Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 23/8/2015

Filled under:

LỜI ĐEM LẠI SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Ông Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6,68)
Suy niệm: Trong cuốn “Đoạn đầu đài”, nhà văn Aitmatov nhận định: “Tại sao bao tư tưởng của nhân loại sớm tan đi như xà phòng bọt biển? Tại sao cái mới của hôm nay đã là cái cũ của ngày mai mà Lời Giê-su vẫn không cũ đi và không mất sức mạnh của nó?” Nhà văn nổi tiếng và là viện sĩ thuộc Viện Hàn lâm Văn học Liên Xô cũ đã cho chúng ta một nhận định đáng giá nghìn vàng về Lời Chúa. Tại sao Lời Chúa không cũ, không lạc hậu? Tại sao Lời Ngài vẫn luôn có sức mạnh, sức sống cho mọi người ở mọi thời? Tại sao “Lời Chúa đem lại sự sống đời đời”? Thưa, một lý do rất dễ hiểu, bởi vì Lời ấy đang được Chúa Thánh Thần tác động, soi sáng để  thích ứng với mọi người ở mọi độ tuổi trong mọi thời.
Mời Bạn: Trước hai nhận định, một của Phêrô, môn đệ thân tín của Chúa và một của Aitmatov, nhà văn không tin Chúa, bạn hãy tự chất vấn: Tôi đã có thái độ trân trọng Lời Chúa chưa? Tôi có thật sự tin rằng Lời Chúa có sức đem lại hạnh phúc cho đời tôi không?
Chia sẻ: Lời Chúa có vị trí thế nào trong cuộc đời bạn?
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc mỗi ngày dành “5 phút cho Lời Chúa” vì tin rằng Lời Chúa đem lại cho tôi sự sống, hạnh phúc đời đời.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con cũng tuyên xưng như thánh Phê-rô: “Bỏ Thầy chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời”. Xin cho chúng con xác tín giá trị cao quý của Lời Chúa, để chúng con luôn trân trọng, yêu mến lắng nghe, suy niệm và sống Lời ấy. Amen.
 

Thánh Rôsa ở Lima
(1586-1617)
Vị thánh đầu tiên của Tân Thế Giới này có cùng một đặc tính như tất cả các thánh khác -- đó là bị đau khổ vì sự chống đối -- và một đặc tính khác được khâm phục hơn là nên bắt chước -- đó là sự hãm mình đền tội cách quá đáng.

Thánh nữ sinh trong một gia đình Tây Ban Nha ở Lima, Peru, vào lúc Nam Mỹ đang trong thế kỷ truyền giáo đầu tiên. Dường như ngài muốn noi gương Thánh Catarina ở Siena, bất kể những chống đối và nhạo cười của cha mẹ, bạn hữu.

Vì lòng yêu mến Thiên Chúa mà các thánh có những hành động kỳ dị đối với chúng ta, và quả thật đôi khi thiếu khôn ngoan, nhưng đó chỉ để nói lên sự tin tưởng của các ngài là bất cứ điều gì làm nguy hại đến sự tương giao với Thiên Chúa đều bị tiêu trừ. Do đó, vì sắc đẹp của ngài được nhiều người ngưỡng mộ nên Thánh Rôsa đã dùng hạt tiêu chà sát lên mặt để tạo thành các vết sưng xấu xí. Sau này, ngài còn đội một vòng bạc dầy cộm trên đầu, bên trong nhét đinh giống như mão gai.

Khi cha mẹ ngài rơi vào tình trạng khủng hoảng tài chánh, ban ngày Thánh Rôsa phải làm việc nơi đồng áng và ban đêm phải khâu vá để giúp đỡ gia đình. Mười năm dài tranh đấu với gia đình được khởi đầu khi cha mẹ ép buộc ngài phải kết hôn. Cha mẹ ngài không cho đi tu, và vì vâng lời ngài tiếp tục đời sống cô độc và ăn chay hãm mình ngay tại nhà như một thành viên của Dòng Ba Đaminh. Vì lòng ước ao muốn được trở nên giống như Đức Kitô nên hầu hết khi ở nhà, ngài sống trong cô độc.

Trong những năm cuối đời, Thánh Rôsa lập một căn phòng ngay trong nhà để chăm sóc các trẻ em bụi đời, người già yếu và bệnh tật. Đây là khởi đầu của dịch vụ xã hội ở Peru. Mặc dù có cuộc sống và sinh hoạt tách biệt, ngài cũng bị đưa ra trước Toà Thẩm Tra, nhưng các người thẩm vấn không tìm thấy lý do gì khác hơn là ngài bị ảnh hưởng bởi ơn sủng.

Điều chúng ta lầm tưởng rằng đó chỉ là một cuộc sống lập dị thì thực sự đã được biến đổi tự bên trong. Nếu chúng ta nhớ đến cách ăn năn đền tội bất thường của ngài thì chúng ta cũng phải nhớ một điều vĩ đại của Thánh Rôsa: tình yêu Thiên Chúa của ngài quá nồng nhiệt đến nỗi ngài sẵn sàng chịu đựng sự nhạo cười của người đời, chịu cám dỗ mãnh liệt và chịu đau bệnh lâu dài. Khi ngài từ trần năm 31 tuổi, cả thành phố đã tham dự tang lễ của ngài và các chức sắc trong xã hội đã thay phiên nhau khiêng quan tài của ngài.

Lời Bàn
Thật dễ để cho rằng sự ăn năn đền tội quá đáng của các thánh là hình thức bề ngoài của một vài nền văn hóa hay tính khí nào đó. Nhưng hình ảnh một phụ nữ đội mão gai rất có thể đã khích động lương tâm của chúng ta. Chúng ta đang vui hưởng một đời sống đầy đủ tiện nghi nhất trong lịch sử loài người. Chúng ta ăn uống thừa thãi, sử dụng biết bao đồ vật và chất chứa trong tai mắt chúng ta đủ mọi thứ âm thanh và hình ảnh. Giới thương mại vội vã chế tạo các vật dụng không cần thiết để chúng ta tiêu xài. Dường như khi chúng ta ngày càng nô lệ cho các phương tiện vật chất thì lúc ấy sự "tự do" trở nên vấn đề lớn lao. Chúng ta có sẵn sàng rèn luyện tâm linh trong một môi trường như thế hay không?

Lời Trích
"Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mắt mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục" (Mt. 18:8-9).