Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Buông Bỏ Tham Sân Si

Filled under:

Buông Bỏ Tham Sân Si

Con người ta thường mệt mỏi là do tâm phiền muộn mà sinh ra nhiều hơn. Cái tâm chứa đầy tham sân si nên dễ mệt mỏi, thất vọng khi không thỏa mãn điều mình muốn. Càng tham ái, sân si nhiều càng mỏi mệt... Chỉ khi con người biết buông bỏ những tham sân si lúc ấy mới thấy tâm bình an và hạnh phúc.

Có một tỷ phú sống trong căn biệt thự xa hoa. Rồi một ngày kia mắc bệnh hiểm nghèo, ông chợt nhận ra rằng tất cả những gì là danh vọng, tiền tài và vật chất, thực ra đều hư vô như mây khói.

Vì lo sợ sẽ không sống được bao lâu nữa, ông bèn tìm đến một vị danh y để xin lời khuyên. Sau khi bắt mạch, danh y nói với ông rằng: “Bệnh của ông ngoài cách này ra thì không thuốc nào có thể chữa khỏi. Tôi sẽ kê cho ông ba đơn thuốc, ông cứ theo đó mà làm, hết đơn thứ nhất thì chuyển sang đơn tiếp theo. Ba đơn thuốc đó là: Nghỉ ngơi, cho đi và buông xuống.

Nghỉ ngơi cho tâm hồn thanh thản. Cho đi để tâm hồn hạnh phúc và buông xuống để tâm hồn không còn lệ thuộc bởi danh lợi thú trần gian.

Nhưng xem ra muốn nghỉ ngơi, hay muốn cho đi thì con người phải biết buông xả mới có tâm bình an và lòng quảng đại. Con người cần phải buông đi những lợi danh, buông đi những hận thù tranh chấp, những toan tính nhỏ nhoi thì lòng mới thanh thoát bình an. Lòng buông xả thì tâm bình an. Con người còn cần buông đi những đam mê mù quáng, buông đi những thói hư tật xấu mới tìm được hạnh phúc của tự do tâm hồn.

Nguồn gốc của tội lỗi là con người luôn chất chứa những tham sân si. Con người luôn giữ cho mình những toan tính tham lam, những nóng giận cuồng điên và những mê muội cuồng si.

 Khởi đầu mùa chay Giáo hội nhắc nhở chúng ta thân phận con người chỉ là bụi tro, một mai rồi cũng trở về tro bụi. Lợi danh, quyền quý cũng chỉ là phù vân. Không có chi tồn tại. Không có chi vững bền. Tất cả đều mong manh tan vỡ theo thời gian. Vậy tại sao chúng ta phải bận lòng với những hư vô ấy? Tại sao lòng ta lại chất chứa những tham sân si để mang phiền não cho cuộc đời? Tại sao chúng ta cứ theo đuổi phù vân mà gây nên những bễ dâu cho cuộc đời?

Hãy nhìn nhận tất cả chỉ là tro bụi để can đảm buông lòng mình cho Chúa gột rửa khỏi những toan tính trần thế, những hư danh phù phiềm, những đam mê thế tục. Hãy buông bỏ những danh lợi thú để trở về với Chúa trong chay tịnh khiêm tốn ăn năn. Khi con người buông bỏ những tham ái, sân si thì cuộc đời ta mới thanh thản, hạnh phúc, tươi vui. Khi con người buông bỏ những toan tính của danh lợi thú thì cuộc đời ta sẽ không còn những tháng ngày tranh chấp, ganh đua, bon chen giành giật lẫn nhau. . .

Hôm nay ngày Lễ Tro, từng đoàn người lũ lượt lên xức tro, nhưng liệu có mấy ai đã dám buông bỏ mọi sự để trở về với Chúa? Có mấy ai thực sự không bận lòng trước những bon chen danh vọng, quyền chức, tiền tài? Có mấy ai thực sự buông bỏ những đam mê tội lỗi, những cuồng si thấp hèn?

