Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Phút suy niệm ngày 17/4/2018

Filled under:

“Tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi đã cho các ông ăn bánh bởi trời.” (Ga 6,32)

Người Do Thái đòi hỏi Chúa làm phép lạ như Mô-sê. Quá bận tâm đến nhu cầu ăn uống nên  họ lầm tưởng rằng thứ manna xưa có thể thoả mãn cơn đói khát của họ.
 Chúa Giê-su chỉ rõ cho họ: chính Chúa Cha nuôi sống họ chứ không phải Mô-sê và Bánh Bởi Trời đích thực là chính Thân Mình Ngài.
Cơn đói đích thực của họ là cơn đói thiêng liêng mà chỉ có thứ bánh bởi trời đích thực mới có thể thoả mãn. 
 Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho niềm khao khát sống với Chúa nơi con được sống lại, để con luôn được thuộc trọn về Chúa.



THÁNH ANICÊTÔ, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO
(+165)
"Chúa chiên lành hiến mạng sống mình cho đoàn chiên" (Ga. 10, 11).
Hơn ai hết, Thánh Giáo Hoàng Anicêtô đã có thể tự hào áp dụng lời Chúa phán trên đây về mình. Quả thực, ngài đã được Chúa giao phó việc chăn giữ đoàn chiên Chúa và ngài đã thi hành đầy đủ nhiệm vụ của một mục tử nhiệt thành. Để bảo vệ toàn vẹn đoàn chiên, ngài đã không ngại hiến cả mạng sống mình vì đoàn chiên. Ngài quả xứng đáng mang danh hiệu Anicêtô: "Con người bất khuất." (tiếng Anicêtô có nghĩa là bất khuất).
Thánh Giáo Hoàng Anicêtô sinh trưởng tại Syria. Ngay từ bé đã có nhiều dấu hiệu báo trước ngài sẽ trở thành một vĩ nhân, một vị thánh. Vì là con nhà dòng dõi quý tộc, nên Anicêtô được gửi đến trường rất sớm và được theo đuổi học vấn một cách chu đáo. Với trí khôn minh mẫn, Anicêtô học đâu nhớ đấy và luôn luôn đứng đầu lớp. Tuy học hành thông minh, nhưng Anicêtô không kiêu căng, vì thế cậu được các bạn rất mực quý mến.
Thời niên thiếu cũng là lúc Anicêtô rất ham đọc Kinh Thánh, nhất là Phúc âm. Dần dà Lời Chúa thấm nhập vào tận xương tủy Anicêtô khiến cậu từ bỏ tất cả những vinh hoa phú quý để được tự do nghe tiếng gọi cấp bách của Chúa Cứu Thế. Anicêtô gia nhập hàng giáo phẩm… Qua năm 157, sau khi Đức Giáo Hoàng Piô I bị hành quyết vì đức tin, ngài được bầu lên ngôi Giáo Hoàng đại diện Chúa Kitô trên trần gian.
Vừa lên ngôi thánh Phêrô, Đức Anicêtô bắt tay ngay vào việc khu trừ mọi tệ nạn đang bành trướng trong Giáo hội. Ngài cấm các tu sĩ không được ăn vận theo thói đời và phải cắt tóc ngắn. Đồng thời ngài gửi nhiều thư cho các vị Giám mục, khuyên các ngài tận tâm với chức vụ thánh và hoàn toàn tuân theo các sắc lệnh của Toà Thánh. Đức Anicêtô cũng ban nhiều thông điệp khuyên hàng giáo sĩ phải tự luyện cho mình có một đời sống thánh thiện và một tinh thần truyền giáo hợp với tinh thần thánh Phaolô tông đồ. Ngài cũng khuyên nhủ hàng giáo sĩ đạo đức trong cách ăn ở phải khác người đời: "Phải trổi vượt hơn họ về mọi nhân đức vì hàng đạc đức đã được tuyển lựa giữa dân chúng và khỏi dân chúng, để chuyên lo những nhiệm vụ thánh".
Trong thời thánh Anicêtô làm Giáo Hoàng, ngài đã được tiếp kiến thánh Pôlycapô, Giám mục thành Symyrna tại Rôma.
Trong cuộc gặp gỡ này, hai vị thánh đã đàm đạo về việc ấn định ngày mừng lễ Phục sinh để dung hòa Đông và Tây. Nhưng việc không thành. Cũng trong thời gian đó, ngài còn được tiếp kiến thánh Justinô tử đạo, một triết gia lỗi lạc của Giáo hội sơ khai, một nhà thần học đã viết nhiều tác phẩm minh giáo rất thời danh.
Dưới thời Đức Giáo Hoàng Anicêtô, Giáo hội phải trải qua một thời kỳ bách hại dữ dội chưa từng thấy. Hoàng đế Maccô Aurêliô ban hành sắc lệnh bách hại đạo Chúa Kitô trong khắp đế quốc Rôma. Đa số các vị Giám mục đều bị trảm quyết. Người đại diện Chúa Kitô cũng không tránh khỏi số phận đó. Mùa hạ năm 165, đang lúc ngài cử hành thánh lễ, thì bọn lính hoàng gia xông vào bắt trói. Hoàng đế truyền ngài tế thần, nhưng ngài một mực từ chối. Ngài bị đánh nhiều trận đến nát cả mình mẩy. Sau cùng, thấy không thể dụ dỗ được ngài, Hoàng đế truyền đem ngài đi hành quyết.
Xác thánh nhân được an táng tại nghĩa địa Calixtô. Một tài liệu khác lại cho rằng, ngài không hân hạnh được đổ máu ra vì đức tin, không bị trảm quyết; nhưng dù sao ngài cũng đã xứng đáng được danh dự tử đạo vì đã chịu đau khổ nhiều vì Chúa Kitô. Với chí bất khuất hiếm có, thánh Anicêtô quả xứng đáng được tôn lên bậc hiển thánh như ngọn đèn sáng cho mọi người soi chung.



Sờ Ðược Ðức Kitô

Mẹ Têrêxa thành Calcutta đã có lần kể lại như sau:
Một hôm, có một cô thiếu nữ đã tìm đến Ấn Ðộ để xin gia nhập dòng Thừa Sai Bác Ái của chúng tôị 
Chúng tôi có một quy luật, theo đó, ngày đầu tiên khi mới đến, tất cả những ai muốn sống với chúng tôi, cũng đều được mời sang nhà hấp hối, tức là nhà đón tiếp những người sắp chết. Do đó, tôi đã nói với thiếu nữ đó như sau:
"Con đã nhìn thấy vị linh mục dâng Thánh lễ. Con đã thấy Ngài sờ đến Thánh Thể với chăm chú và yêu thương là dường nào. Con cũng hãy đi và làm như thế tại nhà Hấp Hối, bởi vì con sẽ thấy Chúa Giêsu trong suốt ba tiếng đồng hồ". Tôi mới hỏi lại sự thể đã diễn ra như thế nào, cô ta đáp như sau: "Con vừa đến nhà Hấp Hối thì người ta mang đến một người vừa té xuống một hố sâu. Mình mẩy của người đó đầy những vết thương và bùn nhơ hôi thối.... Con đã đến và đã tắm rửa cho anh ta. Con biết rằng làm như thế là chạm đến Thân Thể của Ðức Kitô".
Có lẽ chúng ta nên tự vấn: chúng ta có tin rằng, tất cả mọi cuộc gặp gỡ với tha nhân đều là một cuộc gặp gỡ với Chúa không? Ðức tin của chúng ta có được diễn đạt qua cuộc sống hằng ngày không? Thánh lễ mà chúng ta tham dự mỗi ngày có được tiếp tục trong cuộc sống hằng ngày không?
Thánh Thể là trung tâm của đời sống Kitô, bởi vì Kitô giáo thiết yếu là một sức sống. Người Kitô đến bàn tiệc Thánh Thể để tiếp nhận sự sống và năng lực cho mọi hoạt động của mình.
Là trung tâm của cuộc sống, Thánh Thể được cử hành với đầy đủ ý nghĩa nếu việc cử hành đó gắn liền với cuộc sống. Cắt đứt liên lạc với cuộc sống, tất cả mọi cử hành chỉ còn là những động tác lãng mạn, viển vông.
Do đó, người Kitô sẽ mang đến bàn thờ tất cả cuộc sống của mình và múc lấy từ bàn thờ sức sống mới cho cuộc sống của họ. Hay nói cách khác, Thánh thể là một thu gọn của cuộc sống hằng ngày và cuộc sống hằng ngày là một tiếp nối của Thánh Thể. Ðức Kitô không những chỉ muốn chúng ta gặp gỡ nhau trong Thánh Thể và gặp gỡ Ngài trong lúc cử hành, Ngài còn muốn chúng ta gặp gỡ với Ngài qua tất cả mọi sinh hoạt và gặp gỡ khác trong cuộc sống.
Bàn thờ trong giáo đường và bàn thờ của cuộc sống phải là một. Ðức tin của chúng ta không chỉ thể hiện trong nhà thờ, nhưng còn phải được tuyên xưng giữa phố chợ. Từng giây từng phút của chúng ta phải trở thành một cuộc gặp gỡ với Chúa. Từng cuộc gặp gỡ với tha nhân, nhất là những người hèn kém nhất, phải là một gặp gỡ với Ðức Kitô.