Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

Giáo hội dẫn đầu cuộc chiến bảo vệ sự sống trong bối cảnh con số phá thai kỷ lục

Filled under:

Thứ Tư ngày 5 tháng 8 năm 2015


Giáo hội Công giáo Việt Nam đã thực hiện một số khởi xướng để bảo vệ sự sống và chống lại con số phá thai ngày một tăng, mà lại thường làm chui gây nguy hại vô cùng cho sức khỏe thanh thiếu niên.

 
Ở Bắc Ninh, thuộc Tổng giáo phận Hà Nội, Caritas đang mở các khóa đào tạo cho ít nhất khoảng 65 người, để cộng tác cùng các tình nguyện viên ở 6 giáo xứ, nhằm giúp các phụ nữ mang thai giữ lại đứa trẻ của mình.

Con số phá thai chính thức thật đáng báo động. Từ năm 1989, khi chính phủ hợp pháp hóa phá thai, con số các ca này đã tăng theo cấp số nhân. Ngày nay, Việt Nam là quốc gia số một ở châu Á, và số 5 thế giới về phá thai.

Mỗi năm, hơn 300 ngàn phụ nữ trẻ và thiếu nữ từ 15 đến 19 tuổi, đi phá thai. Nhiều em còn ngồi ghế trường phổ thông và đại học (chiếm 60 đến 70%). Nhiều phòng phá thai tư nhân và bất hợp pháp nở rộ gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe các thiếu nữ.

Ở thủ đô Hà Nội, con số này còn cao hơn, và nhiều phụ nữ trẻ đã phá thai nhiều lần, như thể đây là một phương pháp tránh thai vậy.


Nhiều thanh niên quan hệ tình dục trước hôn nhân, và thường có thai khi còn trên ghế nhà trường. Còn với những người khác, là do bạo hành và xâm hại.

Một nhân viên công tác xã hội ở Hà Nội cho biết, ‘Thật đau lòng khi thấy các phòng phá thai nở rộ khắp thành phố này. Các thanh niên chưa kết hôn và cả thiếu niên, chỉ muốn gạt phứt đi rắc rối và họ đến những phòng phá thai này khi mang thai.’

Theo các nhà tâm lý học, con số phá thai trong giới trẻ đang tăng đều, ‘thường đi kèm với cảm giác nhục nhã và sợ hãi.’

Nhiều trường hợp, các thanh thiếu nữ tìm đến những phòng khám tư bất hợp pháp, nơi điều kiện vệ sinh và thực hành y tế không đạt chuẩn, nên có thể gây nguy hại cho sức khỏe phụ nữ.

Trước tình hình cấp bách này, các nhóm bảo vệ sự sống đang bắt tay lập mạng lưới để ngăn chặn nạn phá thai. Những người tích cực nhất là các phong trào Công giáo và các nhóm của giáo phận, như nhóm ở Bắc Ninh đây.

Ít nhất mỗi 3 tháng, các thành viên trong nhóm quy tụ, cầu nguyện, tham dự thánh lễ và chia sẻ kinh nghiệm cũng như các vấn đề gặp phải. Caritas cũng tài trợ các buổi hội thảo để gây nhận thức cộng đồng.

Nhiều người không Công giáo rất cảm kích công việc này, nói rằng họ ‘ấn tượng’ trước tinh thần hi sinh và nhân đạo của các tình nguyện viên Công giáo, vốn thường bị giới chức cầm quyền ngăn trở.

Một người Công giáo giấu tên cho biết, ‘Dù các nhóm phải đối diện với nhiều ngăn cản và khó khăn từ nhà chức trách địa phương, nhưng phong trào bảo vệ sự sống ở Bắc Ninh được chào đón, và dần dần từng bước được mọi người tin tưởng.’

J.B. Thái Hòa chuyển dịch