Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

Luyện ngục trên thế gian

Filled under:

Theo các thần học gia, các giáo phụ và các vị tiến sĩ giáo hội, đau khổ nơi luyện ngục là việc trì hoãn hưởng hạnh phúc thiên đàng.

Các linh hồn chịu đau khổ vô cùng vì khao khát hưởng Tôn nhan Chúa. Họ yêu mến Chúa mãnh liệt và muốn được ở bên Ngài. Họ được xác nhận là tốt lành và chắc chắn được hưởng hạnh phúc thiên đàng, nhưng họ cũng biết rằng đáng lẽ họ đang được hưởng sự sống vĩnh hằng nếu họ đã chuẩn bị từ khi còn sống trên thế gian. Như vậy, đau khổ đầu tiên nơi luyện ngục là sự chờ đợi – chính sự chờ đợi này thanh luyện họ.
Giáo huấn của các thần học gia là đau khổ nơi luyện hình thường nhiều hơn đau khổ trên thế gian. Như vậy, chịu một ít đau khổ trên thế gian với tinh thần sám hối và yêu mến, cùng với ý hướng chịu đau khổ để thanh luyện tâm hồn mình, thì có nhiều ích lợi hơn – một ít đau khổ trên thế gian có thể tránh được nhiều đau khổ nơi luyện hình. Do đó, chúng ta nên muốn sống tinh thần luyện hình trên thế gian càng nhiều càng tốt. Cách đầu tiên chúng ta có thể thực hiện là CẦU NGUYỆN.

Cầu nguyện và đau khổ

Thánh Gioan Thánh giá có một bài thơ về sự đau khổ mà linh hồn trải nghiệm khi khao khát Thiên Chúa. Trong bài thơ này, ngài thường xuyên dùng cách nói: “Tôi chết mà tôi không chết”. Ngài có ý nói là ngài chết (nghĩa là chịu đau khổ dữ dội) vì ngài chưa có thể vào thiên đàng (vì thế, ngài chờ cái chết về thể lý). Thánh Gioan Thánh Giá đã nếm thử điều gì đó ngọt ngào về Thiên Chúa trong những kinh nghiệm thần bí của việc cầu nguyện, nhưng ngài rất đau khổ vì ngài chưa thể đạt được đỉnh điểm của sự cầu nguyện là hạnh phúc thiên đàng.

Sự cầu nguyện phát triển sự trải nghiệm về những điều nơi thiên đàng trong linh hồn. Trải nghiệm thực tế này (dù chỉ mơ hồ), linh hồn đó càng khao khát được kết hiệp với Thiên Chúa trong vinh quang. Tuy nhiên, linh hồn đó biết mình vẫn phải ở trên thế gian cho đến lúc chết, chính sự tách rời này gây đau khổ dữ dội. Trải nghiệm về điều tốt lành của Thiên Chúa thì không có gì trên thế gian có thể an ủi linh hồn và ngay cả Thánh Thể cũng chỉ làm cho linh hồn cảm thấy đau khổ; vì càng gần Đức Kitô, linh hồn càng khao khát Nước Trời và càng nhận thấy mình phải chờ cái chết. Tuy nhiên, linh hồn yêu mến Chúa được đầy niềm vui đổ tràn vào những việc lành – có bình an tâm hồn, nhưng cũng quá đau khổ.

Sự khao khát từ việc cầu nguyện chân thành này là “gần như luyện ngục” (quasi-purgatory) trên thế gian – nỗi đau khổ mạnh mẽ do lòng khao khát được lấp đầy. Cũng như luyện ngục, nỗi đau khổ của lời cầu nguyện đang thanh luyện: Linh hồn càng khao khát Chúa càng xa tránh tội lỗi và dịp tội. Ước muốn kết hợp với Đức Kitô, linh hồn trở nên giống Ngài hơn. Đau khổ này, dù có thể không dữ dội như đau khổ nơi luyện hình, đáng giá hơn và hiệu quả hơn đau khổ nơi luyện hình – bởi vì, nếu chỉ những hy sinh nhỏ trên thế gian cũng cứu chúng ta thoát nhiều đau khổ nơi luyện hình. Khao khát đau khổ từ lời cầu nguyện mau đưa chúng ta lên thiên đàng biết bao!

Chúng ta có thể tiến xa hơn và nói rằng đau khổ nơi luyện hình vượt trên đau khổ ở trần gian, cho nên quá nhiều đau khổ gây ra cho linh hồn khao khát nhìn thấy Chúa cũng vượt trên mọi đau khổ ở trần gian. Niềm vui sướng của việc cầu nguyện đều là niềm vui nhục thể, cho nên đau khổ từ lời cầu nguyện vượt trên mọi đau khổ thể lý! Tuy nhiên, đừng sợ cầu nguyện về điều này. Dù có đau khổ và đau khổ thật, nhưng vẫn ngọt ngào! Đó là loại đau khổ mà chúng ta không muốn chấm dứt, ngoại trừ việc hoàn thành lời cầu nguyện trong niềm vui của Nước Trời.

Bài thơ của thánh Gioan Thánh giá về linh hồn chịu đau khổ vì khao khát Thiên Chúa

Con đang sống, nhưng không phải con sống trong con, và con hy vọng rằng con chết mà con không chết.

1. Con không sống trong con nữa và con không thể sống thiếu Chúa, vì không có Ngài hoặc không có con thì sự sống sẽ là gì? Đó sẽ là một ngàn lần chết, là khao khát sự sống thật và con đang chết mà con không chết.

2. Sự sống mà con đang sống không hề là sự sống, và như thế con tiếp tục chết cho đến khi con sống bên Ngài; lạy Chúa, xin lắng nghe con: Con không muốn sự sống này, con đang chết mà con không chết.

3. Khi con ở xa Ngài, sự sống nào con có thể sống ngoại trừ phải chịu đựng cái chết cay đắng nhất? Con tự tội nghiệp con, vì con tiếp tục sống, con đang chết mà con không chết.

4. Con cá ra khỏi nước sẽ có sự an ủi này: Chịu đựng cơn hấp hối cho đến lúc chết. Cái chết nào có thể tương đương sự sống đáng thương của con? Vì con càng muốn sống thì càng rút cạn cơn hấp hối của con.

5. Khi con cố tìm sự an ủi trong lúc con thấy Chúa trong Bí tích Thánh Thể, con thấy đó là nỗi buồn quá đỗi: Con không thể nào vui mừng. Mọi sự là đau khổ vì con không thấy Ngài khi con khao khát, và con chết mà con không chết.

6. Lạy Chúa, nếu con vui mừng hy vọng thấy Chúa, nhưng con biết con có thể mất Chúa, gấp đôi nỗi sầu khổ của con. Sống trong nỗi sợ hãi như vậy và hy vọng như con hy vọng, con chết mà con không chết.

7. Lạy Chúa, xin nâng con lên khỏi sự chết này và ban cho con sự sống, đừng giữ con nối kết với hệ lụy này quá mạnh; xin biết con khao khát gặp Ngài biết bao; tình trạng khốn khổ của con quá đầy đủ đến nỗi con chết mà con không chết.

8. Con sẽ kêu gọi Tử thần và than khóc đời con khi con bị giam giữ tại đây vì tội con. Lạy Chúa, khi điều đó xảy ra con có thể thật lòng thân thưa: “Hiện nay con đang sống chứ con không chết”.


TRẦM THIÊN THU
 (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)

Có mấy cơ hội được cứu độ?
Tháng Mười Một lại về. Tháng Mười Một nhắc nhở chúng ta về thân phận con người. Thời điểm cuối năm. Cuối năm nhắc nhở chúng ta về cuối đời, vì sớm muộn gì thì chúng ta cũng… chết. Đó là điều chắc chắn. Lúc chết là lúc tận thế của riêng cuộc đời mình.
Nhưng liệu chúng ta có mấy cơ hội được cứu độ? Kinh thánh nói rõ rằng chết là chấm dứt mọi cơ hội: “Phận con người là phải chết một lần, rồi sau đó chịu phán xét (Dt 9:27). Thánh Phaolô nói quá rõ ràng, không hề mơ hồ chút nào. Và chắc chắn ai cũng chỉ một lần chết. Hai năm rõ mười. Trắng đen rạch ròi.
Chết là hết cơ hội “làm lại cuộc đời”. Hối hận muộn màng. Nhưng khi còn sống thì chúng ta có nhiều cơ hội được cứu độ, không chỉ lần hai, lần ba, lần bốn,… mà thậm chí là lũy thừa n lần, nếu biết chân nhận Đức Kitô là Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai TIN vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). “Được sống muôn đời” nghĩa là “được cứu độ”. Còn Thánh Phaolô nói: “Nếu miệng bạn tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, và lòng bạn TIN rằng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại từ cõi chết, thì bạn sẽ ĐƯỢC CỨU ĐỘ. Quả thế, có TIN thật trong lòng, mới ĐƯỢC NÊN CÔNG CHÍNH; có xưng ra ngoài miệng, mới ĐƯỢC ƠN CỨU ĐỘ” (Rm 10:9-10).

Sách Công vụ kể chuyện viên cai ngục hỏi ông Phaolô và ông Xila: “Thưa các ngài, tôi phải làm gì để ĐƯỢC CỨU ĐỘ?” (Cv 16:30), hai ông nói ngay: “Hãy TIN vào Chúa Giêsu, ông và cả nhà sẽ ĐƯỢC CỨU ĐỘ” (Cv 16:31). Rõ ràng TIN thì phải TIN trước, chứ khi chết rồi thì chẳng còn cơ hội nào khác. May mắn thì vào Luyện Ngục (Luyện Hình). Truyền thống Công giáo tin rằng Luyện Ngục là nơi người ta vào để thanh luyện, để đền tội mình.

Để hiểu được điều gì xảy ra sau khi chết đối với những người không tin, sách Khải Huyền nói: “Bấy giờ tôi thấy một ngai lớn màu trắng và thấy Đấng ngự trên đó. Đất và trời biến mất trước mặt Người, không để lại dấu vết. Rồi tôi thấy những người chết, lớn cũng như nhỏ, đứng trước ngai. Sổ sách đã mở sẵn; rồi một cuốn khác cũng đã mở ra: đó là Sổ Trường Sinh. Các người chết được xét xử tuỳ theo việc họ đã làm, chiếu theo những gì đã được ghi chép trong sổ sách. Biển trả lại những người chết nó đang giữ; Tử thần và Âm phủ trả lại những người chết chúng đang giữ, và mỗi người chịu xét xử tuỳ theo các việc đã làm. Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:11-15). Điều xảy ra là “người chết bị xét xử theo những gì họ đã làm khi còn sinh thời”.

Thánh Phaolô cho biết: “Trước nhan Chúa, không người phàm nào được nhìn nhận là công chính vì đã làm những gì Luật dạy. Luật chẳng qua chỉ làm cho người ta ý thức về tội” (Rm 3:20), nghĩa là Luật giúp người ta nên công chính, nhưng “người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3:28). Tác giả Thánh vịnh xác định: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài”(Tv 130:3-4). Thật vậy, ngay cả việc chúng ta ca tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Chúa nhưng lại sinh ích lợi cho chính chúng ta. Những người bị xét xử theo công việc và tư tưởng thì bị “án chung thân” nơi Hỏa Ngục. Nhưng những người TIN VÀO ĐỨC KITÔ lại không bị xét xử theo “sổ sách” ghi các hành động của mình, mà tên tuổi họ được ghi trong một cuốn khác, đó là “Sổ Trường Sinh của Con Chiên” (Kh 21:27). Đó là những người đã TIN VÀO ĐỨC KITÔ, và chỉ những người này mới được vào Nước Trời – nghĩa là ĐƯỢC CỨU ĐỘ.

Vấn đề để hiểu điều này là Sổ Trường Sinh. Bất kỳ ai được ghi tên vào Sổ đó thì “đã được chọn từ trước khi tạo thành vũ trụ”(Ep 1:4) vì Ơn Cứu Độ của Chúa là một phần của Giáo hội Đức Kitô. Chính Ngài đã chọn chúng ta, đã cứu thoát chúng ta, và sẽ cứu độ chúng ta: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa” (Rm 8:39). Chúa Giêsu tuyên bố:“Những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 6:37), và “tất cả những người Chúa Cha ban cho tôi đều sẽ đến với tôi, và ai đến với tôi, tôi sẽ không loại ra ngoài” (Ga 10:28). Đối với những người tin, không cần cơ hội thứ hai vì một cơ hội cũng là đủ.

Còn những người không tin? Họ không ăn năn và không tin thì họ có cơ hội nào khác? Chắc chắn là KHÔNG, vì trái tim họ đã xơ cứng, họ không còn cơ hội thay đổi vì họ đã chết. Tâm trí họ “đối nghịch” với Thiên Chúa và không chấp nhận Ngài ngay cả khi trực diện. Thánh sử Luca kể chuyện một người giàu và Ladarô. Người giàu nói với ông Ápraham: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này” (Lc 16:27-28). Ápraham nói: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16:29). Người giàu năn nỉ: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối” (Lc 16:30). Ông Ápraham phân tích: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin” (Lc 16:31).

Trái tim xơ cứng vì cố chấp. Mà cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần: “Ai nói phạm đến Con Người thì được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12:32).

Nhưng dù ai ở đâu thì vẫn phải quy phục Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói rõ: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11).

Chẳng chóng thì chày, rồi mọi người sẽ phải bái thờ Đức Giêsu mà chân nhận Ngài là Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế. Nhưng đợi đế lúc đó thì đã quá trễ, không thể được cứu độ nữa. Sau khi chết, ai cũng bị phán xét: “Tử thần và Âm phủ bị quăng vào hồ lửa. Hồ lửa này là cái chết thứ hai. Ai không có tên ghi trong Sổ trường sinh thì bị quăng vào hồ lửa” (Kh 20:14-15). Dù với ý khác, khi nói về những người đã chết rồi còn bị trái pháo làm tan xương nát thịt trong chiến tranh, nhưng cố NS Trịnh Công Sơn cũng có cách nói tương tự: “Người chết hai lần, thịt da nát tan…”.

Đó là lý do mà chúng ta phải TIN vào Đức Kitô, và phải TÍN THÁC vào Lòng Chúa Thương Xót, có vậy mới khả dĩ ĐƯỢC CỨU ĐỘ.

Lạy Chúa, xin ban lại cho chúng con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng chúng con (Tv 51:14). Xin thương xót chúng con, và xin thương cứu các linh hồn. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.


TRẦM THIÊN THU


Tại Sao Người Công Giáo Cầu Nguyện Với Các Thánh?


Cũng như các Kitô hữu, người Công giáo tin có sự sống đời sau, nhưng họ cũng tin rằng mối quan hệ của chúng ta với các Kitô hữu khác không chấm dứt vì sự chết. Người Công giáo cầu nguyện với các thánh là nhận thức sự hiệp thông này.
  • Người Công giáo có tin là các thánh nên được tôn kính?
  • Tại sao người Công giáo cầu nguyện với các thánh?
  • Có khác nhau giữa cầu nguyện và tôn thờ?
Trả lời:

1. Hiệp thông với các thánh.

Cũng như các Kitô hữu khác, người Công giáo tin có sự sống sau sự chết. Họ sống tốt và chết trong niềm tin vào Đức Kitô sẽ được chia sẻ sự phục sinh của Ngài, như Kinh thánh đã cho chúng ta biết.
Khi sống với nhau trên trái đất với cương vị Kitô hữu, chúng ta cùng hiệp thông hoặc liên kết với nhau. Nhưng sự hiệp thông đó không chấm dứt cả khi chúng ta chết. Chúng ta tin rằng mọi Kitô hữu trên trời, chư thánh, vẫn hiệp thông với chúng ta còn trên dương thế. Như vậy, khi chúng ta xin bạn bè hoặc gia đình cầu nguyện cho chúng ta, chúng ta cũng có thể đến gần một vị thánh bằng lời cầu nguyện.

2. Sự khác nhau giữa cầu nguyện và tôn thờ.

Thật sai lầm khi nhiều Kitô hữu cho rằng người Công giáo không nên cầu nguyện với các thánh, chỉ nên cầu nguyện trực tiếp với Thiên Chúa. Một số người Công giáo phản ứng với cách phê bình này và tranh luận rằng chúng ta không cầu nguyện với các thánh mà cùng các thánh cầu nguyện.
Tuy nhiên, cả hai nhóm đều lẫn lộn với cầu nguyện và tôn thờ. Tôn thờ thực sự (ngược với sự sùng kính hoặc tôn kính) chỉ thuộc về Thiên Chúa, và chúng ta không bao giờ tôn thờ con người hoặc bất kỳ một thụ tạo nào mà chỉ tôn thờ Thiên Chúa. Nhưng khi sự tôn thờ có dạng cầu nguyện, như trong Thánh lễ và các nghi thức phụng vụ khác của giáo hội, không phải tất cả mọi lời cầu nguyện là sự tôn thờ. Khi chúng ta cầu nguyện với các thánh, chúng ta chỉ xin các ngài giúp đỡ chúng ta, bằng cách cầu nguyện với Thiên Chúa thay chúng ta, hoặc tạ ơn các ngài đã nguyện giúp cầu thay.

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Catholicism.about.com)