Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Suy niệm CN 21 TN B

Filled under:

1. Bài Đọc
            “Sau khi nghe lời Chúa Giêsu phán (1), có nhiều người trong hàng môn đệ (2) mới nói: ‘Lời đó chói tai, ai nghe được?’. Biết có những môn đệ lẩm bẩm về chuyện đó, Chúa Giêsu mới bảo họ: ‘Điều ấy làm anh em khó chịu ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở từ trước thì sao? Tinh thần làm cho sinh hoạt, xác thịt nào có ích gì. Những lời Thầy nói với anh em là tinh thần và sinh hoạt. Nhưng trong anh em, có người không tin’. Từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai không tin và ai phản bội Người. Chúa Giêsu mới phán: ‘Vì thế nên Thầy đã nói với anh em: Không ai có thể đến cùng Thầy, trừ phi người nào được Thân Phụ Thầy ban ơn cho họ’. Từ đó, có nhiều môn đệ rút lui, không còn theo Người nữa. Vậy Chúa Giêsu mới phán với 12 Tông Đồ: ‘Còn anh em, anh em cũng muốn ra đi chăng?’. Simon Phêrô thưa lại: ‘Thưa Thầy chúng con sẽ đi theo ai? Thầy có những lời sinh tồn vĩnh viễn. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết, Thầy là Đấng Cứu Thế, Con Thiên Chúa (3)”.
 
2. Chú Thích
            (1) Sau khi nghe lời Chúa Giêsu phán: Chúa Giêsu phán, Người là bánh trên trời xuống, ai ăn Thân Người và uống Máu Người thì được sống muôn đời.
            (2) Nhiều môn đệ: Không rõ trong số 72 môn đệ hay những người khác đã theo Chúa Giêsu lâu nay, nhưng không phải 12 Tông Đồ.
            (3) Con Thiên Chúa: Bản Hy Lạp lại nói: Thánh của Thiên Chúa.
 
3. Suy Niệm
            (1) Theo sức thường, có nhiều người đã ngạc nhiên về những lời Chúa Giêsu phán. Tuy họ đã theo Chúa Giêsu lâu nay, nhưng có lẽ vì họ chưa suy nghĩ, lý luận cho rõ ràng. Một Vị đã làm những việc phi thường, thì có quyền nói những điều cao siêu. Chính mình cần phải ghi nhớ và cầu xin, suy nghĩ cẩn thận, không nên vội vàng kết luận theo thói thường, trong những điều mình nghe thấy thiên nhiên. Có khi cũng vì thiếu khiêm tốn hay kiên nhẫn thế nào, nên không nhận được ơn Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn. Vẫn hay không nên tin vội vàng và tin dễ dàng; nhưng cũng không nên vội vàng và dễ dàng nghi ngờ. Khi nghe thấy điều gì khác thường, người khôn ngoan cần phải suy nghĩ, hỏi han cho thấu đáo. Như chính các Tông Đồ, nhiều khi vẫn xin Chúa Giêsu giải thích cho mình. Tại sao trong dịp này, lại có những môn đệ chỉ trích lời Chúa Giêsu? Họ chưa hỏi lại Chúa Giêsu, cũng chưa bàn hỏi với anh em, đã vội theo ý mình mà kết luận. Đừng kiêu ngạo sợ người ta chê mình không biết. Cũng đừng nhút nhát, sợ người ta trách mình. Bao giờ người khôn ngoan cũng tránh thái độ như thế. Ngay như trong khoa học thiên nhiên, có nhiều điều nghe qua rất lạ lùng, khó tin, người muốn tránh sai lầm thiệt hại, cũng phải hỏi han cho cẩn thận thấu đáo. Trong khoa học siêu nhiên, lại còn có nhiều điều huyền nhiệm vượt quá tầm trí thức lý luận của người ta, cần phải có ơn Thiên Chúa soi sáng hướng dẫn cùng với sức mình suy nghĩ; không nên chỉ vì một đôi điều khác thường, đã vội vàng kết luận, gây nên thiệt hại cho niềm tin cần thiết của mình.
 
