Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

Suy Niệm Phúc Âm CN XXVII-XXVIII TN C

Filled under:

CN XXVII  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 17,5-10)
            (2.Oct.2016)

1. Bài Đọc
            “Lúc đó (1), các Tông Đồ thưa với Chúa Giêsu rằng: ‘Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con’. Chúa Giêsu đáp: ‘Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc, nó cũng sẽ vâng lời anh em’.
            “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cầy hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: ‘Mau vào ăn cơm đi’, chứ không bảo: ‘Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn sau!’? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: Khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi”.

2. Chú Thích
            (1) Lúc đó: Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy cho các môn đệ về việc sửa lỗi anh em.

3. Suy Niệm
            (1) Muốn hiểu rõ câu chuyện này, phải nhớ luật thiên nhiên cũng là luật của Thiên Chúa, thiên nhiên có thể chuẩn bị siêu nhiên, chứ thiên nhiên không phản ngược siêu nhiên. Trên con đường thiên nhiên, càng tin bao nhiêu, càng có sức mạnh bấy nhiêu. Khi còn do dự, ngần ngại, bán tín bán nghi, thì không có sức mạnh. Bất kỳ trong việc gì cũng thế. Nhiều nhà thần học Tây Phương chỉ nói về đức tin siêu nhiên. Nhưng có lẽ phải phân biệt hai loại đức tính, MỘT là nhờ tập quen thì thành đức tính thiên nhiên; HAI là khi có ơn Thiên Chúa mới là siêu nhiên. Tin Thiên Chúa hay tin các mầu nhiệm, có thể đương còn ở trong giai đoạn thiên nhiên, nếu chỉ vì đã tập quen. Nếu còn có sai lầm, thì không thể nói được là đức tin siêu nhiên. Hay là phải phân biệt tín ngưỡng thiên nhiên, như những người dễ tin các điều về tôn giáo, tin rất nhiều và rất mạnh, nhưng có điều sai lầm, không nên tưởng là họ có đức tin theo nghĩa siêu nhiên, nhưng có khi họ làm được hay nhận được những việc lạ lùng. Ở đây, có thể hiểu về cả hai nghĩa này; nhưng phải hiểu Thiên Chúa khuyên nên cố gắng tập cho có lòng tin hay niềm tin thiên nhiên, để được đức tin siêu nhiên. Nếu có cả hai, dù nhỏ mọn, cũng có giá trị và hiệu lực; càng nhiều càng mạnh bao nhiêu, càng có giá trị và hiệu lực bấy nhiêu. Muốn cho các môn đệ là người Do Thái thời ấy hiểu được rõ ràng, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh, dường như quá mạnh, chỉ do ‘Lòng Thương Xót’. Nhưng Chúa Giêsu biết các môn đệ hiểu theo nghĩa bóng, điều kiện thiên nhiên và siêu nhiên, chứ không hiểu theo nghĩa đen tầm thường.

