả lời họ:
“Các anh muốn Thầy làm gì cho các anh?” (c. 36).
Họ đã dám xin được ngồi hai chỗ cao nhất trong vinh quang Nước Thầy.
Thầy Giêsu thú nhận mình không có quyền cho điều đó,
nhưng Thầy lại mời hai ông chia sẻ chén đắng Thầy sắp uống
và dìm mình thật sâu trong phép rửa Thầy sắp chịu (c. 38).
Khi thấy mười môn đệ kia tức giận với Giacôbê và Gioan,
Thầy Giêsu đã huấn dụ cho cả nhóm về cách lãnh đạo trong Giáo Hội.
Cách lãnh đạo này khác hẳn cách lãnh đạo ngoài đời,
thường dùng quyền uy để thống trị và mưu cầu tư lợi.
“Giữa anh em thì không được như vậy!” (c. 43).
Mọi chức vụ và quyền bính là để phục vụ cho Dân Chúa.
Thầy Giêsu chỉ cách hành xử cho những ai muốn làm lớn, làm đầu.
Đó là sống như người đầy tớ, người phục vụ (c. 44).
Thầy Giêsu đã không nói suông, nhưng sống điều Ngài giảng.
Rõ ràng Thầy là người có uy quyền (Mc 1, 22.27; 2, 10).
Nhưng quyền uy đó chỉ được dùng để rao giảng và để giải phóng.
Suốt đời Thầy đã sống như một người phục vụ.
Và giờ đây, cái chết của Thầy chính là một việc phục vụ cao nhất.
Lần đầu tiên Thầy Giêsu nói rõ ý nghĩa cái chết của mình.
Như người Tôi Trung trong ngôn sứ Isaia (Is 52,13 - 53,12)
Thầy phải trả giá bằng mạng sống để cứu chuộc muôn người (c. 45).

Không dễ kéo các môn đệ ra khỏi những tham vọng trần tục.
Thầy Giêsu vẫn thấy mình lạc lõng bên cạnh các môn đệ.
Họ không hiểu được Thầy, và cũng chẳng muốn đi đường Thầy đi.
Làm sao để chúng ta cảm được hạnh phúc của việc phục vụ?
Làm sao để chúng ta hiểu rằng phục vụ không làm con người hèn hạ,
nhưng lại nâng cao con người và ban cho nó sự lớn lao đích thực?
Chính Chúa Giêsu, Đấng được thành toàn nhờ suốt đời phục vụ,
là chỗ dựa đầy hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

“Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại” (Mc 10, 33).

Chúa Giêsu biết rõ cuộc thương khó của Người là một huyền nhiệm! Quả thật, đối với các môn đệ khi nghe Chúa Giêsu tiên báo rằng Người sẽ chịu đau khổ và chịu chết, họ hoang mang và rất khó chấp nhận. Đó không phải là điều họ mong muốn và kỳ vọng. Họ trông chờ một Đấng Messia vinh thắng, Đấng không bao giờ thất bại và có thể giải thoát họ khỏi sự áp bức của đế quốc La Mã. Thế nhưng Chúa Giêsu, Đấng Giải Thoát đích thực, đã có một con đường khác: con đường thương khó, hy sinh cả mạng sống mình và rồi phục sinh. Chính bằng con đường đó mà Người đã giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi và mang lại cho chúng ta sự sống vĩnh cửu.

Chúa Giêsu đã không giấu diếm các môn đệ về con đường cứu độ huyền nhiệm của Người. Trái lại, Người còn chuẩn bị cho các ông và mong muốn họ đón nhận với lòng tự do và yêu mến chân thành. Có như thế, các môn đệ mới vững tin và kiên trung bước theo Thầy của mình đến cùng.

Tin Mừng ngày hôm nay một lần nữa giúp chúng ta khám phá tình yêu bao la của Thiên Chúa nơi chương trình cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Đồng thời cũng mang lại niềm hy vọng cho chúng ta, nhất là khi phải đối diện với khó khăn, đau khổ của cuộc đời. Là người Kitô hữu, chúng ta không được miễn trừ khỏi những thử thách, sóng gió nơi cuộc sống trần gian này. Nhưng chúng ta xác tín rằng, chính qua con đường khổ giá sẽ đưa tới vinh quang. Đó là con đường mà chính Chúa đã đi và luôn mời gọi chúng ta bước theo Người.

Lạy Chúa Giêsu, nếu như cuộc đời chúng con không thể tránh khỏi những thử thách, gian truân, thì xin cho lời Chúa trở nên nguồn sức mạnh và hy vọng, để chúng con có thể trung thành và can đảm bước theo Chúa đến cùng. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường