Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA NHẬT III PHỤC SINH - NĂM B

Filled under:

Lời ChúaLc 24, 35-48
    Hai môn đệ từ Emmau trở về, thuật lại cho Nhóm Mười Một và các bạn hữu những việc đã xảy ra dọc đường và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh. Các ông còn đang nói, thì chính Ðức Giêsu đứng giữa các ông và bảo: “Bình an cho anh em!” Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. Nhưng Người nói: “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. Vì mừng quá, các ông vẫn chưa tin và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi: “Ở đây anh em có gì ăn không?” Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông. Rồi Người bảo: “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Môsê, các Sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.”
    Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Ðấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân của những điều này”.
Suy nim 1
Sợ ma không phải chỉ là chuyện của trẻ con.
Cả người lớn như các tông đồ cũng sợ ma.
Có lần Ðức Giêsu đi trên mặt nước mà đến với họ,
nhưng họ kinh hoàng tưởng Thầy là ma.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra với các môn đệ,
họ cũng hoảng hốt tưởng là thấy ma.
Ðấng sống lại đã kiên nhẫn làm hết cách
để đưa các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng.
Ngài mời họ xem và đụng đến tay chân Ngài
để thấy Ngài là người bằng xương bằng thịt.
Ngài còn ăn một miếng cá nướng
để cho họ thấy Ngài không phải là một bóng ma.
Khi các môn đệ yếu đức tin,
họ coi Ðức Giêsu phục sinh chỉ là bóng ma.
Nhưng khi đức tin của họ được củng cố,
họ mới thấy Ngài có thực.
Lắm khi chúng ta vẫn tưởng Chúa là bóng ma đe dọa,
vì Chúa đến gặp ta một cách quá bất ngờ,
giữa lúc con thuyền đời ta chòng chành vì gió ngược,
hay lúc căn nhà lòng ta khép kín vì nỗi buồn đau.
Chúa vẫn đến lúc ta tưởng Ngài không thể đến.
Ngài mời gọi ta làm chứng nhân cho Ngài.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm hy vọng.
Ðức Giêsu bị đóng đinh đã sống lại ra khỏi mồ.
Bạo lực, bất công, dối trá, hận thù bị thảm bại.
Quyền lực của bóng tối chỉ là tạm thời.
Chiến thắng cuối cùng thuộc về Tình Yêu và Ánh Sáng.
Bởi thế người Kitô hữu vẫn hy vọng không ngơi
ngay giữa lúc sự dữ có vẻ thắng thế.
Kitô hữu là chứng nhân của sự sống.
Thế giới hôm nay bị mê hoặc bởi sự chết.
Những cuộc chiến tranh, xung đột, ám sát, bạo động.
Những loại ma tuý khiến người ta chết không ra người.
Những vụ phá thai quá dễ dàng nơi các cô gái trẻ.
Những vụ tự tử chỉ vì những lý do không đâu.
Kitô hữu phải làm cho sự sống có mặt,
và hấp dẫn gấp ngàn lần sự chết.
Họ phải là nguồn sống dồi dào,
sống đơn sơ, thanh bạch, nhưng hạnh phúc.
Kitô hữu là chứng nhân của niềm vui.
Bao trẻ thơ buồn vì thiếu thầy cô, thiếu trường học.
Bao bệnh nhân ở xa thành phố, cần đến thầy thuốc.
Bao người nghèo khổ sống trong nỗi muộn phiền.
Nếu chúng ta thực sự có niềm vui của Chúa,
nếu chúng ta đã ra khỏi nỗi âu lo về mình,
chắc chúng ta sẽ ra đi công bố Tin Mừng Phục Sinh,
bằng việc đem lại nụ cười cho những người bất hạnh.
Chuyện Ðức Giêsu phục sinh là chuyện khó tin.
Nhưng nếu chúng ta sống quên mình phục vụ
thì người ta có thể gặp đươc Ðấng đang sống.
Cầu nguyn:
Giữa một thế giới
chạy theo tiện nghi, hưởng thụ,
xin cho con biết bằng lòng với cuộc sống đơn sơ.

Giữa một thế giới còn nhiều người đói nghèo,
xin cho con đừng thu tích của cải.

Giữa một thế giới mà sự sống bị chà đạp,
xin cho con biết quý trọng phẩm giá từng người.