            (2) Cũng như trong câu chuyện người chủ kia, Chúa Giêsu muốn nói theo nghĩa, đừng ai lấy việc bổn phận của mình làm công ơn, đòi hỏi những điều phi lý. Thực ra, Thiên Chúa vẫn biết có người chủ thương chiều tôi tớ, chứ không phải chủ nào cũng quan liêu phong kiến. Mỗi ví dụ nói riêng về một hai ý, có khi không nói về những việc khác. Không biết vì các môn đệ xin thêm đức tin, nên Chúa Giêsu dặn các ngài đừng kể công nghiệp đã theo Chúa Cứu Thế, đã nghe lời Chúa Cứu Thế mà tha thứ cho anh em chăng. Hay là cũng đừng lấy việc tha thứ làm khó, Thiên Chúa phải thêm đức tin, người ta mới thi hành được. Có dịp khác Chúa Giêsu phán về đức tin, các ngài cũng đã xin như thế. Bao giờ Thiên Chúa cũng muốn cho người ta có đức tin, có cho đúng, cho mạnh và cho nhiều; nhưng chính mỗi người phải làm theo bổn phận của mình trong đường thiên nhiên; phải khiêm tốn, suy nghĩ, học hỏi, cầu nguyện, chứ đừng tưởng vì mình đã theo đạo lâu năm, đã làm nhiều việc nào, đã ở vào bậc này hay bậc khác, thì có nhiều công nghiệp với Thiên Chúa, Thiên Chúa phải thêm đức tin cho mình. Nếu mình làm việc đạo chỉ vì hình thức, hay chỉ vì muốn được điều này điều khác cho mình, kể việc đạo như một việc buôn bán với Thiên Chúa, làm công cho Thiên Chúa, chính mình không khiêm tốn, không tập luyện, thì lòng tin vẫn không thêm, thiếu điều kiện thiên nhiên, không chắc được ơn siêu nhiên. Ơn Thiên Chúa vẫn theo luật Thiên Chúa, chỉ do ‘Lòng Thương Xót’, chứ không phải không có một luật lệ nào.

            (3) Làm theo luật lệ hay luật pháp, cũng như làm theo bổn phận, không hẳn là có công nghiệp. Dù một dụng cụ vô tri vô giác, một động vật hữu giác mà vô tri, tùy theo ý chủ, cũng không phải là vô dụng. Nhưng con người phải giữ cho đúng nhân tính, là những khả năng Thiên Chúa đã ban cho mình. Nghĩa là phải thi hành với trí hiểu biết và tình thương yêu, thì công việc của mình mới có giá trị. Vậy ai làm việc bổn phận vì nhận thấy là phần việc của mình nên làm và đáng làm, vì yêu ai nên làm cho người ấy được vui lòng. Việc đó thành công, thì vừa hữu ích, vừa có giá trị. Nếu không thành công, có thể là vô ích, nhưng vẫn có giá trị, vì là việc của con người có lý trí và có tình. Nhưng nếu mình kể công ơn, việc lại mất giá trị, vì chính mình đã kiêu ngạo, ích kỷ; làm vì mình, thì không còn có giá trị đối với chủ hay người này người khác. Người ta có thể sai lầm, Thiên Chúa biết rõ lòng trí của mỗi người. Dù ai có làm được gì chăng, dù có làm vì mến Thiên Chúa và yêu thương người chăng, có đem hết sức lực và tài năng của mình chăng, dù có hiệu quả ích lợi tốt đẹp thế nào, cũng không nên kể công ơn với Thiên Chúa hay với người ta, vì ơn Thiên Chúa ban do ‘Lòng Thương Xót’, và phần mình chưa chắc mình đã làm hết lòng, hết ý và hết sức của mình. Chưa chắc mình đã làm đúng bổn phận của mình. Có khi chưa đáp lại đầy đủ đòi hỏi của Thiên Chúa hay của người ta, nên chính mình không nhận thấy công ơn, lại phải nhận thấy mình vô dụng. Còn một nghĩa khác, là phải có trên phần tối thiểu, không bị bắt buộc, mình tự ý làm, mới có công nghiệp./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy


CN XXVIII  THƯỜNG NIÊN C  (Lc 17,11-19)
                        (9.Oct.2016)

1. Bài Đọc
            “Trên đường lên Giêrusalem (1), Chúa Giêsu đi qua biên giới hai miền Samaria và Galilê. Lúc Người vào một làng kia thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa (2) và kêu lớn tiếng: ‘Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương chúng tôi!’. Thấy vậy, Chúa Giêsu bảo họ: ‘Hãy đi trình diện với các tư tế’. Đang khi đi thì họ đã được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa.
            “Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn. Anh ta lại là người Samaria (3). Chúa Giêsu mới nói: Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?’. Rồi Người nói với anh ta: Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh”.

