Chúa cho Lazaro sống lại (Jn11,1-45)
Bêtania ở phía đông núi Ôliu, cách Giêrusalem 3 cây số. Đây là nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazarô. Với Chúa Giêsu, Bêtania trở thành một nơi rất quen thuộc. Chúa nhiều lần đã qua lại nơi đây sau những ngày rao giảng mệt nhọc, nhất là sau khi cảm nếm sự cứng lòng của những người lãnh đạo Do Thái, khiến Người có cảm giác như bị thất bại và ruồng bỏ. Tình bạn giữa Chúa Giêsu và những thành viên trong gia đình Bêtania thật là thắm thiết, đến nỗi khi Lazarô đau nặng, hai chị em đã cho người báo tin cho Chúa: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11,3).
Lazarô đã chết, thế là Chúa Giêsu lên đường trở về Giuđêa, mặc dầu trước đó không lâu suýt nữa Chúa Giêsu đã bị ném đá. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã thương mến ba chị em như thế nào. Rồi qua diễn tiến câu chuyện chúng ta càng thấy rõ tâm tình của Chúa Giêsu dành cho gia đình này.
Chúng ta nghe tiếp câu chuyện: khi nghe tin Chúa Giêsu đến với gia đình, Matta đã đi đón Người :”Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”.
Sau đó bà về gọi Maria, em gái bà và nói với em rằng : “Thầy ở ngòai kia, Thầy gọi em”.
Maria đến gặp Chúa và cũng lặp lại lời của Matta:” Thưa Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết”. Khi thấy bà khóc và những người Do Thái bà cũng khóc, Chúa Giêsu thổn thức, xúc động và đã rơi lệ.
Một cảnh tượng thật cảm động. Một cảnh tượng cho thấy Chúa Giêsu thực là một con người. Một con người với tất cả những gì là tự nhiên nhất của nó.
Chính ở đây cho chúng ta thấy : Một Thiên Chúa đã phản ứng như một con người. Phải, chúng ta có một Thiên Chúa, một Thiên Chúa rất gần với con người. Một Thiên Chúa sống giữa con người. Một Thiên Chúa biết chia sẻ những mất mát lớn lao của những người thân trong gia đình. Người đã rơi lệ.
Một Thiên Chúa biết rung cảm với một gia đình mà ở đó chỉ có ba chị em. Hai người chị và một đứa em trai. Bây giờ đứa em trai đã chết. Quả thật, một sự mất mát vô cùng lớn đối với hai người chị này.
Và làm sao an ủi được hai chị em này. Thế là Chúa đã khóc. Chúa đã rơi lệ. Những giọt nước mắt rơi xuống. Những giọt nước mắt của một con người, nhưng cũng là một Thiên Chúa.
Tất cả đều hé mở cho chúng ta một điều vô cùng quan trọng : Không có một tôn giáo nào lại có một vị thần minh ở với con người như Chúa Giêsu ở với chúng ta. Phải, một Thiên Chúa đã đến ở với con cái lòai người. Và vị Thiên Chúa đó đã cảm nhận được những nỗi đau thương, những nỗi thống khổ cũng như những mất mát của con người.
Và một phép lạ đã xảy ra: Lazarô đã sống lại.
Sự sống lại của Lazarô muốn nói với chúng ta điều gì?
Dĩ nhiên sự sống lại của Lazrô nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng hé mở cho chúng ta về cuộc sống mai hậu.
Trong chúng ta không có ai có kinh nghiệm về sự sống lại, nhưng mấy năm gần đây,
một số bác sĩ người Đức và Mỹ đã chú ý đến hiện tượng mà họ gọi là "kinh nghiệm cận tử" (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay vì một lý do gì đó làm họ ngất đi trong một thời gian khá lâu. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết, nhưng sau đó họ sống lại.
Các bác sĩ đã phỏng vấn 1.370 trường hợp.
Trong những điều họ thuật lại, có những điểm chung sau đây:
- Họ không còn sợ chết nữa.
- Cuộc sống ở "cõi bên kia" hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.
Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người.
Kinh nghiệm của những người cận tử là họ không còn sợ chết nữa, nhưng ai trong chúng ta vẫn sợ hãi khi cái chết đến với chúng ta.
Một câu chuyện kể rằng:
Có người kia rất giầu sang phú qúi. Một hôm, ông tìm đến hang đá của vị ẩn tu nổi tiếng là thánh thiện và được đặc ân có đường dây liên hệ trực tiếp với Chúa.
Người phú hộ xin vị ẩn tu cầu nguyện cho mình và hỏi Chúa xem sau khi chết ông có được vào thiên đàng hay không.
