Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

CHUYỆN ĐỌC : VIÊN NGỌC TRAI Tập 1

Filled under:

Lời Giới Thiệu
   Tập truyện “Viên Ngọc Trai” là một quyển sách gồm có nhiều tác giả, mỗi tác giả chỉ viết một câu chuyện ngắn có tính giáo dục về đạo đức và nhân bản. Do đó rất tiện dụng cho các giáo lý viên, các tu sĩ và linh mục tham khảo để làm tài liệu cho bài giảng của mình thêm phong phú hương vị, để khi nghe bài giảng của mình thì ai nghe cũng muốn nghe nữa.
“Viên Ngọc Trai” được dịch từ tiếng Hoa với tựa đề cùng tên.
Sau mỗi câu chuyện thì có một suy tư nho nhỏ của người dịch, xin được chia sẻ với anh chị em.
Người dịch Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

TẬP MỘT : CÁI TÔI

1. TẤM GƯƠNG John W. Rilling
Có một câu chuyện về người Do Thái thời cổ, nói về một vị Rabbi làm thế nào để dạy dỗ một anh bạn thanh niên thành người vừa khôn khéo lại vừa hiện thực. Thầy Rabbi mời anh bạn đến trong phòng đọc sách, dẫn anh ta đứng bên cửa sổ, sau đó hỏi anh ta: “Anh nhìn thấy gì ?” – Bên ngoài nhà là một cái sân, anh ta nói : “Tôi nhìn thấy bọn trẻ trong sân”.
Thầy Rabbi lấy từ trong túi ra một tấm gương nhỏ, đặt trước mặt anh thanh niên, rồi hỏi anh ta: “Bây giờ anh nhìn thấy gì ?” – “Thấy tôi”. Anh thanh niên không biết thầy Rabbi có dụng ý gì.
      “Điều này không phải là không có ý nghĩa sao ?” – Thầy Rabbi nói tiếp : “Giữa anh và người khác có rất nhiều lờp thủy ngân, anh sẽ nhìn thấy anh”.
** Suy tư 1: Nếu mình nhìn vào trong gương thì dĩ nhiên là thấy mình. Đó là điều không ai có thể chối cải được, tấm gương càng to thì khuôn mặt mình càng lớn, nhìn thấy được mình trong gương là nhờ có lớp thủy ngân, không có nó thì y như là nhìn vào tấm ván ép mà thôi, vô ích.
      Người khác chính là tấm gương để mình soi mặt, cũng có nghĩa là: nhìn thấy cái hay, cái tốt của người khác mà bắt chước học hỏi; nhìn thấy cái không hay, cái dở của người để răn đe mình, để sửa mình. Bởi vì khi chúng ta nhìn thấy những cái xấu, cái chưa hay của người khác mà tự nhủ trong lòng rằng: tôi phải tránh những cái xấu ấy, tôi sẽ làm tốt hơn nếu ở cương vị của họ. Tuy nhiên, không thể tự mình làm tốt hơn được, nếu chúng ta không có ơn Chúa giúp, nếu chúng ta không tự mình cố gắng, nổ lực quyết tâm thì chẳng khác chi chúng ta nhìn người khác như nhìn…tấm ván ép vậy, cũng vô ích mà thôi.
2. TỰ MÌNH LÀM NGƯỜI CHÂN CHÍNH Quote
Nếu anh trở thành một người khác thì anh sẽ như thế nào? Mở một xí nghiệp có thuận lợi lớn? Một minh tinh điện ảnh? Người đứng đầu các bộ trưởng hay kiện tướng vận động viên?
      Có một ký giả đã hỏi ông Xiao Bo-na một vấn đề trước khi ông sắp chết, vấn đề ấy là: “Nếu tôi là…”.
      “Ông Xiao”, ký giả nói: “Ông đã đi thăm qua nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới, cũng quen biết rất nhiều hoàng thất quý tộc, tác giả nổi tiếng, các giáo sư và các nghệ thuật gia. Nếu có thể sống lại thêm một lần nữa, biến thành một người nào đó mà ông quen biết, hoặc là trở thành người nào đó trong lịch sử, ông hy vọng biến thành vị nào?”
“Tôi sẽ chọn…” ông Xiao Bo-na trả lời: “Làm Xiao bo-na mà thôi, nhưng từ trước đến nay tôi không hề nghĩ rằng mình sẽ làm một người nào khác”.
** Suy tư 2: Cái nghịch lý ở đời là như thế nầy: người giàu có tiền bạc xài như xé giấy, của nổi của chìm chẳng biết bao nhiêu mà kể, rồi lo lắng sợ mất trộm, sợ tù tội (vì tham nhũng), sợ con cháu nó xài hết, sợ…v.v… rồi mong ước được như người nghèo, ăn no ngủ kỹ, ngày hai bữa thảnh thơi, không sợ mất trộm, không sợ tù tội…v.v…Và ngược lại, người nghèo thì mong ước được như người giàu: sung sướng, có nhà to cửa lớn, có quyền có thế, có tiền…
      Mỗi một người Thiên Chúa đã chọn cho họ một con đường, một cuộc sống để họ sống xứng đáng là một con người, và hơn thế nữa, để họ hưởng hạnh phúc thiên đàng mai sau.
      Cái quan trọng là chúng ta có góp phần vào với sự an bài đó của Thiên Chúa hay không? Mong muốn ước gì mình được ở địa vị của ông tổng thống, mong muốn mình trở thành ca sĩ nổi tiếng được nhiều người mến mộ. Mong ước cũng là ước mơ, tự nó rất tốt và rất có ích, nhưng muốn trở thành một ca sĩ mà giọng nói không ra hơi, the thé như gà mắc… dây thun thì không thể được; mong ước trở thành tổng thống mà chữ “nhứt một” cũng không biết thì quả là chúng ta đã đi ra ngoài ý định của Thiên Chúa.
      Tác giả quyển “Đường Hy Vọng” đã nói lên điều ước của mình nếu được Thiên Chúa cho chọn lại thì Ngài vẫn cứ chọn điều mà Ngài đã chọn và đã đi: làm linh mục. Ngài đã nhìn thấy giá trị của đời linh mục, dù đời Ngài có quá nhiều đau khổ…
      Cứ  thảnh thơi trong thân phận của mình, vì mỗi một người có giá trị riêng biệt mà người khác không có được, tôi là tôi, anh là anh. Tôi có giá trị của tôi, anh có giá trị của anh. Bởi vì Thiên Chúa không thiên vị một ai, không yêu người này mà ghét bỏ người kia. Tự mình làm người chân chính trong chức phận của mình, đó là điều mà Thiên Chúa muốn nơi mỗi người chúng ta. Làm Giám Mục, làm Linh mục hay làm bà xơ dì phước thì không có gì phân biệt cả. Có phân biệt chăng là chúng ta có nhiệt tình cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình cứu chuộc của Ngài mà chúng ta được gọi trong thân phận ấy hay không mà thôi?.
      Có người hỏi chị thánh Têrêxa nhỏ:
-     “Nếu có thể bắt đầu lại đời tu, chị sẽ ăn ở như thế nào?
-     “Em nghĩ rằng em sẽ ăn ở y như em ăn ở xưa nay”.
3. TÂM CHUYỂN THEO HOÀN CẢNH Willi Hoffsuemmer
     Có một người đối với thế giới thứ ba tràn ngập sự phấn chấn và nhiệt tình, cho nên đi đến Ấn Độ. Nhưng lập tức cảm nhận được sự xung đột về văn hóa, mỗi một sự việc đều làm cho anh cảm thấy khó thích ứng. Chẳng hạn như khí hậu, ăn uống, hoàn cảnh sinh hoạt với những bộ mặt thần bí ngỡ ngàng bên cạnh, và rất nhiều chuyện vặt vãnh khác đều làm cho anh cảm thấy nổi giận và bất mãn.
      Có người phân phối cho anh một gian phòng, anh cũng dọn vào. Mỗi một góc xó, mỗi một khe hở anh đều kiểm tra qua, nhưng chỉ tìm thấy một con thạch sùng vừa to béo lại vừa xấu xí tệ. Anh chán ghét nghĩ rằng: “Ta mới không cần ở chung với loài động vật”. Cho nên anh tìm rất nhiều cách để bắt cho được con vật xâm nhập đó, nhưng đều không thể như ý muốn. Sau khi thấy con thạch sùng núp sau cái chạn, thì lúc này anh bổng nhiên được một linh cảm: “Sao ta không làm bạn với con thạch sùng nhỉ ?”.
      Lúc mới bắt đầu hoàn toàn không dể dàng, nhưng bây giờ việc thứ nhất khi anh bước vào gian phòng thì tìm ngay con thạch sùng của anh, lại còn đặt cho nó một cái tên. Thậm chí con thạch sùng trở thành đối tượng trò chuyện của anh. Hơn nữa anh lại còn chú ý đến một vài tập quán rất tốt của con thạch sùng. Chẳng hạn như nó làm cho ruồi muỗi trong phòng bớt đi.
** Suy tư 3: Người biệt phái thường hay nhìn bên ngoài để đoán xét người ta, cho nên họ thường bị Chúa Giêsu lên án là những người giả hình. Họ nói mà không làm, cho nên họ trở thành người mù dắt người mù và cả hai cùng rơi xuống hố (Mt 6,39).
      Có nhiều người nói: tôi rất bức xúc trước những đau khổ của anh em… nhưng chưa một lần họ nhìn đến những đau khổ của anh em. Có người nói: tôi rất yêu mến những người nghèo khổ, bệnh tật…nhưng khi đi ngang qua những người ăn xin bên vệ đường thì bịt mũi lại, thậm chí chạy cho mau kẻo ngửi mùi hôi thối nơi họ.
      Chữ yêu được tượng trưng bằng cánh hoa hồng. Và người ta cũng dùng quả tim để làm ký hiệu cho chữ Yêu. Nhưng để tình yêu rực sáng thì chưa thấy ai cho nó ký hiệu gì cả.
      Thế nhưng tình yêu của Chúa Kitô không tượng trưng bằng cánh hoa hồng, mà là cây thập giá chơ vơ trên đồi Can-vê trơ trọi. Trên thập giá một con người đã chết vì Yêu để cho nhân loại được sống trong tình yêu của Ngài. Nơi thập giá chúng ta đón nhận tình yêu của sự sống trường sinh, bởi vì chính nó là công cụ của Thiên Chúa dùng để đem ơn cứu độ cho nhân loại.
      Sau khi qua năm tập thứ nhất, các chị em dòng Tiểu muội thánh Têrêxa nhỏ được bề trên trao cho cây thập giá và mang trên ngực, để nói lên tình yêu của Chúa Kitô đã dùng cây thập giá mà cứu độ thế giới, cũng là nói lên sự hy sinh suốt đời cho lý tưởng tận hiến của các chị.
      Không ai thích người khác dạy đời mình cả, chẳng ai muốn ở chung với người mà mình không thích, và cũng chẳng có ai yêu người làm hại mình cả…v.v… Vì vậy, cây thập giá đủ sức để làm cho chúng ta gần lại với nhau hơn, làm cho chúng ta nhìn thấy người bên cạnh dễ thương hơn, và chính cây thập giá đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa, thì hôm nay, chính nó đã hoà giải chúng ta với người ghen ghét mình, không thích mình, kẻ thù của mình.
       Mang cây thập giá trên ngực thì ai cũng thấy đó là điều tốt, nhưng hãy có một thập giá trong tim, dù không ai thấy, nhưng Thiên Chúa thấy, và mọi người sẽ thấy nếu chúng ta thực hành chữ Yêu và hy sinh trong cuộc sống của chúng ta.
4. BẢNG CHỈ ĐƯỜNG Lovasik
      Một linh mục dẫn một thiếu niên có tính hay phản kháng cách bộc trực đi coi thi đấu bóng tròn, trên đường đi nó vừa đi vừa nói với vị linh mục: “Con rất không thích nghe lệnh bất cứ việc gì, con rất ghét làm việc, tức là loại việc cần phải làm mà không làm thì không được, cũng rất ghét người khác chỉ huy con phải làm như thế nầy, như thế nọ. Bởi vì nói như thế, con không có tự do”.
      Vị linh mục nghe xong, không nói một lời nào, một lát sau, họ đi đến bên một tấm bảng chỉ đường, tấm bảng chỉ hướng đi tới sân bóng đá, nhưng vị linh mục vẫn cứ mặc kệ tấm bảng chỉ đường, chỉ chú ý đến đường mình đi. Cậu bé phát hiện không đúng, bèn lớn tiếng la lên: “Chúng ta đi sai đường rồi, thưa cha! Cha làm thế nào mà không nhìn thấy tấm bảng chỉ đường chứ?”