 Xức tro là biểu hiện lòng sám hối. Xức tro chỉ đem lại sự tươi trẻ tâm hồn khi chúng ta quyết tâm từ bỏ tội lỗi, tránh xa cám dỗ và làm lại cuộc đời. Xức tro lên đầu nói lên thân phận yếu đuối của con người và cần đến lòng thương xót của Chúa. Chúng ta nại đến lòng thương xót của Chúa để được ơn thứ tha, đồng thời nhờ nguồn ân thánh của Chúa sẽ làm mới lại cuộc đời chúng ta.

Ước gì tâm hồn chúng ta sẽ tràn ngập niềm vui khi biết sám hối ăn năn. Xin đừng ở lì trong tội khiến tâm hồn chúng ta già nua, thiếu sức sống. Xin đừng vì lối mòn tội lỗi mà đánh mất sự tươi trẻ trong tâm hồn. Xin Chúa giúp chúng ta can đảm trở về tắm gội trong đại dương bao la tình Chúa. Amen

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền


YÊU THƯƠNG LÀ MỘT CHUYẾN ĐI 

1. Khi nhận chức Giám mục ngày 30 tháng 4 năm 1975, tôi đã chọn cho tôi một Lời Chúa làm khẩu hiệu.

Tôi nhớ trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ của Người rằng: “Thầy trao ban cho anh em một giới răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy yêu thương anh em” (Ga 13, 34).

Có thể là tình hình lúc tôi thụ phong Giám mục là rất phức tạp, nên chính Chúa đã soi cho tôi chọn “Giới luật yêu thương” trích từ Lời Chúa trên đây làm khẩu hiệu, để ơn gọi Giám mục của tôi có phương hướng rõ ràng và chắc chắn.

2. Tôi đã sống theo hướng đó. Qua 43 năm, bây giờ, tôi nhìn lại ơn gọi đó, tôi thấy yêu thương là một chuyến đi.

Tôi đi từ ngày này sang ngày khác, với niềm khao khát góp được phần nào trong việc xây dựng yêu thương cho những nơi tôi phục vụ. Tôi thấy thế này:

3. Mỗi ngày là một ngày mới. Mỗi ngày của tôi bắt đầu từ thánh lễ bàn thờ. Trong thánh lễ bàn thờ, tôi được Chúa đốt lên trong tôi niềm khao khát Chúa. Tôi khao khát được gặp Chúa. Tôi khao khát tìm thấy Chúa. Tôi khao khát cho mọi người đều được gặp Chúa, để nhờ Chúa mà được cứu độ và được bình an.

4. Sau thánh lễ bàn thờ là thánh lễ cuộc đời. Cuộc sống mỗi ngày của tôi được tôi coi là một thánh lễ cuộc đời. Trong thánh lễ cuộc đời, tôi cũng được Chúa đốt lên trong lòng niềm khao khát Chúa.

5. Cứ thế, ngày nọ sang ngày kia, tôi trở thành con người khao khát Chúa.

Từ khao khát Chúa, tôi khao khát những giá trị đạo đức, trong đó có yêu thương như Chúa đã yêu thương.

Lòng khao khát đó chính là lời cầu nguyện. Chúa thương đến với tôi qua nhiều ngả, nhất là qua Lời Chúa và qua những con người sống yêu thương.

6. Ngày nào, tôi cũng gặp được Lời Chúa và những người yêu thương. Tôi đón nhận những món quà đó, để đào tạo mình. Đón nhận như thế chính là một việc quan trọng để sống ơn gọi yêu thương.

Tôi cảm tạ Chúa cách riêng, vì nhiều người yêu thương không xa tôi. Họ là người yêu thương, trước khi làm việc yêu thương. Tôi tin họ có Chúa trong mình một cách nào đó.

Khi khiêm nhường đón nhận những gương sáng của họ, tôi cảm thấy mình được hạnh phúc, vì được trở nên tốt hơn, và vì thấy xã hội cũng được bình an hơn.

7. Từ đón nhận tôi thực thi việc cho đi.

Cho đi của tôi là phục vụ. Tôi phục vụ mọi người, nhất là nhằm mục đích giúp cho họ gặp được Chúa là tình yêu cứu độ giầu lòng thương xót.

Để đạt được mục đích đó, tôi luôn chia sẻ Lời Chúa và luôn đề cao yêu thương.

