Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2018

SUY NIỆM HẰNG NGÀY NGÀY 11/05/2018

Filled under:

Lời Chúa: Ga 16, 20-23a
    Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian. Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được. Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.”
Suy nim 1
Hiếm khi một đoạn Tin Mừng ngắn
mà lại có nhiều từ nói đến niềm vui, nỗi buồn như vậy.
Khi sắp bước vào cuộc Khổ nạn,
Đức Giêsu không giấu các môn đệ về những thử thách đang chờ họ.
Khóc lóc, lo buồn, than van là những điều họ sẽ phải trải qua (c. 20).
Nhưng tâm trạng đó chỉ là tạm thời.
Niềm vui khi thấy Thầy phục sinh mới là điều còn mãi (c. 22).
Không có một Kitô giáo buồn.
Niềm vui là một trong những nét đặc trưng của Kitô giáo,
bởi lẽ Kitô giáo phát sinh từ Tin Mừng rộn rã, từ tiếng reo Halleluia :
Đức Kitô đã sống lại rồi và đang ở giữa cộng đoàn tín hữu.
Niềm vui ấy vẫn được diễn tả qua nhiều hình thức,
qua tiếng chuông chiều cao vút của nhà thờ,
qua các bài thánh ca dìu dặt đưa hồn bay lên gặp Đấng Tuyệt đối,
qua những nụ cười tươi và tà áo muôn màu của giáo dân đi lễ mỗi Chúa nhật.
Nhưng niềm vui không chỉ có ở nơi nhà thờ, mà còn ở mọi nơi.
Niềm vui trên khuôn mặt một nữ tu cúi xuống vết thương của người phong.
Niềm vui háo hức của một thanh niên bỏ tất cả để xin vào nhà Tập.
Niềm vui bình an của những vị tử đạo Việt Nam trên đường ra pháp trường.
Không thể hình dung một Kitô giáo mà không có niềm vui.
Kitô giáo buồn thì chẳng phải là Kitô giáo nữa.
Thế giới hôm nay có quá nhiều cách để làm cho người ta vui.
Niềm vui dường như có thể mua được bằng tiền.
Người ta tưởng càng sở hữu nhiều, càng hưởng thụ nhiều thì càng vui.
Nhưng chính lúc đó người ta lại rơi vào sự buồn chán.
Thế giới hôm nay là một thế giới buồn.
Ba mươi ngàn người Nhật tự tử trong một năm.
Hiện nay ở Hàn Quốc đang lan rộng tình trạng tự tử tập thể.
Khi đời sống vật chất quá đầy đủ, thừa mứa,
người ta lại không biết mình sống để làm gì.
Kitô giáo phải có khả năng đem lại niềm vui cho thế giới,
không phải thứ niềm vui rẻ tiền, vì mua được một trận cười thâu đêm,
nhưng là thứ niềm vui của người tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Người mẹ phải chịu buồn phiền, đau đớn khi sinh con,
nhưng sinh rồi thì vui sướng, chẳng còn nhớ đến chuyện vượt cạn (c. 21).
Kitô giáo không né tránh đau khổ, cũng không tìm con đường diệt khổ,
nhưng đón lấy đau khổ và tìm thấy ý nghĩa của nó trong tình yêu.
Như người mẹ chịu đau để đứa con chào đời,
người Kitô hữu vui sướng vì thấy hoa trái của những gian truân thử thách.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
các sách Tin Mừng chẳng khi nào nói Chúa cười,
nhưng chúng con tin Chúa vẫn cười
khi thấy các trẻ em quấn quýt bên Chúa.
Chúa vẫn cười khi hồn nhiên ăn uống với các tội nhân.
Chúa đã cố giấu nụ cười trước hai môn đệ Emmau
khi Chúa giả vờ muốn đi xa hơn nữa.
Nụ cười của Chúa đi đôi với Tin Mừng Chúa giảng.
Nụ cười ấy hòa với niềm vui
của người được lành bệnh.
Lạy Chúa Giêsu,
có những niềm vui
Chúa muốn trao cho chúng con hôm nay,
có sự bình an sâu lắng Chúa muốn để lại.
Xin dạy chúng con biết tươi cười,
cả khi cuộc đời chẳng mỉm cười với chúng con.
Xin cho chúng con biết mến yêu cuộc sống,
dù không phải tất cả đều màu hồng.
Chúng con luôn có lý do để lo âu và chán nản,
nhưng xin đừng để nụ cười tắt trên môi chúng con.
Ước gì chúng con cảm thấy hạnh phúc,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương
và được sai đi thông truyền tình thương ấy. Amen.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Các môn đệ thực sự bối rối về lời nói của Chúa Giêsu. "Lo buồn" và "niềm vui" mà Chúa nói đến có nghĩa là gì? Và lời hứa về việc trao ban "niềm vui không ai lấy mất được" là như thế nào? 