Lời thỉnh xin của người phú hộ xem ra hơi khác thường, nhưng vì người ấy cứ nài nỉ, nên vị ẩn tu chấp nhận sẽ cầu nguyện với Chúa cho ông, với điều kiện là cho thêm ít hôm để cầu nguyện với Chúa.
Một tuần lễ sau, nhà phú hộ trở lại với vị ẩn tu để được nghe lời Chúa muốn nói với ông. Vị ẩn tu nói :
- Tôi đã được Chúa cho biết điều ông mong ước cầu xin. Nhưng có một tin vui và một tin buồn, vậy ông muốn nghe điều nào trước ? Tin vui hay tin buồn ?
Nhà phú hộ phân vân suy nghĩ một lúc. Sau đó chọn xin cho biết tin vui trước.
Vị ẩn tu đáp :
- Tin vui là ông sẽ được rỗi linh hồn và sẽ được lên thiên đàng.
Nghe vậy, nhà phú hộ vui mừng thích chí lắm và tự nhủ:”Ngoài tin vui mừng lớn lao này, trên đời này còn gì phải là tin buồn nữa”.
Như bị tính tò mò thôi thúc, nhà phú hộ hỏi thêm cho biết :
- Tin buồn là gì ?
Vị ẩn tu đáp : Có lẽ tin buồn mà ông không muốn nghe nói tới, đó là ông sẽ phải chết ngay hôm nay.
Bình thường thì ai cũng sợ chết, nhưng với kinh nghiệm của những người cận tử đã cho chúng ta thấy :
- Họ không còn sợ chết nữa.
- Cuộc sống ở "cõi bên kia" hạnh phúc hơn cuộc sống ở đời này.
- Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.
Điều duy nhất mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người Những điều nghiên cứu trên đây thật là một điều quí giá cho chúng ta. Nếu ai trên trần thế này cũng sống như kinh nghiệm của những người "cận tử" thì chúng ta thấy quả là thiên đàng đã xuất hiện ngay trên trần gian này rồi. Amen.
***********************************************************************
Suy Niệm Chúa Nhật V Mùa Chay – Năm A, Lm Anton Trung Thành
Bệnh tật, chết chóc là những nỗi khổ của con người. Nhưng có khi qua
bệnh tật, chết chóc con người lại nhận được những bài học có giá trị cho
cuộc sống. Chúng ta có thể thấy được điều này qua “sự cố” của ông
Ladarô mà câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại.
1. Bài học thứ nhất: Sự liên đới và quan tâm giúp đỡ
Đó chính là tình liên đới giữa Đức Giêsu với ba chị em Martha, Maria
và Ladarô: Xét về phạm vi tự nhiên, giữa Đức Giêsu và ba chị em của
Martha có một mối tương quan tình bạn gần gũi, thân thiện và trong sạch.
Hiện diện với nhau khi vui, có mặt với nhau khi buồn, đồng cảm với nhau
trong mọi hoàn cảnh. Trong một xã hội mà con người dễ bị cám dỗ sống
dửng dưng với nhau như hôm nay, thì tình liên đới tốt đẹp giữa Đức Giêsu
với ba chị em nhà Martha là mẫu gương cho mỗi người chúng ta noi theo.
Đó là tình liên đới giữa các thành viên trong gia đình: Khi biết Ladarô
bị bệnh, hai chị em Martha và Maria đã cho người nhắn tin cho Đức Giêsu:
“Người Thầy yêu đau nặng” (Ga 11,3). Việc làm này thể hiện sự quan tâm
của Martha, Maria đối với em là Ladarô. Trong cuộc sống, chúng ta cần có
sự liên đới giúp đỡ nhau, nhất là giữa những người thân thuộc trong gia
đình. Khi một ai đó trong gia đình bị bệnh, những thành viên khác cần
quan tâm giúp đỡ, nhất là tìm thầy chạy thuốc, để người ốm đau được khám
chữa bệnh một cách chu đáo hầu mong chóng khỏe lại.
2. Bài học thứ hai: Làm Sáng Danh Chúa
Trong bài Tin Mừng Chúa nhật tuần trước, khi các môn đệ hỏi Đức Giêsu
về trường hợp anh mù từ khi mới sinh. “Anh ta bị mù là do tội anh ta
hay do tội của cha mẹ anh ta?” Đức Giêsu trả lời: "Không phải anh ta,
cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để
thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga
9, 3). Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, khi Martha và Maria sai người đến
báo tin cho Đức Giêsu biết “Người Thầy yêu đau nặng .” Đức Giêsu cũng
trả lời rằng: “Bệnh này không đến nỗi chết, nhưng để làm sáng danh Thiên
Chúa và do đó Con Thiên Chúa sẽ được vinh hiển” (Ga 11,4). Và sau đó,
diễn biến của câu chuyện Tin Mừng thực sự đã làm sáng danh Thiên Chúa.
Bởi vì, qua câu chuyện Tin mừng này niềm tin của các Tông đồ được cũng
cố, chính Đức Giêsu đã nói: “Ladarô đã chết. Nhưng Thầy mừng cho các
con, vì Thầy không có mặt ở đó để các con tin. Vậy chúng ta hãy đi đến
nhà ông”(Ga 11,14). Không những niềm tin các Tông đồ được cũng cố mà
niềm tin nơi các người hiện diện cũng được cũng cố. Chính Martha thưa
với Đức Giêsu khi Ngài hỏi về niềm tin rằng: "Thưa Thầy, vâng, con đã
tin Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian"
(Ga 11, 27). Và nhiều người Do thái cũng đã tin vào Đức Giêsu khi chứng
kiến phép lạ này (x. Ga 11,45).
3. Bài học thứ ba: Giúp mọi người hiện diện tin vào sự sống đời sau
Phép lạ Đức Giêsu cho ông Ladarô sống lại báo trước sự phục sinh của
Ngài sau này, đồng thời hé mở cho chúng ta thấy viễn tượng sống lại
trong ngày sau hết như chúng ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính “Tôi tin
xác loài người ngày sau sống lại, tôi tin hằng sống vậy .”
Thật vậy, con người có hai sự sống: sự sống thể xác và sự sống linh
hồn. Trong bài đọc II, Thánh Phaolô gọi là sự sống phần xác và sự sống
theo Thần Khí. Cũng vậy, con người có hai cái chết: chết về phần xác và
chết về phần linh hồn.
Đối với phần xác: Có ngày khai sinh, có ngày khai tử. Không ai sống
mãi ở trên cõi đời này. Người trẻ cũng chết. Người già cũng chết. Người
giàu cũng chết. Người nghèo cũng chết. Người có quyền cao chức trọng
cũng chết. Người thường dân cũng chết. Ladarô trước khi được Đức Giêsu
cho sống lại cũng đã chết 4 ngày và chắc chắn sau đó ông cũng phải chết.
Đức Giêsu vì mang bản tính con người cho nên Ngài cũng chết. Nhưng đức
tin kitô giáo dạy chúng ta “xác loài người ngày sau sẽ sống lại .”
Ngoài phần xác, con người còn có phần linh hồn. Linh hồn nhận được sự
sống của Thiên Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Linh hồn được nuôi
dưỡng nhờ Bí tích Thêm sức, Giao Hòa, Thánh Thể, Xức dầu … Sự sống linh
hồn sẽ được kéo dài vĩnh viễn bên Chúa khi con người chết trong ơn nghĩa
Chúa. Chúng ta gọi là chết lành. Đó là trường hợp của ông Ladarô trong
“dụ ngôn nhà phú hộ và ông Ladarô” (x. Lc 16,19-31), đó là tình trạng
của năm cô khôn ngoan trong “dụ ngôn mười trinh nữ” (x. Mt 25,1-13), đó
là tình trạng của những người đứng bên hữu Đức Giêsu trong ngày phán xét
(x. Mt 25, 31.46). Đó là tình trạng của các thánh trên Thiên đàng.
Chính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã nói: "Nếu một mai bạn thấy tôi nằm
chết, bạn đừng buồn, vì chính Cha chung của chúng ta là Thiên Chúa đã
đến đón tôi đi, đơn giản vậy thôi ."
Nhưng sự sống linh hồn cũng có thể bị chết do tội lỗi. Khi con người
cố tình phạm tội trọng thì coi như linh hồn đã chết. Nếu tình trạng đó
kéo dài sau khi chết cả phần xác thì sẽ lâm vào tình trạng chết đời đời.
Chúng ta gọi là chết dữ. Đó là tình trạng của nhà phú hộ trong “dụ ngôn
người phú hộ và ông Ladarô,” năm cô trinh nữ khờ dại trong “dụ ngôn
mười trinh nữ” và những người đứng bên tả Đức Giêsu trong ngày cánh
chung.
Tóm lại, sự cố của ông Ladarô là cơ hội để con người thể hiện sự quan
tâm và tình liên đới với nhau. Đặc biệt đây là dịp để làm sáng danh
Chúa và củng cố niềm tin vào sự sống đời đời của chúng ta.
Lạy Chúa, chúng con cám tạ Chúa đã cho chúng con có đức tin, nhất là
đức tin về sự sống đời sau. Xin cho mỗi người chúng con không chỉ tuyên
xưng niềm tin mà còn thể hiện niềm tin đó trong cuộc sống để ngày sau
chúng con được sống mãi với Chúa trên Thiên Đàng. Amen.