Thứ Năm, 6 tháng 8, 2015

5 Phút cho Lời Chúa 6/8/2015

Filled under:

Chúa Hiển Dung
Mc 9,2-10

ĐỂ ĐƯỢC BIẾN ĐỔI GIỐNG CHÚA
“Người đưa các ông... tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông.” (Mc 9,2)
Suy niệm: Trong Thánh Kinh, những ngọn núi cao mang ý nghĩa thần học hơn là địa lý: đó là nơi Thiên Chúa hiện diện và mạc khải chương trình ý định của Ngài. Những biến cố quan trọng trong cuộc đời công khai của Chúa Giê-su cũng gắn liền với những “nơi cao”, những ngọn núi, nơi Đức Giê-su diện kiến Chúa Cha và lãnh nhận thánh ý Ngài: núi tám mối phúc thật (Mt 5,1-12), núi Chúa hiển dung (Mc 9,2), núi Chúa cầu nguyện sau khi giải tán dân (Mt 14,23), Núi Sọ nơi Chúa chịu chết (Lc 23,33)... Trong kinh Năm Sự Sáng, khi suy ngắm Chúa hiển dung, ta cầu xin được biến đổi nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Ơn Thánh Thần ấy đưa tâm hồn ta lên cao với Chúa, không thú vui hay tiện nghi trần thế nào có thể kéo ghì ta xuống đất. Nhờ vậy, ta noi gương Thầy Giê-su tìm gặp Chúa Cha ở “nơi cao” để được biến đổi nên giống Ngài.
Mời Bạn: Muốn gặp Chúa, để được biến đổi giống như Ngài, bạn và tôi phải nỗ lực vượt thắng các cám dỗ của thế gian, bỏ ý riêng để tuân hành thánh ý Chúa. Điều gì đang làm bạn vướng bận không thể biến đổi như Chúa muốn?
Chia sẻ: Đứng trước trào lưu hưởng thụ của thời đại hôm nay, bạn làm gì để miễn nhiễm với chúng?
Sống Lời Chúa: Ước ao được Chúa biến đổi để tâm hồn trở nên trắng tinh, rực rỡ đến nỗi không thợ giặt nào có thể giặt trắng được như thế (x. Mc 9,3).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa không quản ngại mang lấy thân phận ô nhơ của con người, để thanh tẩy chúng con được sạch. Xin cho chúng con biết vượt lên những ham muốn trần tục mà vươn lên tới Chúa. Amen.

Lễ Hiển Dung

Cả ba Phúc Âm Nhất Lãm đều đề cập đến biến cố Hiển Dung (Mátthêu 17:1-8; Máccô 9:2-9; Luca 9:28-36). Với một sự tương đồng đáng chú ý, cả ba đều kể lại biến cố này sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế và sau lần đầu tiên Đức Giêsu nói về sự thống khổ và cái chết của Người. Sự hăng hái của Phêrô trong việc dựng lều nơi hiển dung đưa ra giả sử rằng, biến cố đó xảy ra trong dịp Lễ Lều kéo dài một tuần lễ trong mùa thu.

Mặc dù cả ba văn bản đều rất giống nhau, theo các học giả Kinh Thánh, thật khó để diễn lại cảm nghiệm của các tông đồ, vì các Phúc Âm dựa rất nhiều vào Cựu Ước trong đoạn diễn tả cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa ở núi Sinai và những điều tiên tri về Con Người. Chắc chắn là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã thoáng được nhìn thấy thiên tính của Đức Giêsu, nhưng ấn tượng ấy đủ mạnh để tạo nên sự sợ hãi in sâu trong tâm hồn họ. Một cảm nghiệm như vậy không thể nào diễn tả được, do đó các ngài dùng cách diễn đạt thông thường trong kinh sách để diễn tả. Và tất nhiên, Đức Giêsu đã cảnh cáo cho họ biết, sự vinh hiển và sự thống khổ của Người liên hệ với nhau một cách chặt chẽ -- đó là chủ đề mà Gioan lập đi lập lại trong Phúc Âm của ngài.

Truyền thống coi núi Tabor là nơi hiển dung. Đầu tiên, trong thế kỷ thứ tư một nhà thờ được dựng nên ở nơi đây để cung hiến cho biến cố này vào ngày 6 tháng Tám. Một ngày lễ để tôn kính sự Hiển Dung được Giáo Hội Đông Phương cử mừng bắt đầu từ khoảng thời gian đó. Sự mừng kính của một vài giáo hội Tây Phương bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ tám.

Vào ngày 22 tháng Bảy 1456, Thập Tự quân đánh bại quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Belgrade. Tin tức về cuộc chiến thắng được đưa về Rôma vào ngày 6 tháng Tám, và vào năm sau, Đức Giáo Hoàng Callistus III đã đưa ngày lễ này vào niên lịch phụng vụ của Rôma.

Lời Bàn
Một trong những tường thuật về sự Hiển Dung được đọc vào Chúa Nhật II Mùa Chay hàng năm, để tuyên xưng thiên tính của Đức Kitô cho các người dự tòng. Phúc Âm của Chúa Nhật I Mùa Chay, ngược lại, là câu chuyện Đức Giêsu bị cám dỗ trong sa mạc -- xác nhận nhân tính của Đức Kitô. Hai bản tính khác biệt nhưng không thể tách rời của Chúa Giêsu là một chủ đề gây nhiều tranh luận trong lịch sử Giáo Hội thời tiên khởi; ngày nay chủ đề ấy vẫn còn khó cho nhiều người thấu hiểu.

Lời Trích

Trong biến cố Hiển Dung, Đức Kitô cho các môn đệ thấy sự huy hoàng mỹ miều của Người, mà qua đó Người sẽ uốn nắn và tô điểm những ai thuộc về Người: "Người sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người" (Philípphê 3:21) (Thánh Tôma Aquinas, Tổng Luận Thần Học).