Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT - CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

Filled under:


Lời Chúa: Mt 28, 16-20
Hôm ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.
Suy nim 1
“Nếu bạn đi khắp cùng trời cuối đất,
bạn sẽ gặp những dấu vết của Thiên Chúa.
Nếu bạn đi thẳng vào cung lòng bạn,
bạn sẽ gặp chính Thiên Chúa”.
Nhiều người đã gặp thấy Ngài nhờ chiêm niệm suy tư.
Nhưng con người không thể biết hết về Thiên Chúa,
cũng không thể mô tả cho đủ về Ngài.
Có những thiếu sót, vụng về và đôi khi sai lạc.
Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa?
Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài?
Phải là Ðấng ở nơi cung lòng Thiên Chúa,
Ðấng ấy là Ðức Giêsu, Ngôi Lời nhập thể.
Nhờ Ðức Giêsu mà mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở,
nhờ Ngài mà chúng ta biết
có một Thiên Chúa duy nhất trong ba Ngôi Vị
là Cha, Con và Thánh Thần.
Ba Ngôi khác nhau nhưng là cùng một Thiên Chúa.
Thiên Chúa là Tình Yêu,
Ngài duy nhất nhưng không đơn độc.
“Ta và Cha là một” (Ga 14,10).
“Ta ở trong Cha và Cha ở trong Ta” (Ga 16,15).
Tình yêu khăng khít giữa Cha và Con là Thánh Thần.
Trong niềm hạnh phúc sung mãn,
Ba Ngôi đã dựng nên con người giống hình ảnh mình
và muốn đưa con người đi vào hiệp thông với Thiên Chúa.
“Ðến với Chúa Cha, nhờ Chúa Con
và trong Chúa Thánh Thần”:
đó là hành trình thiêng liêng của mọi Kitô hữu.
Chúng ta cần ý thức về sự hiện diện của Ba Ngôi ở trong ta.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy
và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy
và Chúng Ta sẽ đến và cư ngụ nơi người ấy” (Ga 14,23).
“Cha sẽ ban cho các anh một Ðấng Phù Trợ khác
để Ngài ở với các anh luôn mãi” (Ga 14,16).
Chúng ta cần có tương quan riêng với từng Ngôi!
Chúa Cha, Ðấng hằng làm việc để duy trì vũ trụ, con người.
Chúa Con, Ðấng cứu chuộc nhân loại bằng hy sinh mạng sống.
Chúa Thánh Thần, Ðấng thánh hoá và dẫn dắt Giáo Hội.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi
là sống hiệp thông và chia sẻ,
là ở lại trong Tình Yêu
vì “ai ở trong Tình Yêu thì ở lại trong Thiên Chúa
và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1Ga 4,16).
Mỗi ngày chúng ta làm dấu nhiều lần trên thân xác
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”.
Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi
trên cuộc đời ta, trên thế giới chúng ta đang sống.
Chúng ta đã được chịu Phép Rửa nhân danh Chúa Ba Ngôi,
nhưng làm Phép Rửa cho muôn dân
vẫn còn là ước mơ Ðức Giêsu chờ ta thực hiện.
Cầu nguyn:

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
 Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như bầu trời mênh mông, trí tuệ con người như một cánh chim trong mênh mông ấy. Cánh chim không thể che phủ bầu trời. Nếu muốn che phủ bầu trời, cánh chim phải lớn bằng bầu trời. Điều này không thể tưởng tượng. Cũng vậy, Ba Ngôi là huyền nhiệm lớn. Mầu nhiệm Ba Ngôi thật khó hiểu. Trí tuệ con người chỉ như cánh chim nhỏ bé, không thể hiểu tường tận. Muốn hiểu Chúa Ba Ngôi tường tận, trí tuệ phải bằng Chúa. Điều này không thể tưởng tượng.

Vì thế, đi tìm câu trả lời cho huyền nhiệm về Ba Ngôi, con người thực hiện một cố gắng vô ích, vượt trên sức hiểu biết của mình. Điều hay nhất, bổ ích nhất, cần thiết nhất ta phải thực hành ngay, không phải là khám phá tới cùng mầu nhiệm Ba Ngôi, nhưng hãy quay về chính mình, nhận ra thân phận bé nhỏ của mình để sống sao cho xứng đáng với tình yêu của Chúa Ba Ngôi.

Tấm gương của ông Môsê hoàn toàn để Chúa thu phục là bài học lớn cho ta. Thánh Kinh kể, đang khi Môsê chăn đàn vật, bỗng ông thấy một quang cảnh lạ thường: bụi gai rực lửa mà không bị thiêu rụi. Tò mò, ông đến xem cho tường. Từ giữa bụi gai, có tiếng gọi: “Môsê! Môsê!”. Tiếng nói ấy tự xưng là Thiên Chúa của tổ tiên ông. Ông sợ hãi che mặt, không dám diện kiến cùng sự uy nghi của Đức Chúa. Ông càng sợ hãi hơn khi Chúa sai ông đi giải thoát dân của Ngài ra khỏi cảnh lầm than nôi lệ cho người Ai Cập. Dù biết mình yếu đuối, nhỏ nhoi, nhưng tin tưởng vào lời Chúa: “Ta sẽ ở với ngươi” (Xh 3, 12), ông đã đón nhận sứ mạng.

Nhưng sứ mạng ấy không dễ chút nào. Biết bao lần sự bội phản, thái độ thiếu tin tưởng, những lời kêu trách xúc phạm đến Chúa… của dân, làm ông mệt mỏi, đuối sức. Nhất là 40 năm ròng rã trong sa mạc, không chịu nỗi sự khắc nghiệt, dân chúng trút lên ông những lời, thái độ, hành động, suy nghĩ, thù hằn của họ. 

Môsê đau khổ đến nỗi ông kêu than cùng Chúa và muốn chết đi: “Sao Ngài lại làm khổ tôi tớ Ngài? Tại sao con không đẹp lòng Ngài, khiến Ngài đặt gánh nặng tất cả dân này lên vai con?… Một mình con không thể gánh cả dân này được nữa, vì nó nặng quá sức con. Nếu Ngài xử với con như vậy, thì thà giết con đi còn hơn…” (Ds 11, 12 tt). Nhưng dù đau khổ, ông đã đáp trả bằng cả một đời trung thành, yêu mến, tùng phục, tôn thờ Chúa. Ông sống chết cho sứ mạng đã lãnh nhận.

Học lấy mẫu gương của ông Môsê, nhận ra sự uy nghi cao cả của Chúa, ta hãy để Chúa làm chủ cuộc đời mình, và quyết tâm sống một đời trung thành với ơn Chúa. Ta hãy khiêm nhường đón nhận tất cả những nghịch cảnh xảy ra cho mình mà phó thác trong bàn tay quan phòng dìu dắt của Chúa.

Lạy Chúa, cuộc đời không thiếu những thương đau. Chúng con biết, dù từ chối hay chấp nhận, cuộc đời vẫn thế. Nếu chúng con tin tưởng phó thác, trước nghịch cảnh, chúng con sẽ bình an hơn, bớt khổ sở hơn. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình của thánh Phaolô là “tạ ơn trong mọi hoàn cảnh, dù thương đau hay hạnh phúc. Vì tạ ơn là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng con” (1Tx 5, 18). Amen. 

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường