Ở miền Bắc Côte d’Ivoire, linh mục trẻ Jean Ollo Kansie tận hiến đời mình cho các trẻ em xuất thân từ những gia đình nghèo như mình. Ở Nhà Tuổi Thơ do cha thành lập, cha mang hy vọng đến cho các em đã từng nếm cảnh đau khổ.
Điều đánh động đầu tiên hết là từng đoàn trẻ con từ 10 đến 12 tuổi bám chung quanh cha. Cha Jean Ollo Kansie, 34 tuổi, dáng mảnh khảnh, nụ cười luôn trên môi, thật khó cho cha khi đi trên đường phố Bouaké mà không bị trẻ con đi theo reo hò. Cha thuộc lòng ngõ ngách của thành phố lớn thứ nhì của Côte d’Ivoire mà cha ở đây từ hai năm nay.
Dân chúng ở đây nếm cảnh nghèo khổ sau mười năm sống ở “thủ đô” của lực lượng đối lập với cựu Tổng thống Laurent Gbagbo.
Trẻ con ăn xin trước cửa các tiệm ăn, chúng nhận ra cha ngay. Cha Jean điều hành Nhà Tuổi Thơ, mỗi ngày cha đón tiếp khoảng ba mươi em trong số các em ăn xin này, giúp các em học đọc, học viết và học nghề.
“Cách đây 25 năm, tôi là một trong số các em nghèo này”
Khi cha không ở Nhà Tuổi Thơ thì cha ở trung tâm giáo dục các thiếu nữ nghèo, ở một làng cách Bouaké ba mươi phút đường mòn. Cha tự hào giới thiệu hai trung tâm của mình nhưng cha ít nói. Phải chờ đêm về trời mát và chờ cha về cộng đoàn của mình nơi cha sống với bốn thầy khác cha mới nói chuyện. Tại sao cha hy sinh tất cả cho các em này? “Vì 25 năm trước, tôi là một trong số các em này .”
Ngồi lún trong chiếc ghế bành cũ, cha kể quá trình của mình không chút ngại ngùng: cha người burkinabê, sinh ở Abidjan, thân phụ bỗng bị bệnh và chỉ trong vài tháng, gia đình rơi vào cảnh khốn khó cùng cực. Cha nhớ lại, “gần như đầu hôm sớm mai, chúng tôi buộc phải rời Côte d’Ivoire để đến Burkina Faso, cha mẹ tôi là người gốc ở đó. Chúng tôi không quen biết ai ở đây”.
Cha kể những năm này bốn anh chị em cha sống trong một căn phòng nhỏ xíu: đời sống ở ngoài đường, đi ăn xin, ban đêm ngủ ở ngoài. “Chúng tôi lội bùn để tìm gỗ đem về bán trong thành phố”, cha kể và cho biết mình học đan rỗ từ khi còn rất nhỏ.
Sinh trưởng trong một gia đình thờ súc vật, sau đó theo Tin Lành và rồi trở lại Công giáo. Cha học đọc nhờ thân phụ của một người bạn, khi đến tuổi vị thành niên, cha được các tu sĩ Dòng Vinh Sơn trong khu phố đỡ đầu. “Đó là bước ngoặc, các tu sĩ này lo cho trẻ con và tôi muốn được giống như họ .”
Cuộc gặp gỡ này kèm theo cuộc gặp gỡ với một người chú làm linh mục đã thúc đẩy người thanh niên sinh trong một gia đình thờ súc vật qua đạo Tin Lành rồi từ đó qua đạo Công giáo. Tôi thích khía cạnh “bụi đời” của Chúa Giêsu, Ngài sống gần như không có gì và không sợ ngày mai. Nhưng tôi cũng được lôi cuốn qua cách sống của Kitô hữu, họ sống tình huynh đệ anh em mật thiết và mối giây giữa tình đoàn kết này với niềm vui của họ .”
Để giải thích quá trình của mình, cha Jean nhắc đến hình ảnh của người chị cả, người chị luôn hy sinh cho gia đình. “Khi cha tôi lâm bệnh, chị Corinne bỏ học để lo cho chúng tôi. Trong khi mẹ tôi lo cho cha tôi, một tay chị nuôi dạy chúng tôi .” Bây giờ thân phụ của cha đã chết và mẹ bị khuyết tật nặng.
“Cái chết của chị là ngòi chích của tôi”
“Chị tôi không bao giờ nghi ngờ gì về tôi, chị nâng đỡ tôi hoàn toàn. Không có chị, tôi sẽ không bao giờ học đến bậc tú tài, rồi học lên thần học. Năm 2009 chị tôi chết vì kiệt sức nặng, lúc đó tôi một nhận ra chị tôi không bao giờ đi ra được cảnh nghèo khó. Đó là một năm trước khi tôi được chịu chức .” Sáu năm sau, vết đau này vẫn còn nóng và kỷ niệm về cái chết của chị là ngòi chích cho tôi. Cha nhẹ nhàng nói, “khi tôi nản chí, chị thúc tôi phải vượt lên .”
Vài giờ trước đó, sau bữa ăn sáng, khi nhìn trẻ con vui chơi, cha thổ lộ: “Khi tôi nhìn mấy đứa con nít này, thấy những khó khăn chúng gặp và cách chúng tiến tới, tôi thấy tôi ở nơi chúng. Trong lòng, tôi nghĩ những chuyện này đã làm cho tôi hòa giải với câu chuyện riêng của mình .”
Những giọt nước mắt của người dì
Cha Jean Ollo Kansie thường hay nhớ cuộc gọi điện thoại của một trong các dì của mình chỉ vài ngày trước khi chịu chức. “Tôi do dự, tôi nghi ngờ chức vụ của tôi. Tôi gọi kể cho dì nghe. Dì vừa mua con bò để chuẩn bị cho ngày lễ, dì đã khóc rất lâu .” Những giọt nước mắt của dì đã cho tôi can đảm để bước tới. “Và thế là tôi bước tới. Tôi nhảy vào khoảng không .”
Marta An Nguyễn