Giữa một thế giới không tìm thấy hướng sống,
xin cho con biết xây lại niềm tin.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con cảm được
cơn đói đang giày vò bao người,
xin cho con nghe được lời mời của Chúa:
“Các con hãy cho họ ăn đi.”

Ước gì chúng con dám trao
tất cả những gì chúng con có cho Chúa,
để Chúa trao tất cả những gì Chúa có
cho chúng con và cho cả nhân loại.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
SUY NIỆM 2

     Theo số liệu thống kê của Giáo Hội Công Giáo tính đến cuối năm 2012 số người Công giáo trên toàn thế giới là 1,228 tỷ, Người Công giáo chiếm khoảng 17,5% dân số thế giới, như vậy còn 82,5% chưa nhận biết Chúa Kitô, mặc dầu Giáo Hội đã nỗ lực chu tất sứ vụ loan truyền của mình. Tại sao? Có thể những người Kitô hữu chúng ta chưa loan truyền đúng vè Đức Kitô Phục sinh

     Có nhiều người Kitô hữu hiểu rằng, nhiệm vụ loan báo Tin Mừng là một nhiệm vụ được thêm vào, vì thế có người thơ ơ với nhiệm vụ nầy, có người thì coi nhiệm vụ loan báo đơn giản như một việc chỉ đường, hoặc quá khích hơn, người ta coi Tin Mừng như một món hàng đắt giá, để rồi ra sưc quảng cáo với một mục đích là  chiêu dụ tín đồ, có người còn giới thiệu Tin Mừng bằng những lời hứa hẹn về một phần thưởng, hay đưa lời ngăm đe bằng những hình phạt… Và vì thế  nhiều người khi nghe đến Tin mừng vội vàng quay lưng .

     Quả thật, việc loan báo Tin Mừng không là nhiệm vụ được thêm vào nhưng thuộc về bản chất của đời sống Kitô hữu, có nghĩa là, khi được tháp nhập vào Thân Mình Chúa Kitô qua bí tích Rửa tội, người tín hữu liền được dự phần vào sứ vụ mà Chúa Giêsu giao phó cho Giáo Hội mà không cần bất cứ một sự giao phó nào nữa. Vì thuộc bản chất nên mọi sinh hoạt đời sống của người Kitô hữu đều là lời loan báo Tin Mừng. Nhưng phải loan báo Tin Mừng Phục sinh như thế nào, để mang lại tính khả tín hầu người nghe có thể tin theo?

     Tin Mừng Phục sinh đã tường thuật lời của Chúa  Giêsu: “ Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” Việc loan báo Tin Mừng Phục sinh không là giới thiệu một Đức Kitô viễn vông, mơ hồ, mà ngày nay người ta gọi là “một con người ảo”, nhưng phải là một Đức Kitô phục sinh “có xương, có thịt”. Vâng, trong một thế giới mà sự phát triển khoa học kỹ thuật đang làm mưa làm gió, thì việc sống với thế giới ảo đang là một nhức nhối cho xã hội hôm nay. Có người đã chia sẻ: Tôi có một cô bạn. Cuộc sống trên Facebook của cô ấy cực kỳ hoàn hảo. Cô xinh đẹp, đi du lịch nhiều nơi. Cô share rất nhiều bài viết mang đậm hơi thở chính luận của các nhà báo nổi tiếng. Cô post lên Facebook hàng chục bài phát biểu của các chính trị gia, với caption đều bằng tiếng Anh. Hôm 2/9/2017 , cô được mời đến nhà chồng sắp cưới dùng cơm, nhân tiện bàn luôn chuyện cưới hỏi. Buổi gặp mặt rất được kỳ vọng ấy biến thành cơn ác mộng khi cô phát hiện ra bố mẹ chồng tương lai hóa ra đều là giảng viên của 2 trường đại học rất lớn. Họ trẻ trung, họ đều dùng Facebook và họ đều đọc tất cả những gì cô đưa lên Facebook. Trong lúc trà dư tửu hậu, họ nghĩ rằng cô quan tâm tới lũ lụt, tới nước mắm thạch tín, tới startup, tới những bài phát biểu truyền cảm hứng của ông tổng thống Hoa Kỳ và họ hào hứng kéo cô vào cuộc trao đổi. Nhưng cô không biết gì cả. Đúng nghĩa đen của từ "không biết gì". Cô chỉ share lên Facebook làm màu. Cô chưa từng nghe ông Tổng thống Hoa kỳ phát biểu. Buổi gặp gỡ ấy kết thúc bằng cái lắc đầu ngán ngẩm của bà mẹ người yêu và cô đủ thông minh để hiểu rằng, sẽ không có thêm buổi gặp gỡ nào nữa. Vâng, sống ảo biến cư dân của nó thành những xác chết biết đi, vô hồn. Vào nhà hàng gọi một món ăn và thay vì mời bố mẹ - những người đang ngồi ngay trước mặt – chúng ta phải chụp ảnh, post Facebook để "mời 500 anh em ăn cùng cho vui". Thật là nực cười.

     Tin mừng Phục sinh cần được loan báo, nhưng sự loan báo không là những thông tin chỉ dẫn trên các phương tiện truyền thông, không dừng lại nơi việc cử hành các nghi thức hoành tráng, trái lại việc loan báo phải được cụ thể hoá qua chứng nhân hiện thực cụ thể. Vâng, Tin mừng Phục sinh không là những lời nói trống rỗng, nhưng phải được trình bày sống động nơi những con người có xương có thịt, qua hoàn cảnh sống  “nơi những cha mẹ nuôi nấng con cái họ với tình yêu thương bao la, nơi những người nam nữ làm việc chăm chỉ để nuôi sống gia đình, nơi người bệnh tật, nơi các tu sĩ già cả mà không bao giờ mất nụ cười của họ” nói như Đức Phanxicô trong tông huấn Gaudete et Exultate. 

     Vào ngày 23-3-2018 tại cửa tạp hoá Trebes một thị trấn nhỏ ở miền Nam nước Pháp, một tay súng 25 tuổi người Hồi giáo Redouane Lakdim đã giết nhân viên một siêu thị, một dân thường đang mua đồ trong siêu thị và bắt giữ nhiều con tin. Sau khi nhiều con tin được giải cứu duy chỉ còn người phụ nữ bị tay súng giữ lại, và chính Trung tá Arnault Beltrame, một người công giáo, đã đề nghị đổi chỗ làm con tin thay cho người phụ nữ trên, cuối cùng viên sĩ quan đã bi tên khủng bố bắn trọng thương cuối cùng ông qua đời tại bệnh viện. Viên sĩ quan đã ngã xuống, và sự hy sinh của viên sĩ quan là bằng chứng hùng hồn cho niềm tin vào sự Phục sinh của Đức Kitô. Không có lời loan báo hùng hồn nào về Tin Mừng Phục sinh cho bằng sự hy sinh của viên sĩ quan. 

     Quả thậy, Việc loan báo Tin Mừng Chúa Kitô Phục sinh không đòi hỏi bất cứ một kỹ thuật cao siêu nào, mà việc đó nằm ngay chính nơi đời sống Kitô hữu, một con người cụ thể, trong môi trường sinh sống cụ thể. Lời loan báo Tin Mừng không chỉ là lời thốt ra từ môi miệng, nhưng được bày tỏ cách trọn vẹn trong mọi sinh hoạt của cuộc sống, để có thể nói được rằng, niềm hy vọng Phục sinh đã được minh chứng cách cụ thể qua đời sống của nguòi tín hữu. một đời sống được tôi luyện bằng những chiến đấu liên tục, cuộc chiến không chỉ đơn thuần chống lại “thế giới và não trạng thế gian" hay "chống lại các yếu đuối và xu hướng của con người chúng ta ... Mà còn là một cuộc chiến đấu liên tục chống lại ma quỷ, hoàng tử của sự ác" (Đức Phanxicô). Chúng ta phải chiến đấu, để công việc loan báo Tin Mừng về sự sống không bao giờ bị dập tắt, trái lại nó được đâm rễ sâu vào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, một cuộc sống thấm đẫm tình yêu thương được đúc nén từ việc kết hợp mật thiết với Đức Kitô, Đấng gần gũi với mọi hoàn cảnh của cuộc sống nhân gian, với những kẻ bị bỏ rơi, nghèo đói, và như thế người ta sẽ không còn cảm thấy xa lạ khi nghe về Tin Mừng, nhưng hơn hết người ta gặp gỡ được một Đức Giêsu thật gần gũi, thật dễ mến qua những con người cụ thể là chính chúng ta người Kitô hữu. Amen.


Lm. Antôn Hà Văn Minh