2. Chú Thích
            (1) Trên đường lên Giêrusalem: Sau khi Chúa Giêsu  giảng dạy về việc phục vụ với tinh thần khiêm tốn. Chúa Giêsu và các môn đệ lên Giêrusalem.
            (2) Dừng lại đằng xa: Theo luật thời đó, những người bị bệnh phong hủi không được gần gũi và tiếp xúc với cộng đồng.
            (3) Samaria: Miền Trung Palestine, thành lập từ đời vua Amri, đến sau vua Hiếtcan tái thiết, chừng hơn 100 năm trước Chúa Giêsu. Tuy dân tộc vẫn là con cháu Israel, nhưng lai giống người ngoại giáo. Vẫn tin độc thần, nhưng chỉ tin bộ Ngũ Kinh của người Do Thái, không tin các sách khác, và có đền thờ riêng ở Caridin, không lên đền thờ Giêrusalem, nên bị người Do Thái ở Giuđê kể như người có tội và ngoại giáo, còn gọi là ngoại bang. Hai bên thù oán khinh bỉ nhau. Có nhà đạo sĩ Do Thái đã bảo: ‘Nước người Samaria còn dơ bẩn hơn huyết lợn!’. Người Samaria phá phách giết hại người Do Thái, có lần họ lấy xương người vứt vào trong đền thánh.

3. Suy Niệm
            (1) Người phong hủi là một người bị bệnh tật rất đau khổ, một loại bệnh nan y không có thuốc chữa, đã từng nghe tiếng Chúa Giêsu hay làm phép lạ cứu giúp. Trong dịp này, có người chưa tin tôn giáo Do Thái, dường như Chúa Giêsu muốn nhắc nhủ với mọi người, có những lúc cần phải đến với người đại diện Thiên Chúa để được ơn của Thiên Chúa, nên bảo mấy người kia đến trình diện với chính tế. Dĩ nhiên, không phải vì Thiên Chúa không thể ban ơn trực tiếp. Nhưng có những lúc vì có điều kiện thế nào, cần cho người ta phải nhớ Thiên Chúa muốn dùng trung gian hữu hình. Ai không biết vì những điều kiện hữu hình hay vô hình thế nào, không rõ tâm trạng người ta làm sao, không nên khinh phiêu hay khinh thị một bên nào. Vẫn hay vô hình, trước là Thiên Chúa và các thánh, sau là ý tưởng và tâm tình của người ta, thì cần hơn hữu hình; nhưng bao lâu còn sống dưới đất này, có nhiều lúc hữu hình, như những ngôn ngữ, cử chỉ vật chất cũng rất cần. Nhưng cần vì theo và giúp vô hình, chứ không phải không có hay phản ngược vô hình. Theo đó, với tinh thần và ý nghĩa tôn giáo cho chính đáng, có những lúc gặp được người đại diện Thiên Chúa, hoặc có thể dùng ngôn ngữ, cử chỉ, hay những thứ vật chất thế nào, theo Giáo Quyền chỉ định, thì mình nên thực hiện. Nếu có lòng khinh phiêu hay khinh thị thì không đẹp lòng Thiên Chúa. Nhưng đừng tưởng chỉ có những người đại diện và những thứ hữu hình là đủ, Thiên Chúa đã giao toàn quyền cho các ngài và các thứ ấy, không có thì người ta không được ơn Thiên Chúa, hay là có thể mất linh hồn. Có ý tưởng như thế là sai lầm, dị đoan, mất lòng Thiên Chúa, Đấng đầy ‘Lòng Thương Xót’.