            (2) Thiên Chúa vẫn bao dung tha thứ, tôn trọng tự do của mỗi người. Không có một lời mắng trách, chỉ nói thêm để đánh động trí thức và tâm tình. Giải thích trước là lý và sau là tình. Mới một điều như thế mà anh không tin, sau đây còn có những việc lạ lùng, rồi tin sao được? Ai cũng cần phải để ý đến ý nghĩa tinh thần mới là điều quan trọng, không phải những thứ cụ thể hữu hình. Lời của Thiên Chúa là do tinh thần và nói về tinh thần, can thiệp đến sinh tồn siêu nhiên. Có nhớ mấy nguyên tắc này, mới hiểu được lời Thiên Chúa. Không nên tìm hiểu lời Thiên Chúa theo những việc thiên nhiên tầm thường, nhưng phải nhớ đưa lên thiêng liêng vĩnh viễn. Tin Thiên Chúa không chỉ với trí tuệ, nhưng còn phải mở tâm hồn, trước là hướng về Thiên Chúa, để đón nhận ơn Thiên Chúa lôi cuốn mình; sau là hướng về Con Thiên Chúa, trung gian giữa Thiên Chúa và mình, dùng lời nói của người ta mà nói về huyền nhiệm trên trời, chỉ vì muốn cho mình thấy con đường hạnh phúc chân thực. Đường này không phải chỉ có trong thiên nhiên hữu hình, còn phải vươn lên cao hơn, dựa vào lời nói để tìm ý nghĩa tinh thần, theo việc hữu hình thiên nhiên, để hiểu điều vô hình siêu nhiên. Càng thấy đường lối và phương pháp Thiên Chúa dạy người ta phải theo, để đi từ nghe thấy mà vào tin tưởng, từ trí tuệ mà vào tâm tình, để hướng dẫn ý chí và hành vi của con người.
 
            (3) Đáng tiếc cho những người môn đệ đã vội vàng rút lui. Lại mừng cho các Tông Đồ có Thánh Phêrô đại diện, nói lên những lời trung thành đẹp lòng Thiên Chúa. Tuy một người nói nhưng chung cho cả nhóm 12 người. Thiên Chúa vẫn biết rõ tâm hồn và tính tình của mỗi người. Trong lúc này, Thiên Chúa chỉ nhắc lại ai cũng có quyền tự do theo Thầy hay không theo, tin theo Thầy hay không tin. Vì nếu không có tự do, thì tin hay theo đều không còn là việc của con người, cũng không còn giá trị gì. Hình như Thánh Phêrô đã nói lên những lời giải thích tự do: Chúng con theo Thầy, trung thành với Thầy, mặc dù chúng con vẫn có thể bỏ Thầy như những người khác, mặc dù có những lời hay những việc chúng con chưa hiểu được rõ ràng. Tự do tin và tự do theo, không phải muốn tin gì thì tin và muốn theo ai thì theo. Nhưng vì chính mình nhận thấy hợp lý và chính đáng, người nói hay lời nói đáng tin và đáng theo, không vì trong hiện tại, chính mình có thể không nhận thấy rõ ràng, cũng không vì những người khác làm cho mình do dự hay hoài nghi. Như các Tông Đồ, và riêng Thánh Phêrô không chắc đã hiểu được lý lẽ rõ ràng về việc ăn Thân Chúa Giêsu và uống Máu Chúa Giêsu, nhưng trí của mình đã công nhận bao nhiêu lời nói của Chúa Giêsu cao siêu mà hợp lý, mắt mình đã trông thấy bao nhiêu những việc phi thường, và trong lúc hiện tại, được ơn Thiên Chúa soi lòng. Ơn Thiên Chúa không phản ngược tự do. Trái lại, ơn Thiên Chúa giúp cho trí sáng suốt để được hoàn toàn tự do./-
                                             @Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

                                                  niemtinm@aol.com