Yêu thương, nên tôi coi cầu nguyện và hy sinh cho những người mình phục vụ, là điều cần thiết.

Yêu thương, nên tôi coi những việc lành nhỏ bé phục vụ, là một chọn lựa thích hợp cho tôi.

Yêu thương, nên tôi coi thái độ mà Chúa Giêsu đã nói trong dụ ngôn người Samaria tốt lành (x. Lc 10, 29- 37) là điều rất phải quan tâm. Những người bị trọng thương nằm ở vệ đường như được tả trong dụ ngôn, hiện nay là vô số, dưới nhiều hình thức khác nhau. Ai có trái tim yêu thương, sẽ nhận ra họ, để mà cứu họ, không cách này thì cách khác.

8. Tôi nhớ có lần, ai đó đã nói: Cứu người thì phải cụ thể và quảng đại. Tôi muốn thêm “và cũng phải khôn ngoan”. Nếu không khôn ngoan, thì không chừng việc cứu sẽ không có hiệu quả, thậm chí còn có thể trở thành nguy hại cho người mình muốn cứu.

9. Nói đến khôn ngoan, tôi nghĩ đến khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần hiện nay đang ban ơn khôn ngoan cho nhiều người, nhiều nhóm, để họ biết cách cứu người theo thánh ý Chúa.

Chỉ có điều là chúng ta có xin vâng sự chỉ dẫn của Chúa Thánh thần hay không.

Rất nhiều lần, khi xét mình, tôi thấy tôi tưởng mình xin vâng Chúa Thánh Thần, nhưng đó là tưởng lầm. Tôi phải sửa lại. Cũng Chúa Thánh Thần giúp tôi sửa lại.

10. Với sự biết mình có nhiều điều cần sửa lại, tôi càng ngày càng nhận ra điều này: “Yêu thương là một chuyến đi. Chuyến đi của yêu thương là rất dài, rất phức tạp. Học mãi vẫn chưa đủ, nhận lãnh mãi vẫn chưa đủ, cho đi mãi vẫn chưa đủ.

11. Nhưng được chút nào vẫn là hạnh phúc. Tôi cần cảm tạ Chúa vì hạnh phúc đó. Còn phần chưa đủ, thì tôi cậy trông ở Chúa. Như vậy, tôi được bình an, để bước thêm mãi, cho dù chuyến đi sẽ còn dài.

12. Tôi thấy yêu thương là một chuyến đi dài, nhiều nhọc nhằn, có nhiều bất ngờ, với những hậu quả khó lường. Vì thế, tôi luôn nép mình dưới bóng Mẹ Maria. Xin Mẹ dắt dìu tôi như đứa con bé nhỏ của Mẹ.

13. Có Mẹ ở bên, tôi thấy trong suốt chuyến đi này, tôi rất cần tỉnh thức và cầu nguyện, để nghe được Chúa Thánh Thần soi đường chỉ lối.

14. Ngay chính lúc này, khi tình hình đang tăng thêm nhiều bất ổn ngấm ngầm, tôi càng được Mẹ khuyên hãy tỉnh thức và cầu nguyện nhiều hơn, bởi vì yêu thương sẽ gặp rất nhiều trắc trở, do ngoại cảnh và do nội bộ. Nếu chẳng may trắc trở lại do chủ quan của người môn đệ Chúa gây nên, thì sẽ rất nguy hiểm. Nỗi sợ của tôi là chính đáng. Biết sợ chính là một ơn Chúa ban.

15. Trong một tình hình, mà rất nhiều người không còn sợ Chúa, thì nỗi sợ của tôi được coi là hữu ích cho chuyến đi yêu thương. Tôi sợ, nên tôi bám vào Chúa, tôi tìm đến Chúa, tôi xin Chúa cứu.

Và khi chắc chắn mình được Chúa thương, thì tôi chắc chắn đó là hạnh phúc và hy vọng cho tôi. Hạnh phúc và hy vọng đó theo tôi suốt hành trình yêu thương. Đi về cõi sau, sẽ ở bên Chúa đời đời vô cùng vô tận.

Long Xuyên, ngày 13.4.2018
Gm. Gioan B BÙI TUẦN