            (2) Vì thế, khi chỉ có một người kia trở lui chúc tụng Thiên Chúa, tạ ơn Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu khen người ấy và trách chín người kia. Khen vì một người ngoại bang chưa tin tôn giáo như người Do Thái, lại biết ý Thiên Chúa và luật Thiên Chúa trong việc hữu hình và vô hình. Trước đã biết vâng lời Thiên Chúa, ra đi bày tỏ cùng chính tế, sau lại biết phải trở lui, đem ngôn ngữ và cử chỉ của mình để tạ ơn Thiên Chúa. Chín người kia không trở lui, không hẳn là vong ơn; nhưng có khi vì không để ý, hay là tưởng không cần phải có những việc bề ngoài. Thiên Chúa không trách những người bị ngăn trở thế nào, nên không có những việc hữu hình. Nhưng Thiên Chúa trách người có thể thi hành những việc ấy, lại khinh phiêu hay là lười biếng, bỏ qua đi. Hay là Thiên Chúa trách những người không biết phân biệt việc này việc khác, việc gì nên làm trước, việc gì có thể làm sau. Biết đâu trong những người không trở lui để biểu lộ tâm tình chúc tụng và tạ ơn ‘Lòng Thương Xót của Thiên Chúa’, lại có người theo lời chính tế hay là theo những tục lệ của mình, còn lo làm việc gì khác. Có khi họ ngờ là việc tôn giáo, nhưng họ đã không để ý đến việc tôn giáo trước hết là phải chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa; không có việc gì khác, hữu hình hay vô hình, có thể thay thế những việc này.

            (3) Vẫn hay Thiên Chúa không cần gì cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa muốn người ta sống đúng luật của Thiên Chúa về con người. Vì ý tưởng thì hiểu biết phải tỏ lòng nhớ ơn, vì tâm tình thì vui sướng thỏa mãn khi mình tỏ lòng nhớ ơn, và khó chịu bứt rứt lúc mình bỏ qua những việc này. Ai không cảm thấy như thế thì không còn làm người, không bằng cầm thú. Luật Thiên Chúa rất khéo, không những Thiên Chúa đặt những đòi hỏi thiên nhiên như thế trong lý trí và tâm tình người thụ ơn, Thiên Chúa lại đặt cả nơi người thi ơn. Dấu hiển nhiên, là chính những người cao thượng biết không nên đòi hỏi người ta nhớ ơn, nhưng cũng không tránh khỏi đau đớn buồn phiền khi thấy người ta vong ơn phụ bạc, nhất là họ trở lại làm hại mình. Đáng tiếc có lối giáo dục dựa vào những đòi hỏi thiên nhiên đó mà dạy nếu không nhớ ơn thì sẽ bị phạt, người ta không còn giúp đỡ mình. Khiến cho có người tạ ơn với những ý tưởng để cho ân nhân sẽ còn giúp mình nhiều việc khác, thì đâu còn phải là tạ ơn, nhưng chỉ là mua chuộc. Hay là có người thù oán những kẻ không tạ ơn mình, thì mình trở nên người bán việc cho có lời, chứ không phải là người giúp đỡ để thi ân. Cũng đáng tiếc những lối giáo dục tổ chức thế nào, làm cho có những người không còn sống đúng con người, không những dễ dàng phụ phàng ơn nghĩa, lại còn làm hại ân nhân của mình, dù họ chỉ giúp đỡ mình trong việc dễ dàng nhỏ mọn; nếu là việc khó khăn, quan trọng, lâu dài, thì càng quái gở đến thế nào. Như có những người giải thích về khía cạnh làm việc có tiền công, hay là tình cờ, hoặc là bổn phận, rồi tự miễn cho mình lòng nhớ ơn. Không những đối với người ta, không nên giải thích như thế; lại đối với Tạo Hóa, mình càng phải nhận bao nhiêu những thứ mình hưởng thụ, từ sinh đến tử, đều nhờ ‘Lòng Thương Xót’ của Ngài, thì mình càng phải nhớ ơn Ngài. Cũng không nên đổ cho Ngài những thứ đau khổ của mình hay của người khác, để cho chính mình hay người khác không nhớ ơn, lại sinh lòng oán hận Ngài./-
                                                @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy