Thứ Bảy, 17 tháng 9, 2016

5 Phút cho Lời Chúa 17/9/2016

Filled under:

KIÊN TRÌ GIEO HẠT LỜI CHÚA
“Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả.” (Lc 8,15)
Suy niệm: Kể dụ ngôn này với các môn đệ, Chúa Giê-su bị giới lãnh đạo Do Thái chống đối ra mặt. Nhưng Người vẫn kiên trì tiếp tục sứ vụ của mình: rao giảng, dạy dỗ, chữa bệnh, trừ quỉ… Người làm việc như một người gieo hạt cần mẫn. Dẫu biết rằng có những hạt giống rơi trên vệ đường, trong bụi gai, trên đá sỏi sẽ không sống được nhưng người gieo vẫn cứ gieo vì biết có rất nhiều hạt khác rơi trên đất tốt, hứa hẹn một mùa gặt chắc chắn sẽ đến.
Mời Bạn: Bức tranh thế giới hôm nay thật ảm đạm: ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính, khoảng cách giàu nghèo, khủng bố, chiến tranh, nợ nước ngoài, đại dịch HIV/AIDS. Thêm vào đó là: tham nhũng hối lộ, đạo đức suy thoái, cơ chế bất công, nội chiến triền miên, thất nghiệp, giáo phái lộng hành…. Tuy vậy người môn đệ Đức Ki-tô vẫn tin tưởng vào chiến thắng cuối cùng của Nước Thiên Chúa. Cùng với Chúa Giê-su họ tham gia vào cuộc chiến chống lại ác thần, không để mình bị bóp nghẹt bởi thế lực của tội lỗi.
Sống Lời Chúa: Biết bao người đang dấn thân xây dựng xã hội công bằng bác ái. Họ là những mảnh đất tốt đang đón nhận hạt giống Lời Chúa và đang sinh hoa kết trái. Tôi vui mừng tạ ơn Chúa và quyết tâm kiên trì dấn thân cho Nước Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù cuộc sống không luôn mỉm cười với con, nhưng xin cho con luôn sống vui tươi và tín thác nơi Chúa. Khi con bị cám dỗ chùn bước hay buông thả, xin cho con biết nắm chặt bàn tay Chúa để Chúa sẽ dìu con lên. Amen.

Thánh Robert Bellarmine
(1542-1621)
Khi Robert Bellarmine thụ phong linh mục năm 1570, vấn đề học hỏi lịch sử Giáo Hội và các Giáo Phụ bị lãng quên một cách đáng buồn. Ngay từ thời thanh niên ở Tuscany, ngài đã có triển vọng là một học giả nổi tiếng, vì ngài dành nhiều thời giờ nghiên cứu về những đề tài nói trên, cũng như Kinh Thánh, để hệ thống hóa học thuyết Công Giáo nhằm đương đầu với các cuộc tấn công của Tin Lành. Ngài là linh mục dòng Tên đầu tiên làm giáo sư ở Louvain.

Công trình nổi tiếng nhất của ngài là bộ sách Tranh Luận về Những Mâu Thuẫn trong đức tin Kitô Giáo. Đặc biệt nhất là các đoạn nói về thế quyền của đức giáo hoàng và vai trò của giáo dân. Ngài chọc tức cả nước Anh và nước Pháp khi chủ trương rằng thần quyền của các vua chúa không thể tồn tại. Ngài khai thác học thuyết về thẩm quyền gián tiếp của đức giáo hoàng trong các giao tế nhân sự; mặc dù ngài bảo vệ đức giáo hoàng chống với triết gia Barclay, ngài cũng bị Đức Giáo Hoàng Sixtus V tức giận.

Bellarmine được Đức Giáo Hoàng Clement VIII tấn phong hồng y là vì "ngài chưa được những gì xứng với tài học." Trong khi sống ở Vatican, Bellarmine không thua gì các nhà tu khổ hạnh. Ngài giới hạn các chi tiêu cá nhân tới mức tối đa chỉ còn những gì thật cần thiết, ngài ăn các thực phẩm dành cho người nghèo. Được biết là ngài đã chuộc một người lính bị sa thải khỏi quân đội, và dùng các màn cửa trong dinh cơ của ngài để may quần áo cho người nghèo, vì theo ngài nói, "Các vách tường không thể bị cảm lạnh được."

Một trong những công việc của ngài là trở nên thần học gia của Đức Giáo Hoàng Clement VIII, và chuẩn bị hai bộ giáo lý có ảnh hưởng rất lớn trong Giáo Hội.