      Vị linh mục khí định thần nhãn nói: “Cha nhìn thấy bảng chỉ đường rồi, nhưng cha cho rằng tốt nhất là đi theo đường của mình. Hơn nữa cha rất ghét đi theo đường mà người khác chỉ huy cha, cho nên cha mới không cần đến tấm bảng chỉ đường cũ rích ấy chứ, nó hoàn toàn không để cho cha tự do hành động”.
      Cậu bé nghe xong liền hiểu rõ ràng, sau đó thành thực cảm phục quay về hướng chính xác, đi về phía cầu trường coi thi đấu bóng đá.
** Suy tư 4: Đường sá trong thành phố nếu không có bảng chỉ đường thì chẳng biết lối nào mà đi, nếu không có đèn xanh đèn đỏ thì sẽ xảy ra không biết bao nhiêu là tai nạn. Mỗi bảng chỉ đường hay đèn xanh đèn đỏ là đại biểu cho anh cảnh sát giao thông, hay nói cách khác, oai hơn, nó đại biểu cho bộ giao thông, cho chính phủ.
      Bảng chỉ đường của các dòng tu là luật dòng và tinh thần của đấng sáng lập, không có luật dòng, không có tinh thần của đấng sáng lập thì cộng đoàn ấy sẽ loạn, mạnh ai nấy sống. Bảng chỉ đường của Giáo hội chính là Thánh kinh (bao gồm cả 10 giới luật) và luật Giáo hội. Không có lời Chúa hướng dẫn, thì Giáo hội của Chúa cũng giống như các tập đoàn khác: kiêu căng, tranh giành chức quyền, sống cho mình…v.v…chẳng mấy chốc sẽ sụp đổ.
      Mỗi một giám mục đều chọn cho mình một câu châm ngôn sống, hay nói cách khác, một câu mà diễn tả được lý tưởng phục vụ của mình, và suốt đời dù sống dù chết cũng quyết tâm thực hiện câu châm ngôn ấy.
      Chúng ta ai cũng có một bảng chỉ đường trong cuộc hành trình ở thế gian, ai cũng có một câu châm ngôn sống cho mình, nhưng cũng có lúc chúng ta quên nó mất tiêu,vì cuộc sống quá nhiều áp lực.
Có người chọn cho mình một câu Kinh thánh để làm châm ngôn, có người chọn cho mình một câu của một triết gia nào đó để làm câu châm ngôn sống….v.v…Nhưng có một loại bảng chỉ đường nó không nằm trong sách vỡ, cũng chẳng nằm trên giấy trắng mực đen, đó chính là người anh em của chúng ta, là bạn bè của chúng ta, là bề trên, là cha mẹ của chúng ta. Họ là những công cụ mà Chúa gởi đến để chỉ cho chúng ta những khuyết điểm của mình, để mình đi đúng hướng hơn. Họ là những người rất nhạy bén với đời sống của những người tu trì, bởi vì, chính họ sáng suốt nhận được những khuyết điểm nơi người tu trì hơn cả những người tu trì.
5. YÊU THÌ SỐNG, GHÉT THÌ CHẾT William Bausch
      Một cậu bé gần như điên cuồng chạy vào phòng ba má nó, khóc lóc nói rằng con rùa nhỏ mà nó yêu quý đã giơ bốn cẳng lên trời mà chết rồi. Nó rất thương tâm, ba má nó đều chạy ra phía trước an ủi đứa con đang chảy nước mắt nước mũi, ôm chặt lấy nó, và để cho nó khóc to ỏm tỏi cả lên.
      Sau đó ba nó nói: “Chúng ta đem con rùa đặt vào trong một cái hộp nhỏ đựng kẹo, cử hành lễ an táng cho nó”. Lúc nầy đứa bé chú ý nghe ba nó đang nói những gì.
      Má nó cũng tiếp lời nói: “Sau đó, chúng ta viết cho nó một câu đối, con coi như thế có được không nào?” Lúc nầy đứa bé bắt đầu cười.
      Ba nó còn tiếp tục nói: “Đúng vậy, chúng ta còn mua bong bóng, mua thật nhiều đồ tốt”. Đứa bé cười toe toét miệng không ngậm lại được.
      Nhưng bỗng nhiên cả ba người đều sửng người ra, bởi vì con rùa nhỏ đã lật thân qua lại được. Đứa bé nhìn thấy thì rất kích động, lớn tiếng la lên: “A! Ba…ba, giết nó đi!”
** Suy tư 5: Có những bố mẹ chiều chuộng con quá mức không chịu được, đứa con muốn cái gì đều được cái đó, thậm chí nó muốn làm…bố mẹ của bố mẹ nó cũng được.
      Ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta có câu: “Yêu con thì cho roi cho vọt, ghét con thì cho ngọt cho ngào”. Ngồi suy tư ngẫm nghĩ mà thấy nó hay tuyệt cú mèo cái phương pháp giáo dục con cái của cha ông chúng ta. Yêu và ghét tự nó đã tương phản nhau, mà cách dạy cũng là đối chọi nhau quá chừng: yêu thì đánh, ghét thì nói ngon ngọt. Đúng là cha ông ta có cách nhìn thực tế và chứa chan tình cảm.
      Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, nhưng Ngài không “đánh” chúng ta, mà đau hơn, cao thượng và tràn đầy tình yêu hơn, đó chính là “đánh” Con của mình-Đức Giêsu Kitô- không những đánh, mà Ngài còn muốn Con duy nhất của mình phải chết để bày tỏ tình yêu của Ngài cho nhân loại tội lỗi.
      Trong một công đoàn tình yêu được thể hiện ra nơi hành động phục vụ anh em, chị em của mình. Cũng có nghĩa là cá nhân mình phải chết đi, để tài năng và đức hạnh của người anh em, chị em được phát triển. Yêu thương cũng có nghĩa là vui vẻ nhận lời cám ơn mọi người mà không khách sáo, không kênh kiệu, bởi vì tình yêu được phản hồi ánh sáng và lại chiếu tỏa ra nhiều hành động yêu thương hơn, đẹp hơn và cao thượng hơn.
      Yêu thương không có nghĩa là cứ chiều theo ý muốn của người mình yêu, bởi vì như thế là mình hại người anh em chị em của mình, nhưng sự cự tuyệt đúng lúc, góp ý đúng nơi thì đem lại rất nhiều hiệu quả to lớn cho người anh em, chị em của mình.
6. ĐỀU CÓ NỂ NANG VÀ CỐ CHẤP Nashua Cavalier
      Thói quen của chúng ta người bên cạnh nhìn -có lẽ- đôi khi không thuận mắt cho lắm, nhưng chúng ta vẫn cho đó là đạo lý muôn thuở của mình.
Trên một chuyến xe buýt đi tham quan, có một ông lão hút dọc tẩu hướng về người đối diện mà nuốt mây nhả khói, mà người nầy thì đang nhai thuốc lá, và nhổ bả thuốc lá ra bên ngoài cửa sổ.
      Lão hút dọc tẩu nhìn thấy, chịu không nổi bèn phê bình người ấy: “Nhai thuốc lá là một thói quen rất là không hợp vệ sinh”. Đối phương nghe được thì nói cách hửng hờ: “Đúng rồi, nhưng tuyệt đối nó không dẫn đến nạn cháy rừng”.
** Suy tư 6: Tôi quen một anh bạn có cái tật hay chửi thề, chửi vô tội vạ theo thói quen, hay cũng chửi, dở cũng chửi, có lúc làm cho người khác khó chịu và đánh giá không tốt về anh ta, nhưng thật ra, anh bạn tôi là một người tốt.
      Có thói quen tốt và thói quen không tốt. Hay giúp đỡ người khác là thói quen tốt, luôn nói xấu người khác là một tập quán xấu. Ai cũng thích thói quen tốt, và ngược lại chẳng ai thích người hay nói xấu kẻ khác.
      Trong một lớp tu đức của một nhà dòng nọ, giáo sư là một linh mục già, đạo đức và nhiệt tình. Khi cho các tu sĩ làm trắc nghiệm về linh đạo tu đức, với đề tài: Trước khi lên giường ngủ, thì các anh (chị) làm gì? Đa số câu trả lời là đọc kinh tối (PVCGK)  và xét mình, rồi đi ngủ. Có một tu sĩ đã trả lời như sau: đọc kinh tối xong thì đọc thêm ba kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ rồi đi ngủ. Vị linh mục giáo sư ấy đã phê bình bài tập đó trước mặt lớp học như sau: “Đã đọc kinh tối thì không cần đọc gì nữa cả, đủ rồi, tôi không hiểu cái anh nầy có hiểu tu đức là gì không ?”
      Đọc kinh tối là đủ rồi, không ai chối cãi, nhưng kinh tối cũng có phần kính Đức Mẹ mà Giáo hội khuyến khích các tu sĩ nam nữ, linh mục đọc sau khi kinh tối xong. Đọc ba kinh Kính Mừng là một thói quen từ nhỏ của vị tu sĩ ấy, dù đọc kinh tối xong mà chưa đi ngủ, hay còn bận học hành, đọc sách.v.v…thêm vài giờ nữa, thì trước khi ngủ, vị tu sĩ kia cũng đọc ba kinh Kính Mừng rồi mới đi ngủ. Đây là một thói quen tốt, đáng khích lệ, và cũng rất đáng cổ võ.
      Có người có thói quen thích soi gương,
      Có người có thói quen hay chỉ trích người khác,
      Có người có thói quen thích giận dỗi,
      Có người có thói quen hay ganh tị,
Tất cả những thói quen đó đều là của người đời,
     Nhưng thói quen của các linh mục, tu sĩ
là cầu nguyện,
là hy sinh,
là yêu thương,
là tha thứ và luôn vui vẻ.
7. TIÊU CHUẨN Success Ideas
      Trong một thị trấn nhỏ, có một người sáng nào cũng “canh me” đồng hồ nơi cửa sổ của một tiệm đồng hồ.
      Có một ngày, ông chủ của cái tiệm đồng hồ đi ra khỏi cửa tiệm, hỏi người ấy: “Tại sao sáng nào anh cũng đứng nơi đây để canh đồng hồ vậy?”
      Người ấy trả lời: “Tôi làm việc nơi công xưởng lớn ở dưới phố nầy, phụ trách bơm dầu mỗi buổi trưa, cho nên sáng nào tôi cũng ở chổ ông đây để đối chiếu thời giờ, như thế tôi mới biết được thời gian chính xác”.
      Ông chủ nói: “Chuyện nầy thật là tức cười, bởi vì đồng hồ của tôi đều chỉnh giờ theo anh, khi mỗi buổi trưa anh bơm dầu”.
** Suy tư 7: Các bạn trẻ thường có thần tượng riêng cho mình. Người thích ca nhạc thì có thần tượng ca nhạc; người thích đấm đá thì có thần tượng đấm đá; người thích tài tử xi-nê thì có thần tượng xi-nê.v.v... và khi những người nầy biểu diễn thì cung cách điệu bộ của họ cũng cố gắng bắt chước cho giống thần tượng của mình, họ cho đó là tiêu chuẩn của tài năng.
      Có người chết vì thần tượng, có người thất tình vì thần tượng của mình bỗng nhiên tuyên bố đi…lấy vợ.
      Trên chương trình truyền hình giải trí (Đài Loan), có tiết mục thi đua “mô phỏng” tức là những người tham dự cuộc chơi phải mô phỏng cho giống y chang thần tượng ca nhạc của mình. Quả thật tiết mục được giới trẻ hâm mộ, vì người mô phỏng giống như đúc thần tượng của mình, đáng khâm phục.
      Nhưng đáng khâm phục nhất chính là các thánh nam nữ, các ngài đã mô phỏng cuộc đời của Chúa Giêsu-nói cuộc đời thì to tát quá, e các ngài không bằng lòng- các ngài đã bắt chước một vài nhân đức của Chúa Giêsu như sống khó nghèo, khiêm tốn, vâng phục.v.v… bởi vì Đức Kitô chính là tiêu chuẩn của các ngài, là mẫu mực để cho các Ngài noi theo và hưởng phúc trường sinh trên trời.
Thần tượng tuyệt hảo nhất của chúng ta chính là Đức Kitô-truyền-giáo : chỉ có ba năm vỏn vẹn, mà vững bền đến hai ngàn năm sau và mãi mãi cho đến tận thế. Tiêu chuẩn của Đức Kitô-truyền-giáo là: Hy sinh, yêu thương và phục vụ trong vui vẻ.
      Con người thời nay cũng chỉ muốn thế thôi nơi các nhà truyền giáo, những linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân.
8. CÁI TÔI CHỦ NGHĨA C. S. Lewis
      Có một lần, cư dân của thành phố bi thảm trong hoả ngục, được một cơ hội lên tham quan thiên đàng, họ ngồi đầy cả một chiếc xe buýt, đi đến cổng thiên đàng.
      Cư dân thiên đàng rất là thuần nhiên chân thật, sáng sủa phấn khởi, lại còn phát quang phát nhiệt, cho nên làm cho khách tham quan từ địa ngục tới càng thêm hiện rõ bóng dáng mềm yếu không thực của mình. Trong số khách từ địa ngục tới có một tên quỷ hồn, nó có màu trắng nhợt rất đặc biệt, nó gặp một cư dân thiên đàng là người quen biết cũ từ trước lúc còn ở trên thế gian, quỷ trắng nhợt là ông chủ của cư dân thiên đàng ấy, vả lại người đó bây giờ đang hưởng phúc thiên đàng mà trước đây đã có lần giết người, ngồi tù.

      Do đó tên quỷ trắng nhợt nầy lấy làm kinh ngạc, và cũng rất không phục, nó bắt đầu tỏ ra bất mãn: “Anh coi, suốt đời tôi đi thì chính, ngồi thì trực. Mặc dù tôi không dám nói mình là một người có tín ngưỡng, cũng không dám nói tôi không có phạm tội, nhưng trong suốt cuộc đời của tôi, vẫn làm việc tốt hết sức có thể được, ăn ở với người khác khá tốt. Tôi xác thực là tôi rất ít phạm sai lầm, hơn nữa từ trước đến nay tôi không yêu cầu công việc chưa được phân công, không nghĩ sẽ làm những việc không được sắp xếp. Nếu tôi uống một ly nước lạnh, tôi cũng trả tiền; nếu tôi lãnh một tháng lương, tôi cũng phải làm tốt công việc rồi mới nhận. Từ trước đến nay tôi không làm bất cứ yêu cầu nào, thậm chí cũng không cầu xin lòng từ bi của một cá nhân nào”.
      Cư dân thiên đàng nói: “Vậy thì, hôm nay anh bắt đầu cầu xin đi, cầu xin lòng từ bi ấy mà!”
** Suy tư 8: Thế giới hôm nay mọi cái hình như có thể nắm trong tay, nhìn được trước mắt, vì những phát minh vĩ đại, và mọi phát minh ấy đều có mục đích là phục vụ con người.
      Cá nhân chủ nghĩa phá hoại tinh thần phục vụ và yêu thương của cộng đoàn, bởi vì chính “cá nhân chủ nghĩa” đã làm cho phẩm thần Lucifer trở thành ma quỷ và muôn đời thù nghịch với Thiên Chúa; bởi vì “cá nhân chủ nghĩa” mà ông bà nguyên tổ chúng ta phạm tội, và con cháu mang lấy hậu quả nầy. Cộng đoàn là nơi để nhân cách cá nhân phát triển hoàn hảo và được bồi dưỡng chính đáng, nhưng cộng đoàn cũng là nơi cá nhân chủ nghĩa cần phải triệt để vắng mặt, vắng mặt vô thời hạn, bởi vì cá nhân chủ nghĩa là sản phẩm của kiêu ngạo, của tự ái và là đập chắn nguồn ân sủng của Thiên Chúa xuống trên chúng ta. Do đó, mỗi thành viên trong cộng đoàn cần phải thấm nhuần tinh thần và đời sống tu đức của cộng đoàn, nơi đây, cá nhân chủ nghĩa không có chổ đứng, mà chỉ có: “vì anh em mà hiến tế chính mình” (1 Cor 11,24).
      Cá nhân chủ nghĩa thường đi đôi với cá nhân anh hùng, người có cá nhân chủ nghĩa thường bị kích động bởi đám đông quần chúng, và vì thế mà phát sinh ra anh hùng cá nhân, ưa làm những gì mình cho là đúng mà không cần sự dạy bảo, góp ý của bề trên, của người khôn ngoan và thiện chí. Tại hại do cá nhân chủ nghĩa mang lại chính là ở đó, bất chấp quy định của dòng tu, bất chấp nề nếp gia phong của cộng đoàn, để rồi do cá nhân chủ nghĩa thúc đẩy và anh hùng cá nhân kích động, họ đã “vượt rào” trong nỗi cô đơn và ân hận.
9. ĐIỀU KHIỂN CÁI TÔI Bruno Hagspiel
Sức mạnh của tự nhiên mặc dù rất mạnh mẽ, nhưng cần phải thông qua sự điều khiển, mới có thể sinh ra động lực hữu hiệu, chúng ta điều khiển lửa để nấu nướng thức ăn, chúng ta điều khiển điện để chiếu sáng và làm những việc trong nhà, dùng đập ngăn nước để có thể lợi dụng sức gió.
      Sự trưởng thành và học tập của cá nhân chúng ta, cũng là từ sự điều khiền bản tính chưa thuần của mình, ví dụ như tự cao tự đại, tự phụ.v.v…Những việc nhỏ khác trong sinh hoạt, chẳng hạn như đi bộ, trò chuyện, viết chữ, ăn cơm, lái xe, chơi đùa và vận động, cũng không phải là không cần khống chế. Một cá nhân không có khả năng điều khiển bản tính của họ, thì sẽ không thành công.
** Suy tư 9: Bản năng của chúng ta giống như con ngựa bất kham, cần phải chế ngự nó, biết bao nhiêu tội phạm ghê gớm đã xảy ra trong cuộc sống, biết bao nhiêu vụ giết người, gây thương tích, trộm cắp xảy ra trong xã hội, tất cả cũng là vì họ chưa chế ngự được “bản năng động vật” trong con người của mình.
     Con người là động vật có trí khôn, không có trí khôn thì như một con vật không hơn không kém.
      Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người và ban cho họ có trí khôn, để họ cai quản, chế ngự và làm chủ vũ trụ. Con người đã chế ngự được thiên nhiên, đã bay lên các tinh tú xa vời vợi trong không gian, đã xuống tận vực sâu đáy biển để thăm dò thám hiểm, nhưng độ sâu của tâm hồn và bản năng của con người, thì khoa học chưa thực nghiệm rốt ráo.
      Người ta dùng dây cương để chế ngự và điều khiển con ngựa; người ta cũng dùng những phát minh khoa học tiên tiến để chế ngự thiên nhiên, nhưng để chế nhự bản tính của mình thì con người không thể dùng dây cương hay phát minh khoa học, mà phải dùng sự cầu nguyện và sự cố gắng liên tục để chế ngự bản năng của mình. Các thánh tử đạo là những người đã chế ngự bản năng của mình cách anh dũng: giữa sự sống tạm bợ và sự sống đời đời, giữa vinh hoa phú quý phù vân và gia tài bất diệt, giữa tình cảm con người và tình yêu Thiên Chúa, các ngài đã cầu nguyện, đã cố gắng liên tục để chọn cho mình phần nhất mà không ai có thể cướp mất được (Lc 10,42). Các ngài đã chế ngự được bản năng ham sống sợ chết của mình, đã chế ngự được bản năng hưởng thụ của mình để trở thành bạn thân của Thiên Chúa.
      Trong cộng đoàn hay trong một tập thể, chế ngự mình cần phải được phát huy và đề cao, bởi vì khi chúng ta chế ngự được bản tính của mình, thì người anh em, chị em “dễ thở” hơn một chút, nụ cười tươi tắn hơn một chút, và như thế, tình yêu của Thiên Chúa mới có thể phát triển nơi mỗi một thành viên của cộng đoàn mình.
      Chế ngự bản năng của mình là hành vi Bác ái và Yêu thương của người môn đệ Chúa Kitô.
10. VIÊN NGỌC TRAI Willi Hoffsuemmer
      Một buổi sáng sớm, một hạt sương rất lớn từ trên lá cây lăn xuống, rơi vào trong biển cả. Sóng biển mang nó cuồn cuộn chập chùng, nó muốn thoát khỏi biển cả, nhưng uổng công vô ích, nó sợ hãi không biết lúc nào mình sẽ bị tan vỡ.
      Đúng lúc ấy, nó nghe một âm thanh gọi mình: “Nhanh lên, vào trong nhà của tôi, ở đây rất an toàn”.
      Nó không cần biết tiếng cứu viện ấy ở đâu, đồng thời trước khi nó hiểu ra được chuyện gì, thì cửa của con trai đã cấp bách đóng lại. Trước tiên hạt sương còn được ngơi nghỉ và thở ra một hơi nhẹ nhàng, nhưng về sau nó bắt đầu từ từ hiểu rõ, nó ở trong căn nhà mới, mặc dù rất an toàn, nhưng vĩnh viễn không được tự do, nó cũng không có thể phản ảnh lại bảy sắc cầu vòng của ánh mặt trời.
      Hạt sương đem phiền não của mình giao cho nữ chủ nhân tốt lành của căn nhà, con trai nhiều tuổi ấy nói với nó: “Nếu cô cố chấp, ngoan cố chống trả với vận mệnh, rốt cuộc cô chỉ phát hiện ra việc mình bị khổ là tuyệt vọng và không được giúp đỡ. Nhưng nếu côn nhẫn nại đón nhận tất cả vận mệnh, thì cô có thể trải qua những ngày thảnh thơi thoải mái”. Sau đó nó còn bí ẩn nói thêm một câu: “Hơn nữa cô sẽ biết bắt đầu từ nơi bản thân cô, từ từ biến thành rất cường tráng, có một ngày, cô sẽ được quý trọng gấp ngàn lần so với lúc từ trên lá cây rơi xuống”.
      Hạt sương nghe xong thì buồn buồn không vui, mặc dù nó không hiểu tất cả lời nói của con trai, nhưng cuối cùng nó vẫn quyết định nghe lời khuyến cáo ấy, nó an tịnh trú ở trong đó, không phàn nàn mà cũng không nóng lòng sốt ruột, để cho mình hoàn toàn yên ổn, giống như từ nhỏ đến giờ nó ở trong nhà của con trai này vậy.
     Dần dần, nó hơi cảm thấy trong mình có chút thay đổi cho nó sức mạnh. Về điểm nầy nó rất là phấn khởi, trong lòng nghĩ rằng: “Hôm qua là ngày hạnh phúc đã qua đi rồi, hôm nay không biết có tiếp tục dài lâu không, và ngày mai sẽ xảy ra chuyện gì, nào có ai biết được chứ?”
      Có một ngày, con trai mở cái vỏ của nó ra, hạt sương nhìn thấy ở trong biển có rất nhiều bụi bông bay, thực ra đó không phải là bụi bông, mà là những bàn tay của những cô gái mò ngọc trai, người mò ngọc trai đang mò ngọc trai ở trong con trai.
      Người mò ngọc trai đem con trai tập trung ở trên bãi cát, thận trọng từng tí mở vỏ con trai. Có một cô gái đột nhiên nhảy lên phấn khởi nói: “A ! Các chị coi, tôi đã nhặt được hạt ngọc trai đây nè, thật là quá đẹp ! Hình dáng nó giống như một hạt sương, lại còn có thể phát ra bảy sắc cầu vồng lấp lánh, giá trị của nó nhất định sẽ rất cao”.
      Các cô gái mò ngọc trai đều đến coi viên ngọc quý trên tay cô gái, giống như hạt sương nằm trên ngọn lá vậy.
      Viên ngọc trai nầy giống như nhiều hạt sương xung quanh nó từ trước, đã trải qua thời gian làm hạt sương rất ngắn ngủi, nhưng trải qua một khoảng ẩn kín hàm dưỡng, nó đã thoát thai thay cốt.
** Suy tư 10: Trong thinh lặng người ta mới có thể nghe được tiếng đập của con tim; trong thinh lặng hai người yêu nhau nghe được tiếng lòng của nhau, và trong thinh lặng mình thấy được mình rõ hơn.
      Hạt sương sẽ không tồn tại nếu nó cố chấp và chống trả vận mệnh, nó cũng chẳng trở nên hạt ngọc quý giá nếu nó không chấp nhận trú ngụ trong con trai.
      Có những người coi cộng đoàn như là nhà tù của mình: họ đi sai đường và sống nô lệ thoả mãn cho nhu cầu.
      Có những người lợi dụng cộng đoàn để đạt mục đích cá nhân: họ đã biến cộng đoàn thành công cụ mưu cầu ích lợi riêng cho cá nhân, họ sống trong lo âu, khắc khoải.
      Có những người coi cộng đoàn như là nhà của mình, dù cộng đoàn có nhiều cái chưa tốt hoặc có những thành viên chưa sống cho lý tưởng: họ sẽ trở thành những viên ngọc trai.
      Suốt năm tháng dài hạt sương đã ở trong lòng con trai, không thấy mặt trời chói lọi, không thấy hoa lá khoe sắc, không thấy gió thổi mây bay.…Nhưng nó đã được thay da đổi cốt trở thành viên ngọc vô giá, ai nhìn cũng thích, ai thấy cũng mê. Cộng đoàn là “con trai” để làm cho chúng ta thay da đổi cốt, phải trải qua bao khổ đau, bao hy sinh mới lột đi được con người cũ của mình, nơi cộng đoàn chúng ta múc lấy nguồn ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta được ơn Chúa bồi đắp để trở thành viên ngọc quý giá cho đời, cho Giáo hội và cho chúng ta.
      Thinh lặng cũng là “vỏ con trai” để chúng ta thay da thoát cốt, trong thinh lặng chúng ta nghe được tiếng của Thiên Chúa thì thầm bên trong tâm hồn của chúng ta.
      Thinh lặng-> lắng nghe -> suy tư -> xét mình -> quyết tâm -> thực hành = viên ngọc quý.
TẬP HAI :  TRÍ TUỆ
11. KHA-LUÂN-BỐ VÀ CHÍNH PHỦ Arthur Tonne
      “Ông ta đã thông minh lại còn cơ trí”, một người đồng hội đồng thuyền với Kha-Luân-Bố, đã ca ngợi họ là những người sáng lập phi thường: “Thật chúng ta có thể gọi Kha-Luân-Bố là người dẫn đường chỉ lối cho rất nhiều chính phủ hiện tại, lúc ông ta xuất phát, không biết mình sẽ đến đâu; và sau khi ông ta đến địa phương ấy, cũng không biết mình đang ở đâu. Hơn nữa tất cả sự nghiệp của ông ta đều là do tiền vay mượn mà làm nên”.
** Suy tư 11: Trước khi có ông Kha-Luân-Bố thì đã có chính phủ, cũng như trước khi chưa có con cái thì đã có bố mẹ. Bố mẹ cho chúng ta hình hài, nuôi chúng ta khôn lớn, cho chúng ta học hành. Vậy thì bố mẹ chính là mẫu mực của chúng ta mới phải.
      Cộng đoàn cũng là bố mẹ của chúng ta, trong cộng đoàn chúng ta được trưởng thành, được tiến thân và được trở nên một con người mới trong Chúa Kitô. Như một em bé qua từng giai đoạn: biết bò, biết đứng, biết đi, biết chạy.…
Cũng vậy, trong cộng đoàn các tu sĩ phải qua giai đoạn: ứng sinh, thỉnh sinh, nhà tập, các lần khấn tạm và khấn trọn đời, mỗi giai đoạn đều có thử thách, hy sinh và trưởng thành, quan trọng nhất chính là các thành viên biết đón nhận ơn thánh mà Thiên Chúa ban cho qua từng giai đoạn trong đời sống tu trì. Đến lúc trưởng thành, nói nôm na bình dân là “đủ lông đủ cánh” thì được sai đi đến cánh đồng truyền giáo, với vốn liếng căn bản đã được hấp thụ trong cộng đoàn, người tu sĩ cũng biết kết hợp với hoàn cảnh của địa phương mà “biên chế” thành đời sống hiến thân truyền giáo của mình cho phù hợp với thực tại.
      Như vậy, không phải bố mẹ học nơi con cái, mà chính con cái phải muôn đời ghi ơn bố mẹ vì nhừng thành quả mà mình đã gặt được, cũng là nói, cộng đoàn chính là nơi mà các thành viên yên tâm trao phó cuộc sống của mình, nếu mỗi thành viên thât sự yêu mến cộng đoàn.
12. BIẾT TRƯỚC THỜI CƠ Christopher News Service
Thời kỳ chiến tranh Hàn quốc, một quân nhân Mỹ bị bắt làm tù binh, và năm mươi người khác bị nhốt ở trong một nhà tù.
Có một ngày, trong cuộc tập họp tẩy não, một nhân viên chỉ đạo cộng sản đã công khai chỉ trích người Mỹ là một dân tộc tàn nhẫn, hành vi tàn bạo mới nhất của người Mỹ là chiến tranh vi khuẩn. Ông ta lấy ra một con côn trùng nhỏ, nói với mọi người: “Con vi khuẩn nầy rất là đáng sợ, có thể làm cho người ta đi đến tử vong, nó từ trên máy bay của Mỹ ném xuống, nhưng đây chỉ là một con trong trăm vạn con khác!”
Sau khi nói xong, ông ta đem con côn trùng nhỏ bỏ trên một tấm giấy, chuẩn bị đưa cho mọi người xem. Phạm nhân người Mỹ ấy đang đứng hàng trước, nhặt con côn trùng lên, xem xét tỉ mỉ một hồi, sau đó trước sự kinh ngạc của mọi người, đột nhiên anh ta bỏ con côn trùng vào trong miệng, nuốt xuống. Mọi người đều căng thẳng coi có chuyện gì sẽ xảy ra, nhưng chẳng có động tịnh gì xảy ra cả.
Những lần hội họp và học tập về sau cũng chẳng còn nói đến vi khuẩn nữa.
** Suy tư 12: Đúng là nói láo không có sách, vi khuẩn làm gì mà thấy được nếu không có kính hiển vi? Lại còn cầm lên đưa cho người khác coi, mà có người đứng xa hàng chục mét, đúng là lếu láo !
Cũng như các người biệt phái trong thời Chúa Giêsu, họ mang áo thụng có tua dài, họ thích được mọi người ca tụng, chào hỏi ở những nơi công cộng, họ giảng dạy nhiều lời (Mc 12, 38-40), nhưng chẳng có mấy ai tin vào họ, vì họ nói mà không làm. Con người thời nay nghe quá nhiều lời hứa hẹn mà không được đáp ứng, thấy quá nhiều điều bất công mà lòng sục sôi, nhưng họ thấp cổ bé miệng.
Chúa Giêsu đã nói và Ngài đã thực hiện: “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn loài” (Mt 20, 28). Và cuộc đời của Ngài đã chứng minh cho lời Ngài nói, Ngài đã yêu thương và phục vụ cho đến chết, và chết trên thập giá (Pl 12,8). Các môn đệ của Chúa Giêsu hôm nay cũng như thế, không phải ai cũng thích chúng ta giảng dạy cả đâu, mà họ mong muốn chúng ta thực hành điều chúng ta nói, bởi vì không một giáo dân nào sẵn lòng giúp đỡ người khác, nếu ông cha sở của mình sống phè phởn hưởng thụ, cũng như chẳng một ai cảm phục một nữ tu khi họ “nhe nanh vuốt móng” lớn tiếng đôi co với người khác…
Giáo dân thời nay rất nhạy cảm trước vấn đề của Giáo hội, cũng như của xã hội, bởi vì chính họ là những người đã “lăn lộn chiến đấu vinh nhục” ngay trong môi trường mà họ đang sống. Họ cần chúng ta nở nụ cười tươi với họ hơn là cần chúng ta khuyến khích họ mỉm cười, họ muốn chúng ta cùng chia sẻ với họ cái bánh “mãn thẩu”  đượm tình anh em, hơn là muốn chúng ta mời họ đi ăn nhà hàng sang trọng, thịnh soạn.
Trong cuộc đời truyền giáo của Chúa Giêsu, chưa bao giờ Ngài mời đám đông dân chúng một bữa thịnh soạn ở nhà hàng máy lạnh, nhưng với năm cái bánh và hai con cá của một em bé, Ngài đã chia sẻ với họ những vui buồn lao khổ của kiếp người, và chúc phúc cho họ, làm cho năm cái bánh và hai con cá ấy nhiều gấp trăm ngàn lần để mọi người no thỏa trong cuộc sống hằng ngày.
13. KIẾN GIẢI SAI LẦM Christopher Notes
Có một nhà phát minh vĩ đại đã nói: “Máy hát chẳng có một chút gì là giá trị về thương nghiệp, máy thu thanh cũng chỉ là thời thượng nhất thời, không bao lâu nữa sẽ tiêu vong”. Người nói những lời nầy là Edison.
Năm 1946 có một người nổi tiếng nói: “Truyền hình sẽ không có thị trường. Tôi nghĩ, không tới nửa năm nữa, mỗi buổi tối mọi người sẽ rất chán ngán nhìn chằm chằm cái tráp vuông  cho mà coi”. Đây là câu nói của ông Chainake, giám đốc công ty Fusi của thế kỷ hai mươi.
Tổng thống Mỹ Theodore Roosevert  hình dung điện thoại như thế nầy: “Rất nhiều phát minh làm cho người ta ngạc nhiên, nhưng thử hỏi, có mấy ai có nhu cầu sử dụng nó chứ?”
Cuối cùng, vẫn còn có câu nói như thế nầy làm cho người ta khen ngợi hết lời: “Mỗi một thứ nên phát minh, đều đã phát minh ra cả rồi”. Vị thiên tài nầy là một vị cục trưởng cục phát minh quyền sáng chế của nước Mỹ, đã nói vào năm 1899.
** Suy tư 13: Khi làm công tác truyền giáo, nếu phương pháp chúng ta thành công, thì đừng kiêu ngạo, bởi vì những phương pháp mà chúng ta đã và đang thực hiện thì các nhà truyền giáo đi trước chúng ta đã làm, có điều là chưa hợp hoàn cảnh nên có lúc thất bại đó thôi.
Cũng như mọi phát minh của khoa học, từ thô sơ cho đến tiên tiến, tất cả đều đã được phát minh cả rồi, hay nói cách khác, Thiên Chúa đã “làm mẫu sẵn” và đặt để trong vũ trụ cả rồi, con người chỉ việc dùng trí óc của mình để khám phá ra mà thôi.
Khám phá mới nhất của chúng ta -những nhà truyền giáo của thế kỷ 21 là: phát hiện ra nơi mỗi con người đều có một ưu điểm tối ưu mà chưa có ai biết để sử dụng nó cho đúng mức, ưu điểm ấy chính là một lương tâm ngay lành, luôn mong muốn tìm điều thiện hảo. Chúng ta phát hiện ra nó dưới một khuôn mặt bừng nóng lên vì bức xúc trước bất công; chúng ta phát hiện ra được nó dưới cái vung tay bất mãn ông cha sở vì ngài quá hẹp hòi, khắc khe; chúng ta cũng phát hiện ra nó dưới ánh mắt khó chịu khi nhìn thấy các bà Sơ dì phước kênh kiệu, điệu đàng, xa cách quần chúng.v.v...Dưới những “phát minh phát hiện” ấy, chúng ta tìm hiểu, thí nghiệm nguyên nhân và “đưa vào sử dụng đại trà” cho cánh đồng truyền giáo, mà cụ thể là trong họ đạo chúng ta, trong môi trường mà chúng ta đang sống, làm việc, học hành.
14. NƯỚC HOA Sunshine
Trong rất nhiều tình huống, chỉ mới gợi ý cho đối phương liền có thể làm cho họ tiếp nhận mà không một chút gì nghi hoặc. Anh có tin là có một loại sức mạnh hình như khó mà tin được ấy không?
Có một giáo sư hoá học đã làm qua một thực nghiệm, ông ta bày ra trước lớp học một cái chai thuỷ tinh, trên cái chai có dán nhãn hiệu “nứơc hoa cây quế trúc”. Ông ta nói với học sinh ai ngửi được một chút mùi nước hoa thì đưa tay lên, mười lăm giây sau, ông ta mở cái nút chai ra, mỗi một học sinh ngồi ở hàng trước đều lập tức đưa tay lên. Thời gian không tới một phút đồng hồ, toàn lớp có ớ học sinh đều nói là có ngửi được mùi nước hoa.
Thực ra ở trong chai chỉ đựng toàn là nước.
** Suy tư 14: Có một thứ bệnh rất hay lây qua người khác, đó là bệnh “bắt chước”.
Hay bắt chước người khác nhất có lẽ là các cô gái, thấy người ta ra “mốt gì” thì mình cũng theo mốt đó, mà không cần biết có hợp với mình không? Có những người mặt mày xem ra không đẹp cho lắm, nhưng vẫn cứ đánh phấn tô son, áo quần rất là “à la mode”, kiểu nầy dáng nọ rất là không hợp với mình, chứ đừng nói là hợp với nhãn giới của người khác; có những bạn thanh niên học theo “mốt đua xe”, thấy bạn bè lạng lách hết tốc lực, mình cũng bắt chước làm ra vẻ ta đây cũng sành đời, uống hết ly nầy qua chai nọ, rồi chẳng biết đường mà về nhà.…
Cái hay của người khác thì có rất nhiều, nhưng ít ai “bắt chước”, cái dở thì càng nhiều hơn và ai cũng học rất mau cái dở của người khác.
Chúa Giêsu đã nói: “…Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường…” (Mt 11, 29). Nhưng xem ra ít người thích học với Chúa Giêsu bài học vỡ lòng để nên thánh ấy, dù cho người ta không thích học với Chúa Giêsu, nhưng những người được gọi là môn đệ, là bạn thiết nghĩa với Chúa thì phải học mang lấy ách của Ngài, vì không học hai bài học căn bản: hiền hậu và khiêm nhường, thì không thể trở nên một người truyền giáo chân chính được.
Hiền hậu và khiêm nhường luôn được biểu hiện ra nơi khuôn mặt và hành vi của người truyền giáo, đó là hình ảnh sống động nhất của Chúa Cứu Thế, khi Ngài giảng dạy đạo lý Nước Trời cho dân chúng.
Con gái thì hay bắt chước người khác để làm đẹp cho mình, nhưng có khi không phù hợp với vóc dáng và “con mắt” của người khác. Nhưng các nữ tì của Thiên Chúa thì sẽ không sợ lỗi thời, sẽ không sợ không hợp với con mắt của người khác khi học sự hiền hậu và khiêm nhường của Chúa Giêsu, bắt chước như Chúa Giêsu, vị Thầy vĩ đại của mình thì có gì là mắc cỡ với thẹn thùng chứ ?
Hãy bắt chước Chúa Giêsu, như Đức Maria đã bắt chước: hiền hậu và khiêm nhường.
15. BIẾT, LÀM HỢP NHẤT Tonne
Lãnh đạo giáo dục một quốc gia nọ quyết định tiến dẫn vận động viên bóng đá, cho nên ông ta mua một quyển sách nói về quy tắc cầu trường, nhờ mấy quyển sách nầy mà huấn luyện ra một tốp thầy giáo, sau đó thì do những thầy giáo nầy mà giảng dạy lại cho học sinh.
Học sinh đều nhớ tất cả các chương mục quy tắc, thầy giáo cũng lên lớp giảng giải, lại vẽ đồ hình trên bảng đen để phân tích, về sau lúc tổ chức thi viết thì các học sinh hình như đều như nhau: không đạt yêu cầu, mọi người đều ỉu xìu.
Lúc ấy có một người thanh niên từ Âu châu đến, nhìn thấy cách học tập uổng công vô ích nầy, thì kinh ngạc nói: “Trời ạ! Các anh không thể từ nơi quyển sách nầy mà học biết đá bóng, các anh nhất định phải học biết đá bóng từ trong cầu trường”.
Vì vậy mà anh ta mua một cái sân bóng đá, đem học sinh đến thao trường  lên lớp, không đầy một tiếng đồng hồ sau, học sinh học tới đông tới tây, so với sáu ngày học trong sách trước đây vẫn nhiều hơn.
** Suy tư 15: Học và hành luôn đi đôi với nhau, đó là chìa khoá cho sự thành công, có một số người trời phú cho sự thông minh học đâu thuộc đó, nhưng để sử dụng cái máy tính nhân chia số thập phân, thì chẳng biết bấm nút nào cho nó đúng! Cũng có người lái xe môtô, chạy xe hơi ào ào, đến khi xe không khởi động máy, thì chẳng biết đường nào mà rờ, đem tới thợ coi ra sao, té ra là đã khoá…xăng ! Anh ta chưa hiểu lý thuyết vận hành của xe cộ !
Có các giáo dân thuộc làu làu mười điều răn Đức Chúa Trời sáu điều luật Hội thánh, và khi dự thánh lễ, cha chưa giảng đã hiểu nội dung của bài Phúc âm. Nhưng trong cuộc sống đời thường thì sống y như là người chưa biết chút gì về Lời Chúa: chửi thề, phóng túng, rượu chè, cờ bạc.v.v…họ chưa thực hành Lời Chúa, và họ bị người ta cho là “đồ vô đạo”.
Không có môi trường nào học và thực hành đức ái tốt cho bằng trong cộng đoàn, bởi vì cộng đoàn là nơi để chúng ta: học tập yêu thương, thực hành yêu thương và nuôi dưỡng yêu thương.
1.   Học tập yêu thương:
Cộng đoàn giáo xứ, cộng đoàn dòng tu hay một cộng đoàn tu hội đời, là một gia đình “không liên hệ huyết thống” như gia đình của mỗi người, cho nên, khi gia nhập cộng đoàn là chúng ta tách mình khỏi tình cảm huyết nhục cha mẹ, anh em, chị em…để chúng ta sát nhập vào một gia đình mới, không phải cùng huyết thống, mà là liên hệ trong đức tin, con cái của Abraaham.
Ở trong cộng đoàn mới nầy, chúng ta phải học tập yêu thương những người mà trước đây mình không quen biết, thương yêu để nhẫn nhục vì tính kiêu ngạo, khó chịu của chị em, anh em; học tập yêu thương những khuôn mặt cay cú quạu vọ của người anh em, chị em…
Bởi vì không ai tin chúng ta khi chúng ta dạy người khác phải yêu thương, mà chính chúng ta chưa biết yêu thương người anh em, chị em trong cộng đoàn của mình.
2/ Thực hành yêu thương:
Linh mục Vincent Lebbe, người sáng lập bốn tu hội, cộng đoàn  đã nói: “Thật yêu người tức là luôn luôn làm cho người ta trước, sau đó đến mình, khiến cho người ta tự mình được an ủi thật sự và ích lợi thật sự” .
Để trở thành một Kitô hữu chân chính, thì không những phải học yêu thương mà còn là phải thực hành yêu thương. Học tức là suy tư, biện luận, phản bác có nghĩa là dùng lý trí để suy xét, nhưng học yêu thương thì không phản bác, không biện luận, không xét nét gì cả, mà chỉ có dùng trí khôn ngoan để tìm cách thi hành đức ái sao cho hoàn hảo nhất mà thôi.
Chúa Kitô chết trên thập giá vì yêu nhân loại tội lỗi, Ngài đã không phản bác, không biện luận, không xét nét, nhưng đã chọn cái chết khốc liệt nhất để yêu và cứu chuộc nhân loại. Cũng có nghĩa là Ngài đã làm cho nhân loại trước: được cứu chuộc; sau đó đến mình: hoàn tất công trình cứu chuộc bằng sự phục sinh vinh hiển. Ngài đã thực hành yêu thương.
Nơi lý tưởng nhất để thực hành yêu thương cũng chính là trong cộng đoàn của chúng ta.
3/ Nuôi dưỡng yêu thương:
Đi truyền giáo tức là đi đến nơi mà chúng ta chưa biết chưa quen. Ở với một dân tộc mà phải mất nhiều năm chúng ta mới thích nghi…với đời sống của họ. Tóm lại là vô cùng khó khăn, nhưng khó khăn và cảm thấy bị bỏ rơi nhất chính là khi chúng ta bị nỗi đơn dày vò, chính vì vậy mà có rất nhiều anh em, chị em đã ra đi không trở lại.
Cộng đoàn chính là nơi nuôi dưỡng yêu thương, để khi chúng ta ra đi gặt hái trên cánh đồng truyền giáo, gặp những khó khăn, đau khổ, chúng ta lại được bồi dưỡng tinh thần, giải toả những khó khăn, tìm lại được giây phút yêu thương đầm ấm ngay trong chính cộng đoàn của mình. Vì hiểu được điều ấy, mà có một số dòng tu có một nội quy rất…dễ thương: các thành viên sau ba năm phục vụ ở ngoài xã hội, thì trở về nhà dòng mẹ từ ba đến bốn tháng để nghỉ ngơi, bồi dưỡng tinh thần cũng như sức khoẻ…
Tổng thống Mỹ John F.kennedy nói: “Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho anh, nhưng hãy hỏi tôi đã làm gì cho tổ quốc”. Nếu chúng ta chưa tìm được nơi cộng đoàn sự yêu thương, thì nên tự hỏi mình: tôi đã làm gì cho cộng đoàn của tôi để đức Ái được phát triển?
Học tập yêu thương và thực hành yêu thương, chính là dấu hiệu của người môn đệ Chúa Kitô trong thế kỷ 21 nầy vậy !
16. KHỔ TÂM HOÀI CÔNG The Canteen
Có một giám đốc muốn tuyển một thư ký, ông ta bèn mời một nhà tâm lý học đến xét tuyển người xin việc. Có ba cô gái cùng tham gia nói chuyện trực tiếp .
-“Hai cộng hai là bao nhiêu ?”. Tâm lý gia hỏi cô gái thứ nhất.
-“Bốn”. Cô ta trả lời rất gọn gàng dứt khoát.
Vấn đề cũng như thế, cô gái thứ hai trả lời: “Có thể là hai mươi hai”.
Đáp án của cô gái thứ ba là: “Có thể là hai mươi hai, nhưng cũng có thể là bốn”.
Sau khi đợi cho ba cô gái đi khỏi, nhà tâm lý học dương dương đắc ý nói với giám đốc: “Đây là công năng của tâm lý học, cô gái thứ nhất nói là việc hiển nhiên, cô gái thứ hai cảm thấy khả nghi, cô gái thứ ba thì tổng hợp cả hai người. Bây giờ, ngài cần chọn cô nào ?”
Ông giám đốc trả lời mà không thắc mắc: “Tôi chọn cô gái mắt xanh tóc vàng”.
** Suy tư 16: Chức năng của nhà tâm lý học không phải chấm dứt việc trắc nghiệm bài toán cộng vỡ lòng rồi thôi, mà quan trọng chính là phần thứ hai: kết quả tâm lý, tính tình của mỗi ứng viên như thế nào, nhà tâm lý phải nói cho ông giám đốc biết để ông cân nhắc chọn lựa !
Đáng lẽ, sau khi trắc nghiệm xong, ông phải nói như thế nầy với chủ của mình: “Cô gái thứ nhất tính tình thật thà, cô gái thứ hai tính tình không ngay thẳng còn cô gái thứ ba thì lập lờ nước đôi, ba phải…”- Để thân chủ của mình chọn lấy một cô thư ký, hoặc ít nữa, nên góp ý cho thân chủ của mình nên chọn người nào chứ !
Trách nhiệm của người mục tử cũng như nhà tâm lý học, khi phân tích thế nào là tội cho con chiên bổn đạo mình nghe, không chỉ nói rằng: “tội là do ma quỷ đem đến, ta phải tránh xa nó; tội là xấu xa trước mặt Thiên Chúa…anh chị em hãy tránh tội lỗi…” thì đó chỉ là phần một, người nào nói cũng được, và có khi còn nói hay hơn các linh mục nữa là đàng khác. Nhưng phần thứ hai mới là quan trọng: nói đến tình yêu của Chúa Giêsu đã vì tội lỗi của chúng ta mà chết trên thấp giá, chúng ta giảng dạy các tín hữu như thánh Phaolô tông đồ đã dạy cho giáo đoàn Rôma: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13, 14-14).
17. LẼ NÀO NGU HẾT CHỔ NÓI Quote
Một công ty nhỏ có một viên chức, mỗi ngày đúng ba giờ chiều đều đi ra ngoài, nửa giờ sau thì trở lại, do mỗi ngày đều như thế, cho nên khó tránh khỏi sự đoán mò của các đồng nhiệp hiếu kỳ, qua mấy tháng sau, cuối cùng giám đốc chịu không nổi bèn hỏi anh ta ngọn nguồn như thế nào.
Anh ta nói: “Mỗi buổi chiều tôi lái xe đến chổ giao lộ của đường sắt, đợi chuyến xe chở hàng ba giờ hai phút lái về tuyến đông chạy qua. Sau khi đợi xe lửa xhạy khỏi, tôi liền thở phào một hơi nói với mình: tạ ơn trời đất, xe lửa đã chạy rồi, tôi sẽ không tông vào nó nữa”.
** Suy tư 17: Cũng có những người bỏ ra rất nhiều thời gian để đi tìm vận may mà không làm gì cả, họ không biết rằng, vận may ở ngay chính khi mình bắt tay làm việc.
Cũng có những người hối tiếc việc sai lầm của mình đã làm, nhưng khi có dịp thuận tiện thì lại phạm sai lầm nhiều hơn !