Ai chẳng muốn có được niềm vui kéo dài trong cuộc sống. Thế nhưng, kinh nghiệm thực tế cho thấy, cuộc đời vui ít buồn nhiều. "Một niềm vui không ai lấy mất được" là ước mơ của con người, bởi trong cuộc sống bể dâu con người luôn đối diện với nhiều thử thách gian lao, nhiều lo âu và buồn khổ. "Một niềm vui không ai lấy mất được" làm sao có được trong cuộc sống dương gian này, ngay cuộc sống của Thầy Chí Thánh, bao việc tốt Thầy đã làm cho con người, thế nhưng Thầy nhận lại được gì? Sự nghi kỵ, thù hận, ghen ghét, thế mà giờ đây Thầy lại hứa ban một niềm vui bất tận. Thế nghĩa là gì?

Niềm vui đó chính là nguồn nước mà Chúa Giêsu hứa ban cho người phụ nữ Samaria: nước hằng sống, nước mà ai uống vào sẽ không bao giờ khát nữa (x. Ga 4,10.14). "Niềm vui không ai lấy được", "nước uống vào không bao giờ khát" đó chính là Đức Giêsu Phục Sinh. Quả thật, "lo buồn" và "cơn khát" là hiện tượng thuộc về thế giới chóng qua này. Một thế giới đã ra hư hoại vì tội lỗi. Thế giới đó đã được Đức Kitô mang lấy và đã đóng đinh nó vào thập giá. Thế giới của u buồn âu lo đã chết và một thế giới mới xuất hiện - thế giới của niềm vui bất tận, thế giới của cuộc sống no thỏa và không bao giờ khát nữa, thế giới phục sinh, thế giới của chiến thắng các mê lầm tội lỗi. 

Để được hưởng niềm vui đích thật "không ai lấy mất được" đòi phải tin vào Đấng đã chịu treo lên trên thập giá và đã phục sinh. Chỉ có đức tin chúng ta mới nhận ra Đấng là niềm vui bất tận, như Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị nhận ra ân huệ Chúa ban và ai là người nói với chị... thì ắt chị sẽ xin người ấy nước hằng sống" (Ga 4, 10). Như vậy để có niềm vui bất tận chúng ta cũng chỉ có thể kín múc nơi Đấng đã chết và đã sống lại. Do đó để loại trừ khổ đau, u buồn chỉ có một con đường duy nhất: tin vào Đức Giêsu, tín thác hoàn toàn nơi Người, để rồi can đảm đáp trả lại lời mời gọi: ai muốn theo Ta hãy bỏ mình vác thập giá mà theo Ta. Có như vậy chúng ta sẽ có được "niềm vui không ai lấy mất được".

Lạy Chúa, sự phục sinh của niềm vui bất tận của chúng con. Chúng con cám ơn Chúa đã chết và đã sống lại, để cho chúng con được sống, một sự sống trong niềm vui bất tận. Xin cho chúng con luôn vững tin vào mầu nhiệm Phục sinh, để chúng con can đảm đón nhận những thử thách, khổ đau, cay đắng trong cuộc đời, vì sau những khổ đau đó chúng con sẽ tận hưởng niềm vui bất tận. Amen.


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường