Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 14/8/2015

Filled under:

KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt 19,6)
Suy niệm: Bước vào đời sống hôn nhân, ai cũng muốn được sống trăm năm chung thủy với người bạn đời của mình. Thế nhưng, tình trạng ly dị hiện nay xảy ra như cơm bữa, thậm chí được khích lệ một cách nào đó bởi một số quốc gia cho phép ly dị. Tại sao xảy ra thảm cảnh này trong đời hôn nhân? Chúa Giêsu đã giải thích rõ lý do như sau: “vì họ lòng chai dạ đá” (Mt 19,8), chứ ban đầu không có thế đâu. Nói cách khác, vì người ta “lòng chai dạ đá” trước thánh ý của Thiên Chúa, nên người ta xem thường sự chung thủy trong hôn nhân. Chúa Giê-su nói, từ ban đầu, Thiên Chúa nối kết hai người nam nữ và hôn ước của họ có giá trị bất khả phân ly. Khi Chúa Giê-su đến, Ngài đã nâng hôn nhân lên thành bí tích, vừa tác thánh đôi vợ chồng, vừa để đôi vợ chồng dùng tình yêu chung thủy của họ diễn tả sự chung thủy của Chúa Giê-su với Hội Thánh. Chúa Giê-su yêu Hội Thánh đến cùng, vì thế, đời sống hôn nhân đòi buộc hai người vợ chồng bước vào cuộc sống gắn bó với nhau cho đến chết. “Lòng chai dạ đá” đã làm nhiều người cố tình quên điều cốt lõi này của hôn nhân, nên “vội đến, vội đi”, khi hợp khi tan. Vả lại, hôn nhân là một sự chọn lựa, chọn lựa người mình yêu, chứ hôn nhân đâu phải vì thích hay không thích. Chúng ta có thể chọn yêu một người dẫu không thích. Chúa Giêsu chọn chúng ta và làm cho chúng ta đáng yêu đấy thôi!
 Mời Bạn: Hội Thánh dạy, “do hôn ước, người nam và người nữ tạo nên một cộng đồng sống chung suốt đời ”. 
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện cho các đôi vợ chồng được chung thủy với nhau.
Cầu nguyện: Đọc kinh Gia Đình.
 

Thánh Maximilian Mary Kolbe
(1894-1941)
Ngài gia nhập tiểu chủng viện của các cha Phanxicô ở Lwow, Ba Lan, gần nơi sinh trưởng, và lúc ấy mới 16 tuổi. Mặc dù sau này ngài đậu bằng tiến sĩ về triết học và thần học, nhưng ngài rất yêu thích khoa học, có lần ngài phác họa cả một phi thuyền không gian.

Sau khi thụ phong linh mục lúc 24 tuổi, ngài nhận thấy sự thờ ơ tôn giáo là căn bệnh nguy hiểm vào thời ấy. Nhiệm vụ của ngài là phải chiến đấu chống với căn bệnh này. Ngài sáng lập tổ chức Đạo Binh của Đức Vô Nhiễm mà mục đích là chống lại sự dữ qua đời sống tốt lành, siêng năng cầu nguyện, làm việc và chịu đau khổ. Ngài phát hành tờ Hiệp Sĩ của Đức Vô Nhiễm, được đặt dưới sự phù hộ của Đức Maria để rao giảng Phúc Âm cho mọi dân tộc. Để thực hiện công việc ấn loát, ngài thành lập "Thành Phố của Đức Vô Nhiễm" - Niepolalanow -- mà trong đó có đến 700 tu sĩ Phanxicô làm việc. Sau này, ngài thành lập một thành phố khác ở Nagasaki, Nhật Bản. Cả tổ chức Đạo Binh và tờ nguyệt san có đến 1 triệu hội viên cũng như độc giả. Tình yêu Thiên Chúa của ngài được thể hiện hằng ngày qua sự sùng kính Đức Maria.

Năm 1939, Đức Quốc Xã xâm lăng Ba Lan. Thành phố Niepolalanow bị dội bom. Cha Kolbe và các tu sĩ Phanxicô bị bắt, nhưng sau đó chưa đầy ba tháng, tất cả được trả tự do, vào đúng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Vào năm 1941, ngài bị bắt một lần nữa. Mục đích của Đức Quốc Xã là thanh lọc những phần tử tuyển chọn, là các vị lãnh đạo. Cuộc đời Cha Kolbe kết thúc trong trại tập trung Auschwitz.

Vào ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Hắn khoái trá bước dọc theo dãy tù nhân đang run sợ chờ đợi sự chỉ định của hắn như tiếng gọi của tử thần. "Tên này." "Tên kia." Có những tiếng thở phào thoát nạn. Cũng có tiếng nức nở tuyệt vọng.

Trong khi 10 người xấu số lê bước về hầm bỏ đói, bỗng dưng tù nhân số 16670 bước ra khỏi hàng.

"Tôi muốn thế chỗ cho ông kia. Ông ấy có gia đình, vợ con."

Cả một sự im lặng nặng nề. Tên chỉ huy sững sờ, đây là lần đầu tiên trong đời hắn phải đối diện với một sự can đảm khôn cùng.

"Mày là ai?"

"Là một linh mục." Không cần xưng danh tính cũng không cần nêu công trạng.

Và Cha Kolbe được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek.

Trong "hầm tử thần" tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nhưng thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng Tám) chỉ còn bốn tù nhân sống sót. Tên cai tù chấm dứt cuộc đời Cha Kolbe bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay. Sau đó thân xác của ngài bị thiêu đốt cũng như bao người khác.

Cha được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong thánh năm 1981.

Lời Bàn
Cái chết của Cha Kolbe không phải là một hành động anh hùng bất chợt, bốc đồng vào giây phút cuối. Cả cuộc đời ngài đã chuẩn bị cho giây phút đó. Sự thánh thiện của ngài được thể hiện qua niềm khát khao muốn hoán cải cả thế giới mà động lực là tình yêu của ngài dành cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Lời Trích
"Hãy can đảm lên các con. Các con không thấy chúng ta đang trên đường thi hành sứ vụ hay sao? Chúng ta phải trả một giá quá rẻ. Thật may mắn biết chừng nào! Điều bây giờ chúng ta phải làm là chú tâm cầu nguyện để chiếm đoạt càng nhiều linh hồn càng tốt. Và sau đó, chúng ta sẽ thưa với Đức Trinh Nữ là chúng ta rất mãn nguyện để ngài muốn làm gì với chúng ta tùy ý" (Lời Thánh Maximilian Mary Kolbe trong lần bị bắt đầu tiên).