Sự khó khăn sau cùng lớn nhất trong đời Bellarmine là năm 1616 khi ngài phải khiển trách người bạn của ngài là Galileo, người mà ngài rất khâm phục. Bellarmine đại diện cho Tòa Thánh chuyển trao văn thư cảnh cáo, mà trong đó quyết định rằng lý thuyết về thái dương hệ của Galileo thì trái với Phúc Âm. Sự khiển trách chung quy là một lời cảnh cáo đừng đề cao các lý thuyết chưa được hoàn toàn chứng minh -- khác với giả thuyết. Đây là một thí dụ điển hình cho thấy các thánh vẫn có thể sai lầm.

Bellarmine từ trần ngày 17-9-1621. Tiến trình phong thánh cho ngài được bắt đầu năm 1627 nhưng bị đình hoãn cho đến năm 1930 vì lý do chính trị, phát xuất từ các văn bản của ngài. Vào năm 1931, Đức Giáo Hoàng Piô XI tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Lời Bàn
Sự canh tân Giáo Hội mà Công Đồng Vatican II theo đuổi thì thật khó cho nhiều người Công Giáo. Trong sự thay đổi, nhiều người cảm thấy thiếu xót một hướng dẫn vững chắc từ giới có thẩm quyền. Họ mong muốn có những lý luận chính truyền vững như bàn thạch, và một mệnh lệnh cứng cỏi có xác định thẩm quyền hẳn hoi.

Trong văn kiện Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Công Đồng Vatican II đảm bảo chúng ta rằng, "Có nhiều thực thể không thay đổi và có nền tảng thực sự từ Đức Kitô, Đấng hôm qua cũng như hôm nay, và mãi mãi ."

Thánh Robert Bellarmine đã hy sinh cuộc đời để nghiên cứu Kinh Thánh và học thuyết Công Giáo. Các văn bản của ngài giúp chúng ta hiểu rằng, không chỉ có nội dung đức tin là quan trọng, mà còn chính con người sống động của Đức Giêsu Kitô--như được biểu lộ qua sự sống, sự chết và sự sống lại của Người--đó là nguồn gốc của ơn cứu độ.

Nguồn gốc thực sự của đức tin không chỉ là mớ lý thuyết nhưng đúng hơn là con người của Đức Kitô hiện đang sống động trong Giáo Hội ngày nay.

Khi từ giã các tông đồ, Chúa Giêsu đảm bảo với họ về sự hiện diện sống động của Người: "Khi Thần Khí của chân lý đến, Ngài sẽ dẫn dắt anh em đến chân lý toàn vẹn" (x. Gioan 16:30).

Lời Trích
"Chia sẻ mối quan tâm với tất cả giáo hội, các giám mục hành xử quyền bính của mình, mà họ đã lãnh nhận qua lễ tấn phong, trong sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng Tối Cao và dưới quyền của người. Tất cả kết hợp thành một tập thể hay thân thể để giảng dạy về Giáo Hội hoàn vũ của Thiên Chúa và để điều hành giáo hội như các mục tử" (Sắc Lệnh về Nhiệm Vụ Mục Vụ của Các Giám Mục, 3).

Lời Nói Không Mất Tiền Mua

Mahatma Gandhi, người đề xướng chủ trương tranh đấu bất bạo động, đến Phi Châu. Ông vào dùng bữa trong một quán ăn bình dân. Sau khi dùng bữa, ông trả tiền và nói với người giúp bàn: "Xin cám ơn vì sự tử tế của anh". Người giúp bàn trả lời: "Thưa ngài, tôi sẽ không bao giờ quên ngài. Từ 25 năm phục vụ ở đây, tôi chưa bao giờ nghe được một tiếng cám ơn".
"Lời nói không mất tiền mua. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau". Một tiếng cám ơn, một lời chào hỏi, nếu được thực thi với tất cả chân tình là một biểu lộ của một lòng tin sâu sắc. Nói một tiếng cám ơn, biểu lộ một cử chỉ thân thiện với người khác là muốn nói lên rằng tình liên đới giữa con người là một điều thiết yếu và ta cần có người chung quanh để sống với. Nói một tiếng cám ơn với người nào đó là khẳng định giá tị và nhân phẩm của người đó. Nhưng ở đời, có ai mà không cho ta một món quà hay không dạy ta bất cứ bài học nào đó.