Tìm vận may, hối tiếc những việc sai lầm đều là những việc làm tiêu cực của người…tiêu cực, nhưng người tích cực thì không như thế, họ xông xáo trong bổn phận hiện tại, họ lao động bằng trí óc, lao động bằng chân tay để chu toàn bổn phận trong hiện tại, và họ đã gặp được vận may trong bổn phận, và nếu có sai lầm trong công tác, họ tích cực sửa chữa, lắng nghe ý kiến và sự góp ý của người khác.
Họ đã thành công.
18. HIỂU SAI Ý Quote
Có một người hỏi bạn của mình: “Tình yêu của anh và cô gái con của giám đốc, gần đây tiến triển như thế nào?”
Người thanh niên ấy tươi cười rạng rỡ nói: “Còn tốt chán, gần đây tôi được rất nhiều lời khích lệ”
-“Thật sao?” Bạn của anh ta hỏi tiếp : “Có phải cô ta bắt đầu mĩm cười ngon ngọt với anh không ?”
-“Vậy thì không phải rồi”, người thanh niên thoải mái nói: “Tối hôm qua, cô ấy nói với tôi, lời cuối cùng của cô ta là “không”.
** Suy tư 18: Con người ta thường hay nhìn bên ngoài để xầm xì bàn tán, mà không nhìn thấy rõ thực chất bên trong của sự việc, biết bao nhiêu người phải đau khổ bởi những tiếng “xì xầm” của chúng ta, biết bao nhiêu người chịu tủi hổ vì những lời bàn tán của chúng ta…
Người “đời” mà xì xầm bàn tán với nhau thì người ta còn thông cảm được, chứ các bà xơ dì phước hay ông cha ông thầy mà bàn tán xì xầm nầy nọ, thì quả là gây gương mù gương xấu, và hậu quả thì khó mà lường được. Bởi vì người ta thường “tin” bà xơ dì phước hơn các con cháu khác của bà E-va, cũng vậy người ta “tin” ông cha ông thầy hơn những con cháu khác của ông A-đam.
Những tiếng xì xầm bàn tán thường là không đúng và có ý không hay, là lời của “đứa cám dỗ”, tại sao vậy ? Vì Chúa Giêsu đã nói: “Anh em phải coi chừng men Pharisêu, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (Lc 12,1b-3).
19. CON LỪA NGU Willi Hoffsuemmer
Có một ngày, con lừa, con rùa và con ruồi gặp nhau rất là đúng lúc, bèn cùng nhau nói chuyện phiếm.
Con ruồi phàn nàn nói: “Nếu tôi có thể sống lâu hơn một chút, như thế thì việc gì cũng đều có thể trở thành dễ dàng, các anh có thể tưởng tượng ra, chỉ có hai mươi bốn tiếng đồng hồ, lại còn phải làm cho hoàn tất các “mùi vị” của công việc sao? Sinh ra, lớn lên, học chút kinh nghiệm, sau khi nếm được chút ít hoan lạc và thống khổ, thì chết chỉ trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ.”
“Anh nói không sai chút nào cả”, con lừa nhấn mạnh, nói: “Nhưng tôi hy vọng tôi chỉ sống hai mươi bốn giờ là có thể được rồi, bởi vì tất cả cuộc sống của tôi thì như thế, mặc dù ngắn ngủi, nhưng lại là rất êm đẹp.”
Con rùa nhìn nhìn hai người rồi nói: “Tôi không hiểu nổi hai vị, năm nay tôi đã ba trăm tuổi rồi, thời gian không đủ để nói cho các anh biết những sự việc từng trãi của tôi, sự thật đã qua thì quá nhiều. Tôi còn nhớ lúc tôi hai trăm tuổi, thì tôi hy vọng cuộc sống đến đây thì chấm dứt”. Sau đó nó quay qua nói với con lừa: “Tôi hâm mộ anh”. Rồi lại quay người nói với con ruồi: “Tôi đồng tình với anh”.
Con lừa liền nói: “Sau khi nghe anh nói xong, tôi cũng không có để ý mình muốn sống đến ba trăm tuổi. Thử nghĩ mà coi, như vậy trong mỗi một sự việc của cuộc sống thì anh đã có cơ hội trải qua rồi, hơn nữa lại có thể nếm qua đã lâu dài mà lại còn thấu đáo nữa chứ”.
Sau khi cả ba người đều đã phát biểu xong thắc mắc của mình, thì cùng nhau thinh lặng, chìm đắm một khoảng thời gian rất lâu trong thương cảm. Bởi vì chúng nó đều lấy thời gian để so sánh đời sống của mình, hơn nữa chúng nó đều cho rằng nhu cầu cũng chẳng có gì cả, trông chờ trường thọ nơi đoản mệnh, tìm đoản mệnh nơi trường thọ, lại còn có người yêu cầu vừa đoản mệnh lại vừa trường thọ, cho nên cả ba người cùng nhau đi tìm hỏi một vị tôn sư nổi tiếng, ông ta là một con nhền nhện.
Nhền nhện nói: “Rùa, nhà ngươi đừng có trách cứ, ai có sự hiểu biết phong phú như ngươi chứ?”
“Còn ngươi, con ruồi”, nhền nhện nói: “Nhà ngươi cũng “stop” ngay sự phàn nàn lại, cuộc sống của ai lại được có nhiều thú vị như ngươi chứ?”
Con lừa liền hỏi con nhền nhện có chỉ thị gì cho mình chăng, nhền nhện nói: “Ta cũng chẳng biết nên kiến nghị cho nhà ngươi điều gì, bởi vì nhà ngươi đã muốn đoản mệnh mà lại còn muốn trường thọ, việc nầy thì không thể được. Cho nên nhà ngươi không những bây giờ mà sau nầy cũng vẫn là một con lừa ngu xuẩn”.
** Suy tư 19: Người giàu có thì thích sống lâu để hưởng thụ!
Người nghèo khổ thì mong cho mau chết vì quá khổ ?
Quan niệm của hai loại người trên đều không đúng với tinh thần Kitô giáo, giàu có và nghèo khổ không phải là lý do để được sống lâu hay chết mau, mà chính là họ có vui vẻ chấp nhận giàu có và nghèo khổ như là ơn huệ của Thiên Chúa ban cho hay không mà thôi.
Giàu có mà sống trong ích kỷ, bo bo giữ của, coi người nghèo như là…cỏ rác, thì chẵng khác chi đã chết trong tâm hồn rồi vậy. Nghèo khổ mà chấp nhận hoàn cảnh cố gắng vươn lên, vui với hoàn cảnh hiện tại, không oán trời trách người thì chẳng khác gì trường thọ sao?
Đừng làm tôi Thiên Chúa rồi lại nô lệ cho tiền bạc, cũng như đừng đi “nước đôi” với tội lỗi và đánh lừa Thiên Chúa.
20. CON CÁ KHÔNG BIẾT  Kurt Mobel
Một hôm, có một đàn cá vừa buồn bực vừa nổi khùng ngược giòng đi lên, cùng nhau họp lại. Bởi vì có người nói với chúng nó: “Sinh mệnh của các anh là phải hoàan toàn trông cậy vào nước, nếu không có nước, thì sẽ không có cá”.
Chúng nó cùng nhau tranh biện, thảo luận: “Chúng ta đây có ai thấy nước chưa? Có ai biết nước không? Sao lại có người nói loài cá chúng ta hoàn toàn phải trông cậy vào nước? - Có một con cá khá thông minh đề xuất ra một kiến nghị, nó nói: “Tôi nghe nói ở trong biển lớn, có một con cá tuổi đã cao, tràn đầy trí tuệ, nó thông hiểu tất cả sự việc, đối với những bí hiểm của tự nhiên nó hiểu rất nhiều, chúng ta có thể đi đến cầu cứu nó, xin nó nói cho chúng ta biết nước là gì?”
Mọi người cho rằng đây là một chủ ý tốt, cho nên cùng nhau bơi xuống, đi đến biển lớn, lại bơi mấy ngày mấy đêm, cuối cùng thì cũng đã đến nơi con có lớn nọ, đem vấn đề lần lượt thuất lại, con cá ấy nhìn nhìn chúng nó rồi nói:”Nhất định các anh là những người từ trong rừng sâu mà đến, hiểu biết không bao nhiêu. Lẽ nào các anh không biết, từ khi các anh còn là cái trứng cá thì đã ở trong nước rồi sao? Nước vẫn ở chung quanh các anh, các anh cả ngày sống ở trong nước, nếu không có nước thì không một con cá nào sống được cả”.
Đáp án nầy làm cho đàn cá thập phần mãn ý, sau khi chúng nó cám ơn vị giáo sư thì bơi trở về nhà, biết bên cạnh mình cả ngày đều là nước, thì cảm thấy rất là vui vẻ và thoả mãn.
** Suy tư 20: Có ở trong nước cả ngày, suốt đời, vậy mà không biết nước là gì thật là tội nghiệp làm sao!
Ơn của Thiên Chúa chính là nguồn nước để linh hồn chúng ta sống thoải mái, dồi dào và bình an.
Mỗi bí tích mà chúng ta lãnh nhận đều là những máng đề chuyển “nước hằng sống” xuống cho chúng ta, tuỳ theo nhu cầu của chúng ta khi lãnh nhận, vậy mà có những lúc chúng ta trách Chúa: sao Chúa để con phải như thế nầy, sao Chúa để con phải như thế nọ !
Ân sủng của Thiên Chúa rất dồi dào, dư dật và không thiếu cho những ai biết lợi dụng “các máng chuyền ơn” ấy.
Nếu sau khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa vào lòng mà mật thiết trò chuyện với Chúa Giêsu như người bạn tình yêu dấu, thì thử hỏi làm sao mà không nếm được sự bình an và hạnh phúc chứ?
Nếu sau khi chúng ta hoà giải với Thiên Chúa trong bí tích Giải tội, mà chúng ta thật sự nhìn thấy tình yêu bao la vô hạn của Thiên Chúa đã dành cho ta: xóa bỏ tội ta phạm, tha thứ và đón nhận ta trở về…(Lc15, 11-24), thì sao lại không nhìn thấy ân sủng của Thiên Chúa chứ?
Chúng ta đang sống giữa ân sủng của Thiên Chúa, mỗi lời nói, mỗi bước đi, mỗi hành động của chúng ta chính là ân sủng của Thiên Chúa ban cho, thế nhưng ai đã hiểu điều nầy hơn mọi người khác? – Thưa, chính là các linh mục, tu sĩ nam nữ, là những bạn thân thiết của Chúa Kitô.
TẬP BA: THÀNH BẠI
21. THU HOẠCH TRONG THẤT BẠI
Một người giúp việc cho Edison để ông ta làm một loại ắc-quy mới, làm thực nghiệm trước sau thất bại năm mươi ngàn lần thì rất là kinh ngạc.
Anh ta hỏi: “Ngài thu hoạch được gì chứ?”
Edison nói: “Thu hoạch à ? Anh bạn trẻ, thu hoạch của tôi có thể nói là rất nhiều, bây giờ tôi biết được có năm mươi ngàn loại không có hiệu quả ?”
** Suy tư 21: Có câu thành ngữ: thất bại là mẹ thành công.
Năm mươi ngàn lần thất bại cho một thí nghiệm, như nhà bác học Edison thì quả là hiếm thấy, và có thể nói là anh hùng, và còn rất nhiều nhà bác học khác đã bị thất bại chua cay đắng xót, để rồi ngày hôm nay chúng ta mới hưởng được thành quả của họ.
Thất bại là chuyện thường tình của người làm công tác khoa học, nghiên cứu; thất bại cũng là chuyện thường ngày của những người có óc tìm tòi sáng tạo, trong thất bại mới nhìn thấy được bản lĩnh của họ.
Và, thất bại cũng là chuyện bình thường của các nhà truyền giáo, nhưng chưa có một nơi nào các nhà truyền giáo đặt chân đến mà rồi trở về tay không. Cứ hỏi các nhà truyền giáo lão thành họ sẽ kể cho nghe những gian nan khốn khó trong thời kỳ đầu truyền giáo nơi một miền đất xa lạ, họ sẽ kể cho nghe những thất bại chua cay, mồ hôi trộn lẫn nước mắt, nhưng rồi các vị truyền giáo ấy đã thành công, nguyên nhân nào đã làm cho họ đứng vững giữa những thất bại ấy?
Thưa, đó chính là sự quyết tâm của họ, sự yêu thương miền đất mới của họ và quan trọng nhất, chính là ân sủng của Thiên Chúa ban cho họ, qua lời cầu xin trong thất bại cũng như trong thành công của họ.
Thất bại của một cha xứ, chính là tâm hồn bổn đạo khô khan, không thích đến nhà thờ, không màng đến các bí tích.v.v.. Thất bại của cộng đoàn chính là các thành viên nghi kỵ lẫn nhau, thiếu đức ái làm nền tảng.v.v... Thất bại của mỗi cá nhân chính là không có quyết tâm và không trông cậy vào ân sủng của Thiên Chúa.
22. MÀI ĐÁ THÀNH VÀNG Bruno Hagspiel
Có một lần, có một phụ nữ đưa cho nhà danh họa Lu-si-jin một chiếc khăn tay rất đắt giá, nhưng trên chiếc khăn có một vết mực lớn.
Bà ta nói: “Thật đáng tiếc, nếu nó sạch sạch một chút thì đẹp biết mấy, như thế nầy thì hoàn toàn hư hoại rồi”.
Lu-si-jin không nói một lời nào, chỉ nói mượn chiếc khăn tay của bà ta một ngày. Qua ngày hôm sau, lúc ông ta đem chiếc khăn tay trả lại cho bà ta, cũng vẫn không nói gì cả, nhưng người phụ nữ ấy vừa nhìn thấy chiếc khăn thì thích thú vô cùng, bởi vì nhà danh họa không cười ấy đã lợi dụng vết bẩn ấy mà vẽ nơi góc của chiếc khăn một bức tranh cực kỳ khéo léo.
Bây giờ giá trị của chiếc khăn tay vuông vuông ấy càng đắt hơn.
** Suy tư 22: Nhà hoạ sĩ đại tài biết lợi dụng vết bẩn trên chiếc khăn tay, đề hoạ thành một bức tranh đẹp đẽ, đầy tính mỹ thuật.
Trước mặt Thiên Chúa không ai là không có tội. Thiên Chúa là nhà hoạ sĩ không những đại tài mà còn tuyệt vời khi vẽ tranh, tội lổi của chúng ta dù to lớn bao nhiêu chăng nữa, nếu chúng ta khiêm tốn phó mình trong tình yêu của Ngài, thì Ngài sẽ biến chúng ta thành một tác phẩm mới, hoàn hảo và đẹp hơn, có ích cho Giáo hội và cho xã hội hơn.
Có ai tội lỗi như thánh Augustinô, đã trở thành tuyệt tác qua bàn tay hoạ sĩ của Thiên Chúa!
Có ai bất hạnh như thánh Martin de Porres người da đen, dưới bàn tay của Thiên Chúa đã trở nên “trắng” hơn cả tuyết, và là mẫu gương bác ái yêu người cho mọi người!
Đừng mặc cảm mình là người tội lỗi mà không dám trông cậy vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, càng tội lỗi ta càng bám vào tình yêu của Thiên Chúa đề xin Ngài ban ơn, tha thứ và nâng đỡ, càng thấy mình yếu đuối thì càng trông cậy vào Thiên Chúa như cô Maria Madalena (Ga 12,3-8).
Thiên Chúa là nhà họa sĩ đa năng, Ngài sẵn sàng “phục chế” lại cho chúng ta tình trạng trong trắng như ngày chúng ta đón nhận bí tích rửa tội, nếu chúng ta biết đơn sơ tín thác tất cả cuộc sống của chúng ta cho Ngài.
23. QUYẾT TÂM Bruno Hagspiel
Có một nghệ sĩ dương cầm hỏi một vị đại nghệ sĩ dương cầm khác: “Có phải lúc nào ngài cũng chuẩn bị sẳn sàng để lên sân khấu diễn tấu ?” - Đại nghệ sĩ dương cầm trả lời: “Tôi thì luôn luôn đợi lệnh, bốn mươi năm nay, mỗi ngày tôi đều luyện đàn 8 tiếng đồng hồ”.
-“Tôi hy vọng tôi cũng có quyết tâm như ngài vậy”.
-“Trời cho mỗi người đều có quyết tâm như thế”, đại nghệ sĩ dương cầm nói tiếp: “Tôi chỉ dùng quyết tâm đó mà thôi”.
** Suy tư 23: Chỉ diễn tấu có một buổi, mà nhà nghệ sĩ dương cầm phải bỏ ra mỗi ngày tám tiếng đồng hồ để luyện đàn dương cầm trong bốn mươi năm.
Để làm một linh mục phải học mất bảy năm trong Đại chủng viện (chưa kể sáu năm ở Tiểu chủng viện).
Để làm một bác sĩ phải qua bảy năm học, lại còn phải tham dự các lớp chuyên ngành.
Để trở thành một bà Sơ dì phước, thì cũng phải mất sáu, bảy năm khấn tạm thời.v.v…
Làm nghệ sĩ, làm linh mục hay bà Sơ, bác sĩ, thì xét cho cùng, chỉ là một đời mà thôi, rồi sau đó thì…chết.
Nhưng để làm một thánh nhân, hay nói cách khác, để được sống muôn đời với Thiên Chúa, thì chúng ta chuẩn bị mấy năm ? Chúa Giêsu đã dạy chúng ta: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ (Mc 14, 38). Cầu nguyện luôn, cầu nguyện không ngừng, đó chính là chuẩn bị cho cuộc sống mai sau và là sức mạnh để chúng ta chống trả với chước cám dỗ.
Canh thức cũng đồng nghĩa với sẵn sàng, câu châm ngôn của các hướng đạo sinh là: sẵn sàng. Sẵn sàng phục  vụ bất cứ lúc nào, sẵn sàng hy sinh tất cả để phục vụ, sẵn sàng vượt qua những chuyện khó khăn.
Câu châm ngôn của người Công giáo phải là cầu nguyện, cầu nguyện để được bình an, để nhìn ra thánh ý của Thiên Chúa, và nhất là cầu nguyện để chuẩn bị đón nhận những thử thách mà Thiên Chúa gởi đến để thánh hoá chúng ta.
24. DỒN VÀO CHỔ CHẾT MỚI SỐNG American Farm Youth
Có một người muốn đi đường tắt để trở về nhà, cho nên anh ta mới đi qua một nghĩa địa hoang vắng ở ngoại ô, nhưng không ngờ ở đó lúc ban ngày người ta đã đào một phần mộ mới, không may cho anh ta bị rơi xuống cái hố mới đào ấy. Hố sâu bảy thước, anh ta giãy giụa muốn trèo ra ngoài, nhưng cuối cùng đành phải bỏ ý định ấy, quyết định đợi đến trời sáng, lúc có người đi qua, thì lên tiếng kêu cứu.
Qua đi một lúc, một công nhân vừa xong việc cũng muốn đi đường tắt để về nhà cho gần, cũng bị rơi xuống hố như vậy, anh ta hoảng loạn nổ lực muốn trèo ra, hoàn toàn không biết ở trong hố đã có người. Anh ta giãy giụa một hồi, người rơi xuống trước đang trong cảnh tối mò, đưa cánh tay ra, đập đập trên vai của anh ta: “Anh ra không được đâu”.
Nhưng anh ta đã ra được.
** Suy tư 24: Hình như trong nguy cấp, con người được tăng thêm sức mạnh thần kỳ, bình thường căng sợi dây cao một mét, lấy hết sức nhảy cũng không qua, nhưng khi bị chó dữ đuổi thì hàng rào cao hơn một mét rưởi nhảy qua như chơi.
Trong đời sống tâm linh cũng như thế, ở đâu Giáo hội bị bắt hại, ở đó đức tin của các giáo hữu gia tăng, ở đâu thiếu vắng nhà thờ, ở đó tâm hồn người tín hữu càng tha thiết đến nhà thờ, và ngược lại, ở đâu Giáo hội được tự do hoạt động, thì ở đó lòng đạo của các tín hữu sa sút…
Hơn ba trăm năm đạo Chúa bị bách hại ở Rôma, đã sản sinh nhiều vị thánh tử đạo tuyệt vời, chứng tích anh hùng nầy còn mãi cho đến hôm nay và về sau. Cũng vậy, trong suốt thời gian đạo Chúa bị coi là “tả đạo” tại Việt Nam, đã có hơn một trăm ngàn chứng nhân chết vì đạo, và nổi bật nhất là 117 Đấng đã được tôn phong hiển thánh ngày 19.6.1088. Và gần đây nhất, ngày 5.3.2000 vị tử đạo tiên khởi của Việt Nam-thầy giảng An-rrê Phú Yên- đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị ghi vào sổ các chân phước tử đạo của Giáo hội hoàn cầu.
Trong đau khổ, đức tin nẩy mầm và lớn nhanh
Trong hoà bình, đức tin dễ bị lung lay, do đó, những thử thách rất cần thiết cho đời sống đức tin của người Kitô hữu, vì như lời thánh Giacôbê nói: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh nhận phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người” (Gc 1,12).
25. CỦ KHOAI TÂY  Tonne
Ở Kan-sa-si-zhou có một nông dân, một hôm, sau khi xong công việc đồng áng bèn trở về nhà, phát hiện ra trong túi áo có một củ khoai tây rất nhỏ, ông ta cầm củ khoai tây đưa cho đứa cháu ngoại mười hai tuổi đang chơi đùa ở nhà ông.
-“Cho cháu cái nầy”, ông ta nói: “Cháu đem nó trồng ở trong ruộng của ông, sau nầy phàm là của cháu trồng đều là của cháu”.
Đứa cháu ngoại nghe xong thì rất phấn khởi, liền đè lên củ khoai tây nơi có cái mầm cắt thành nhiều lát, mỗi lát đều đem trồng ở dưới đất.
Sau khi vào (mùa) thu, nó đào tất cả các củ khoai tây mà nó đã trồng lên, tích trử lại, đến mùa xuân sang năm, nó lại cắt mỗi củ khoai tây thành nhiều lát nhỏ, ròi lại trồng tất cả xuống đất. Cứ như thế, năm nào cũng thu cũng trồng, trồng rồi thu, khi đến năm thứ tư, thu hoạch của nó đã vượt qua hơn trăm giạ.
Người nông phu nhìn thấy khoai tây của cháu ngoại mình sắp sửa trồng đầy cả ruộng của ông ta, không thể không đề xuất bãi bỏ lời hứa sơ sài ban đầu ấy. Đương nhiên đứa cháu ngoại cũng đồng ý, bởi vì nó đã từ một củ khoai tây nhỏ xíu mà được lợi nhuận khá nhiều.
Việc lớn thường khởi đầu từ việc nhỏ.
** Suy tư 25: Không một người lính nào mà mới rời khỏi quân trường là thăng ngay cấp đại tướng, cũng chẳng có một em bé nào chưa biết đứng đã biết chạy!
Việc lớn thường bắt đầu từ việc nhỏ, một bề trên trong cộng đoàn thường là người đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng khác, có bề dày kinh nghiệm, có đời sống gương mẫu…và được mọi người tín nhiệm.
Người khiêm tốn thường không làm những việc to tát mới gọi là khiêm tốn, nhưng họ thực hành những chuyện nhỏ bé có khi rất tầm thường trong đời sống thường ngày, với tất cả con tim và lòng yêu mến Chúa, chị thánh tiến sĩ Têrêxa nhỏ1 suốt cuộc đời chỉ làm những việc hy sinh nhỏ mà lòng yêu mến thì vượt quá trời cao, nên đã được phần thưởng xứng đáng: Bổn mạng các xứ truyền giáo.
Nên làm những việc đạo đức nho nhỏ, nhưng lòng mến Chúa và yêu người phải vượt qua hình thức đạo đức nho nhỏ ấy, hơn là làm những việc to lớn mà tâm hồn đầy những kiêu ngạo, trống vắng đức ái.
Việc lớn thường khởi đầu từ việc nhỏ, và đường vào thiên đàng cũng chỉ là đường hẹp mà thôi (Mt 7,13-14).
26. CHO TA MỘT CƠ HỘI Donald T.Regan
Có một người công việc làm ăn bị lâm vào cảnh khốn khó, ông ta là một giáo hữu rất thành kính, nhiều năm nay đối với giáo hội vẫn khảng khái dâng cúng. Vì thế ông ta đi đến nhà thờ, cầu xin với Thiên Chúa cho ông ta trúng một giải thưởng lô-tô.
Ông ta chan chứa hy vọng đợi chờ trong khoảng thời gian ngắn, nhưng chẳng có gì xảy ra cả nên ông ta có chút băn khoăn, rồi lại đi nhà thờ khẩn cầu Thiên Chúa thêm một lần nữa, nhưng cũng như thế, vẫn chẳng có gì xảy ra cả.
Lần thứ ba, ông ta nổi giận, ông ta gầm thét với Đấng toàn năng: “Tại sao Ngài không cho con một cơ hội?”
Đột nhiên một trận gió thổi qua nhà thờ, một giọng nói trầm mạnh vang lên: “Cho ngươi một cơ hội ? Tại sao ngươi không cho Ta một cơ hội trước ? Ít nhất là ngươi phải đi mua một tấm vé số chứ !”
** Suy tư 26: Cũng như anh nông dân nọ trồng lúa, ngày ngày cầu nguyện với Chúa xin cho được mùa, nhưng suốt cả mùa lúa cứ nhậu nhẹt, đàn đúm với bạn bè, đến mùa gặt lúa, anh ta hí hửng đem liềm đem hái vào ruộng để gặt lúa, lòng phấn khởi vì hy vọng Chúa cho được mùa, nhưng vào đến nơi tìm đám ruộng của mình không thấy đâu cả, vì cỏ đã phủ lấp mất lúa cả rồi...
Chúa Giêsu không làm phép lạ không không, mặc dù Ngài dư sức làm được, Ngài muốn con người cộng tác với Ngài cũng như xưa kia với năm chiếc bánh và hai con cá, Ngài đã nuôi hơn năm ngàn người ăn no nê (Mt 14,15-21).
Cầu nguyện không có nghĩa là “khoán trắng” đám ruộng cho Chúa, rồi mình cả ngày ca hát vui chơi, nhưng là cầu xin cho được mưa thuận gió hoà, cầu xin cho công việc mình làm được tốt đẹp, cầu xin Chúa chúc lành cho ruộng đồng, cho mồ hôi nước mắt đổ ra, và nhất là cầu xin cho được ơn can đảm để đón nhận thử thách, thất bại.v.v…
Hãy cho Thiên Chúa một cơ hội trước, cũng có nghĩa là mình hãy bắt tay vào làm trước và Chúa sẽ chúc lành cho công việc của mình. Không làm thì làm sao mà xin Chúa chúc lành cho được chứ ? Cơ hội chính là ở đây: nơi chúng ta.
27. CẤP TIẾN VÀ BẢO THỦ Paul Claudel
Một người cấp tiến nói với người bảo thủ: “Để đi bộ, nhất định anh phải giẫm một chân trên đất, chân kia thì giơ lên trời. Nếu cả hai chân của anh đặt cả trên mặt đất, thì một bước cũng không tiến nổi !”
Người bảo thủ phản bác: “Nếu anh giơ cả hai chân lên, thì nhất định anh sẽ ngã và cái đầu sẽ va vào đất !”
** Suy tư 27: Người cấp tiến chê người bảo thủ là ù lì, không tiến được ; người bảo thủ thì chê người cấp tiến là chạy nhanh quá, sẽ té đau.
Cấp tiến quá thì sẽ đảo lộn trật tự, nền nếp đã có.
Bảo thủ quá thì hạn chế tài năng phát triển, không đi kịp thời đại.
Nguyên tắc của Chúa Giêsu thì như thế nầy: “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mo-sê và lời các ngôn xứ là thế đó” (Mt 7,12).
Không cấp tiến và cũng không bảo thủ, nhưng hãy cập nhật hoá cuộc sống của mình cho phù hợp với hoàn cảnh mà không đánh mất bản sắc của cộng đoàn mình.
28. TRỒNG VÀ SINH TRƯỞNG Dr. Charles M. Crowe
Có một viện nghiên cứu nông nghiệp, đã làm một cuộc nghiên cứu sản lượng của giống ngô (bắp), trong một mẵu ruộng Anh, sản lượng là 100 giạ ngô, sức lao động là do con người cống hiến, ngoài ra, Thiên Chúa cũng cống hiến một chút: 400 vạn pao  nước mưa, 6800 pao khí o-xy, 5200 pao cac-bon, 1900 pao anhydrit cacbonic, 160 pao ni-tơ, 125 pao kalium, 40 pao phốt pho, 75 pao lưu huỳnh, 50 pao magiê, 50 pao calcium, 2 pao sắt, và còn có một ít i-ốt, kẽm, đồng.v.v…
Những thứ ấy đều chức chất trong 100 giạ (bắp) ngô, ai cống hiến vậy?
** Suy tư 28: Con người khi làm được chuyện gì đó to lớn một chút, nổi danh một chút, được người khen một chút, thì dương dương tự đắc coi người khác không ra gì, chúng ta thử phân tích công việc của họ làm giống như các nhà thí nghiệm phân tích thành phần trong trái bắp ngô :
Ví dụ một linh mục giảng hay được mọi người thích nghe: công soạn bài, tìm tài liệu và diễn giảng là của linh mục; bộ não nhiều chất xám, trí nhớ xuất chúng, phán đoán nhanh nhẹn chính xác.v.v…là của ai làm ra, ngoài ra các tài liệu để soạn bài giảng, phương pháp giảng.v.v…là ở đâu mà có? Giọng nói hùng hồm âm điệu truyền cảm là của ai ban cho vậy?
Suy cho cùng, công của vị linh mục chẳng có là bao, vậy thì hà cớ gì mà phải kiêu ngạo với anh em, phải điệu bộ làm ra vẻ ta đây chứ? Nếu một mai chẳng may lâm bệnh nặng, mất trí nhớ, nằm một chổ…
29. CHUYỂN BẠI THÀNH THẮNG Christopher Notes
Na-po-le-on muốn trở thành một nhà viết văn xuôi nhưng không thành công, Suo-si-bia là nhà buôn lông cừu, Lin-ken là ông chủ tiệm tạp hoá, tổng thống Ge-lan làm nghề chế biến. Nhưng họ lại không vứt bỏ sự phấn đấu, họ chuyển vào một lãnh vực khác, thử làm các việc khác càng thích hợp với minh hơn, cho nên sau nầy họ đã thành công, chúng ta ai cũng đều thấy rõ.
** Suy tư 29: Công việc không thích hợp với mình cũng là một lý do của sự thất bại, nhưng thất bại lớn nhất chính là nhục cả chí khí, ý chí. Đọc gương của các danh nhân trên thế giới, chúng ta thường thấy họ rất bình thường, đa số xuất thân nghèo khó, nhưng ý chí và nghị lực cảu họ thì không ai bì kịp.
Thiên Chúa ban cho chúng ta một trí khôn là để chúng ta biết chọn lựa giữa cái hay và cái dở, cái thích hợp và cái không thích hợp với mình, trong cuộc sống đời thường có quá nhiều cái để chúng ta chọn lựa, nhưng chọn cái thích hợp cho mình thì chưa có.
Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng Giêsu, sau khi nghiên cứu Thánh kinh đã chọn cho mình một con đường để nên thánh: con đường thơ ấu ; linh mục Vincent Lebbe đã chọn con đường truyền giáo cho người Trung quốc ; mẹ Têrêxa Calcuta đã chọn con đường phục vụ người nghèo ở Aán độ.v.v…và còn rất nhiều vị thánh đã chọn cho mình một con đường để đi.
Chúng ta đã chọn con đường truyền giáo cho một dân tộc xa lạ về ngôn ngư õ, phong thổ…nhưng lại khá gần gủi với chúng ta về tập quán và phong tục, đó là một lợi thế, nhưng để thành công, chúng ta cần phải hoạch định cho mình một phương pháp truyền giáo cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương, giáo hội địa phương và phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa…
30. GIÁ TRỊ CỦA THẤT BẠI Bruno Hagspiel
Sở dĩ cuộc sống luôn luôn có thể đi qua được thịnh vượng và khoẻ mạnh, là bởi vì nó được kiến lậo trên sự đối lập, cạnh tranh và khác biệt, đối sánh ; ví dụ như ánh sáng và bóng tối, hoan lạc và buồn thương.v.v… Cạnh tranh vẫn có thể mang lại cho chúng ta cái tốt nhất, chúng ta thích một cuộc chơi căng thẳng, mà không muốn tự ý bỏ cuộc, đã đi là phải thi đua.
Từ trong thất bại chúng ta học được nhiều thứ hơn, so với cái học được trong thắng lợi, bởi vì thất bại có thể làm cho chúng ta suy nghĩ lại, phân tích, và cải thiện kế hoạch hành động.
** Suy tư 30: Kinh tế thị trường, tự nó là một cuộc chơi, hay nói cách khác, nó là một cuộc cạnh tranh gay gắt để tìm kiếm thị trường trên thế giới, trong khu vực, đồng thời nó cũng là thần tài cho những công ty may mắn, nó cũng là thần chết cho những công ty thua lỗ.
Cuộc đời cũng là một cuộc chơi, một cuộc cạnh tranh sinh tử giữa sự thiện là Thiên Chúa và sự ác là ma quỷ và những đồng đảng của nó: kiêu ngạo, gian dâm, ghét ghen, nói hành hói xấu nhau.v.v… cuộc chiến nào cũng có thất bại và chiến thắng, chiến đấu với ma quỷ và đồng đảng của nó cũng thế, có khi chúng ta thua đau đớn nhục nhã, nhưng cũng có lúc chúng ta chiến thắng vẻ vang.
Thất bại không có nghĩa là ta đầu hàng, mà là khiêm tốn cầu xin “viện trợ” nơi Thiên Chúa, nơi Đức Maria, thánh cả Giuse và các thánh trên trời, để rồi chúng ta mãi mãi bình an, rồi không chiến đấu nữa, nhưng chiến thắng chính là dịp để chúng ta nhìn nhận sức mình có hạn, yếu đuối, cần khiêm tốn nhiều nữa, cần trông cậy vào Thiên Chúa nhiều hơn nữa.
Thất bại là mẹ thành công cho những ai biết kiên cường đứng dậy tiếp tục chiến đấu, nhưng thất bại cũng là cha thất bại của những người nản lòng bỏ cuộc, đầu hàng vô điều kiện.
Ma quỷ đã thua một trận xiểng niểng vì một linh hồn sạch tội, nhưng rồi nó mưu mô đi tìm thêm bảy tên quỷ dữ tợn hơn nó trở lại tiếp tục chiến đấu, và kết cục rất là thảm hại cho linh hồn người ấy (Mt 12, 43-45).
Chúng ta không biết kiếm tìm đồng minh trên trời khi bị bảy thất bại hay sao?
TẬP BỐN: THỎA MÃN
31. HÀNH TRÌNH LÊN NÚI Dr. Adolfson
Trong một đêm, có ba người cưỡi ngựa vượt ngang qua một nòn núi.
Lúc họ đi đến giữa một lòng sông khô cạn, nghe trong đêm tối truyền lại một âm thanh: “Dừng lại !” Họ nghe lệnh và dừng lại, âm thanh ấy lại kêu họ xuống ngựa, nhặt một hòn sỏi, đựng vào trong túi, sau đó lên ngựa.
Lúc nầy âm thanh ấy lại nói: “Các ngươi hãy nghe theo lời ta nói mà làm, sáng sớm ngày mai sau khi mặt trời mọc, các ngươi sẽ vừa vui mừng vừa hối hận”. Các kị sĩ nghe những lời đầy nghi hoặc nầy, lên ngựa đi mà không cần giải thích.
Sáng hôm sau lúc ánh sáng ban mai xuất hiện, họ lấy đồ ở trong túi ra xem, chợt phát sinh chuyện kì lạ, các viên đá kia đã biến thành kim cương, hồng ngọc và các loại châu báu quý giá ! Lúc nầy họ bèn nhớ lại lời: các ngươi sẽ vừa vui mừng vừa hối hận- Vui mừng là vì họ cầm được một vài viên ngọc quý, hối hận là vì họ không lấy thật nhiều.
** Suy tư 31: Từ nhà đến trường học ta gặp nhiều hạng người trên đường đi, ta cũng gặp những cánh hoa dại ven đường, và có khi chân ta vấp vào một viên đá nhỏ nào đó, suýt té.
Cuộc đời truyền giáo cũng vậy, ta gặp nhiều hạng người nơi cánh đồng đầy lúa và cỏ lùng, cũng có những cánh hoa dại và những tảng đá to lớn chắn đường; nhưng theo kinh nghiệm của các nhà nông thì ở đâu cỏ mọc nhiều, thì đó là mảnh đất hứa hẹn màu mỡ tốt tươi.
Vâng phục và yêu thương là hai sức mạnh để Chúa Giêsu hoàn tất công trình cứu chuộc ở trần gian, nó chính là những viên kim cương vô giá, những viên hồng ngọc sáng ngời màu sắc chiếu rọi ánh sáng Phúc âm vào tâm hồn tối tăm của người ta. Để phát quang cỏ lùng, để nhặt những viên đá làm ta vấp ngã trên cánh đồng truyền giáo, ta phải bám chặt vào sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa qua bề trên, và tình yêu đối với mọi người, thì cho dù gặt hái thành công hay thất bại ta vẫn nở nụ cười tươi mà không hối hận, vì ta đã chu toàn bổn phận cách xuất sắc.